Thí sinh nữ thích ngành kỹ thuật
Hơn 2.000 học sinh đã đông kín sân Trường ĐH Phú Yên trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2013 được tổ chức sáng 24/2.
Điều dễ nhận thấy tại chương trình này là đã có sự chuyển biến rõ nét trong xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh. Khác với những năm trước, lượng thí sinh quan tâm đến nhóm ngành khoa học công nghệ, khoa học xã hội có xu hướng tăng, trong khi tại khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế lượng học sinh quan tâm lại giảm mạnh.
Tự tin chọn công nghệ
Tại khu vực tư vấn chuyên sâu nhóm ngành kỹ thuật, thí sinh Nguyễn Đức Sơn – học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự – băn khoăn: “Nguyện vọng của em là học ngành công nghệ kỹ thuật ôtô. Sau khi ra trường, em có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước đúng với chuyên ngành đã học hay không?”.
Chia sẻ với bạn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – nói: “Năm nay, các em đăng ký vào ngành công nghệ ôtô là đúng thời điểm vì sau bốn năm nữa – khi các em ra trường – theo lộ trình AFTA thuế nhập khẩu ôtô sẽ bằng 0. Điều này dẫn đến các dịch vụ liên quan đến ôtô sẽ bùng nổ”.
Thầy Dũng cho biết thêm sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ ôtô, sinh viên có thể làm việc ở các nhà máy lắp ráp ôtô, các đại lý ôtô, dịch vụ buôn bán, sửa chữa ôtô… Ngoài ra, còn có thể làm việc ở sở giao thông vận tải, các trạm đăng kiểm…
“Kỹ sư công nghệ ôtô cũng có thể làm việc ở hải quan, bảo hiểm xe, các nhà máy tàu thủy, liên doanh dầu khí vì trong chương trình đào tạo phần động cơ đốt trong là phần chủ lực nên sau khi ra trường, các em có thể làm việc ở tất cả những nơi có động cơ đốt trong như cơ khí thủy sản, cơ khí nông nghiệp…” – thầy Dũng nói.
Tương tự, bạn Đào Tấn Danh – học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong – thắc mắc: “Em rất quan tâm và mong muốn được theo ngành kỹ thuật xây dựng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sau bốn năm nữa cơ hội việc làm của ngành này sẽ rất khó khăn…”. TS Nguyễn Văn Cường – phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng miền Trung – cho rằng để VN cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đòi hỏi việc xây dựng cơ bản ở tất cả các lĩnh vực kinh tế là cấp thiết. “Đó là hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, các khu đô thị trên khắp đất nước. Xây dựng cơ bản bao giờ cũng phải đi trước phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy các ngành thuộc lĩnh vực xây dựng đều rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển này” – ông Cường chia sẻ.
Thí sinh nữ thích ngành kỹ thuật
Điều thú vị, tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học kỹ thuật – công nghệ xuất hiện khá đông gương mặt nữ sinh. Nhiều nữ sinh cho biết dù quan tâm tìm hiểu về những ngành nghề khối kỹ thuật nhưng vẫn ngại vì nhóm ngành này… “kén nữ”. Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đã giải tỏa cho các nữ sinh khi cho biết tỉ lệ có việc làm nhóm ngành công nghệ luôn bền vững. Rất nhiều ngành nghề thuộc nhóm công nghệ – kỹ thuật phù hợp với nữ.
Video đang HOT
Học sinh Phú Yên đặt câu hỏi về tuyển sinh – hướng nghiệp – Ảnh: Tiến Thành
Tư vấn cho một thí sinh nữ muốn theo ngành công nghệ, TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM – cho rằng cơ cấu ngành nghề hiện đang rất cần nhân lực nữ trong ngành công nghệ – kỹ thuật. “Đừng e ngại thi vào kỹ thuật vì nữ sẽ có nhiều ưu thế so với nam. Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nữ trúng tuyển vào ngành điều khiển tàu biển trong năm nay chắc chắn sẽ được công ty ở châu Âu tài trợ học phí và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp” – thầy Thư nói thêm.
Một số thí sinh băn khoăn học ở các trường ĐH địa phương cơ hội việc làm không cao như những trường ở thành phố lớn, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng khi thí sinh học ở Trường ĐH Phú Yên thì cơ hội việc làm không chỉ giới hạn ở Phú Yên mà còn ở các tỉnh miền Trung. “Nếu có đam mê học tập tốt thì cơ hội việc làm của các em không ít. Hiện Phú Yên chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu, hầm đường bộ đèo Cả… nên cần nhiều nhân lực ngành xây dựng” – ông Cường tư vấn.
Ngủ lại nhà bạn để đi cho kịp
Từ sáng sớm 24/2, nhiều bạn trong số 100 học sinh của Trường THPT Lê Hồng Phong và 80 học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa) đã có mặt tại Trường ĐH Phú Yên để tham dự chương trình.
Bạn Cao Thị Bích Nhung (lớp 12A8 Trường THPT Lê Hồng Phong, nhà ở xã Hòa Thịnh) cho biết: “Em thức dậy lúc 5h sáng 24/2 trời vẫn còn mưa lất phất, đường qua cầu Nhỏ nước ngập lên trên đầu gối, chảy rất xiết. Em phải nhờ ba dắt qua mới đến được điểm tập trung của trường để cùng các bạn đến điểm tư vấn kịp thời gian”. Còn bạn Thái Văn Long (học sinh lớp 12C2 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cũng có nhà ở xã Hòa Thịnh) thổ lộ: “Mưa lớn liên tục khiến đường từ nhà em ra đường chính bị ngập. Tối 23/2, em quyết định xin ba má đến nhà bạn ở gần điểm tập trung của trường ngủ lại, sáng hôm sau đi sớm để không phải mất cơ hội tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh”.
Theo Duy Thanh (Tuổi Trẻ)
Quy định mới về đào tạo liên thông: Sinh viên khóc, trường e ngại!
Từ ngày 7/2/2013, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, một số điểm mới trong quy định đã làm nhiều sinh viên choáng váng, trong khi đó nhiều lãnh đạo trường đại học tỏ ra e ngại.
Kiến thức 3 năm học cao đẳng không có ý nghĩa
Quy định mới về đào tạo liên thông mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra yêu cầu người tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm.
Với đối tượng dự thi liên thông CĐ, ĐH đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ từ ba năm (36 tháng) trở lên sẽ dự thi ba môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Sinh viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.
Nhiều sinh viên (SV) có nguyện vọng học liên thông lên đại học đã bật khóc và lo lắng khi biết quy định mới này.
SV Nguyễn Bá Tuấn, Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội nghẹn ngào cho biết: "Nếu Bộ cho thực hiện quy định này thì nhiều SV cao đẳng chúng em không biết đi đâu về đâu vì hiện nay tất cả các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chỉ muốn tuyển người có bằng đại học nên chúng em mong muốn là học xong cao đẳng học liên thông lên đại học ngay. Nếu bắt chúng em thi tuyển như thi đại học thì chắc chắn sẽ trượt vì không còn nhớ gì kiến thức phổ thông sau 3 năm học cao đẳng. Còn nếu đủ 36 tháng mới cho đi học thì lúc đó em phải nghỉ việc để đi học, như vậy sẽ mất việc".
Cùng chung lo lắng, SV Thùy Lâm cho hay: "Em đang học cao đẳng và rất bất ngờ khi đọc quy định mới này bởi vì nếu sau khi em tốt nghiệp CĐ, muốn học liên thông thì phải thi kỳ thi ĐH. Vậy kiến thức 3 năm học CĐ đó của em để làm gì? Nếu thi như đại học thì em lại phải đi ôn luyện như học sinh phổ thông. Còn để sau 3 năm đi làm để lấy kinh nghiệm thì lúc đó mới thi liên thông, liệu kiến thức em có còn không?".
Còn SV Nguyễn Đông bức xúc: "Quy định mới Bộ đưa ra em thấy không hợp lý. Nếu để thi 3 môn liên thông lên đại học như các học sinh phổ thông ngay năm sau thì có thể chấp nhận được nhưng đằng này lại là 3 năm học xong cao đẳng, lúc đó em còn chữ nào trong đầu không? Em thấy, nếu quyết định này ra thì nhiều SV ở các trường trung cấp, cao đẳng sẽ nghỉ học để ôn thi đại học vừa đỡ mất thời gian, mất tiền".
Thí sinh dự thi Cao đẳng năm 2012. Quy định mới về liên thông của Bộ GD-ĐT khiến nhiều sinh viên Cao đẳng "choáng váng".
Sẽ khó mở lớp đào tạo
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Lê Trọng Thắng - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất cho rằng: "Nếu thực hiện quy định mới này sẽ gần như khép lại hình thức đào tạo liên thông. Với ngành kinh tế có thể đông thí sinh dự thi chứ với ngành kỹ thuật chúng tôi sẽ rất ít thí sinh vào học vì phải thi theo chuyên ngành. Nếu có một vài người theo học sẽ không mở được lớp".
Về quy định người học phải có 3 năm kinh nghiệm làm việc mới được dự thi, PGS.TS Thắng e rằng không ổn bởi không phải ai ra trường 3 năm đã có việc làm ổn định có chăng chỉ một số ít.
PGS.TS Thắng đề nghị: "Trong quy định cũ của liên thông yếu điểm nào thì bộ xử lý điểm đó chứ không nên đưa ra giải pháp này vì như thế sẽ không khả thi, không tạo được điều kiện cho người học. Nên rút ngắn thời gian 3năm xuống còn 2 năm để SV còn nhớ kiến thức. Bên cạnh đó, bộ nên có chế tài giám sát việc tổ chức tuyển sinh, đánh giá đào tạo liên thông chứ không nên chặn ngay cửa vào của các em như vậy".
GS Đặng Ứng Vận - hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình băn khoăn lo lắng, nếu tổ chức thi liên thông theo hình thức quốc gia như vậy rất phức tạp vì sẽ phải tổ chức nhiều hội đồng thi vào nhiều chuyên ngành khác nhau ở các trường, e rằng nhiều trường khó làm được, hiệu quả không cao.
"Theo tôi nên tổ chức lại hình thức thi giai đoạn chuyển tiếp hay còn gọi là vượt rào như thi đại học trước đây. Mở rộng hình thức đầu vào thắt chặt đầu ra" - GS Vận đề xuất.
Mặc dù tán thành với quy định mới của Bộ GD-ĐT về đào tạo liên thông nhằm nâng cao chất lượng mặt bằng chung của giáo dục đại học nhưng GS Nguyễn Văn Dong - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng tỏ ra lo ngại về quy định 3 năm kinh nghiệm mới cho thí sinh thi. "Nếu để 3 năm mới cho các em thi, tôi nghĩ các em sẽ quên nhiều kiến thức và khó thi đậu" - GS Dong chia sẻ.
Được biết, năm 2002, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên triển khai thí điểm đào tạo liên thông. Mục đích của đào tạo liên thông nhằm tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong giáo dục. Năm 2008, Bộ GD-ĐT khi ban hành Quy chế đào tạo liên thông, theo đó, giao tự chủ cho hiệu trưởng các trường có thẩm quyền đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ và từ CĐ lên ĐH. Nhưng sau một thời gian, đào tạo liên thông đã biến tướng và trở thành "nồi cơm" của một số trường với việc tuyển hàng nghìn SV, tạo ra môi trường đào tạo bát nháo, kém chất lượng trong tuyển sinh và đào tạo.
Chính vì lẽ đó mà trong thông báo tổ chức tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc năm 2012, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tuyên bố không tiếp nhận hồ sơ của thí sinh tốt nghiệp ĐH theo hình thức liên thông. Bộ GD-ĐT đã nhiều lần chấn chỉnh hình thức đào tạo này của nhiều trường và quy định mới đã làm "dậy sóng" dư luận.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Ngành Multimedia ngày càng thu hút bạn trẻ Trong khi nền kinh tế đang khủng hoảng, ngành Kinh tế không còn được ưa chuộng như mọi năm, Multimedia (Mỹ thuật đa phương tiện) đang trở thành ngành nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn và không ít bạn đã tìm được cơ hội nghề nghiệp khi còn là sinh viên. Bỏ đại học để tìm khả năng "thật" Đó là trường...