Thi theo trắc nghiệm: Hiếm điểm khá, giỏi
Nhiều trường THPT tại TP.HCM vừa hoàn tất việc chấm thi học kỳ I năm học 2016-2017. Phổ điểm thi theo hình thức trắc nghiệm chủ yếu ở mức trung bình.
Kết quả thi học kỳ I năm học 2016-2017 tại TP.HCM được trông đợi hơn mọi năm, nhất là học sinh (HS) khối 12 vì đây là năm đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Chủ yếu đạt 5 – 6 điểm
Theo đánh giá sơ bộ ở nhiều trường, xét tổng quan, kết quả thi tương đương mọi năm nhưng lại có sự phân hóa rõ rệt.
Ở các trường tốp đầu, kết quả thi không mấy thay đổi so với mọi năm nhưng các trường tốp giữa và cuối, HS đạt phổ điểm trung bình chiếm đa số; rất hiếm điểm khá, hầu như không có điểm giỏi.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM đang làm quen với các dạng đề thi trắc nghiệm. Ảnh: Tấn Thanh/Người Lao Động.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp cho biết lần đầu tiên thi theo hình thức mới nên trường chủ trương ra đề bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT nhưng số điểm dưới trung bình, nhất là 2 môn Toán và Giáo dục công dân, nhiều hơn các năm trước.
Riêng môn Toán, nhiều HS cho biết do đề thi dài, với những em học lực trung bình còn tốn thời gian để phân biệt câu dễ, khó nên cứ làm theo tuần tự, dẫn đến không đủ thời gian để hoàn thành bài.
Theo tổ trưởng chuyên môn một trường THPT tại quận 4, so với mọi năm, điểm thi học kỳ vừa qua của HS khối 12 ở các môn tự nhiên (Toán, Lý, Hóa) tương đương năm ngoái.
Mọi năm có kho trung bình thì năm nay, phần lớn HS đạt phổ điểm trung bình và trên trung bình (mức điểm từ 5 – 6 điểm chiếm đa số); điểm 7 hiếm và điểm 8, 9 hầu như không có, nhất là môn Toán.
Lý giải về kết quả trên, vị này cho rằng có thể HS chưa làm hết sức. Ngoài ra, nhiều em cũng chưa làm quen nhiều với hình thức thi trắc nghiệm nên chỉ chọn câu nào thật dễ để vừa đủ mức điểm an toàn.
Đề thi còn thăm dò
Video đang HOT
Trong khi đó, theo hiệu trưởng nhiều trường, dù là hình thức thi trắc nghiệm giúp HS làm quen dần với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới nhưng để lựa chọn giải pháp an toàn, các trường không dám ra đề mạnh dạn.
Phần lớn các đề thi vẫn na ná, bám sát theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT công bố. Chính vì thế, kết quả thi không thể phản ánh chính xác trình độ HS trong các kỳ thi tiếp theo mà chỉ là kết quả để các trường nghiên cứu thêm và có những điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng trường THPT Tân Phong (quận 7), do đề sát chương trình lớp 12 nên kết quả thi học kỳ I vừa qua ở khối 12 nhìn chung điểm các môn cao hơn giữa học kỳ I (giữa học kỳ tổ chức vào giữa tháng 10/2016); đặc biệt, môn Toán và Lịch sử do giáo viên và HS đã quen dần với hình thức thi, đồng thời có thời gian để ôn tập khá kỹ.
Tuy nhiên, một số môn như tiếng Anh cải thiện không đáng kể do có đầu vào không cao. Riêng Giáo dục công dân là môn lần đầu tổ chức thi tập trung và là thi trắc nghiệm nên hoàn toàn mới mẻ đối với cả giáo viên và HS.
“Không riêng gì trường THPT Tân Phong, qua tìm hiểu các trường trong TP.HCM, đề thi các môn Toán, Sử, Địa, Giáo dục công dân còn ở mức ‘dè dặt’ vì mới mẻ. Các trường hầu hết chỉ mới căn theo bộ đề minh họa của bộ”, ông Hải nói.
Tổ trưởng chuyên môn toán một trường THPT tại quận 7 cho biết sau khi thi học kỳ I, dù kết quả cao hay thấp thì giáo viên còn lo hơn HS bởi đến nay, việc xây dựng ngân hàng đề thi theo hình thức trắc nghiệm vẫn rất khó khăn mà thời gian nhiều. Giáo viên hiện nay vẫn ra đề theo chủ quan cá nhân và trình độ HS ở trường.
Gay go nếu không làm quen đề thi
Ông Trần Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường THPT Marie Curie, cho biết so với năm ngoái, kết quả thi học kỳ I của HS khối 12 cao hơn, sở dĩ như thế là do giáo viên và HS ở trường có điều kiện thi trắc nghiệm khá kỹ. Thế nên, khi phương án thi trắc nghiệm được quyết, giáo viên không lúng túng khi ra đề, HS cũng không bỡ ngỡ.
Theo ông Hòa, nếu trường nào được làm quen thì khá tốt, còn không vì nội dung cơ bản của hai dạng đề như nhau, vấn đề là thời gian để giáo viên và HS quen thuộc.
“Chưa thể dùng điểm số đánh giá hiệu quả của các đề thi trắc nghiệm mà phải chờ thêm thời gian để phân tích và có điều chỉnh phù hợp”, ông Hòa nói.
Theo Đặng Trinh / Người Lao Động
Bài thi tổ hợp 3 môn: Học sinh căng thẳng, không kịp trở tay
Không tích hợp kiến thức liên môn nhưng quy chế thi THPT quốc gia năm nay yêu cầu thí sinh phải thi tổ hợp 3 môn với thời gian 150 phút.
Đó là tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Trên thực tế, nhiều giáo viên, học sinh kêu trời với cách thi như vậy, học sinh căng thẳng, thầy trò không kịp trở tay.
120 câu - 150 phút - 3 môn: 'Tra tấn' học sinh
Cô Quan Thị Nguyệt, giáo viên dạy Địa lý một trung tâm giáo dục thường xuyên tại quận 9 (TP.HCM) cho biết trong bài kiểm tra học kỳ vừa qua, giáo viên đã được yêu cầu đổi mới cách ra đề từ tự luận sang trắc nghiệm hoàn toàn.
Với 40 câu hỏi, học sinh chỉ được làm bài trong thời gian 50 phút. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả học kỳ, giáo viên vẫn phải có hướng dẫn ôn tập và khoanh vùng các bài thi để học sinh ôn mới đạt kết quả cao.
Nếu không khoanh vùng kiến thức, cô Nguyệt cho rằng: "Chỉ có 20% - 30% học sinh đạt trên 5 điểm, chưa kể thực hiện các bài thi liên tiếp khiến học sinh rất rối trí".
Theo cô Nguyệt, cả cô và trò đang rất bối rối trong cách ôn luyện cũng như sợ kết quả thi năm nay sẽ không ổn như mọi năm.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội chia sẻ vì lo lắng ảnh hưởng kết quả học kỳ I của học sinh không tốt nên sau khi kết thúc đợt kiểm tra học kỳ ông mới cho học sinh tập dượt ba bài thi trong tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Học sinh được xếp 24 em/phòng và mỗi đề thi có 8 mã đề khác nhau.
Hiệu trưởng này cũng thông tin hiện giáo viên đang chấm bài kiểm tra cả hai đợt nên chưa thể so sánh được kết quả. Tuy nhiên, việc thi 3 môn cùng lúc khiến học sinh căng thẳng, lo lắng hơn rất nhiều.
"Nếu không được thi độc lập mỗi buổi một môn như trước thì bộ nên kéo dài thời gian nghỉ giữa các môn", ông nói.
Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh - ông Đào Tuấn Đạt - cũng cho rằng việc thi 3 môn liên tiếp trong một buổi là "tra tấn" học sinh, không có cơ sở khoa học nào để áp dụng. Vì thế, cả giáo viên và học sinh đều hoang mang, lo lắng khi chọn một trong hai tổ hợp.
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh /Tiền Phong.
Theo ông Đạt, năm 2015 ví dụ đề thi môn Vật lý có 50 câu hỏi với thời gian làm bài là 90 phút nay bỗng rút xuống còn 50 phút với 40 câu hỏi là một sự vô lý.
Chưa kể, các em phải làm ba bài thi liên tiếp với 120 câu hỏi trong thời gian 150 phút chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thi năm nay.
Ông Đạt cho rằng lãnh đạo bộ nên có thí điểm hoặc tự ngồi thực hiện 3 bài thi liên tiếp, kiến thức thuộc ba lĩnh vực khác nhau xem kết quả thế nào mới có quyết định. Các môn thi nên có thời gian nghỉ từ 30 phút đến ít nhất một tiếng để học sinh có thời gian nộp bài, trao đổi bài và chuẩn bị tâm lý cho môn thi tiếp theo.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ với cách thi 3 môn trong tổ hợp như năm nay, học sinh trường chuyên có năng lực tốt, kiến thức vững nên không gặp nhiều khó khăn còn học sinh các trường không chuyên sẽ vô cùng vất vả.
Đây là năm đầu tiên thi trắc nghiệm các môn trong tổ hợp Khoa học xã hội, thầy trò đã phải xoay chuyển 180 độ cả về cách dạy lẫn cách học để thi. Trong khi đó, các em phải thi 3 bài liên tiếp sẽ dễ loạn kiến thức giữa môn này và môn khác. Nếu làm bài không tốt ở môn thi trước, học sinh cũng không có tâm lý tốt để làm bài thi sau. Như vậy, việc ảnh hưởng đến kết quả thi là điều không tránh khỏi", thầy Hiếu nói.
Còn nhiều lo lắng
Trong khi đó, trên trang Facebook cá nhân, một cô giáo ở Thừa Thiên Huế cho biết chứng kiến học sinh "xoay mòng mòng" với tổ hợp 3 môn Lý - Hóa - Sinh theo kiểu vừa "buông tay chầm lại cầm ngay tay chèo" khiến cô không khỏi lo lắng.
"Làm sao có thể huy động được một lượng kiến thức mênh mông ở cả 3 môn khác nhau trong một quãng thời gian ngắn thế", cô giáo này viết.
Cô giáo này cũng lo lắng về việc thi trắc nghiệm môn Toán sẽ được tổ chức lần đầu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Với một đề thi môn Toán 50 câu trắc nghiệm, thực chất là bài toán làm trong 90 phút, chỉ nói đến việc đọc đề đã hoa cả mắt.
GS Đỗ Đức Thái, khoa Toán - Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng "với bài thi trắc nghiệm môn Toán, 90 phút với 50 câu có phản ánh được năng lực của thí sinh không, tôi chưa có thời gian nghiên cứu thật thấu đáo. Bao nhiêu thì là đủ, dựa trên thống kê tâm lý như thế nào thì tôi cần thời gian để tìm hiểu", GS Đỗ Đức Thái khẳng định.
Một thầy giáo ở Nam Định đặt vấn đề tại sao Bộ GD&ĐT không tổ chức mỗi môn thi thành một bài thi như ngày xưa. "Nếu nói để giảm thời gian, tiết kiệm thời gian thì bộ cho mỗi môn thi chỉ còn 10 phút.
Bộ sợ các trường ĐH không tuyển được thí sinh, nhưng có thi đến cả tiếng đồng hồ, không tuyển được vẫn cứ là không tuyển được. Với bài thi tổ hợp 3 môn thi, tôi cứ thấy có gì đó không ổn", thầy giáo này nói.
Hoàng Văn Đông, học sinh lớp 12 ở Nam Định cho biết kiểm tra học kỳ vừa qua, trường em không tổ chức thi theo bài mà là thi ba môn trong mỗi bài thi trong một buổi. Hết môn, các thầy cô thu bài, sau đó làm bài tiếp theo.
"Em thi bài Khoa học xã hội, không thấy đề thi khó nhưng thấy khá căng thời gian làm bài. Nếu làm môn trước không tốt, chúng em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tâm lý môn sau", Đông nói.
Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Hà / Tiền Phong
Bộ Giáo dục tính bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi và bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng. Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy hệ đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm năm 2017. Theo đó, nhiều...