Thí sinh thận trọng lời mời “nhập học”
Nhiều thí sinh vùng nông thôn thi ĐH không đạt điểm sàn nhưng thí sinh vẫn nhận được giấy báo nhập học của hàng loạt trường khác nhau. Kèm theo đó là những lời giới thiệu “có cánh” của các trường.
Theo phản ánh của em Lê Thị Trang (trú tại xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), kỳ thi ĐH vừa rồi em được 7 điểm, dù không đủ sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng em vừa liên tiếp nhận được 4 giấy báo nhập học từ 4 trường CĐ khác nhau.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các vùng nông thôn ở Thanh Hóa, trường hợp giấy báo nhập học đổ bộ vào nhà thí sinh như Trang không phải là cá biệt trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Có thí sinh còn nhận được đến chục giấy báo nhập học từ các trường khác nhau. Thường kèm theo những giấy báo nhập học kia là những lời giới thiệu hấp dẫn gửi cho thí sinh mong các em đến theo học tại trường.
Anh Bùi Đình Kiên, cán bộ Văn hóa – Thông tin xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa cho biết, gần một tuần trở lại đây UBND xã Hợp Thành nhận được khoảng 400 phong bì gửi giấy báo nhập học từ các trường CĐ trên cả nước gửi về cho con em trong xã.
Thí sinh không đạt điểm sàn nhận được rất nhiều giấy mời nhập học
“Có 2 ngày cao điểm UBND xã nhận được 200 giấy báo nhập học. Mấy hôm nay, mỗi ngày xã nhận được từ 40 – 50 giấy báo” – lời anh Kiên. Do số lượng giấy báo nhập học các trường gửi về tăng đột biến nên anh Kiên đã phải nhờ cán bộ Đoàn thanh niên và các trưởng thôn hỗ trợ đưa thư giúp anh.
Video đang HOT
Thận trọng với lời mời “có cánh”
Nhằm mục đích kéo thí sinh đến trường mình theo học, trong tờ “Tư vấn tuyển sinh” mà Trường CĐ Công nghiệp Nam Định gửi cho thí sinh Lê Thị Trang khẳng định “có thể lấy bằng đại học chính quy” dù không thi đại học.
Ngoài ra nhiều trường còn gửi kèm “Phiếu nguyện vọng” khiến thí sinh dễ hiểu nhầm về “đầu ra” đã được nhà trường lo sau khi học sinh tốt nghiệp. Cụ thể, “Phiếu nguyện vọng” đưa ra các mục để thí sinh lựa chọn như: Sau khi tốt nghiệp em muốn được đi làm tại: Doanh nghiệp Nhà nước/Liên doanh/Cty TNHH…. Muốn làm việc tại: Hà Nội/TP.HCM…, Sau khi tốt nghiệp muốn học lên đại học hay không? Trong Giấy báo nhập học, nhiều trường còn cho phép lựa chọn để theo học 1 trong 7 ngành đào tạo của trường.
Có trường còn đưa ra các “chiêu” để kéo thí sinh như “nhà trường đang liên kết với hơn 10 trường ĐH có uy tín”, “quan hệ với trên 300 doanh nghiệp”, “cam kết 100% sinh viên ra trường được giới thiệu việc làm”, “sau khi tốt nghiệp có thể đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Ba Lan, Đông Âu, tu nghiệp sinh tại Nhật Bản”…
Thầy Phạm Đăng Hợp, giáo viên trường THPT Cẩm Thủy, Thanh Hóa nhận định, “Theo chúng tôi, hệ thống trường CĐ không ngừng phát triển về số lượng trong khoảng thời gian gần đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tuyển. Nhiều trường tốp dưới do không tuyển sinh được thí sinh nên đã âm thầm tạo ra những “cơn mưa” giấy báo nhập học để lôi kéo học sinh.
“Để tránh có quyết định sai lầm, thí sinh nên đọc kỹ các giấy báo nhập học, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để có thể đưa ra những lựa chọn hợp lý nhất, tránh theo học các trường, các ngành nghề không đúng khả năng, nhu cầu xã hội để tránh mất thời gian vừa tốn tiền”- thầy Hợp tư vấn.
Theo VNN
Nếu 'chạy' được vào ĐH, xin trả trăm triệu đồng/suất
TS. Lê Văn Vũ cho biết cách đây một năm cũng đã có trường hợp thí sinh đến nhập học trường anh làm việc. Ngay sau đó, nhà trường phát hiện giấy báo gọi nhập học của thí sinh này là giả.
Đến hẹn lại lên, các đối tượng lừa đảo lại tung chiêu rao bán các suất trúng tuyển đại học để trục lợi, khiến nhiều thí sinh bị mất tiền oan.
Theo TS.Phạm Tuấn, ĐHQG TP.HCM, các chiêu lừa kiểu như rao bán các suất trúng tuyển đại học đã xuất hiện cách đây nhiều năm. Mới đầu khi các đối tượnglừa đảo tung ra chiêu lừa trên đã đưa rất nhiều thí sinh thi rớt đại học vào "tròng" và họ thu lợi số tiền lên đến cả trăm triệu đồng.
Nhiều thí sinh sau thời gian chờ đợi không có giấy báo trúng tuyển mới biết mình bị lừa nên tá hỏa đi tố cáo cơ quan công an. Tuy nhiên, đến lúc này các đối tượng lừa đảo đã "cao chạy xa bay". Các thí sinh, phụ huynh lỡ bỏ tiền triệu ra để mua đành phải "nuốt hận" vì dại dột.
Ảnh minh họa
Đem việc bán suất trúng tuyển đại học trao đổi với TS.Lê Văn Vũ, quản lý tuyển sinh một trường đại học tại TP.HCM, TS. Vũ cho biết: "Khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào chúng tôi cũng nhận được thông tin thí sinh đang săn lùng mua các suất trúng tuyển đại học do một số đối tượng trên địa bàn TP.HCM rao bán. Tôi dám khẳng định, nếu ai có khả năng chạy được vào trường đại học, tôi xin trả cả trăm triệu đồng/suất chứ đừng nói là 30-40 triệu đồng. Đây chỉ là lời quảng cáo nhằm "đánh" vào tâm lý thí sinh, phụ huynh để lừa tiền chứ làm sao có khả năng chạy chọt. Thí sinh đừng nên tin vào các lời quảng cáo trên mạng để bị mắc lừa, mất tiền và mất cả tương lai".
Theo TS. Lê Văn Vũ, cách đây một năm cũng đã có trường hợp thí sinh đến nhập học trường anh làm việc. Ngay sau đó, nhà trường phát hiện giấy báo gọi nhập học của thí sinh này là giả. Tên của thí sinh này cũng không có trong danh sách thí sinhdự thi, trúng tuyển vào trường. Nhà trường sau đó đã chuyển trường hợp này qua cơ quan công an để điều tra. Sau đó, thí sinh khai nhận đã bỏ ra gần 45 triệu đồng để mua suất trúng tuyển đại học này từ một người đàn ông thường trú tại TP.HCM.
Thạc sỹ Phạm Duy Phúc, giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, trước đây cũng từng có một số trường hợp nhận chạy suất trúng tuyển đại học với giá vài chục triệu đồng. Theo đó, phụ huynh thí sinh này đã đặt cọc trước cho "cò 20 triệu đồng, chờ chính thức nhập học mới chồng nốt 20 triệu còn lại.
Tuy nhiên, đến sát ngày nhập học, "cò" mới đến thông báo: "Đường dây chúng tôi chỉ có thể lo được 6 suất, mà con của gia đình anh chị lại nằm ở suất thứ 7 nên chúng tôi không lo được. Nếu anh chị gặp chúng tôi sớm hơn thì con anh chị đã vào được đại học rồi. Hẹn anh chị sang năm sau nhé".
Gia đình đòi lại tiền thì "cò" nói để năm sau sẽ trừ qua. Nếu làm căng quá, một số "cò" sẽ tung chiêu bài: "Tiền bạc thì tôi cũng trà nước, phong bì cho người ta hết rồi. Nếu cần tiền thì gia đình cầm lại 5 triệu đi. Năm sau, chúng tôi sẽ giúp lại cho anh chị". Thạc sỹ Phạm Duy Phúc cho rằng: "Đến nước này thì "cò" đưa bao nhiêu, gia đình sẽ nhận lại bấy nhiêu. Vì nước đã đổ, hốt lại được bao nhiêu thì hốt thôi. Chỉ có gia đình mất tiền, còn "cò" thì ngồi không cũng được vài chục triệu đồng".
GS.TSKH Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Việc tuyển sinh đang được thực hiện hết sức công khai, minh bạch về điểm sàn, điểm chuẩn. Không hề có sự bao che, bí mật trong công tác tuyển sinh ở tất cả các trường ĐH, CĐ. Vì thế, thí sinh không nên nghe theo lời quảng cáo, tin đồn để rồi bị thiệt thòi. Thí sinhthi được bao nhiêu điểm, điểm trúng tuyển vào trường là bao nhiêu đều được công khai. Vì thế, thí sinh nên theo dõi thông tin để có bước đi phù hợp. Nếu thí sinhtrượt nguyện vọng 1 thì còn hàng ngàn suất học ở nguyện vọng 2, 3. Đừng dại dột nghe theo quảng cáo vô lý để chịu cảnh tiền mất mà suất học thì chẳng thấy đâu"..
Theo Người Đưa Tin
Nói thẳng nói thật 'ước mơ nghề nghiệp' cùng chuyên gia Việc mơ hồ về ngành học khiến các sinh viên dễ rơi vào tình trạng hụt hơi, hoặc chán nản khi phát hiện ra ngành học không phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Mùa tựu trường đã đến và rất đông các tân sinh viên đang háo hức làm thủ tục nhập học tại các điểm trường đại...