Thi THPT quốc gia: Dự kiến tổ chức thi trên máy tính
Trong đề án hơn 749 tỷ về “Đổi mới thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2018 -2020″ mà Bộ GD&ĐT vừa gấp rút thu hồi vì bị dư luận phản ánh có nêu một số điểm mới. Theo đó, dự kiến kỳ thi sẽ thi trên máy tính.
Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Trong Đề án, Bộ GD&ĐT ghi rõ: “Ổn định phương thức tổ chức thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH,CĐSP, TCSP hệ chính quy từ năm 2018 – 2020 và định hướng tổ chức thi THPT quốc gia từ năm 2021″.
Theo đó, năm học 2017 – 2018, Bộ GD&ĐT đã đưa ra lộ trình: Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình GDPT mới.
Về bài thi, môn thi, trong các năm 2018, 2019 và 2020, được giữ ổn định như năm 2017.
Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Theo Bộ GD&ĐT, để triển khai định hướng thi trên máy tính từ năm 2021 nên cần chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi trên máy tính, phần mềm quản lý và tổ chức thi…
Dự kiến xây dựng 25 trung tâm tổ chức vệ tinh của Bộ tại nhiều khu vực khác nhau trên cả nước, để triển khai tổ chức thi thử nghiệm trên máy tính giúp thí sinh ở các tỉnh giảm chi phí đi lại, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Xây dựng mô đun biên soạn câu hỏi thô trực tuyến phục vụ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trực tuyến, đánh giá năng lực ngoại ngữ, đánh giá năng lực cán bộ, giáo viên…
Video đang HOT
Sẽ có 2 khối kiến thức trong đề thi
Về nội dung thi, trong đề án ghi rõ: năm 2018 nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 cấp THPT, chủ yếu là lớp 12 THPT.
Năm 2019 và 2020 thì nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là lớp 12 THPT.
Theo đó, Bộ đưa ra hai khối kiến thức là: Khối kiến thức cơ bản ở các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, đảm bảo hầu hết thí sinh đáp ứng được yêu cầu.
Khối kiến thức ở mức độ vận dung cao, chỉ những học sinh có học lực từ khá trở lên mới đáp ứng được yêu cầu này, có tác dụng phân hoá cao, lựa chọn được học sinh có năng lực phù hợp, làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ, TC sử dụng tuyển sinh.
Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, liên môn, kinh nghiệm sống, hiểu biết xã hội để trả lời.
Đề thi không đặt nặng yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Đại học được bổ sung hình thức thi phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ
Theo đề án, với các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì phải lựa chọn và công bố các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường (các môn xét tuyển) và công bố môn thi chính (nếu có) trong số các môn xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường, yêu cầu các môn thi phải phù hợp với ngành, nghề đào tạo của nhà trường.
Với các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển có thể bổ sung các hình thức khác như: thi bổ sung, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ theo quy định của Quy chế tuyển sinh.
Các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh vào trường thì phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng và công bố công khai. Đề án tuyển sinh riêng cần chỉ rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
Bị phê phán, thu hồi ngay kinh phí
Tổng kinh phí khái toán để thực hiện đề án đổi mới thi này mà Bộ GD&ĐT đưa ra là hơn 749 tỉ đồng. Theo đó, năm 2018, dự kiến chi hơn 344 tỉ đồng, năm 2019 hơn 203 tỉ đồng và năm 2020 hơn 201 tỉ đồng.
Riêng công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi với tổng số tiền là hơn 266 tỉ đồng. Trong đó, năm 2018 dự kiến chi hơn 84,7 tỉ đồng cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa với tổng cộng sẽ có 126.000 câu hỏi thô.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh, đồng thời xây dựng và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia với tổng kinh phí là 317 tỉ đồng.
Ngay khi báo chí phản ánh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lập tức chỉ đạo thu hồi Đề án để tiếp tục hoàn thiện vì xét thấy, nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, may mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thu hồi nhanh, kịp thời chứ không sẽ dẫn tới hậu quả khó lường vì số tiền “khủng” này. Theo ông Khuyến, đề thi THPT quốc gia nên là đề thi chung cho tất cả các vùng miền trên cả nước và đương nhiên Bộ GD&ĐT dùng ngân sách quốc gia làm đề thi là hợp lý.
Việc tổ chức thi như thế nào thì Bộ nên giao lại cho các địa phương và người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm, Bộ GD&ĐT chỉ nên làm công tác thanh tra, kiểm tra. Còn tuyển sinh là việc của các trường ĐH đã quy định trong Luật giáo dục ĐH, Bộ không nên can thiệp quá nhiều!.
Quang Vũ
Theo Dân trí
Trường có bài thi, môn thi xét tuyển không gắn với ngành đào tạo có thể bị giải trình
Trước việc một số trường đại học (ĐH) đưa ra những tổ hợp xét tuyển mới, lạ, thậm chí có môn/bài thi không liên quan đến ngành xét tuyển, ngày 23/3, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) đã có ý kiến về việc này.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng tư vấn cho thí sinh trong ngày hội tư vấn - hướng nghiệp 2018.
Trước hết, thực hiện quy định tại Điều 34 của Luật Giáo dục ĐH: "Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh". Trong quy chế tuyển sinh quy định các trường được sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. Các trường không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành.Các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh ra sao. "Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Quy trình xác định tổ hợp cho các ngành thường do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu... Và, nhà trường phải giải trình được tính liên quan, hợp lý, cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo" - bà Kim Phụng nhấn mạnh.
Bà Phụng cũng cảnh báo, nếu trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan đến ngành đào tạo để xét tuyển sinh thì sẽ bị "mất nhiều hơn được". Bởi dư luận xã hội sẽ so sánh chất lượng đầu vào của khối trường đang đào tạo cùng ngành và có đánh giá thấp những trường xét tuyển tổ hợp lạ. Những em thí sinh có học lực tốt sẽ không chọn trường này, dẫn đến đây chỉ là điểm đến của những em không có tinh thần thực học, đi học chỉ để kiếm tấm bằng.
Về phía thí sinh chưa suy nghĩ chín chắn vào trường không phải bằng kiến thức nền tảng vững chắc sẽ rất khó tiếp thu kiến thức. Cũng như các em không hứng thú trong khi học, tốt nghiệp khó xin việc làm. Nếu có xin được việc làm thì công việc cũng khó trở thành niềm yêu thích, đam mê, để từ đó cống hiến và phát triển... Thực tế, đã có nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng thường rơi vào những trường hợp này, dẫn đến lãng phí tiền học, thời gian, công sức...
Nhưng, điều quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường sẽ bị giảm sút khi tuyển sinh bằng cách "vơ bèo vạt tép". Chủ sử dụng lao động sẽ nghi ngờ chất lượng đào tạo và không muốn nhận sinh viên của trường. Nhà trường cũng không thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi... Đương nhiên, tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ dẫn đến con đường "tự sát".
Bà Phụng tin rằng: "Thực tế không nhiều trường lựa chọn những tổ hợp có môn thi không liên quan đến ngành đào tạo. Tuy nhiên, nếu chúng tôi thấy có những tổ hợp quá bất thường thì sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực để kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện quy định về tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm thì bị xử lý nghiêm theo quy định. Thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung".
Năm nay, các trường được trao quyền tự chủ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (trừ các ngành đào tạo giáo viên). Nhưng Bộ GD&ĐT vẫn yêu cầu sau khi có điểm thi, các trường phải công bố công khai điểm sàn nhận xét tuyển trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng. Đồng thời phải nhập lên cơ sở dữ liệu thi tuyển sinh để quản lý.
Trên cơ sở đó, các phương tiện truyền thông hoặc Bộ GD&DT có thể lập danh sách điểm sàn của các trường để công khai, minh bạch thông tin cho thí sinh có lựa chọn phù hợp. Đây cũng là cách để các trường phải giữ uy tín, xây dựng "thương hiệu" cho mình.
Theo bà Phụng, để giảm thiểu tình trạng trên, tới đây, trong nội dung tập huấn thi tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng sẽ trao đổi trực tiếp với các trường. Và, cùng với sự đồng hành tuyên truyền của các cơ quan truyền truyền thông, thí sinh sẽ nhận thức đúng vấn đề, lựa chọn đúng tổ hợp và ngành sở trường để đăng ký xét tuyển.
Theo Kinhtedothi.vn
Bộ GD&ĐT thu hồi đề án đổi mới thi 749 tỉ đồng Đề án "Đổi mới thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" với tổng kinh phí 749 tỷ đồng của Bộ GD&ĐT gây xôn xao dư luận vừa được Bộ này thu hồi sáng nay 22/5. Dư luận đang xôn xao về Đề án "Đổi...