Thí sinh rối khi chọn ngành, chọn trường
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến thời điểm bắt đầu nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ nhưng không ít thí sinh vẫn rối bời khi chọn ngành, chọn trường…
Kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ hàng năm luôn là sự kiện quan trọng bậc nhất đối với mỗi học sinh. Thông tin tuyển sinh dù được đăng tải rất nhiều trên phương tiện truyền thông nhưng vẫn chưa đủ để các thí sinh yên tâm lựa chọn. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 đã cận kề với thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ ĐKDT là ngày 10/3.
Rối vì “nhiễu” thông tin
Theo TS. Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục TPHCM, học sinh hiện nay vẫn chưa nắm rõ cơ cấu ngành nghề trong xã hội. Chính vì vậy, các em cảm thấy rối rắm trong khi lựa chọn ngành nghề. Hơn nữa, việc tham khảo quá nhiều nguồn thông tin, từ bố mẹ, bạn bè, sách báo, ti vi… đến các anh chị đi trước khiến nhiều em rối càng thêm rối.
Khi thời điểm bắt đầu nộp hồ sơ ĐKDT cận kề, Tấn Đạt, Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4) thì lại “nhức đầu” vì bất đồng ý kiến với gia đình mình. Cả nhà từ bố mẹ đến các anh chị đều là luật sư nên ai cũng khuyên Đạt nối nghiệp. Tấn Đạt tự thấy mình có khả năng nói trước công chúng, diễn đạt tốt nhưng lại không thích theo nghề luật sư. Cậu chỉ thích làm đạo diễn và rất thích truyền hình. Bố mẹ Đạt phản đối vì cho rằng con đường nghệ thuật rất chông chênh.
Học sinh tìm hiểu nghề kỹ thuật nữ công. (Ảnh: Hiếu Hiền)
Chọn ngành thi theo sở thích hay năng khiếu?
Thế hệ học trò 9X được tiếp cận khá nhiều thông tin nhưng không phải vì thế mà sự lựa chọn được dễ dàng hơn. Thiên Phúc, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4, TPHCM) đang phải cân nhắc giữa việc chọn ngành mình thích hay chọn ngành mình có năng khiếu. Phúc thích làm nhà tư vấn tâm lý nhưng mọi người lại thấy Phúc có khả năng làm kinh tế hơn. Hoặc như Kim Chi, Trường THPT Bình Phú (quận 6, TPHCM), đang ôn khối B để thi vào ngành y dược theo lời bố mẹ. Trong khi đó, bản thân Chi lại thích ngành kế toán. Chi còn thêm nhức đầu vì nhận thấy mình không có tính tỉ mỉ cần thiết cho ngành kế toán.
Với những thắc mắc này, TS. Đinh Phương Duy có lời khuyên: Sở thích và năng khiếu là những yếu tố quan trọng chứ không phải là duy nhất khi quyết định chọn ngành, chọn trường. Học sinh phải chú ý đến vấn đề tài chính gia đình, khả năng có việc làm và có phù hợp tính cách bản thân hay không.
Khi phát huy được năng khiếu thì sẽ nảy sinh sự yêu thích. Do đó nên ưu tiên sở trường, năng khiếu khi chọn ngành. Nếu chọn theo sở thích nhất thời, sẽ rất khó khăn khi phải thích ứng trong công việc sau này. Khi bị mọi người xung quanh tác động, chính học sinh nên là người quyết định con đường học tập của mình.
Theo TS. Đinh Phương Duy, một điều nữa giúp các sỉ tử không quá căng thẳng, đó là nếu chọn sai ngành nghề thì sau này vẫn có thể đổi được vì xu hướng hiện nay là biết nhiều nghề để chọn một nghề.
Theo PLXH
Video đang HOT
Bạn sẽ thi trường gì?
Chọn một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không vững chắc.
Tránh những việc không đúng đắn khi chọn nghề
- Chọn nghề theo sự mong muốn, áp đặt của bố, mẹ và người thân. Do gia đình có nghề nghiệp truyền thống hoặc có mối quan hệ sẵn có nên thường áp đặt con cái theo ý muốn của mình.
- Chọn nghề theo sự rủ rê của nhóm, của bạn bè và của người yêu.
- Chọn nghề không phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của mình.
- Chọn nghề may rủi theo kiểu chọn đại.
- Chọn nghề chỉ ở bậc đại học.
- Chọn nghề theo "mác", theo "nhãn", theo phong trào.
- Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền mà không biết nghề đó có phù hợp với mình không.
- Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: điều kiện kinh tế, cá nhân hoặc gia đình.
- Chọn nghề không gắn với nhu cầu xã hội.
- Nhờ những người dùng phương pháp thần bí lựa nghề giúp bạn như các nhà chiêm tinh, thầy bói (xem chỉ tay, chữ viết, coi tướng...).
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Cần xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào
Để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, bạn hãy bắt đầu từ sở thích, tính cách và điều kiện của mình. Chọn ra những nghề nào thích hợp nhất để nghiên cứu và loại bỏ dần. Bạn có thể thực hiện những bài trắc nghiệm về nghề nghiệp. Dựa trên cơ sở năng lực, sở thích, quan điểm, nguyên tắc sống của bạn..., các trắc nghiệm sẽ đưa ra những tư vấn và dự đoán về nghề nghiệp hoặc nhóm ngành nghề phù hợp với bạn.
Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa việc chọn nghề qua việc làm bài trắc nghiệm. Việc chọn nghề còn phải xét đủ những điều kiện vật chất, xã hội, kinh tế... ở xung quanh ta, và phối hợp với nhiều phương pháp khác để đạt được hiệu quả cao nhất.
Bạn hãy tận dụng các cơ hội để làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không.
Ví dụ: làm báo tường, viết bài gửi cho các báo... để xem mình có phù hợp với nghề báo không; làm thủ quĩ cho lớp để xem mình có phù hợp nghề kế toán không...
Bạn có thể tới các công ty, trung tâm tư vấn về tâm lý, giáo dục, nơi đó họ có đủ sách, tài liệu, kiến thức về các nghề nghiệp để tư vấn cho bạn. Hãy tham khảo ý kiến của thầy cô, người nhà, bạn bè... để đánh giá các sở thích và khả năng của mình phù hợp với ngành nghề nào.
Hãy tham dự các buổi thuyết trình của các báo cáo viên thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Hãy đến thư viện, lên Internet để tìm hiểu thêm về các lĩnh vực mà mình quan tâm. Tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tham quan thực tế nghề nghiệp, tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề.
Trao đổi với những ai đã thành công trong lĩnh vực bạn sắp chọn. Hỏi về cách sống, cách làm việc, tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp, điều kiện phát triển...
Khám phá xem công việc này phù hợp với những tính cách nào. Bạn đã có gì và cần phải trang bị thêm những gì, để từ đó có những định hướng hợp lý nhất và có thể điều chỉnh khi phù hợp.
Hãy để sự lựa chọn của mình mở ra với nhiều nghề nghiệp khác nhau.
Cần tìm hiểu nhiều về những ngành nghề mà mình lựa chọn.
Trong mỗi ngành nghề, ít nhất là phải biết các yêu cầu sau về nghề:
- Tên nghề và những nghề nghiệp chuyên môn thường gặp trong nghề.
- Mục tiêu đào tạo và nội dung đào tạo của ngành nghề.
- Nhu cầu thị trường lao động đối với ngành nghề đó.
- Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để tham gia lao động trong nghề.
- Những nơi đào tạo ngành nghề từ hệ công nhân kỹ thuật cho đến bậc đại học.
- Học phí, học bổng.
- Bằng cấp và cơ hội học lên cao .
- Thời gian đào tạo và phương thức đào tạo.
- Tìm hiểu khối thi tuyển sinh đầu vào, điểm trúng tuyển của ngành nghề đó trong ba năm liên tiếp.
- Những nơi có thể làm việc sau khi học ngành nghề.
- Những chống chỉ định y học.
- Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của nhà trường.
Và cuối cùng là xác định năng lực học tập của bạn.