Thí sinh Trung Quốc gian lận thi cử có thể ngồi tù 7 năm
Để đảm bảo tính công bằng trong kỳ thi đại học, Trung Quốc sử dụng các biện pháp mạnh như điều đội SWAT canh gác trường thi, phạt tù 7 năm đối với trường hợp gian lận thi cử.
Kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc (Gaokao) được đánh giá là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Năm nay, thí sinh còn phải chịu thêm áp lực từ những biện pháp an ninh được tăng cường cùng nguy cơ ngồi tù 7 năm nếu gian lận, TIME cho hay.
Đây là năm đầu tiên nước này áp dụng án phạt tù cho những ai muốn thông qua biện pháp không minh bạch để trúng tuyển đại học.
Cảnh sát canh gác tại các điểm thi Gaokao. Ảnh: Reuters.
Các thí sinh dự thi môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh và một môn tự chọn. Những năm gần đây, tình trạng gian lận thi cử diễn ra khá phổ biến, thậm chí gian lận có tổ chức theo đường dây móc nối giữa giáo viên và học sinh. Đặc biệt, năm 2013, bạo loạn diễn ra tại trường thi khi các giám thị cố gắng ngăn chặn một vụ vi phạm quy chế thi trắng trợn.
Trung Quốc thắt chặt an ninh thi cử, sử dụng đến các biện pháp công nghệ cao như máy bay không người lái, máy dò kim loại, máy quét vân tay và máy quét nhãn cầu.
Những trường hợp gian lận bị đình chỉ thi trong nhiều năm, nếu liên tục vi phạm hoặc nhờ người thi hộ có thể phải đối mặt với án tù lên đến 7 năm.
“Năm tôi thi Gaokao, rất nhiều trường hợp vi phạm quy chế. Nếu năm đó, người ta coi gian lận thi cử như một tội phạm hình sự, mọi chuyện sẽ tốt hơn”, một người dùng Weibo cho biết.
Bên cạnh việc phạt nghiêm, Trung Quốc còn vận dụng biện pháp đặc biệt, hoàn toàn coi vi phạm quy chế thi đại học là tội phạm. Lần đầu tiên, nước này huy động đội SWAT thực hiện quy trình kiểm tra giấy tờ và đảm bảo an ninh trường thi. Ở Bắc Kinh, mỗi điểm thi có ít nhất 8 cảnh sát canh gác.
Những điều này gia tăng áp lực thi cử đối với thí sinh Trung Quốc. Năm nay, 9,4 triệu sĩ tử cạnh tranh cho 3 triệu chỉ tiêu đại học.
Kết quả Gaokao cao thấp đồng nghĩa việc mất cơ hội có việc làm ổn định, lương cao trong tương lai. Do chính sách kế hoạch hóa gia đình, phần lớn thí sinh là con duy nhất, gánh nặng phụng dưỡng bố mẹ, ông bà đều đặt lên họ. Vì thế, áp lực thi tốt để thành công càng nặng hơn.
Video đang HOT
Áp lực lớn khiến nhiều người sử dụng biện pháp tiêu cực. Trong đó, hoạt động thuê sinh viên từng đạt điểm cao kèm cặp, thậm chí thi hộ, khá phổ biến. Phụ huynh cũng không ngại leo núi cầu phật hay chi khoản tiền khổng lồ chỉ để giúp con có cơ hội đỗ cao hơn.
Đương nhiên, kể cả khi không gian lận, kỳ thi Gaokao cũng không thực sự công bằng. Thí sinh tại một số vùng như Bắc Kinh luôn có lợi thế cao hơn so với học sinh tại những vùng đông dân như tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc. Nhiều trường uy tín tại Bắc Kinh ưu tiên suất học cho thí sinh có hộ khẩu tại đây giúp thí sinh là người bản địa có lợi thế cạnh tranh hơn so với thí sinh ngoại tỉnh.
Ngoài ra, vấn đề cộng điểm ưu tiên cho thí sinh người dân tộc thiểu số cũng gây tranh cãi trong thời gian gần đây.
Nhiều người đánh giá, khác biệt vùng miền mới là yếu tố bất công nhất trong kỳ thi gaokao đồng thời là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình.
“Chính phủ đã nỗ lực rất lớn để ngăn chặn gian lận nhưng chính sách cộng điểm thiên vị vùng miền mới là vấn đề cần được giải quyết nhất”, một người dùng Weibo bình luận.
Theo Zing
'Tôi may mắn vì trượt đại học'
Với nhiều sĩ tử Trung Quốc, thất bại trong kỳ thi đại học đồng nghĩa tương lai ảm đạm. Tuy nhiên, đôi khi, thất bại lại là cơ hội mở ra con đường khác đến thành công.
Hai ngày qua, gần 10 triệu sĩ tử Trung Quốc trải qua hai ngày thi gaokao - kỳ thi tuyển sinh đại học được đánh giá khắc nghiệt nhất thế giới.
Năm 2009, tôi cũng tham gia cuộc đua khốc liệt vào trường đại học. Ngay từ nhỏ, gia đình, nhà trường dạy tôi rằng, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất phải hoàn thành, vì sự nghiệp tương lai.
Đối với nhiều thế hệ trẻ ở Trung Quốc, học đại học là tấm vé dẫn đến thành công. Ngày nay, nó vẫn là cơ hội đổi đời của hàng triệu học sinh vùng nông thôn. Thất bại đồng nghĩa việc không bằng cấp, công việc thu nhập thấp và là hối tiếc cả đời.
Vì thế, tôi miệt mài học tập, theo học trường điểm để có thể đặt chân vào trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh, nhưng sẽ học cái gì, thì tôi không biết.
Hình ảnh sĩ tử ôn thi trên giường bệnh đã không còn xa lạ ở Trung Quốc. Ảnh: CFP.
Ôn thi gaokao là thử thách lớn cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Thông thường, học sinh lớp 12 phải học từ 7h đến 17h30 chiều. Nhiều bạn còn ở trường, học thêm đến 21h tối. Tôi là một trong số ít lựa chọn học tại nhà để không phải chịu đựng bầu không khí ôn thi căng thẳng.
Giáo viên khuyên chúng tôi tập trung học. Phụ huynh sẵn sàng làm mọi thứ nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho con. Sự chăm lo của bố mẹ càng khiến tôi áp lực và... chán học
Sau bữa tối, tôi ngồi vào bàn học, cố làm ra vẻ đang miệt mài ôn thi, nhưng thực ra đang lén đọc tiểu thuyết hoặc tạp chí giấu dưới sách giáo khoa, đồng thời đề cao cảnh giác phòng khi bố mẹ kiểm tra đột xuất.
Những người xung quanh luôn cho rằng, tôi học chưa đủ chăm khiến tôi sợ thất bại và mắc chứng căng thẳng nghiêm trọng. Trong cả năm lớp 12, tôi phải dùng thuốc an thần để ngủ được.
Vì thế, việc tôi trượt đại học cũng không có gì khó hiểu.
Áp lực phải đỗ đại học khiến nhiều học sinh học tập đến kiệt sức. Ảnh: BBC.
Ngày công bố kết quả, mặc dù đã lường trước, tôi vẫn sốc nặng. Cảm thấy xấu hổ, tôi tự nhốt mình trong phòng cả ngày đến khi bố mẹ phá cửa vào.
Tôi từng hy vọng có thể theo học ngành ngoại ngữ tại một đại học ở Bắc Kinh. Đương nhiên, tôi đã không thể thực hiện nó.
Bố mẹ đề nghị tôi học thêm một năm rồi thi lại. Ý nghĩ đó khiến tôi rùng mình, ớn lạnh. Tôi đã từ chối.
Tôi quyết định theo học ngành biên tập và xuất bản tại một trường hạng ba ở thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang). Mặc dù ngành này không tệ nhưng tôi không cảm thấy hào hứng và mất hết động lực.
Hai năm đầu, tôi không hiểu sao mình lại phải học nhiều thứ vô nghĩa đến vậy cũng không biết lý do các bạn học cố tham gia câu lạc bộ hay hội học sinh để lấy "kinh nghiệm lãnh đạo".
Vì vậy, tôi bỏ học. Tại thời điểm đó, nhiều người coi đây là quyết định điên rồ. Tôi du học ngành báo chí tại Đại học Iowa (Mỹ).
Giờ nghĩ lại, tôi thấy nỗi căng thẳng, sợ hãi hồi ôn thi gaokao thật vô nghĩa. Thất bại đó cũng chẳng thể hủy hoại cuộc đời tôi.
Thời gian học tại Iowa giúp tôi có thêm kinh nghiệm, nhận ra đam mê và sẵn sàng nắm bắt cơ hội để thành công.
Tôi thực sự cảm thấy may mắn vì đã thất bại trong kỳ thi gaokao. Nếu không, tôi đã theo học một trường ở Bắc Kinh và không bao giờ có thể trải nghiệm nền giáo dục phương Tây. Và đương nhiên, tôi sẽ không thể hiểu được ý nghĩa của giáo dục.
Tại Iowa, dù không ai thúc ép, tôi tự giác học hành chăm chỉ hơn hồi trung học, cố gắng để không lãng phí một đồng học phí nào. Tôi trưởng thành hơn và hiểu được mình muốn gì.
Hiện tại, tôi vẫn không thể lý giải nổi nỗi sợ hãi của các sĩ tử trước kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng với tôi, thất bại đó là cánh cửa mở ra một con đường khác dẫn tới thành công.
Trên đây là chia sẻ của Shen Lu, phóng viên của tờ CNN, về thất bại của cô trong kỳ thi năm 2009.
Gaokao là kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc, được đánh giá là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Kết quả bài thi có tính quyết định tới khả năng thành công sau này của người trẻ.
Áp lực thi cử khiến hàng triệu thí sinh lao đầu vào học, thậm chí ngay trên giường bệnh. Nhiều em lo sợ thi trượt hoặc không chịu nổi thất bại khiến tình trạng tự tử học đường trước và sau kỳ thi diễn ra nghiêm trọng.
Với tư cách là người từng nếm trải áp lực cũng như nỗi xấu hổ khi nhận kết quả thi không tốt, Shen Lu chia sẻ kinh nghiệm bản thân như một lời động viên gửi tới giới trẻ Trung Quốc, hy vọng các em có cái nhìn thoáng hơn.
Theo Zing
TQ: Gian lận trong thi đại học, thí sinh bị phạt tù 7 năm Chưa bao giờ trong lịch sử Trung Quốc, án phạt dành cho thí sinh gian lận lại nặng như vậy. Kỳ thi đại học quốc gia Trung Quốc nổi tiếng cả thế giới vì sự căng thẳng và khắc nghiệt Kỳ thi đại học quốc gia Trung Quốc (hay còn gọi là gaokao) nổi tiếng cả thế giới vì sự căng thẳng và...