Thi THPT quốc gia 2019:Thanh tra không phải để “xem thi”
Trong 2 ngày (4-5/6), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại tỉnh Điện Biên. Tại đây, đoàn đã có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và kiểm tra thực tế tại một số điểm thi.
Làm việc với Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Điện Biên, sau khi kiểm tra thực tế tại địa điểm dự kiến in sao đề thi và 2 điểm thi là Trường THPT Điện Biên và Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 lưu ý một số việc cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo hướng tới một kỳ thi nhẹ nhàng, khách quan, an toàn và thành công.
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác thanh tra, trong đó vấn đề tập huấn thanh tra để lực lượng này nắm rõ quy chế, quy trình là rất quan trọng. Bởi nếu thanh tra không nắm được quy chế, quy trình sẽ chỉ là những người đến “xem thi” chứ không phải giám sát kỳ thi. Tất cả các khâu của kỳ thi đều phải thể hiện được vai trò của thanh tra.
Đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi
Khác với năm ngoái, năm nay các thí sinh tự do dự thi môn thi đơn lẻ bài thi tổ hợp sẽ không được ra khỏi phòng thi ngay sau khi kết thúc môn thi mà phải chờ cho đến hết giờ thi của cả bài thi tổ hợp, chính vì vậy, việc bố trí phòng chờ tại các điểm thi cần được quan tâm. Theo Thứ trưởng, phòng chờ của thí sinh phải được bố trí đầy đủ người quản lý để tránh gây ra xáo trộn trong khu vực thi.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Điện Biên lưu tâm tới công tác in sao đề thi, bảo mật đề thi, bài thi. Qua kiểm tra tại một số điểm thi cho thấy việc lắp camera và bố trí các tủ đựng đề thi, bài thi đã được thực hiện nghiêm túc nhưng vẫn cần có phương án cụ thể của lực lượng an ninh để bảo vệ các khu vực này.
Nhắc lại tình huống xảy ra với tỉnh Lai Châu trong kỳ thi năm ngoái khi mưa lũ bất ngờ xảy ra ngay trước kỳ thi làm “xóa sổ” cả một điểm thi, Thứ trưởng lưu ý, tỉnh Điện Biên cần có dự báo và phương án dự phòng. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có phương án trong tình huống xảy ra mất điện, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống camera, in sao đề thi; phương án cho công tác y tế, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Bài học 2 giám thị ở Quảng Bình ký nhầm ảnh hưởng đến thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua cũng được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc lại trong cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Điện Biên với mong muốn, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác quán triệt đến đội ngũ cán bộ làm công tác coi thi để tránh những sai sót nhỏ dẫn tới hệ lụy lớn.
Video đang HOT
“Với kỳ thi này, tôi nhấn mạnh 4 khía cạnh: Nắm chắc quy chế, chuẩn bị các điều kiện, kiểm soát tình hình, xử lý tình huống” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Hoàng Thanh
Theo infonet
Thi THPT quốc gia: Cán bộ thanh tra chịu trách nhiệm liên đới nếu xảy ra vi phạm
Cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm Quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành Văn bản số 1960/BGDĐT-TTr gửi các sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Theo đó, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT quyết định thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại các Hội đồng thi và sở GDĐT; trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định.
Chánh Thanh tra Sở GDĐT quyết định thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm bài, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương; trường hợp cần thiết Giám đốc Sở GDĐT quyết định.
Cục trưởng Cục Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng kiểm tra công tác thi THPT quốc gia
Cán bộ liên quan tới sai phạm không được tham gia thanh tra, kiểm tra thi
Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cán bộ, công chức, viên chức tham gia thanh tra, kiểm tra thi phải bảo đảm các điều kiện: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; nắm vững quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi.
Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các trường đại học, các sở GD&ĐT tổ chức thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại một số HĐT; thanh tra trực tiếp công tác chấm thi tại các HĐT.
Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc sở và cơ sở giáo dục đại học tổ chức thanh tra, kiểm tra thi.
Cán bộ, công chức, viên chức không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi có người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tại Điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi.
Cán bộ thanh tra phải làm việc liên tục tại vị trí được phân công
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể nội dung và phương pháp thanh tra, kiểm tra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào công tác chuẩn bị thi; coi thi; chấm thi tự luận; xử lý các bài thi vi phạm quy chế thi và cập nhật điểm thi vào hệ thống quản lý thi trung học phổ thông quốc gia; phúc khảo bài thi tự luận; xét công nhận tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT yêu cầu cán bộ thanh tra, kiểm tra làm việc liên tục tại vị trí được phân công; báo cáo Trưởng đoàn thanh tra kịp thời về lý do vắng mặt tại địa điểm thanh tra, kiểm tra trong thời gian thanh tra, kiểm tra (nếu có).
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, thành lập tổ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Tổ giám sát có thể gồm nhiều nhóm, mỗi nhóm có ít nhất 2 thành viên (trong đó ít nhất 1 thành viên là cán bộ, giảng viên của cơ sở giáo dục ĐH thuộc đơn vị phối hợp tổ chức thi) để giám sát hoạt động thanh tra thi tại tất cả các điểm thi theo quy định.
Cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm Quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc xác minh, xử lý sai phạm đối với những người tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra thi thực hiện theo Khoản 2 Điều 24 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT và quy định pháp luật có liên quan.
Công khai số điện thoại tiếp nhận xử lý thông tin thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) thành lập và công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến kỳ thi từ ngày 3-6 đến hết ngày 4-8-2019.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công bố số điện thoại trực thanh tra thi: 024.36231285; 0923.006757 để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Tuyển sinh vào đại học làm sao để tránh tiêu cực? Trong khi gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang do sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào các trường ĐH thì liệu các phương thức tuyển sinh khác mà các trường ĐH đang thực hiện sẽ tránh được tiêu cực? Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do...