Thi THPT quốc gia 2017: Học sinh gặp khó khi ôn luyện
Sau chưa đầy hai tháng Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa, học sinh các trường đang phải làm quen theo cách kiểm tra, đánh giá với phương thức trắc nghiệm.
Các môn như Lý, Hóa, Ngoại ngữ những năm trước đã thi trắc nghiệm nên học sinh có nhiều bộ đề để rèn luyện, trong khi các môn năm nay mới thi, giáo viên gặp không ít khó khăn vì mới bắt tay vào làm đề.
Giáo viên cũng gặp khó
Sau khi công bố đề thi minh họa để giáo viên, học sinh hình dung được cấu trúc, độ khó đề thi THPT quốc gia năm nay, đến thời điểm này Bộ GD&ĐT vẫn chưa có tài liệu hướng dẫn nào về việc ra đề thi trắc nghiệm tại các trường.
Do đó, đối với những môn năm trước đã thi trắc nghiệm như Vật lý, Hóa học, Ngoại ngữ giáo viên có nhiều tài liệu cũng như ngân hàng đề thi dồi dào để học sinh tập dượt, trong khi giáo viên các môn mới thi trắc nghiệm lại phải loay hoay, tự biên soạn bộ đề.
Thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội – cho rằng việc ra đề thi trắc nghiệm khó hơn rất nhiều so với ra đề tự luận. Bởi ngoài một đáp án duy nhất đúng thì giáo viên phải làm được 3 đáp án khác có thông tin gây nhiễu, thậm chí dự đoán được khả năng phán đoán sai, nhầm của học sinh.
Cũng theo thầy Tùng, năm nay môn Toán thi trắc nghiệm lần đầu nên học sinh còn bỡ ngỡ. Nhiều em cứ nghĩ thi trắc nghiệm chỉ cần học qua loa nhưng bao trùm kiến thức là đủ.
Điều đó rất sai lầm bởi để làm tốt đề trắc nghiệm đòi hỏi học sinh phải có kiến thức cơ bản, có kỹ năng nhận diện, đánh giá đề, kỹ năng sử dụng máy tính và quan trọng nhất là phải chăm chỉ luyện đề.
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016.
Cô Phạm Thị Ngọc Huệ – tổ trưởng bộ môn Toán, trường THPT Đông Anh, Hà Nội – chia sẻ ngay sau khi bộ công bố đề minh họa, giáo viên đã cho học sinh kiểm tra 15 phút, 1 tiết bằng hình thức trắc nghiệm. Tổ có 5-6 giáo viên thì tất cả đều được yêu cầu làm đề làm sao đảm bảo như quy chế của Bộ là mỗi học sinh có một đề thi không trùng nhau.
Cô Huệ cũng cho biết hiện nay đề mẫu trên mạng rất nhiều nhưng không ai kiểm định, do đó giáo viên các trường chủ yếu đang chia sẻ kinh nghiệm, đề thi cho nhau.
Video đang HOT
Thậm chí, có nhiều trường còn tổ chức hội nghị tập hợp giáo viên cùng bộ môn lại, tự mời cán bộ có kinh nghiệm về ra đề trắc nghiệm để truyền lại cho giáo viên.
Tổ hợp môn gây rối cho học sinh
Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) – Đào Tuấn Đạt – cho biết đến thời điểm này điều ông băn khoăn nhất vẫn là việc kết hợp 6 môn thi vào hai tổ hợp môn KHTN và KHXH, gây khó khăn cho học sinh trong thi cử lẫn ôn luyện.
Theo ông Đạt, việc ghép 3 môn vào một tổ hợp trong khi đề thi, kiến thức tách biệt nhau là việc lắp ghép cơ học không phải tích hợp nên không mang lại ý nghĩa đánh giá kiến thức liên môn của học sinh. Với hình thức thi này, việc học tập, ôn luyện vẫn phải chia tách lớp theo đăng ký của học sinh để ôn từng môn, trong khi thi lại ghép các môn với nhau.
Ông Lê Văn Dũng – hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan, Hà Nội – cho biết hiện tại, ngoài học chương trình chính thống trường đã cho cho học sinh ôn luyện 3 môn cơ bản gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ. Các môn lần đầu thi trắc nghiệm hay tổ hợp môn thì giáo viên đã phải họp với nhau để có cách dạy, cách ra đề kiểm tra, đánh giá cho học sinh làm quen.
“Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra học kỳ I sắp tới, đối với các môn trong tổ hợp KHTN, KHXH trường cũng chỉ hi vọng các em đạt được điểm trung bình vì học sinh chưa có nhiều thời gian để làm quen đề cũng như rèn kỹ năng”, ông Dũng nói.
Thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên dạy Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An – cho rằng việc kết hợp Lịch sử với Địa lý, Giáo dục công dân chỉ làm học sinh, giáo viên thêm rối.
Kiến thức vẫn độc lập, trong khi học sinh phải chạy đua với thời gian để học và ôn luyện cũng như rèn cho học sinh kỹ năng làm bộ câu hỏi trong thời gian ngắn nhất là rất vất vả cho cả thầy và trò.
Ông Ngô Văn Chất – Trưởng Phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) – cho biết sắp tới đơn vị sẽ tổ chức thi, đánh giá học sinh bằng hình thức trắc nghiệm hoàn toàn, ngoại trừ môn Ngữ văn.
Sở huy động chuyên viên, giáo viên có kinh nghiệm ở các trường ra đề thi. Đề thi sẽ bám sát cấu trúc đề minh họa của bộ nhằm giúp học sinh lớp 12 Hà Nội tập dượt, làm quen đồng thời đánh giá năng lực học sinh sau một thời gian theo phương pháp mới.
Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong
Coi thi THPT quốc gia 2017: Liệu có trung thực?
Công tác coi thi THPT quốc gia 2017 có công bằng, khách quan hay không phụ thuộc rất lớn vào các cụm thi địa phương.
Tổ chức cụm thi trong phương án chính thức về thi THPT quốc gia năm 2017 quy định mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chủ trì dành cho tất cả thí sinh của địa phương.
Sở GD&ĐT các tỉnh bố trí cán bộ thực hiện những khâu tổ chức thi theo quy chế. Bộ GD&ĐT cử cán bộ, giảng viên từ đại học, học viện, trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.
Thi tại địa phương sẽ 'dễ thở'?
Kỳ thi THPT quốc gia "2 trong 1" trong 2 năm vừa qua (2015, 2016) đã có nhiều điều chỉnh theo hướng tốt hơn.
Cụ thể, từ 38 cụm thi trên cả nước do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì trong năm 2015, đến năm 2016 còn 70 cụm thi ĐH và 50 cụm thi tốt nghiệp đã giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh.
Tuy nhiên, với việc tổ chức 2 loại cụm thi (cụm thi địa phương (2015), cụm thi tốt nghiệp (2016) vẫn có dư luận xã hội cho rằng không công bằng.
Đối chiếu hồ sơ của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Thực tế cho thấy công tác coi thi giữa 2 hình thức tổ chức cụm này có sự bất thường về số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi. Chất lượng, năng lực học tập, ý thức thi cử của các thí sinh tại cụm thi địa phương không bằng thí sinh cụm thi ĐH nhưng số lượng bị lập biên bản lại ít hơn nhiều.
Sự thiếu công bằng này xuất phát từ khâu coi thi. Cụm thi ĐH được coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc. Thí sinh vi phạm quy chế nếu bị phát hiện đều bị xử lý, lập biên bản ngay lập tức.
Còn ở cụm thi tốt nghiệp địa phương, cán bộ, giám thị có tư tưởng, thái độ coi thi nhẹ nhàng, dễ dãi. Họ thường "bỏ qua" hoặc chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở các trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi vì là "người nhà"; vì thuộc diện học trung bình hay yếu, chỉ mong thi đỗ tốt nghiệp nên được tạo điều kiện tối đa.
Rõ ràng, với tình trạng coi thi "tháo khoán" phổ biến ở các cụm thi địa phương nên tại nhiều nơi, số lượng bài thi bị điểm liệt ít, phổ điểm các môn tự luận cao, dẫn đến kết quả đỗ tốt nghiệp vượt hẳn cụm thi ĐH.
Các trường ĐH vẫn phải 'cầm trịch'
Những tiêu cực, hạn chế, bất thường, bất công từ khâu coi thi tại các cụm thi địa phương đã bộc lộ rõ qua 2 năm 2015, 2016 và nhiều năm trước đó. Các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo chưa thật yên tâm khi thống nhất một cụm thi ở mỗi tỉnh, thành trên phạm vi cả nước nhưng lại do sở GD&ĐT chủ trì.
Công tác phối hợp, hỗ trợ của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ đối với các sở GD&ĐT nếu làm không kỹ thì dễ rơi vào tình trạng hình thức, như cuộc "dạo chơi", khó có thể đem lại hiệu quả và bảo đảm tính nghiêm túc, đúng quy chế thi.
Những tồn tại, tiêu cực, thiếu công bằng, thiếu khách quan trong khâu tổ chức coi thi tại cụm thi địa phương rất dễ lặp lại khi mà căn "bệnh thành tích" chưa được đẩy lùi; tư tưởng cục bộ, địa phương vẫn còn đó; những mối quan hệ, nhờ vả... còn khó lường.
Có người nhầm tưởng các môn thi, bài thi tổ chức bằng hình thức trắc nghiệm khách quan (trừ môn ngữ văn) sẽ triệt tiêu được các hiện tượng tiêu cực trong phòng thi như "gà bài", coi bài nhau. Thực ra, hình thức trắc nghiệm càng dễ để "gà bài", trao đổi với nhau, mặc dù mỗi thí sinh có đề thi riêng, chỉ 15% câu hỏi giống nhau.
Theo đó, để bảo đảm khách quan cho kỳ thi này, cần huy động khoảng 20%-30% cán bộ, giảng viên ĐH thuộc loại "tinh hoa" làm nòng cốt cho mọi hội đồng coi thi; số còn lại huy động đội ngũ giáo viên phổ thông tại chỗ.
Các trường ĐH phải ở vị trí "cầm trịch", "chủ trì" thì mới bảo đảm cho kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, những hoài nghi của xã hội lâu nay sẽ không còn.
Một khi Bộ GD&ĐT đã quyết tâm giao quyền chủ trì cho các sở GD-ĐT thì cần chuẩn bị và làm thật tốt, bài bản về công tác phối hợp, hỗ trợ của cán bộ, giảng viên các trường ĐH.
Cần chọn lựa những cán bộ, giảng viên có tinh thần, trách nhiệm cao, có nhiều kinh nghiệm về công tác tổ chức thi và không thỏa hiệp trước các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc của hội đồng coi thi.
Đừng 'cưỡi ngựa xem hoa'
Chức năng giám sát, thanh tra của các sở, các trường ĐH và Bộ GD&ĐT phải thực chất, luôn làm đúng vai trò, chức năng.
Dư luận xã hội không chấp nhận các đoàn thanh tra "cưỡi ngựa xem hoa", thiếu trách nhiệm trong việc giám sát thực hiện kỷ luật trường thi.
Có vậy, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 mới thành công trọn vẹn trên mọi phương diện.
Theo Đỗ Tấn Ngọc / Người Lao Động
Huy động giáo viên giỏi làm đề thi THPT quốc gia 2017 Bộ GD&ĐT đang lập ban soạn thảo đề thi trắc nghiệm cho các môn thi THPT quốc gia, huy động thầy cô giáo giỏi trong cả nước cùng tham gia. Ngày 6/11, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết kế hoạch chi tiết cho công tác làm đề thô, đề cho học sinh thi thử đã được thực hiện nhằm tiến tới...