Thí sinh thở phào với quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học
Nhiều học sinh và chuyên gia cho rằng quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học mà Bộ Giáo dục vừa công bố đã dành phần lợi cho thí sinh.
Sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức năm nay, Nguyễn Vũ Anh Thư (lớp 12A2, THPT Nhân Chính, Hà Nội) và bạn bè cảm thấy yên lòng vì đã biết được chính xác những điều cần làm sau khi quy chế thi và tuyển sinh được công bố.
Nữ sinh lớp 12 THPT Nhân Chính này thở phào khi Bộ GD&ĐT quyết định phân loại thí sinh rõ ràng ở 2 cụm thi. “Lúc đầu chúng em rất băn khoăn, nếu để cả thí sinh thi tuyển đại học và thí sinh chỉ xét tốt nghiệp ngồi cùng cụm thì chất lượng sẽ không đảm bảo. Những cụm tuyến địa phương, không phải do trường đại học tổ chức, có nhiều khả năng làm bài không nghiêm túc. Như thế, kết quả thi của các thí sinh sẽ không được công bằng”, Thư chia sẻ.
Theo quy chế, thí sinh sẽ không phải đi xa, giảm được áp lực và có nhiều cơ hội vào đại học. Ảnh: Quý Đoàn.
Việc giữ nguyên thang điểm 10 khi chấm thi, thay vì thang 20 cũng làm Thư bớt lo lắng bởi theo em, thang 20 dễ khiến học sinh mất điểm hơn, nhất là với các môn tự nhiên. Nữ sinh này cũng cho rằng, có 4 giấy chứng nhận kết quả kỳ thi quốc gia chung và được chọn trường sau khi biết điểm sẽ mở ra cho thí sinh nhiều cánh cửa vào đại học hơn, tránh được tình trạng ảo tưởng năng lực mà đăng ký trường cao hay tự ti quá mà chọn trường điểm thấp.
“Nhìn chung, quy chế của kỳ thi quốc gia chung có nhiều điểm thuận lợi cho học sinh chúng em”, nữ sinh lớp 12 THPT Nhân Chính nói.
Điều băn khoăn nhất ở quy chế thi mới này của Anh Thư là đề thi. Theo em trước đây đề thi của 2 kỳ tốt nghiệp THPT, ĐH là riêng lẻ, có sự phân cấp rõ ràng. Bây giờ gộp 2 kỳ thi làm một, em lo lắng không biết mức độ khó – dễ của đề sẽ ra sao và làm thế nào phân loại học sinh tốt nghiệp THPT với học sinh thi ĐH được.
“Tiếc là Bộ GD&ĐT quyết định thay đổi phương thức thi quá đột ngột khiến những bạn học khối A như em vất vả hơn khi phải đầu tư cấp tốc cho môn Văn. Trước đây thi tốt nghiệp riêng, chúng em ai cũng có tâm lý, cứ thi là đỗ nên không chú tâm học môn này”, Thư cho biết.
Video đang HOT
Bùi Ngọc Ly (lớp 12 Văn, THPT Chu Văn An, Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ quy chế của kỳ thi THPT quốc gia chung. Điều vui mừng lớn nhất của em và các bạn cùng lớp khi đọc quy chế này là được phép mang Atlat vào làm bài, bởi “1/2 lớp em thi môn Địa lý”.
Tổ chức 2 loại cụm thi riêng, theo Ly sẽ đảm bảo được sự công bằng và chất lượng làm bài. Các thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT chỉ phải thi ở chính trường mình hoặc trong tỉnh mình, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình, nhà trường, xã hội và quan trọng hơn là giúp sĩ tử có tâm lý thoải mái làm bài.
Trần Ngân Hà (lớp 12D2, THPT Yên Hòa, Hà Nội) thì băn khoăn về cấu trúc đề và cách lấy điểm của từng trường sẽ thay đổi như thế nào so với các năm trước. Nữ sinh kiến nghị Bộ Giáo dục cần có những đề mẫu để thí sinh làm quen.
Từng góp ý cho dự thảo quy chế, thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết, quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh nhiều điểm. So với dự thảo, quy chế này đã loại bỏ việc mở rộng thang điểm 20 khi dư luận lên tiếng về sự bất hợp lý và quy định không làm tròn điểm bài thi đã đảm bảo công bằng hơn khi xét tuyển.
Bên cạnh đó, việc cho phép thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp được thi tại trường hoặc liên trường do Sở GD&ĐT chủ trì sẽ dành thuận lợi về phía thí sinh. Khi được thi tại trường, các em không còn phải lo vấn đề đi lại, sinh hoạt trong suốt kỳ thi, và đặc biệt không gây căng thẳng về tâm lý.
“Cùng với nhiều điểm hợp lý khác như việc giữ các khối thi truyền thống; Xét tuyển vào đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi và xét tuyển thành từng đợt với thông tin được công bố công khai, minh bạch đem lại niềm tin cho thí sinh về sự công bằng trong cơ hội xét tuyển, giúp các em yên tâm ôn tập để đạt kết quả cao nhất có thể”, thầy Đạt nói.
Từng đề nghị 2 phương án cho những thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp là cấp Chứng chỉ kết thúc chương trình học phổ thông hoặc tổ chức thi cho những học sinh này ngay tại trường của mình, TS Lương Hoài Nam rất vui vì Bộ đã tiếp thu ý kiến của người dân, tổ chức thêm cụm thi tại các trường THPT bên cạnh các cụm thi liên tỉnh.
Theo TS Nam, quy định này không chỉ có tác dụng đối với thí sinh mà còn tiết kiệm được công sức và tài chính cho địa phương khi không phải đưa đón, thu xếp chỗ ăn nghỉ cho những thí sinh này.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, với quy định mỗi phiếu kết quả thi được dùng để đăng ký nguyện vọng trong 4 ngành ở cùng một trường là chưa ổn. Bởi vì học sinh quan tâm chọn ngành nghề hơn là chọn trường. Khi không chọn được đúng ngành ở các trường thì các em mới phải chọn ngành khác.
Theo VNE
Thí sinh đăng ký dự thi năm 2015 như thế nào
Học sinh vừa học xong lớp 12 đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12, thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định. Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30/4 hằng năm.
Theo quy chế thi THPT quốc gia, đối tượng dự thi là người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi, người đã học hết chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp trung cấp; các đối tượng khác được Bộ GD&ĐT cho phép dự thi (gọi chung là thí sinh tự do).
Thí sinh đăng ký dự thi và nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí đăng ký dự thi. Thí sinh đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức thi còn phải đảm bảo đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém. Riêng đối với người học giáo dục thường xuyên thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.
Thí sinh muốn dự thi THPT quốc gia phải làm hồ sơ đăng ký dự thi.
Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT còn phải đảm bảo đã tốt nghiệp trung học cơ sở, trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12, hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5, đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận có đủ tư cách, phẩm chất đạo đức và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Bộ Giáo dục quy định, Hiệu trưởng trường THPT, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc nơi thí sinh nộp Phiếu đăng ký dự thi phải tổ chức xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thi; chậm nhất trước ngày thi 20 ngày phải thông báo công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi.
Học sinh vừa học xong lớp 12 đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12, thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định. Đơn vị nơi thí sinh nộp Phiếu đăng ký dự thi phải hoàn thành chương trình dạy học theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT; tổ chức ôn tập cho học sinh; hướng dẫn để học sinh được cấp Giấy chứng minh nhân dân chậm nhất vào cuối học kỳ I năm học lớp 12.
Bên cạnh đó, các trường phải tổ chức kiểm tra trình độ kiến thức văn hóa, xếp loại học lực cho những người tự học khi được Sở Giáo dục giao trách nhiệm và tổ chức tiếp nhận Phiếu đăng ký dự thi, Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT; kiểm tra hồ sơ của người học đăng ký tại trường.
Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi thí sinh nộp Phiếu đăng ký dự thi chịu trách nhiệm hướng dẫn đăng ký dự thi, thu Phiếu đăng ký dự thi, nhập thông tin thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và chuyển hồ sơ, dữ liệu đăng ký dự thi cho Sở Giáo dục. Sở sẽ quản trị dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh và gửi dữ liệu về Bộ.
Đối với thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT, phải có 2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau; Học bạ THPT; học bạ hoặc Phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với giáo dục thường xuyên (bản sao); các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Đối với ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thí sinh phải có bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú. Các em còn phải nộp thêm 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của mình.
Còn thí sinh tự do, ngoài các hồ sơ quy định phải có thêm Giấy khai sinh (bản sao); Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú nếu thuộc trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12; Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực. Ngoài ra, thí sinh tự do còn phải có bằng tốt nghiệp THCS hoặc trung cấp (bản sao); Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do Hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận.
Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT là 2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau; Bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao); 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì đã dán sẵn tem, ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30/4 hằng năm. Hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT được thí sinh hoàn thiện và nộp tại nơi đăng ký dự thi theo quy định trong hướng dẫn hằng năm của Bộ GD&ĐT.
Theo VNE
Thí sinh được mang gì vào phòng thi Theo quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam... Thí sinh phải đăng ký dự thi và có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định...