Thí sinh “sấp, ngửa” đổi trường
10 ngày sau hạn cuối nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 (23.4), hàng ngàn thí sinh vẫn “sấp, ngửa” làm hồ sơ đổi trường, đổi ngành do quyết định đình chỉ tuyển sinh quá muộn mà Bộ GDĐT vừa đưa ra.
“Cần” nhưng chưa “đủ”
Theo các quyết định ngày 27.4, Bộ GDĐT dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội và 5 ngành của 5 trường ĐH, CĐ khác với các lý do thiếu giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao, 3 năm liền không tuyển sinh được và chưa có đất xây trường.
Sau quyết định đình chỉ, Bộ GDĐT cũng đưa ra hướng dẫn về việc tạo điều kiện cho thí sinh đã nộp hồ sơ vào các ngành bị đình chỉ được đăng ký lại hoặc rút hồ sơ nộp sang trường khác đến hết ngày 15.5. Tính tổng chỉ tiêu của khối ngành bị đình chỉ lên tới vài ngàn sinh viên.
Với động thái này, các chuyên gia giáo dục cho rằng: Quyết định của Bộ GDĐT là cần thiết nhưng đưa ra quá muộn, đặc biệt sau khi thí sinh đã hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký dự thi khiến các em bị động, ảnh hưởng đến việc ôn thi.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích: Thay đổi hồ sơ tuyển sinh ở thời điểm này là rất khó khăn cho thí sinh vì nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh còn liên quan đến nhiều yếu tố như: Gia đình, dự kiến việc làm khi ra trường… Nếu thí sinh giữ nguyên ngành đã đăng ký và dự tuyển vào trường khác có thể xảy ra tình trạng: Điểm chuẩn của trường đăng ký sau cao hơn điểm chuẩn trường đăng ký ban đầu và học phí của các trường khác nhau… gây khó khăn cho thí sinh.
“Mặc dù đa số các trường bị đình chỉ tuyển sinh đều xét tuyển nhưng hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh bị đình chỉ cũng là hàng nghìn cơ hội trúng tuyển bị đánh mất”- TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. (Ảnh minh họa).
Video đang HOT
Phấp phỏng trường tư
Như vậy, trong mùa tuyển sinh 2012, đã có tổng số 5 trường ĐH, CĐ và 13 ngành đào tạo của 5 trường khác lần lượt bị đình chỉ tuyển sinh. Điều đáng nói, các trường hợp này hầu hết rơi vào khối các trường ngoài công lập. Vì vậy, các trường ĐH dân lập, tư thục khác rất lo ngại, bởi trong bối cảnh đất xây dựng trường cấp quá chậm, khó thuê giảng viên về vùng sâu, vùng xa… nên rất dễ bị “tuýt còi”. Và chắc chắn sẽ có thêm hàng vạn học sinh phải làm lại hồ sơ mỗi năm.
“Trong khi học trường công, sinh viên được hỗ trợ 70% học phí, còn học trường tư, sinh viên phải nộp 100%. Vì vậy, các trường tư rất khó tuyển sinh, và đã khó tuyển lại càng dễ bị đình chỉ”. GS – TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Em Nguyễn Hồng Hạnh – học sinh lớp 12, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) bày tỏ: “Bọn em nộp hồ sơ hoàn toàn theo thông tin đăng tải ở “Những điều cần biết về tuyển sinh”. Ở cuốn này, không hề có thông tin về điều kiện cơ sở vật chất của trường, số lượng giảng viên… Giờ cứ nộp hồ sơ vào ĐH dân lập là lo, không biết bị… ra đường lúc nào”.
Về phía các trường ĐH, CĐ bị đình chỉ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Phạm Bá Phong – Hiệu trưởng ĐH Yersin Đà Lạt cho biết: “Trường sẽ đề nghị Bộ xem xét lại để trường tiếp tục tuyển sinh ngành kiến trúc”.
Theo ông Phong, khu vực Tây Nguyên có nhu cầu nhân lực về ngành kiến trúc rất cao mà chỉ có Trường Yersin Đà Lạt mới đào tạo ngành này nên việc đình chỉ sẽ khiến thiếu hụt nhân lực.
“Việc thẩm định điều kiện đào tạo là việc của Bộ, thực hiện trước thời điểm tuyển sinh chứ không phải giao chỉ tiêu rồi mới kiểm soát như hiện nay”- ông Phong nói.
Ông Nguyễn Đình Ngộ – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH Phú Xuân khẳng định, ở đây còn có trách nhiệm của Bộ GDĐT trong việc thẩm định các trường. Nếu trường không đạt chuẩn, Bộ phải có quyết định từ lâu. Đó là chưa kể có nhiều ngành học ở cả trường công lẫn trường tư, mỗi mùa tuyển sinh chỉ thu được vài ba hồ sơ. Cách giải quyết là đợi các em thi xong mới chuyển ngành chứ chưa thấy trường công nào bị đình chỉ.
Theo DV
Vỡ mộng kinh doanh giáo dục (Kỳ 1)
Nhiều trường ngoài công lập từ trung cấp đến đại học đang hoạt động cầm chừng. Thậm chí có trường đã phải ngừng hoạt động.
Giữa tháng 4, các học viên và phụ huynh của cơ sở đào tạo thiết kế, nghệ thuật và quản lý thời trang Vmode (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã đến cơ sở này đòi lại học phí. Cuối cùng, một học viên đã lấy... một chiếc máy may tương đương 4,2 triệu đồng học phí đã đóng cho những môn chưa được học.
Lấy tài sản trừ học phí
Có mặt ở cơ sở này tại thời điểm trên, chúng tôi nhận thấy mọi hoạt động dạy - học của cơ sở đã dừng lại. Vật dụng có giá trị của Vmode hầu như đã được chuyển đi hết, chỉ còn hai tủ kính, mấy bộ manơcanh và vài chiếc máy may. Trước đó, một số học viên khóa 1, khóa 3 đã đến lấy máy may, máy vắt sổ, manơcanh, sách vở... của trường để trừ nợ. Bà Nguyễn Nhật Quỳnh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vi Mốt, đơn vị chủ quản cơ sở đào tạo này - cho biết: "Trường đã ngừng hoạt động vì khó khăn về tài chính. Thực tế chúng tôi đang trong quá trình thương thảo với các đối tác để vượt qua khó khăn hiện tại chứ không phải trường đã phá sản".
Cũng theo bà Quỳnh, cơ sở đào tạo này chính thức tuyển sinh từ tháng 2-2011 với 120 học viên (40 học viên khóa dài hạn và 80 học viên khóa ngắn hạn). Mức học phí của trường là 60 triệu đồng/khóa dài hạn và 10-20 triệu đồng/khóa ngắn hạn. Tuy nhiên, trong quá trình học nhiều học viên tự bỏ học. Khi ngừng hoạt động trường chỉ còn 14 học viên đang theo học (trong đó có tám học viên dài hạn). Do không tuyển sinh đạt chỉ tiêu nên thu không đủ bù chi phí hoạt động. "Từ khi mở trường đến nay tháng nào công ty cũng phải bù lỗ do quá ít người học. Đầu năm 2012, trường đã không đủ khả năng trả lương cho giáo viên nhưng vẫn ráng gồng... Đến nay đã lỗ hàng tỉ đồng nên tạm thời phải ngừng hoạt động để tìm đối tác, kêu gọi đầu tư..."- bà Quỳnh cho biết.
Trước đó, nhà trường đã họp học viên để thông báo tình hình khó khăn của trường, công khai tài chính và đưa ra hướng giải quyết. Theo đó trường tạm ngưng ba tháng để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời học phí những môn học viên chưa học được hoàn trả 50% tiền mặt và 50% tài sản hiện có tại trường (máy chiếu, máy may, máy vắt sổ, manơcanh, sách vở...). "Trường rất muốn hoàn trả 100% học phí cho học viên nhưng không thể. Chúng tôi chỉ vay được mức vậy thôi..." - bà Quỳnh giãi bày.
Cố gắng cầm cự
Từ ba cơ sở đào tạo, đến nay Trường trung cấp nghề Việt Giao chỉ còn một điểm ở Q.10, TP.HCM. Theo ông Trần Phương - chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường, năm 2007 trường tuyển được 5-7 lớp (50 học sinh/lớp), nhưng đến năm 2011 chỉ tuyển được một lớp. Ba năm nay nhà trường không tuyển sinh được vào đợt tuyển tháng tư hằng năm.
Năm 2011, Trường trung cấp tư thục Hoàn Cầu (TP.HCM) gửi 10.000 thư mời nhập học nhưng chỉ có 78 học viên đến nhập học. Hết học kỳ I, học viên theo học tại trường này "rơi rụng" gần một nửa, đến nay chỉ còn 40. Ông Võ Thanh Trà - trưởng phòng đào tạo nhà trường - tính toán trường thuê một căn nhà hai tầng trên đường Tân Phước (Q.Tân Bình, TP.HCM) vừa làm trụ sở, vừa bố trí 10 phòng học để phục vụ đào tạo hết 80 triệu đồng/tháng. Chi phí cho hoạt động tuyển sinh của trường trong năm 2011 hết khoảng 100 triệu đồng. Nhưng trước tình hình tuyển sinh "ế ẩm", trường phải cho thuê lại tầng 1 của tòa nhà để bù lỗ. Đồng thời để giảm chi phí, trường vận động học viên hai ngành lập trình máy tính và quản trị mạng... dồn vào một lớp.
"Khi thành lập, lãnh đạo trường lạc quan nghĩ rằng mỗi năm sẽ tuyển được 300 học viên. Qua ba năm số học viên tại trường sẽ gần 1.000. Thế nhưng, học phí thu không đủ đóng tiền mặt bằng. Hiện trường đang gặp nhiều khó khăn vì phải bù lỗ hằng tháng cho phí thuê mặt bằng, giáo viên, nhân viên... Trường đã rao bán bớt cổ phần nhưng không ai mua nên đang cố gắng cầm cự, còn nước còn tát" - ông Trà nói.
Trong khi đó, Trường trung cấp nghề Du lịch và tiếp thị quốc tế (TP.HCM) cũng đang phải hoạt động cầm chừng. "Trường đang bù lỗ và không biết cầm cự được bao lâu nữa" - ông Phan Đình Huê, phó hiệu trưởng nhà trường, lo lắng. Theo ông Huê, từ năm 2008 đến nay trường đã phải cắt giảm 2/3 quy mô hoạt động. Từ khoảng 800 học viên, đến nay chỉ còn hơn 100 học viên đang theo học tại trường này. Dù tăng cường quảng cáo, tuyển sinh nhưng số người theo học cứ giảm dần đều qua từng năm. Trước đây, trường có một cơ sở chính "hoành tráng" ở đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng ba điểm hợp tác đào tạo khác thì hiện chỉ còn một trụ sở nhỏ hơn trụ sở ban đầu. Hiện nhà trường đang trông chờ tuyển sinh các khóa đào tạo ngắn hạn để "lấy ngắn nuôi dài" và hoàn tất hồ sơ, thủ tục để mở một phân hiệu ở Cần Thơ.
Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 khiến trường thêm khó khăn
"Đẩy các trường vào chỗ khó hơn"
Từ khi thành lập đến nay Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) luôn trong tình trạng khó khăn đủ thứ do thiếu tiền. Năm trước trường có bảy khoa, hai trung tâm đào tạo hàng chục ngành với khoảng 1.250 sinh viên. Tuy nhiên trường lỗ 2,5-3 tỉ đồng/năm và nếu duy trì tình trạng này, số lỗ sẽ nhiều hơn, gấp 2-3 lần. Trong khi tình hình tuyển sinh của trường luôn èo uột nên khó càng thêm khó.
Ngày 27-4, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với một loạt ngành đào tạo ĐH của một số trường ĐH, trong số này hầu hết là các trường ngoài công lập. Lý do đình chỉ là tỉ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao và thiếu giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.. Trước đó, do mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với các trường: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, ĐH Hùng Vương TP.HCM và đình chỉ tuyển sinh 12 ngành đào tạo thuộc bốn trường: ĐH Chu Văn An, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.
Ông Trần Chút, phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng: "Quy định mới của bộ rất đúng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nhưng để thực hiện phải có lộ trình. Bộ phải thừa nhận thực tế các trường ngoài công lập đang tồn tại nhờ số lượng người học, nguồn thu từ học phí. Không ít trường đang khó khăn, nay bộ làm căng như vậy đã đẩy các trường vào chỗ khó hơn".
Theo TT