Thi THPT quốc gia 2017: Lo ngại sự chủ quan của giám thị
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong quá trình diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, lo ngại nhất là sự chủ quan của cán bộ coi thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga lo ngại tình trạng giám thị không đọc kỹ quy chế, không chú ý nghe tập huấn, đến khi gặp tình huống trong quá trình làm nhiệm vụ thì xử lý lúng túng, gây sự cố đáng tiếc.
PV có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga liên quan kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
- Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã đến rất gần. Các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã kiểm tra tại một số địa phương. Đến nay, đánh giá của ông về chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia như thế nào?
Ban chỉ đạo thi/tuyển sinh của bộ đã đi kiểm tra tình hình tổ chức thi ở một số địa phương. Nhận định chung là các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thi gồm đầy đủ đại diện của các ban ngành và lãnh đạo các huyện, trường ĐH tham gia phối hợp.
Các địa phương cũng đã quan tâm đặc biệt đến công tác in sao đề thi, chuẩn bị chu đáo nhân lực và phương tiện kỹ thuật để đảm bảo in sao đúng kế hoạch và an toàn tuyệt đối.
Việc tập huấn cán bộ tham gia công tác thi năm nay cũng được thực hiện rất chu đáo. Các Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nhiều lần, quán triệt những điểm mới, những điểm cần lưu ý khi tác nghiệp.
Qua kiểm tra, bộ cũng đã nhắc các địa phương tập huấn thêm một lần nữa ngay tại điểm thi ngày 21/6 tới để tránh những sai sót. Lo ngại nhất là sự chủ quan của cán bộ coi thi, không đọc kỹ qui chế, không chú ý nghe tập huấn, đến khi gặp tình huống trong quá trình làm nhiệm vụ thì xử lý lúng túng gây sự cố đáng tiếc…
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra thi tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Tiền Phong.
- Qua thực tế tại một số tỉnh, thành có thể thấy vẫn còn một số vấn đề chưa yên tâm liên quan bảo mật đề thi và tổ chức coi thi; một số điểm thi khá biệt lập như điểm thi trên đảo Quan Lạn, đảo Cô Tô của Quảng Ninh… Chỉ đạo của bộ cũng như khắc phục của địa phương về vấn đề này như thế nào?
Công tác in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi được thực hiện theo qui trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đề thi. Tất cả người được giao nhiệm vụ liên quan đề thi đều biết rằng đề thi của kỳ thi THPT quốc gia khi chưa sử dụng là tài liệu mật nên khi thực hiện nhiệm vụ phải hết sức cẩn trọng. Những điểm thi xa nơi in sao phải nhận cùng lúc tất cả đề thi để tập kết về điểm thi.
Tại đây, đề thi được những người có trách nhiệm gìn giữ cả ngày lẫn đêm. Qua các đợt kiểm tra, ban chỉ đạo thi/tuyển sinh của bộ cũng lưu ý các địa phương tổ chức điểm thi thuận lợi nhất cho thí sinh ở những vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, cù lao…
Video đang HOT
Các địa phương cũng đã dự phòng phương án xử lý những tình huống khi có thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đề thi cũng như việc đi lại của thí sinh, cán bộ coi thi tại những điểm thi này.
- Đến thời điểm này, Ban chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT cũng như của các tỉnh thành còn điều gì chưa thực sự yên tâm, đặc biệt trong việc coi thi ở các bài thi tổ hợp?
Sự khác biệt chủ yếu liên quan quy định coi thi các bài thi tổ hợp. Đây là điểm mới năm nay mà bộ yêu cầu các sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐSP tập huấn kỹ cán bộ làm nhiệm vụ coi thi. Những lưu ý quan trọng liên quan cách thức phát đề thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, kiểm tra mã đề thi của thí sinh, thu đề thi, giấy nháp các môn thi thành phần (trừ môn thi cuối của bài thi tổ hợp).
Theo quy chế, khoảng thời gian từ khi kết thúc môn thi thành phần thứ nhất đến khi bắt đầu làm bài thi môn thành phần thứ hai là 20 phút. Khoảng thời gian này khá dài để giám thị và thí sinh thực hiện các công việc chuẩn bị môn thi tiếp theo.
Thí sinh tự do có thể không thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp nên quy chế qui định các điểm thi bố trí phòng thi riêng cho những thí sinh này.
- Trước đây, địa phương đã chủ trì kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều ý kiến nghi ngờ độ tin cậy của kỳ thi. Năm nay khi giao cho địa phương chịu trách nhiệm chính tổ chức kỳ thi liệu kết quả của kỳ thi có đảm bảo tin cậy, khách quan để các trường ĐH sử dụng trong tuyển sinh?
So với kỳ thi tốt nghiệp THPT mà địa phương chủ trì những năm trước, phương thức tổ chức, điều kiện kỹ thuật thực hiện kỳ thi THPT quốc gia năm nay khác rất nhiều. Trừ môn văn, các môn còn lại đều thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; chấm thi được thực hiện bằng máy quét; hội đồng thi, công tác coi thi có sự phối hợp giữa giáo viên phổ thông và giảng viên đại học.
Mỗi phòng thi năm nay chỉ có 24 thí sinh, ít hơn những năm trước (30-40 thí sinh/phòng thi) nên các cán bộ coi thi có thể quán xuyến phòng thi tốt hơn.
Ngoài ra, chính thí sinh cũng tham gia giám sát tính nghiêm túc của kỳ thi. Cũng như những năm trước, qui chế năm nay qui định thí sinh có thể mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Thí sinh có thể sử dụng phương tiện kỹ thuật được phép mang vào phòng thi này để ghi nhận chứng cứ và chuyển cho những người có trách nhiệm xử lý.
Tất cả điều kiện đó đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, kết quả khách quan, trung thực để các trường ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Phụ huynh thức khuya dậy sớm cùng con trước kỳ thi THPT quốc gia 2017
Nhằm giúp con chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới, không ít cha mẹ cùng thức khuya dậy sớm, cẩn thận chăm lo việc ăn, ngủ, nghỉ, đưa đón con mỗi ngày.
Ba ngày trong tuần, chị Hồng Diệp (Hà Nội) phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị đưa đón con gái đi học thêm môn Ngữ văn. Chị chỉ là một trong số hàng nghìn phụ huynh tất bật mỗi ngày để hỗ trợ con tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Chỉ còn chưa đến một tuần nữa, các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi căng thẳng kéo dài trong 2,5 ngày. Đây là giai đoạn nước rút, thí sinh tập trung ôn thi, bố mẹ cũng bận rộn lo cho con em mình.
Chăm lo đủ bề
Chị Diệp cho hay vì thời tiết nóng bức, giáo viên luyện thi môn văn của con chị bắt đầu dạy từ 6h30. Giờ đó, hàng quán còn chưa mở. Vì thế, chị phải dậy sớm chuẩn bị bữa sáng rồi mới đưa con gái đến lớp.
"Thấy con mắt nhắm, mắt mở ăn vội tô mì, cái bánh mà tôi xót lắm nhưng cũng đành chịu. Cố gắng bao lâu cũng chỉ mong mấy hôm nữa, cháu thi đại học đạt kết quả tốt", chị Diệp nói.
Phụ huynh đưa con đến trung tâm vào cuối tuần. Ảnh: Nguyễn Sương.
Không cần dậy sớm như chị Diệp song ông Huy, bộ đội về hưu sống ở Hà Nội, cũng dành phần lớn thời gian trong ngày để đưa đón con tới lớp luyện thi.
Ông cho biết gần một năm nay, nhiệm vụ chính của ông là chăm lo cho con gái học lớp 12. Sau khi thăm dò, tìm hiểu thông tin từ người quen, ông quyết định cho con theo học tại trung tâm cách nhà hơn 12 km, bên cạnh việc ôn thi cùng giáo viên dạy cấp ba của con.
Có hôm, con gái học đến 4 ca tại trung tâm. Dù khá mất thời gian, ông vẫn muốn tự mình đưa đón vừa để con đỡ vất vả, vừa đảm bảo an toàn.
Không ít cha mẹ chia sẻ mỗi cuối tuần, họ đều tranh thủ thời gian đưa con đến lớp rồi vội vàng quay xe về để lo việc khác. Với họ, đó là một trong những cách để bày tỏ sự quan tâm tới đứa con đang học hành căng thẳng.
Không riêng chuyện đưa đón, việc ăn uống của sĩ tử cũng được phụ huynh chăm sóc kỹ lưỡng. Biết con thường xuyên phải thức khuya dậy sớm ôn bài, chị Diệp luôn cố gắng làm những món ngon để bồi bổ.
Chị cho biết nhiều phụ huynh khác còn mua thuốc bổ cho con uống. Tuy nhiên, chị sợ lạm dụng thuốc sẽ để lại hậu quả không tốt cho con nên không dám mua về.
"Thời gian rảnh, tôi lên mạng hoặc đọc sách để học cách nấu những món ăn bổ dưỡng, đặc biệt tốt cho trí não để tẩm bổ cho con. Tôi cố gắng học thật nhiều món để cháu không bị ngán", chị kể.
Chị Thúy Giang ở Hà Tĩnh còn lên chùa cầu nguyện cho con thi tốt. Đây cũng là tâm lý chung của không ít phụ huynh.
Căng thẳng không kém sĩ tử
Ngoài việc lo lắng việc ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, phụ huynh còn phải chú ý đến tâm lý của con. Có thể nói, với nhiều gia đình có con dự thi năm nay, người lớn cũng căng thẳng không kém thí sinh.
Chị Minh Tú (Hà Tĩnh) chia sẻ đây là lần thứ hai con gái chị thi THPT quốc gia. Năm ngoái, kết quả thi của em không quá kém nhưng không đủ để trúng tuyển trường mong muốn nên quyết tâm ôn thi lại thay vì nộp nguyện vọng bổ sung.
Phụ huynh đồng hành cạnh con trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái. Ảnh: Việt Hùng.
Gần một năm nay, chứng kiến con gái sống khép mình vì xấu hổ với bạn học, đặt trọng tâm cuộc sống lên bài vở, chị vừa thương con vừa lo lắng. Gia đình cũng từng rất hoang mang mỗi lần nghe tin thay đổi thi cử nhưng không dám lộ rõ vì sợ ảnh hưởng tâm lý của con.
"Tôi chỉ mong lần này, con thi thật tốt. Nhìn con cố gắng học tập lại không muốn để gia đình bận tâm, lo lắng, tôi xót lắm", chị nói.
Mỗi ngày, thấy con thức đến 3h sáng ôn bài, ngoài việc thỉnh thoảng ghé phòng, đưa cho con ly sữa hay quả trứng luộc, chị không biết làm gì hơn. Trước đó, gia đình xác định cùng thức, cùng ngủ với con. Song sự quan tâm thái quá ấy lại vô tình tăng áp lực, khiến con gái mệt mỏi hơn nên họ từ bỏ.
Mọi sự chăm lo đều xuất phát từ tình thương của cha mẹ cùng mong muốn con thành công. Tuy nhiên, không phải lúc nào, con cái cũng vui vẻ đón nhận việc được chăm sóc ấy.
Trong lúc chờ con tan học, một phụ huynh ở Hà Nội tâm sự chị chỉ đón con vào cuối tuần. Những ngày còn lại, cháu muốn đi học cùng bạn bè.
Người phụ nữ ngoài 50 tuổi cho hay học lực của con trai không quá tốt. Càng đến gần kỳ thi, cậu càng tỏ ra bồn chồn và dễ cáu gắt, không hài lòng khi người nhà hỏi đến tiến độ học tập hay dự định chọn trường, ngành.
"Biết thái độ con như vậy là không đúng nhưng chúng tôi cũng không uốn nắn nhiều. Thời điểm này, gia đình chỉ muốn con tập trung ôn thi với tâm lý thoải mái nhất", chị nói.
Theo Zing
TP.HCM: Học sinh lớp 12 học liên tục 3 ca để ôn thi Vài tuần nữa, học sinh khối 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Các trường THPT tại TP.HCM đang tập trung tổng lực ôn tập cho giai đoạn nước rút này. Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) xây dựng lịch ôn tập rất chi tiết. Buổi sáng, học sinh sẽ ôn luyện các môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn, tiếng...