Thi THPT Quốc gia 2019: Hàng loạt điều chỉnh siết khâu chấm thi
Để hạn chế gian lận trong khâu chấm thi trung học phổ thông Quốc gia, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dựng hàng loạt hàng rào kỹ thuật mới trong chấm thi.
Thí sinh dự thi Trung học phổ thông quốc gia 2019. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnamplus)
Đặt camera 24/24 ở khu vực lưu trữ bài thi, phủ băng dính lên nhãn niêm phong túi đựng bài thi, bốc thăm cán bộ chấm thi, chấm lại toàn bộ các bài thi điểm cao… là hàng loạt các giải pháp đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để áp dụng trong khâu chấm thi của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019.
Điều này nhằm hạn chế gian lận, nhất là khi trong năm 2018 các cán bộ liên quan đến khâu chấm thi đã móc nối với nhau để nâng điểm khống cho hàng trăm thí sinh tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
1. Trực đêm tại phòng trữ đề, bài thi
Năm nay, việc trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của đại học, cao đẳng thực hiện, không phải trưởng điểm thi là người của các địa phương như các năm trước đây.
Việc này nhằm hạn chế tình trạng cán bộ thi của các địa phương liên kết với nhau để thực hiện gian lận thi cử như năm 2018.
2. Phủ băng dính lên nhãn niêm phong túi đựng bài thi
Năm 2018, túi đựng bài thi được niêm phong bằng một mẫu giấy riêng, dễ rách, nhưng vẫn bị bóc ra để thực hiện gian lận. Vì thế, năm 2019, việc niêm phong túi đựng bài thi sẽ được “siết” hơn bằng việc dán phủ một lớp băng dính trong lên nhãn niêm phong một vòng quanh túi đựng bài thi.
3. Bộ trực tiếp chỉ đạo, trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm
Video đang HOT
Năm 2019, việc chấm thi trắc nghiệm không được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo như năm 2018 mà sẽ do các trường đại học, cao đẳng chủ trì. Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm thi. Phòng chấm thi được giám sát bằng camera 24/24 giờ.
4. Quét bài thi theo từng phòng
Thay vì quét ảnh bài thi theo lô không hạn chế số bài như trước đây, năm nay mỗi lô chỉ quét một phòng thi, tương đương với 24 bài, sau đó niêm phong và mở lô mới.
(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnamplus)
5. Mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi
Không chỉ đổi đơn vị chủ trì, việc chấm trắc nghiệm năm 2019 còn được siết chặt hơn bằng việc mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm, từ dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và cả kết quả chấm. Chỉ có những người được cấp phép mới có thể giải mã để đọc được các thông tin.
6. Đánh phách bài thi điện tử
Năm 2019, phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử để khi xử lý bài thi không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh, cán bộ chấm thi không thể biết bài làm này của thí sinh nào.
7. Khoanh vùng khu vực sửa lỗi bài thi
Việc sửa lỗi không thể thực hiện tùy tiện trên cả bài thi như các năm trước mà phần mềm phát hiện lỗi ở chỗ nào thì chỉ khoanh vùng khu vực đó. Cán bộ chấm thi chỉ có thể sửa trên phần được khoanh vùng.
8. Truy vết thao tác chấm thi
Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi đều được lưu vết và chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi.
9. Bốc thăm chấm thi tự luận
Đối với việc chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn năm 2019 vẫn do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì, theo ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo), không thể giao các trường đại học chấm Ngữ văn do hầu hết các trường không đủ nhân lực để thực hiện việc chấm thi môn này. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả thi đáng tin cậy, quy trình chấm sẽ chặt chẽ hơn.
Cụ thể, việc làm phách được thực hiện cách ly, bảo mật số phách. Việc chấm thi được thực hiện theo hình thức bốc thăm, chấm hai vòng độc lập.
10. Chấm kiểm tra tất cả các bài điểm cao
Cùng với việc chấm kiểm tra ngẫu nhiên 5% số bài thi, tất cả các bài điểm cao sẽ được chọn ra để chấm kiểm tra.
Sau khi chấm, bài thi được yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi. Việc nhập điểm cũng được thực hiện theo hai lần độc lập, sau đó đối sánh để đảm bảo không có sai sót khi đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm Quản lý thi.
Căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi./.
Phạm Mai
Theo Vietnamplus
Bộ GD-ĐT tạo lưu ý bảo quản tuyệt đối bài thi của thí sinh
Kết thúc môn thi cuối cùng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lưu ý các điểm thi tại các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc niêm phong, bảo quản an toàn bài thi của thí sinh để tiến hành chấm thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi THPT B Thanh Liêm, Hà Nam - Ảnh Tuệ Nguyễn
Buổi thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2019 kết thúc sáng nay, 27.6. Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, và đoàn kiểm tra của Bộ này đã kiểm tra 2 điểm thi tại Hội đồng thi tỉnh Hà Nam.
Theo ông Độ: "Có lẽ chưa năm nào những từ "trung thực", "minh bạch"... lại được nhắc nhiều như kỳ thi năm nay. Chúng ta quyết tâm tổ chức một kỳ thi không gian lận, khắc phục sai sót của năm trước. Tại các điểm thi, lãnh đạo Bộ đặt nhiều câu hỏi về quy trình niêm phong, bảo quản đề thi...".
Ông Độ lưu ý các điểm thi đặc biệt quan tâm tới khâu kiểm đếm, niêm phong, bảo quản và vận chuyển bài thi, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh cho đến phút cuối cùng của kỳ thi. Sản phẩm cuối cùng của kỳ thi là bài thi của thí sinh nên cần bảo quản chặt chẽ, minh bạch, có đầy đủ chữ ký và sự chứng kiến của các thành phần theo đúng quy chế.
"Tránh lơ là ở phút cuối mà làm hỏng cả kỳ thi", ông Độ nhắc nhở.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng quan tâm tới việc ghi chép nhật ký của thanh tra Sở GD-ĐT cắm chốt tại điểm thi, và bày tỏ: "Tôi rất ấn tượng khi kiểm tra thi tại Tuyên Quang, thấy thanh tra thi tại một điểm thi viết nhật ký thanh tra tới hàng chục trang, thậm chí ghi cả tình hình đổ rác tại điểm thi như thế nào".
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, nhắc nhở các điểm thi làm thật đúng quy trình bàn giao bài thi, niêm phong ổ cứng camera phòng giám sát đề thi, bài thi sau khi đã niêm phong và bàn giao về khu vực chấm thi. Ổ cứng camera giám sát phải được niêm phong và bàn giao cho phó trưởng điểm phụ trách cơ sở vật chất để bảo quản ít nhất 1 năm sau kỳ thi, để hậu kiểm nếu cần thiết.
Kết thúc môn thi cuối cùng, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng, có thể tạm kết luận đến thời điểm này, công tác bảo quản đề thi, coi thi của kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản là chặt chẽ, đúng quy chế. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra nghiêm túc nhưng không quá căng thẳng.
Thứ trưởng Độ cũng nhắn nhủ dù kết thúc khâu coi thi, nhưng vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến phản ánh của thí sinh và người dân về quá trình tổ chức thi tại các điểm thi, và đề nghị khẩn trương chấm thi đúng quy định.
Theo Thanh niên
Thi THPT quốc gia: Sẽ chấm lại những bài thi có điểm cao bất thường Về việc chấm thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Nhạ cho rằng cần thực hiện đúng quy chế, chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra gian lận, làm sai lệch kết quả thi; đặc biệt những bài thi có điểm cao bất thường thì cần chấm lại, đảm bảo tính chính xác. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc tại Hội đồng...