Thi THPT quốc gia: Chấm bài tại TP HCM để tránh gian lận
Năm nay, nhiều trường ĐH ở TP HCM phải về các địa phương chủ trì cụm thi. Khó khăn về nhân lực, tổ chức không khiến các trường lo ngại bằng việc chấm thi sao cho đảm bảo công bằng.
ĐH Nông lâm TP HCM sẽ chủ trì cụm thi số 45 tại tỉnh Gia Lai với khoảng 12.000 thí sinh, ĐH Tài chính – Marketing chủ trì cụm thi tại tỉnh Đắk Nông, ĐH Giao thông vận tải TP HCM chủ trì cụm thi tại tỉnh Ninh Thuận, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chủ trì cụm thi của tỉnh Bình Thuận.
ĐH Công nghiệp TP HCM chủ trì cụm thi tỉnh Đồng Nai với khoảng 13.000 thí sinh, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM năm nay tổ chức thi và chấm cho khoảng 9.000 thí sinh tỉnh Tây Ninh, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh sẽ lần lượt được các trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Kinh tế TP HCM tổ chức thi.
ĐH Sài Gòn chủ trì cụm thi tại tỉnh Long An, ĐH Tôn Đức Thắng chủ trì cụm thi tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH Luật TP HCM chủ trì cụm thi tại tỉnh Bến Tre, ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức cụm thi tại tỉnh Sóc Trăng…
Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH khác của TP HCM còn tham gia phối hợp các trường ĐH địa phương tổ chức thi.
Để tránh xáo trộn và hạn chế chi phí đi lại, ăn ở… các trường ĐH dự kiến gom bài thi về TP HCM chấm thay vì điều động lực lượng giám khảo đi xa.
ThS. Phạm Thái Sơn – Phó trưởng phòng Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM – cho biết, phương án di chuyển giám khảo đi tỉnh chấm thi rất bất tiện, do đó trường sẽ gom bài thi về TP HCM chấm.
Lực lượng chấm thi dự kiến gồm 60% giảng viên của trường và 40% giáo viên phổ thông của hai sở GDĐT TP HCM và Tây Ninh. Môn Văn sẽ có khoảng 30 người chấm; 10 giám khảo chấm môn Sử, Địa; gần 60 giám khảo chấm môn Toán.
Theo nhà trường, việc phối hợp chấm thi giữa giảng viên ĐH với giáo viên THPT của Tây Ninh và TP HCM sẽ đem lại kết quả tin tưởng.
ĐH Công nghiệp TP HCM cũng cho rằng, việc các trường ĐH không di chuyển giám khảo mà gom bài thi về TP HCM chấm liên quan đến vấn đề ăn ở, đi lại hay khâu quản lý bài thi, điều động nhân sự…
Bên cạnh đó, chấm thi tại TP HCM nếu thiếu chỗ nào có thể điều động giám khảo vào chỗ đó, nếu phải đi xa sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
ĐH Công nghiệp TP HCM dự tính dùng chủ yếu lực lượng chấm là giảng viên của mình và giáo viên phổ thông của TP HCM. Nếu chủ động bố trí ổn thỏa được lực lượng giáo viên TP HCM chấm, trường sẽ không mời giáo viên các tỉnh khác.
Video đang HOT
ĐH Nông lâm TP HCM cũng đã có phương án mời giáo viên THPT tại quận 9, quận Thủ Đức (TP HCM) và của Đồng Nai tham gia chấm thi sắp tới. Nhà trường cũng đã chuẩn bị phương án mang bài thi về TP HCM để chấm thi.
Các trường ĐH khác cũng dự tính không điều giám khảo xuống địa phương chấm thi để tránh tốn kém, đồng thời cũng để đảm bảo công bằng, tránh tình trạng giáo viên địa phương sẽ “nương tay” khi chấm thi cho học sinh của mình.
Theo Bạch Dương/Infonet
Môn Sử vẫn lép vế, môn Vật lý 'đắt hàng'
Thống kê sơ bộ từ các trường THPT về tình hình đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia năm 2016 cho thấy, môn Sử tiếp tục bị "xa lánh" với rất ít thí sinh chọn thi môn này.
Trong khi đó, phần lớn học sinh chọn môn Vật lý là môn tự chọn.
Hôm nay, 30/4, là ngày cuối cùng để thí sinh ĐKDT THPT quốc gia năm 2016, nhưng hôm qua 29/4 hầu hết các trường THPT trên cả nước đã hoàn tất việc cho học sinh đăng ký môn thi.
Thí sinh đến nộp hồ sơ ở Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM chiều 29/4.
Hà Nội: hầu hết chọn thi 5 môn
Ông Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho biết, nhà trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký môn thi nhiều lần. Lúc đầu chỉ để thăm dò và đợt đăng ký chính thức vào cuối tháng 4/2016.
Giữa các lần, học sinh đã có những điều chỉnh khác nhau. Phần lớn học sinh chỉ đăng ký năm môn, bao gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai môn tự chọn. Trong đó nguyện vọng của học sinh thường thay đổi khi phân vân giữa các cặp môn như Vật lý - Hóa học hoặc Vật lý - Địa lý. Riêng môn Lịch sử, so với lần thăm dò trước, kết quả đăng ký chính thức có giảm đi.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Anh - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), hiện trường vẫn đang rà soát lần cuối trước khi chốt việc đăng ký vì lo học sinh vẫn có thể thay đổi. Tuy nhiên qua thăm dò, phần đông học sinh chỉ đăng ký 5-6 môn thi.
"Mặt bằng năng lực của học sinh trường tôi ở mức cao nên các em có định hướng rõ từ khi bắt đầu học lớp 10. Vì thế thay vì đăng ký nhiều môn thi để trông chờ may rủi, các em chỉ đăng ký những môn phù hợp với lựa chọn nghề nghiệp và năng lực của mình" - bà Thúy Anh cho biết.
Có đến 80% trong số 152 học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) ĐKDT môn tự chọn là Địa lý. Tiếp đến là số lượng đăng ký môn Vật lý, Hóa học.
"Chỉ có khoảng 10 học sinh đăng ký môn Lịch sử, môn Sinh còn ít hơn, chỉ có vài em" - thầy Tùng Lâm cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình - hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), trong số 628 học sinh lớp 12 của trường có 325 em chọn môn Vật lý, 269 em chọn Địa lý. Môn Lịch sử chỉ có 18 học sinh ĐKDT.
Các em có thiên hướng xét tuyển ĐH, CĐ khối A, A1 thường chọn môn Vật lý, Hóa học là môn tự chọn, còn các em có thiên hướng xét tuyển khối D chọn môn Địa lý là môn tự chọn. Đáng chú ý, bà Phương Anh - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) - cho biết, toàn trường không có học sinh nào đăng ký thi Lịch sử.
TP HCM: không chọn Sử, Địa vì... quy chế
Theo ông Nguyễn Hùng Khương - phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), trong số 567 học sinh khối 12 của trường có đến 433 em đăng ký thi môn Vật lý kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Kế đó là 251 em đăng ký thi môn Hóa, 103 em đăng ký thi môn Sinh, chỉ 10 học sinh đăng ký thi môn Địa và 5 học sinh đăng ký thi môn Sử.
Tình hình trên cũng diễn ra tương tự ở các trường THPT trên địa bàn TP HCM, mặc dù ở một số trường số học sinh đăng ký thi Sử, Địa có phần nhỉnh hơn nhưng vẫn quá ít so với số lượng học sinh đăng ký thi Lý, Hóa. Như Trường THPT Ngô Thời Nhiệm có 6 lớp 12, 4 lớp đăng ký thi Vật lý, hai lớp đăng ký thi Địa và một lớp đăng ký thi Sử.
Đại diện ban giám hiệu trường này cho biết: "Số lượng học sinh chọn thi môn Sử, Địa ở trường chúng tôi nhiều hơn một số trường khác vì hầu hết số học sinh này là con em cán bộ ngành công an. Các em dự xét tuyển vào ngành Công an nên mới đăng ký thi Sử, Địa".
Giải thích về "bức tranh" đăng ký môn thi THPT quốc gia của học sinh lớp 12, hiệu trưởng một trường THPT nổi tiếng ở TP HCM nhận định: "Các em không chọn sử, địa mà chọn Lý, Hóa là do quy chế thi cử của Bộ GD&ĐT.
Thứ nhất, Sử, Địa phải làm bài thi tự luận trong thời gian 180 phút - rất nặng nề. Trong khi đó Lý, Hóa làm bài thi trắc nghiệm chỉ trong 90 phút - khá nhẹ nhàng và dễ lấy điểm hơn.
Thứ hai, các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào ĐH đa số là Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ. Rất ít tổ hợp có Sử, Địa. Học sinh chọn lý vì có thể dùng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH khối A và khối A1. Thế nên dù nhà trường có ép đến mấy thì học sinh vẫn bỏ bê Văn, Sử, Địa".
Cần Thơ: tiếp tục kiểm tra năng lực học sinh
Chiều 29/4, ông Võ Minh Lợi, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, tổng số thí sinh ĐKDT kỳ thi THPT quốc gia 2016 là 7.608, trong đó có 4.512 thí sinh ĐKDT cụm 1 (thí sinh dự thi xét tốt nghiệp và ĐH, CĐ) và 3.096 thí sinh dự thi cụm 2 (thí sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THPT).
Theo đó, số thí sinh ĐKDT cụm 1 nhiều nhất là trường THPT Châu Văn Liêm với 549 thí sinh, thấp nhất là trường phổ thông Việt Mỹ với 6 thí sinh.
Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, môn Lịch sử vẫn là môn thí sinh ĐKDT thấp nhất ở các trường. Cụ thể, các trường THPT Thốt Nốt, Trung An, Hà Huy Giáp, Phan Văn Trị, Thái Bình Dương chỉ có 2-3 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử.
Ngoài ra, các môn có ĐKDT thấp tiếp theo là sinh học với 809 thí sinh đăng ký cụm 1 và 380 thí sinh cụm 2, môn tiếng Pháp có 45 thí sinh (trong đó có 7 thí sinh thuộc cụm 2), tiếp đến là môn hóa học có 1.913 thí sinh đăng ký (trong đó 290 thí sinh thuộc cụm 2)...
Thầy Nguyễn Văn Bắc, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy), cho biết tổng số học sinh của trường là 391 thí sinh nhưng chỉ có 6 thí sinh ĐKDT môn Lịch sử, giảm 16 thí sinh so với năm rồi, còn môn địa lý có gần 200 học sinh ĐKDT.
Cũng theo thầy Bắc, trường đã tổ chức ôn tập từ ngày 18/4, sau hai tuần nhà trường sẽ kiểm tra lại năng lực học sinh một lần nữa để tiếp tục bồi dưỡng cho những học sinh yếu, kém.
Quân nhân nhà giàn DK1 dự thi
Theo ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM, tính đến cuối ngày 29/4 đã có khoảng 8.000 thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại cơ quan này, giảm 50% so với cùng thời điểm năm 2015.
"Số thí sinh tự do nộp hồ sơ ĐKDT tại đơn vị ĐKDT của chúng tôi giảm mạnh có thể do thí sinh chạy về các cụm thi ở các tỉnh. Khoảng 80% thí sinh đăng ký thi 3-4 môn và chỉ có hai trường hợp đăng ký tám môn thi. Chúng tôi sẽ nhận hồ sơ ĐKDT đến hết 17h ngày 30/4" - ông Cường cho biết.
Đáng chú ý, trong số thí sinh ĐKDT tại Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM có một thí sinh tên L.T. là quân nhân đang công tác ở nhà giàn DK1, Vùng 2 hải quân đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 để xét tuyển vào ĐH.
Thí sinh này thường trú tại quận 4, TP HCM, nhập ngũ tháng 9/2014, sau một năm tốt nghiệp THPT. Kỳ thi năm nay, thí sinh này ĐKDT tại cụm thi do ĐH Sư phạm TP HCM chủ trì với ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Cũng theo ông Cường, thí sinh L.T. tham dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào Học viện Hải quân và một trường sư phạm.
Khi làm hồ sơ ĐKDT, L.T. không biết nhà giàn DK1 thuộc khu vực ưu tiên nào nên phần khai khu vực ưu tiên trên hồ sơ phải bỏ trống.
Sau đó, L.T. được cán bộ tuyển sinh của Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM hỗ trợ và hỏi ý kiến Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT xác định cho thí sinh này thuộc khu vực 1 (được cộng 1,5 điểm) và thuộc đối tượng 03 (được cộng 2 điểm ưu tiên).
Nhóm phóng viên giáo dục/Tuổi Trẻ
Các trường ráo riết chuẩn bị thi THPT quốc gia Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 đang được địa phương cũng như các trường ĐH gấp rút triển khai, trong đó nhiều nơi cho học sinh thi thử. Hà Nội là địa phương có số cụm thi lớn nhất cả nước với một cụm do Sở Giáo dục và Đào tạo TP và 5 cụm do các trường...