Thi THPT quốc gia: Cải tiến thế nào?
Sau các vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để bịt những lỗ hổng của kỳ thi THPT quốc gia
ảnh minh họa
Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, cho rằng không thể bỏ thi tốt nghiệp THPT nhưng cần đơn giản kỳ thi này để tập trung cho 1 kỳ thi ĐH.
Địa phương chỉ nên coi thi
Theo bà Bùi Thị An, đã học là phải thi, các em học hết 12 năm thì phải thi để đánh giá kiến thức, tổng kết lại quá trình học tập. Còn tổ chức thi như thế nào, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
“Làm sao để bảo mật, công bằng, minh bạch, ra đề thi phải đúng mức độ. Bộ GD-ĐT phân cấp cho ai là việc của bộ nhưng bộ phải chịu trách nhiệm chính trước Đảng, trước Chính phủ, trước nhân dân” – bà An nói.
Chuyên gia này nhấn mạnh nếu làm tốt kỳ thi tốt nghiệp thì vẫn có thể xem xét lấy điểm vào ĐH. Còn chuyện các trường ĐH muốn chọn lọc thêm thì có thể tổ chức thi cụm. Tuy nhiên, nếu chúng ta lựa chọn con người tốt và sử dụng camera giám sát coi thi, chấm thi thì có thể hạn chế được rất nhiều tiêu cực.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu 2 trong 1 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. “Khoảng 500 trường ĐH, CĐ không thể tổ chức 500 cuộc thi, rất tốn kém và không an toàn cho thí sinh cũng như cho các phụ huynh đi thi cùng” – GS Dũng nói.
Video đang HOT
Ông Dũng cho rằng mục đích tốt nhưng cách làm thì chưa tốt, vẫn còn sơ hở trong đề thi và quản lý công nghệ. Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT từ sang năm trở đi không để lặp lại những “lỗ hổng” như vừa qua. Việc khắc phục bằng biện pháp là phải có những người phản biện đầy đủ về đề thi. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT không để các địa phương chấm thi nữa và dùng cáp quang chuyển toàn bộ dữ liệu bài thi về bộ chấm. Kể cả các bài thi tự luận cũng có thể quét được…
“Tóm lại, các địa phương chỉ coi thi, không chấm thi, như vậy thì sơ hở rất khó xảy ra và sẽ khách quan hơn” – GS Dũng nhấn mạnh.
Bộ chủ trì chấm thi trắc nghiệm
Thạc sĩ Trương Tiến Sỹ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng kỳ thi THPT quốc gia trong 2 năm đầu thực hiện tốt, nghiêm túc bởi trường ĐH chủ trì ở các khâu và địa phương chỉ tham gia với vai trò phối hợp tổ chức.
Nếu trong 2 năm tới không quay về cách làm như 2 năm đầu thì trường ĐH bắt buộc phải chủ trì ở khâu quản lý đề thi, tổ chức thi, chấm thi. Sở GD-ĐT địa phương chỉ tham gia chủ trì ở khâu cơ sở vật chất, cử giáo viên tham gia coi thi; tuyệt đối không được tiếp cận với đề thi, bài thi của thí sinh. Việc chấm thi có thể giao về cho các trường ĐH hoặc lập các trung tâm chấm thi. Ở những khâu quan trọng đó, sở không tham gia thì không thể có tiêu cực xảy ra.
Dưới góc độ chuyên môn, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp – Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm, cho rằng để kỳ thi THPT quốc gia an toàn hơn, cần làm tốt nhiều nội dung. Cụ thể, về công tác tổ chức hội đồng thi, địa phương vẫn chủ trì, trường ĐH sẽ làm trưởng ban coi thi, kinh phí tổ chức vẫn do địa phương chịu trách nhiệm. Bộ hỗ trợ kinh phí để các trường ĐH đi làm nhiệm vụ.
Về công tác coi thi, trường ĐH đảm nhận vai trò điểm trưởng, điểm phó chuyên môn, thư ký và cán bộ giám sát. Điểm phó cơ sở vật chất, hậu cần và cán bộ coi thi do địa phương bố trí. Công tác in sao đề thi sẽ tổ chức tập trung như thời kỳ thi ba chung hoặc như năm 2015. Lực lượng công an hỗ trợ trường ĐH bảo quản đề thi và vận chuyển về các điểm thi.
Ông Sơn góp ý bài tự luận sẽ được chạy phách theo phần mềm. Cách chạy phách sẽ do bộ quyết định riêng cho từng địa phương và tổ chức theo hình thức tách bạch tổ dồn túi và tổ ghi phách, đồng thời file mã phách cần bảo mật bằng cách ghi nhận việc truy cập hoặc đặt mã để giao quyền truy cập cho người duy nhất. Sau khi chấm xong, sở GD-ĐT sẽ nhận điểm trắc nghiệm và ghép tự luận để công bố.
Về chấm thi, cần tổ chức chấm trắc nghiệm tập trung tại các điểm do bộ chỉ định. Bộ sẽ triệu tập cán bộ từ các trường ĐH hoặc sở GD-ĐT để làm nhiệm vụ. Sau khi thi xong, bài thi được bàn giao về các đơn vị chấm này.
Theo xaluan.com
Hụt hơi chạy theo đổi mới thi cử: Kẽ hở về chất lượng
Trong một loạt cải cách thi cử và xét tuyển vào ĐH, CĐ những năm qua, Bộ GD-ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp để cải tiến công tác thi cử ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong bất kỳ thay đổi nào, cũng có những điều bất cập cần phải giải quyết để việc đổi mới có hiệu quả.
Phụ huynh và thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển năm 2018 bằng học bạ vào một trường ĐH ngoài công lập ở TP.HCM - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Gây cho học sinh tâm lý ỷ lại
Trước hết, phải thừa nhận quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc xem xét quá trình học tập ở cả giai đoạn THPT là một quan điểm nhân văn và tiến bộ. Từ đó, Bộ chủ trương xét tốt nghiệp THPT được tính bằng điểm trung bình cả năm lớp 12 (chiếm nửa số điểm) và trung bình kết quả 4 bài thi THPT quốc gia. Theo cách tính của Quy chế thi THPT quốc gia, điểm trung bình cả năm lớp 12 càng cao, học sinh (HS) càng thuận lợi trong việc xét tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, Bộ cũng cho phép các trường ĐH, CĐ xét tuyển bằng phương thức xét học bạ (1 năm học lớp 12 hoặc 5 học kỳ bậc THPT). Tất cả những cải cách này phù hợp với định hướng đánh giá cao quá trình học tập xuyên suốt bậc THPT của các em HS.
Thế nhưng thực tế những năm qua đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Đó là việc tính điểm trung bình cả năm lớp 12 vào xét tốt nghiệp THPT đã dẫn đến "tăng đáng kể" số HS có học lực khá giỏi so với thời gian trước khi thực hiện quy chế này. Tìm hiểu kỹ số liệu chênh lệch đáng kể giữa điểm trung bình cả năm và điểm thi THPT quốc gia, nhà giáo chúng tôi cảm thấy ưu tư vì có trường mức chênh lệch này lên đến 3.0 điểm (điểm trung bình cả năm 7, trung bình điểm thi THPT quốc gia chỉ là 4, thậm chí có khi thấp hơn). Việc cho điểm "không đúng thực chất" ở một số trường vô hình trung làm một số HS không có động lực học bởi đã có thầy cô "lo lắng" cho các em. Điều này dẫn đến hệ lụy và tạo tâm lý "lây lan" ỷ lại trong việc học tập của một số HS hiện nay.
Cần tính thêm tỷ lệ điểm thi THPT khi xét học bạ vào ĐH
Việc xét tuyển bằng phương thức học bạ vào trường ĐH càng "hỗ trợ" tốt cho những HS được giúp đỡ bằng cách này. Hệ lụy dễ dẫn đến đối với một số trường chưa đánh giá đúng thực chất ở chỗ một lượng khá lớn HS (không phải là HS khá giỏi có ý thức học tập) hoàn toàn chủ quan và không có động cơ học tập nghiêm túc.
Giải pháp kêu gọi các trường dạy thực, học thực, cho điểm thực e rằng chưa thể thực hiện đồng loạt, ít nhất trong tình hình hiện nay. Vì vậy xin đề xuất khi xét tuyển bằng phương thức học bạ, vẫn phải tính điểm thi THPT quốc gia theo tỷ lệ nhất định (ví dụ: 30% điểm thi; 70% điểm học bạ tùy theo từng trường nhưng Bộ cần quy định tỷ lệ tối thiểu). Như thế có thể dung hòa được cả 2 phương thức xét tuyển.
Ngoài ra, Bộ cần điều chỉnh việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Trước khi thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia ban hành kèm Thông tư 02/2015 ngày 26.2.2015, việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT được tính với HS xếp học lực trung bình trở lên khi đã dự thi bất kỳ môn nào thì tất cả các môn dự thi phải đạt từ 5.0 điểm trở lên. Tuy vậy, lúc đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT thuần túy và việc đạt điểm 5.0 không quá khó. Với kỳ thi THPT quốc gia hiện nay với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH nên tỷ lệ đề thi dành cho xét tốt nghiệp là 60% và ĐH là 40%. Vì thế, điểm 5.0 trên thang điểm 10 trước đây hiện nay nên là 3.0/6.0 thì thuyết phục hơn.
Khi hình mẫu cũng bị "xét lại"
Đầu tháng 5 vừa qua, ĐH Chicago (Mỹ) tuyên bố không yêu cầu ứng viên nội địa dự tuyển vào ĐH của mình bắt buộc phải có điểm SAT/ACT. Lý do, theo ông James G.Nondorf, Giám đốc bộ phận tuyển sinh và hỗ trợ tài chính của ĐH Chicago, các bài kiểm tra không phải là điều cốt lõi nhất, mục tiêu của trường là tuyển được nhiều ứng viên hơn từ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, giúp họ có được trải nghiệm trong môi trường giáo dục ĐH tinh hoa.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, không chỉ ĐH Chicago mà nhiều trường được liệt vào dạng danh tiếng của Mỹ cũng đang có động thái "xét lại" trong việc sử dụng kết quả các kỳ thi chuẩn hóa như SAT, ACT, mặc dù từ hàng chục năm nay, kết quả các kỳ thi này được hầu hết các trường CĐ, ĐH có chọn lọc cao ở Mỹ sử dụng để làm một trong những căn cứ tuyển sinh.
Theo anh Châu Quang, nghiên cứu sinh giáo dục học tại ĐH Suny Albany (Mỹ), động thái "xét lại" với việc sử dụng điểm SAT/ACT đã xuất hiện từ khá lâu ở Mỹ nhưng chưa tạo được tiếng vang đáng kể nào, cho đến khi có sự tham gia của một số trường tên tuổi trong thời gian gần đây. "Lý do các trường tham gia chiến dịch này vì họ cho rằng các bài thi không hoàn toàn phản ánh trình độ ứng viên, và các bài thi là gánh nặng với các gia đình khó khăn. Nhưng lý do sâu xa của việc này là họ muốn thu hút nhiều sinh viên không chỉ giỏi học lực và còn giỏi các lĩnh vực khác, ví dụ thể thao và họ luôn tìm cách cân bằng hai cái này", anh Quang nhận xét.
Quý Hiên
Theo thanhnien.vn
Ngừa tiêu cực trong thi THPT quốc gia: Nên giao cho các trường đại học chủ trì Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua đã không thể hoàn hảo bởi những "đốm đen" tiêu cực ở Hà Giang và Sơn La. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục ở TPHCM góp ý rằng kỳ thi 2 trong 1 này vẫn nên duy trì nhưng phải cải tiến hơn bằng cách sử dụng công nghệ hoặc giao về cho ĐH...