Thi THPT quốc gia 2019: Vì sao không lắp camera trong phòng thi?
Việc lắp camera trong phòng thi có thể tác động đến tâm lý của thí sinh, cũng như tiềm ẩn rủi ro lọt đề thi ra ngoài, chuyên gia cho biết tại buổi giao lưu trực tuyến về kỳ thi THPT quốc gia 2019 trên Tuổi Trẻ Online.
TS Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trả lời câu hỏi của bạn đọc – Ảnh: VIỆT DŨNG
Chương trình có sự tham gia của TS Phạm Tất Thắng – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; PGS. TS Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT; ông Cao Xuân Hùng – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định và TS Nguyễn Thị Cúc Phương – phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội – đơn vị tham gia phối hợp coi thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Hòa Bình, địa phương từng xảy ra gian lận thi cử năm 2018.
Lắp camera trong phòng thi: tiềm ẩn rủi ro, kinh phí cao
Trao đổi về một gợi ý của phụ huynh việc nên lắp camera trong phòng thi, ông Cao Xuân Hùng – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, cho biết đây là việc Bộ GD-ĐT từng cân nhắc, nhưng đến nay chưa áp dụng vì sẽ tác động đến tâm lý của thí sinh trong quá trình làm bài.
Hơn nữa, việc lắp camera trong phòng thi cũng tiềm ẩn rủi ro lọt đề thi ra ngoài. Kinh phí cũng là yếu tố cần tính toán, khi sử dụng trên toàn quốc với số lượng phòng thi rất lớn.
Nhưng theo ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, việc lắp camera 24/24 giờ ở khu vực bảo quản đề thi, bài thi và chấm thi trắc nghiệm đã là một bước kiểm soát chặt hơn. Ông Trinh cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của cán bộ tại phòng thi.
Ông Mai Văn Trinh – cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT (trái) – trả lời câu hỏi của bạn đọc Tuổi Trẻ Online – Ảnh: VIỆT DŨNG
“Khâu coi thi THPT quốc gia năm 2019 tiếp tục có những điều chỉnh, trong đó quy định rõ trách nhiệm cũng như quy trình kỹ thuật trong các khâu từ bốc thăm phân công cán bộ coi thi, bốc thăm chọn phương án phát đề thi trắc nghiệm, sử dụng túi phụ đựng bài làm đối với thí sinh không thi đầy đủ các môn trong bài thi tổ hợp, cách thức niêm phong túi đựng bài thi…” – ông Trinh cho biết.
Đề thi sẽ đánh giá đúng năng lực thí sinh
Liên quan đến những câu hỏi về đề thi, PGS.TS Mai Văn Trinh – khẳng định đề thi sẽ tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi đáp ứng mức độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và cũng sẽ có các câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ.
Video đang HOT
Các câu hỏi trong đề thi sẽ được sắp xếp theo độ khó tăng dần. Trong đề thi sẽ có các câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn để phát huy khả năng sáng tạo của thí sinh.
Một thí sinh lo lắng về suy nghĩ, quan điểm của mình trái ngược với số đông trong các phần “đề mở” thì có được tính điểm không?
Ông Trinh giải thích: đề mở để học sinh vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học nhằm giải quyết những câu hỏi, những vấn đề của thực tiễn bằng khả năng diễn đạt riêng của cá nhân, không theo những khuôn mẫu có sẵn.
Hội đồng ra đề thi cũng sẽ có những hướng dẫn chấm điểm, trong đó yêu cầu thí sinh dù trả lời theo cách thức riêng của mình nhưng cũng phải đáp ứng được những nội dung cơ bản mà câu hỏi yêu cầu.
Các hình thức trình bày dù khác nhau nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu câu hỏi, không vi phạm pháp luật, không phạm vào thuần phong mỹ tục sẽ được xem xét cho điểm.
“Chấm câu hỏi mở cũng đòi hỏi năng lực của cán bộ chấm thi, việc này đã được chuẩn bị và áp dụng từ nhiều năm nên cán bộ chấm thi đã quen với chấm bài thi có các câu hỏi mở” – ông Trinh cho biết thêm.
Nhiều câu hỏi quá cụ thể về đề thi phạm vào nguyên tắc bảo mật sẽ không thể trao đổi thêm.
Nỗ lực chống gian lận thi
Ông Cao Xuân Hùng – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định (trái) – trả lời câu hỏi của bạn đọc Tuổi Trẻ Online – Ảnh: VIỆT DŨNG
Các khách mời của chương trình giao lưu đến từ những đơn vị có vai trò khác nhau trong việc tổ chức kỳ thi, nhưng đều khẳng định sẽ nỗ lực và tin tưởng vào một kỳ thi có thể hạn chế nhiều hơn gian lận thi cử.
Trả lời câu hỏi khá thú vị của một thí sinh: “Nếu là giám đốc sở GD-ĐT của một địa phương từng để xảy ra gian lận như năm 2018, ông sẽ làm gì cho kỳ thi sắp tới?”, ông Cao Xuân Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, cho biết giám đốc sở GD-ĐT ở nhiều tỉnh, thành đều đang tập trung cao cho việc tổ chức kỳ thi với mục tiêu an toàn, nghiêm túc.
Kỳ thi có sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, đặc biệt là vai trò của các trường ĐH. Nhưng sở GD-ĐT cũng nhận thấy trách nhiệm rất nặng của mình. Trong đó, điều chú ý nhất là việc lựa chọn nhân sự là những người có đủ năng lực, phẩm chất để bố trí vào từng nhiệm vụ cụ thể.
Trả lời chung cho những băn khoăn về giải pháp kỹ thuật ngăn tiêu cực năm nay, ông Mai Văn Trinh cho biết phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được nâng cấp hoàn thiện, theo đó các dữ liệu ở tất cả các khâu từ trung gian đến kết quả cuối cùng đều được mã hóa với thuật toán tiên tiến có độ tin cậy cao.
Các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh đều được “đánh phách điện tử”, tất cả thao tác trên phần mềm đều được lưu vết và chỉ người có trách nhiệm mới có quyền mở để xem (không sửa được) trong trường hợp cần thiết. Việc này sẽ tránh cho gian lận có thể phát sinh ở khâu chấm thi trắc nghiệm như năm 2018.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) kiểm dò thông tin hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2019 sau khi đã nộp hồ sơ – Ảnh: NHƯ HÙNG
Có phòng chờ cho thí sinh tự do thi bài tổ hợp
Một số thí sinh băn khoăn về tình trạng lộn xộn có thể xảy ra trong bài thi tổ hợp nếu hội đồng coi thi bố trí thí sinh tự do (không phải làm hết các môn trong bài thi tổ hợp) với thí sinh là học sinh lớp 12 (bắt buộc phải làm hết bài thi tổ hợp)…
Ông Mai Văn Trinh khẳng định Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các điểm thi phải có hệ thống phòng chờ với sự quản lý của cán bộ coi thi để quản lý các thí sinh chờ đến lượt thi, cũng như hướng dẫn thí sinh vào phòng thi.
Riêng đối với thí sinh không dự thi đủ cả 3 môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp, sau khi hoàn thành bài thi phải nộp giấy nháp, đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi và ra phòng chờ chờ đến khi kết thúc buổi thi đó mới được ra về; các phiếu trả lời của những thí sinh này đều lưu trong túi phụ theo hướng dẫn của quy chế.
Sao chưa bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Trao đổi về thắc mắc này, TS Phạm Tất Thắng – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – cho biết: Theo quy định của Luật giáo dục hiện hành, thí sinh phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn theo ý kiến các chuyên gia giáo dục, với điều kiện xã hội hiện nay, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là động lực để học sinh chú ý học tập.
Ngoài ra, kết quả thi cũng là căn cứ để các trường ở nước ngoài xem xét, tiếp nhận các thí sinh nếu học sinh muốn đi du học sau khi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, kỳ thi này còn có mục tiêu thứ hai, đó là dùng kết quả của kỳ thi để xét tuyển ĐH-CĐ. Tuy nhiên, luật không quy định phải tổ chức thi như thế nào nên đây cũng là vấn đề lưu ý, rút kinh nghiệm cho các cơ quan quản lý trong tổ chức kỳ thi, sao cho kỳ thi này đánh giá được đúng thực lực của học sinh mà không tạo ra sức ép với học sinh, phụ huynh và xã hội.
Cũng theo ý kiến các chuyên gia về giáo dục, đúng là kỳ thi này có thể ủy quyền cho sở GD-ĐT các địa phương, nhà trường có hình thức tổ chức kỳ thi cho phù hợp. Các trường ĐH, CĐ căn cứ vào quyền tự chủ trong tuyển sinh của mình cũng có hình thức tổ chức thi tuyển sinh cho phù hợp. Tất cả những ý kiến này cơ quan chức năng cần xem xét để có chỉ đạo cho phù hợp.
Cứ làm đúng quy chế sẽ không có áp lực
TS Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội – Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại diện cho trường ĐH sẽ nhận nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm ở Hòa Bình – địa phương xảy ra gian lận năm trước, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, khẳng định: “Chúng tôi không chịu bất kỳ sức ép nào về điểm số, thành tích hay “chỉ đạo” của bất kỳ ai. Trường ĐH Hà Nội đã cử những người có kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức được chứng minh trong việc tham gia các kỳ thi khác của nhà trường”.
Bà Phương cũng nhấn mạnh thực tế có thể gặp những tình huống bị tác động, nhưng mỗi cá nhân nhận nhiệm vụ đều hiểu những nguyên tắc không thể phạm và cái giá phải trả thì sẽ vững tin. Cứ làm đúng quy chế sẽ không có áp lực. Các hình thức xử lý nghiêm khắc gian lận thi cử thời gian qua là lời cảnh báo rất mạnh với những ai còn có ý đồ gian lận.
Theo tuoitre
Hòa Bình kiên quyết không để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2019
Ngày 11/6, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2019 nhấn mạnh: "Kiên quyết không để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm các sai phạm của kỳ thi năm 2018."
Quang cảnh buổi họp báo.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và quán triệt tinh thần chỉ đạo tổ chức kỳ thi năm 2019 bảo đảm an toàn, đúng quy chế. Tích cực phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chuẩn bị phục vụ tốt cho kỳ thi, lắp camera tại phòng để đề thi, bài thi ở các điểm thi, ở phòng chấm thi giám sát 24/24 giờ; đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm...
Năm 2019, tỉnh Hòa Bình có số thí sinh đăng ký dự thi là 8.993. Trong đó, có 7.679 thí sinh THPT; 1.015 thí sinh Giáo dục thường xuyên và 229 thí sinh tự do. Có 61,8% học sinh dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT (tăng 3,5% so năm 2018). Có tổng số 37 điểm thi với 393 phòng thi; dự kiến, có 1.176 cán bộ, giáo viên tham gia ban coi thi, trong đó có 669 cán bộ coi thi của sở GD-ĐT, 507 cán bộ coi thi của các trường đại học.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2019 nhấn mạnh: "Kiên quyết không để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Quan điểm của tỉnh xử lý sẽ không có vùng cấm, đúng quy định của pháp luật.
Mong rằng, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an sẽ công bố kết luận để lấy lại hình ảnh của ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới".
Về việc xử lý sai phạm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình là sẽ xử lý nghiêm minh các khuyết điểm, vi phạm của Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức cho dù ở bất cứ cương vị nào liên quan vụ việc nâng điểm thi, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy lập đoàn kiểm tra, xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên là cán bộ công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Hiện nay, có hai đoàn kiểm tra đã cơ bản thực hiện xong việc thẩm tra, xác minh, đang xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy để kết luận.
Đàm Quang
Theo Dân trí
Phụ huynh: Thi vào 10 có nhiều lựa chọn nên tâm lý các em khá thoải mái Trong khi thí sinh đã bước vào phòng để làm bài thi Ngoại ngữ, nhiều phụ huynh đứng nói chuyện với nhau, chia sẻ về phần thi trước của con mình. Tại điểm thi trường THCS Việt Đức, do hôm nay là ngày đi làm đầu tuần nên không còn quá đông phụ huynh đứng chờ con em mình như hôm trước. Nhiều...