Thi THPT quốc gia chủ yếu nhằm mục đích thi tốt nghiệp: Học sinh lớp 12 học như thế nào?
Chỉ mới tiếp cận những thông tin mới nhất về mục tiêu kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 qua truyền thông nên lãnh đạo các trường THPT vẫn khẳng định dạy và học như lộ trình đã công bố trước đây.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Các trường đã… quá quen với những thay đổi
Vào cuối tháng 9, trong phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nói rằng năm 2019, kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu đánh giá học sinh THPT. Sau đó, trong buổi gặp gỡ báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, thông tin năm 2019, đề thi thiết kế để đánh giá mức độ học vấn phổ thông, gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản và một số câu hỏi có tác dụng phân hóa. Bộ sẽ sớm ban hành đề tham khảo để học sinh tiếp cận.
Trước những thông tin này, lãnh đạo các trường THPT tại TP.HCM cho hay, các trường đã quá quen với việc Bộ thường xuyên có những thay đổi trước kỳ thi. Vì vậy cho dù “hoang mang” nhưng khi chưa có một văn bản có tính chất pháp quy thì cả thầy và trò vẫn phải ổn định theo những kế hoạch chuẩn bị từ đầu năm học cho đến khi có văn bản chính thức.
Vẫn dạy và học theo lộ trình đã có
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết theo thông thường, hình thức thi cử sẽ quyết định việc học, ôn thi của giáo viên và học sinh. Theo phân cấp, khi có văn bản chính thức của Bộ, Sở có công văn hướng dẫn cụ thể thì các trường mới triển khai thực hiện. Còn như hiện tại, ông Bình nhấn mạnh: “Vẫn thực hiện theo lộ trình cũ, tức là đề thi 2019 có thêm những kiến thức của lớp 10, cho nên ngoài việc đảm bảo kiến thức lớp 12 thì trong những nội dung cụ thể, nếu liên quan đến kiến thức lớp 10 và 11, giáo viên sẽ kịp thời nhắc nhở và lưu ý học sinh”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1), cho rằng nhà trường vẫn phải ổn định việc dạy và học như đã quy định vào đầu năm. “Mọi thông tin phải chờ quy định chính thức. Trước hết phải đảm bảo đủ kiến thức lớp 12 cho học trò và nếu cần lưu ý phần kiến thức nào khác thì sẽ tổ chức vào thời gian cuối học kỳ 2″, vị hiệu trưởng này thông tin.
Video đang HOT
Còn giáo viên Trương Minh Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết các thông tin thi cử còn mơ hồ và chưa rõ ràng nên giáo viên vẫn thực hiện theo lộ trình cũ; vừa đảm bảo chương trình lớp 12 và trong chủ đề cụ thể, có thể củng cố những kiến thức bao trùm toàn bộ chương trình THPT. Chỉ khi nào Bộ công bố đề thi minh họa thì giáo viên mới có những định hình để xây dựng kế hoạch ôn tập một cách bài bản nhất.
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, hiện nay chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào về kỳ thi ngoài những thông tin tiếp cận qua báo chí. Do vậy, việc dạy và học trong các trường vẫn thực hiện theo hướng dẫn từ trước, khi nào Bộ có văn bản khác, trên cơ sở đó Sở mới ban hành những hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Cần thông tin sớm
Nguyễn Ngọc Thùy Anh, học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây (Q.Thủ Đức), lo lắng: “Việc thi cử khiến tất cả học sinh đều có những áp lực. Khi chưa có thông tin chính thức, chúng em hoang mang vô cùng vì không biết việc học và ôn thi của mình có phù hợp không. Do vậy, thay đổi thì Bộ cần thông tin ngay và sớm, đừng để cho học sinh phải học trong mông lung”.
Chính vì vậy, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cảm thông cho sự lo lắng của học sinh lớp 12 năm nay. Thạc sĩ Du cho hay: “Với những thông tin về kỳ thi do lãnh đạo Bộ cung cấp vừa qua, có thể thí sinh chỉ thi THPT để xét tốt nghiệp sẽ cảm thấy dễ chịu. Ngược lại, thí sinh có mục tiêu thi ĐH sẽ không tránh khỏi những băn khoăn và hoang mang. Không biết trường mình hướng đến có lấy kết quả kỳ thi THPT để xét hay không. Nếu không thì sẽ ôn thi như thế nào để đảm bảo kiến thức đáp ứng những tiêu chí tuyển sinh mà các trường đặt ra”.
Theo thanhnien
Kinh nghiệm ôn thi THPT quốc gia cho thế hệ thí sinh 2001
Ôn tập kiến thức lớp 10, 11; luyện học nhóm, trau dồi kỹ năng làm bài trắc nghiệm... ngay từ bây giờ giúp bạn tự tin bước vào kỳ thi.
Các thí sinh "rồng vàng" 2000 vừa trải qua kỳ vượt vũ môn đầy thách thức. Dù còn hơn một năm nữa thí sinh 2001 mới bước vào kỳ thi này nhưng từ bây giờ các bạn đã phải lên kế hoạch, lộ trình cụ thể cho mục tiêu của bản thân.
Ôn tập kiến thức lớp 10 và 11
2019 sẽ là năm đầu tiên đề thi THPT quốc gia có phạm vi kiến thức bao phủ chương trình 3 năm học: lớp 10, 11 và 12. Vì vậy, nếu không chuẩn bị sớm ngay từ khi nghỉ hè, các em sẽ không còn đủ thời gian cho việc ôn luyện lại kiến thức lớp 10 và 11.
Kiến thức của chương trình học cấp 3 có sự móc nối và liên quan mật thiết với nhau. Ví dụ: theo đề tham khảo của Bộ năm 2018, đối với môn Toán, phần khảo sát hàm số ở lớp 12 liên quan trực tiếp đến đạo hàm, giới hạn, lượng giác ở lớp 11; phần hình học không gian có cả kiến thức lớp 11, 12; câu hỏi về dãy số lớp 11 có lồng thêm kiến thức về logarit ở lớp 12. Trong khi đó, môn hóa hữu cơ 12 hoàn toàn có mối liên hệ mật thiết tới hydrocacbon, đồng phân, danh pháp... ở lớp 11.
Như vậy, học theo tiến độ trên lớp thì đến tháng 5 các em mới có thể học hết chương trình lớp 12 và cuối tháng 6 đã bước vào kì thi THPT Quốc gia. Khoảng thời gian đó không đủ để ôn lại các kiến thức lớp 10, 11. Do đó, các em cần lên lịch trình ôn luyện từ sớm.
Luyện tập học nhóm
Học nhóm là một trong những phương pháp để tăng cường sự ghi nhớ và mở rộng kiến thức của bản thân. Quá trình học nhóm giúp học sinh có điều kiện nắm kiến thức chắc hơn và học hỏi các phương pháp, kinh nghiệm học tập của các thành viên khác, từ đó nâng cao chất lượng học tập của mình.
Với lượng kiến thức lớn của ba lớp lớp 10, 11, 12, các em có thể bắt đầu học nhóm từ hè lớp 11, mỗi tuần học 2 buổi. Các em nên chọn những bạn thi cùng tổ hợp môn của mình để tạo nhóm ôn tập.
Mỗi buổi học nhóm không nên học quá 3 môn để có thể ghi nhớ kiến thức dễ dàng. Bên cạnh việc ôn tập, các em có thể tổ chức những trò chơi nhỏ như thi xem ai giải bài nhanh hơn hay tìm lỗi sai trong cách giải của bạn để tăng sự tập trung và khả năng giải nhanh các dạng bài tập.
Ôn luyện từ sớm giúp các bạn hoàn thiện kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.
Trau dồi kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm
Các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 (trừ Ngữ Văn) đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Các em cần làm quen với dạng đề trắc nghiệm của Toán, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân, tiếng Anh để làm chủ bài thi của mình. Dưới đây là một số lưu ý.
Thứ nhất, ôn luyện các dạng bài theo từng chuyên đề cụ thể. Ví dụ: với môn tiếng Anh, nếu nắm chắc dạng bài về các thì, câu điều kiện, câu bị động, câu tường thuật... thì khi làm bài viết lại câu hay đọc hiểu văn bản, các em sẽ tìm ra đáp án nhanh hơn.
Thứ hai, làm bài kiểm tra hay các đề thi thử theo đúng thời gian thi thật. Điều này giúp các em làm quen với áp lực phòng thi để phân chia thời gian hợp lý trong quá trình làm bài. Các em cần tránh sa đà, mất thời gian vào những câu hỏi khó.
Thứ ba, luyện tư duy logic, suy luận nhanh, kỹ năng bấm máy tính, sẽ giúp các em có thời gian để làm và đọc kỹ lại các câu trả lời.
Onluyen.vn với ngân hàng đề thi phong phú tới hơn 40.000 câu hỏi, có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp các em làm quen và thuần thục khi làm dạng đề thi trắc nghiệm
Thu Ngân
Theo vnexpress.net
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: "Là giáo viên Toán, tôi còn thấy đề khó!" Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng đề thi năm nay khó, các trường phổ thông chắc chắn sẽ sẽ phải có sự chuẩn bị từ sớm trong việc tổ chức ôn thi cho học sinh cho kỳ thi năm sau sẽ đưa cả kiến thức lớp 10 vào đề. Ngay sau buổi thi cuối cùng của kỳ...