Thí sinh nên chọn trường rồi chọn nghề hay xác định nghề nghiệp trước?
Kì thi THPT Quốc gia đã cận kề, những câu hỏi về chọn trường – chọn nghề lại “ nóng” hơn bao giờ hết. Lối đi nào giúp các bạn có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình và tìm được một công việc thích hợp – đó có lẽ không chỉ là trăn trở riêng của những thí sinh dự thi năm nay…
“Chọn trường rồi chọn nghề” là cách thức lựa chọn chủ yếu dựa trên danh tiếng của các ngôi trường. Đặc biệt, từ bao lâu nay, mọi người vẫn thường truyền tai nhau câu nói “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa” để khẳng định sự đúng đắn của lựa chọn này. Y, Dược, Bách khoa đều là những ngôi trường có tiếng tăm, từng đào tạo ra nhiều cá nhân xuất sắc. Nếu hỏi lợi ích theo đuổi những ngôi trường này là gì, chắc chắn phải kể đến việc gia đình bạn sẽ “phổng mũi” như thế nào khi khoe người thân làng xóm: “Cháu nó đang học Y/học Bách khoa đấy!”
Ngược lại, “chọn nghề rồi mới chọn trường” là cách thức chọn lựa dựa theo sở trường của bản thân. “Mình muốn gì?, “mình muốn trở thành ai?”, “mình giỏi làm gì nhất?”… chính là những câu hỏi khiến các bạn phải trăn trở chứ không phải mức độ danh tiếng của ngôi trường. Và theo lựa chọn này, khả năng cao là nguyện vọng của bạn sẽ không hoàn toàn trùng khớp với mong muốn của gia đình, thầy cô và nhà trường.
Đăng ký nguyện vọng thi ĐH luôn là trăn trở lớn nhất của thí sinh mỗi mùa thi.
“Mình thích vẽ vời từ bé, cũng hay đoạt giải các cuộc thi vẽ do mấy tờ báo học trò tổ chức. Nhưng khi biết mình có dự định thi Mỹ thuật, bố mẹ vẫn tìm cách ngăn cản rất quyết liệt. Đến ngày thi, mình phải trốn đi. Nói chung, muốn thi ĐH theo đam mê của bản thân, bạn sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần để chứng minh với bố mẹ lựa chọn của mình là đúng đắn” – Trần Thanh Tâm, sinh viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.
Trên thực tế thì ngoài những ưu điểm rất dễ nhận thấy, cả 2 cách lựa chọn trên đều có những hạn chế mà ít thí sinh nào ở tuổi 18 nhận ra được. Nếu chọn trường chỉ vì danh tiếng, bước vào ĐH, các bạn rất dễ “sốc” vì một môi trường học tập thường không giống như tưởng tượng. Bên cạnh đó, nhiều bạn còn nhận ra mình không thực sự hợp với ngành học, phát hiện ra mình có những đam mê khác… nên dần thờ ơ và bỏ bê việc học.
Còn khi chọn ngành học theo sở thích, bạn rất dễ bị “đánh lừa” bởi vô vàn các thông tin “lung linh” về ngành nghề tương lai mà bỏ qua các mặt trái của nó. Ví dụ, Thiết kế đồ họa là một ngành nghề rất thời thượng, bạn lại vẽ đẹp và bạn nghĩ rằng mình quá thích hợp. Nhưng bạn lại không có tính kiên trì, không chịu được áp lực. Vậy làm sao bạn chịu nổi việc phải “ngồi lì” từ 8 đến 10 tiếng một ngày (thậm chí hơn) bên bàn làm việc chỉ để sửa lại một đống thiết kế theo yêu cầu khách hàng?
Câu hỏi đặt ra từ những hạn chế trên là: “Tại sao chúng ta không chọn một ngôi trường vừa danh tiếng, vừa có ngành học mình yêu thích?”
Video đang HOT
Đương nhiên, bạn sẽ mất công “đãi cát tìm vàng” hơn rất nhiều. Nhưng hãy thử so sánh giữa việc ngay bây giờ bỏ ra vài tuần để tìm hiểu về ngành học, trường học mà mình yêu thích với việc mất đến 4 năm tại một nơi mình hoàn toàn không muốn, cái nào mang lại lợi ích và hiệu quả lớn hơn?
Hiện nay, danh tiếng của một ngôi trường không chỉ bó hẹp trong “Y, Dược, Bách khoa” như mọi người vẫn thường nói. Đó còn là những ngôi trường được các tổ chức quốc tế công nhận chất lượng đào tạo. Ví dụ như ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nằm trong top 800 ĐH tốt nhất thế giới, ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc top 1000 (theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds) hay trường ĐH FPT nằm trong số 17% trường đại học tốt nhất châu Á, và là một trong hai trường ngoài công lập tốt nhất Việt Nam (theo công bố của Webometrics).
Hãy tìm hiểu uy tín ngôi trường bạn mong muốn theo học qua các bảng xếp hạng quốc tế.
Về ngành học, đừng chỉ quan tâm đến sở thích của bản thân mà hãy tìm hiểu cả các thách thức lẫn nhu cầu tuyển dụng của thị trường để có sự chuẩn bị tốt nhất. Đặc biệt, trong cách mạng công nghiệp 4.0, những ngành nghề thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Truyền thông, Du lịch – lữ hành,… đang là các lựa chọn rất “hot” bởi thu nhập cao và nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn.
Trong mùa tuyển sinh năm nay, trường ĐH FPT mở 2 ngành mới là IoT (Internet vạn vật) và AI (Trí tuệ nhân tạo). Đây đều là những xu hướng công nghệ thời thượng mà cả thế giới đang theo đuổi. Bởi vậy, nếu lựa chọn ngành học này, thí sinh không cần quá lo lắng về việc làm sau khi tốt nghiệp.
Như thế, rõ ràng câu hỏi từng gây khó cho bao thế hệ học sinh “chọn trường rồi chọn nghề hay xác định nghề nghiệp trước” sẽ dễ dàng được hóa giải khi bạn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho tương lai của chính mình.
Hải Hưng
Theo Dân trí
Gỡ rối hướng nghiệp, chọn lối vào đời
Chọn nghề nào và học trường nào? Đó là băn khoăn của đại đa số học sinh lớp 12 trước thềm Kỳ thi THPT quốc gia. Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, đại học rất cần thiết nhưng không phải là con đường duy nhất. Quan trọng là biết cách "chọn lối" vào đời để có thể thành công trong sự nghiệp hoặc chí ít là cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình sau này.
Chọn ngành, chọn nghề phù hợp để cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình sau này. Ảnh: Sỹ Điền
Trước tiên phải yêu thích
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), chọn ngành, nghề và chọn trường học rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nghiệp của các em sau này. Vì thế, khi định hướng nghề nghiệp, việc đầu tiên các em phải xác định mình mong muốn học ngành nào: Là kỹ sư, bác sĩ hoặc một ngành gì đấy cụ thể.
"Nếu điểm thi vừa phải và các em có thể đủ điểm trúng tuyển vào một số trường đại học nào đó ngay trong năm nay thì trên cơ sở lực học của mình và mong muốn được học ở ngành nào, trường nào; các em có thể vào trang web của các trường đại học đó để tìm hiểu. Hoặc các em có thể vào cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trên đó có đăng tải tất cả các đề án, thông tin của các trường đại học. Trong trường hợp các em muốn học trường nghề thuộc về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì các em có thể vào cổng thông tin của Bộ LĐ,TB&XH để tìm hiểu và xem chi tiết cụ thể" - ông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi.
Cũng theo ông Hùng, Bộ có quy định trong đề án tuyển sinh, các trường sẽ phải công bố kết quả điểm trúng tuyển vào từng ngành nghề của trường trong hai năm trước. Đây cũng là căn cứ rất quan trọng các em có thể tham khảo để có sự lựa chọn ngành học, trường học hợp lý.
Ảnh minh họa
Ông Hùng thông tin thêm, trong năm 2018, có hai ngành đang mở rất rộng để các em thể lựa chọn là: Du lịch và Công nghệ thông tin. Các em có thể căn cứ vào chỉ tiêu, điểm trúng truyển của những năm trước... để đăng ký xét tuyển vào khối ngành này. Ngoài ra, còn rất nhiều khối trường khác có điểm tương đương với mức học trung bình. Chẳng hạn như: Khối ngành Nông - Lâm hoặc một số ngành kỹ thuật... Đây là một số ngành mà các em có thể tìm hiểu và tham khảo thêm trước khi có quyết định cuối cùng về chọn nghề cho mình.
"Chúng tôi có làm thống kê về một số sinh viên cử tuyển của một số địa phương. Qua thống kê cho thấy, tỉ lệ thành công của các sinh viên này không cao. Vì vậy chúng tôi đã gửi thư đến các tỉnh là: Nếu cử tuyển ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì phải cử những em học sinh Giỏi và Khá. Từ câu chuyện này tôi khuyên các em nên tìm những trường đại học, hoặc các trường cao đẳng có điểm phù hợp với khả năng của mình và nên tìm những ngành nghề mà các em yêu thích. Học mà không yêu thích thì sẽ rất khó học. Mà khi đã thiếu đam mê thì cũng rất khó để thành công" - PGS Trần Văn Tớp chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, định hướng tương lai là một việc cực kỳ quan trọng và nó phải dựa trên rất nhiều các yếu tố.
"Nhiều khi lên website để tìm thông tin, có thể các em sẽ "khó bơi". Vì thế, việc đầu tiên là xác định năng lực và đam mê của chính mình. Khi chọn ngành học cần xác định đây thực sự là ngành nghề mà sau này mình sẽ gắn bó trong tương lai. Với những em có học lực trung bình thì kết quả thi THPT quốc gia không thể đạt 29 - 30 điểm. Do đó các em không nên chọn những trường có truyền thống điểm cao, ví dụ như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội" - PGS Trần Văn Tớp bật mí.
Không phải là con đường duy nhất
Khẳng định đại học, hay rộng hơn là học vấn rất cần thiết nhưng nó không phải là con đường duy nhất, PGS Trần Văn Tớp khuyến cáo: Các em hãy là những người "thông thái" trong việc chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, sở trường. Ngoài ra, cũng nên xem xét đến yếu tố khi ra trường có khả năng bảo đảm được việc làm hay không. Nếu các em đã có được định hướng như vậy rồi, thì khi vào website thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc website của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thì các em có thể lựa chọn được một ngành học, trường học phù hợp nhất với mình.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng Ban Khoa các Khoa học GD (Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Việc chọn nghề là bước rất quan trọng trong sự nghiệp học hành cũng như công việc sau này. Chọn nghề đúng sẽ là bước đệm để dẫn các em tới thành công. Khi chọn nghề, chọn trường các em cũng nên dựa vào tính cách của bản thân và niềm đam mê với với nó. Bởi đây là công việc sẽ đi theo mình suốt cuộc đời. Nếu chọn nghề không đúng, không hợp bạn sẽ rất khó thành công và quan trọng là bạn sẽ không cảm thấy hạnh phúc mỗi khi làm việc. Nó chẳng khác nào, chỉ có một món ăn mà bắt chúng ta đến 30 - 40 năm, như thế thì không thể nuốt nổi.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, khi lựa chọn trường, hay nghề, các em nên mở rộng phạm vi lựa chọn. Đầu tiên lựa chọn lĩnh vực chuẩn, sau đó loại trừ dần những lĩnh vực mà mình không hiểu biết hoặc không có năng lực. Trên cơ sở đó các em sẽ chọn ngành, nghề, rồi tìm hiểu sâu về ngành nghề đó và cuối cùng là chọn trường. Nên chọn những trường có uy tín, cơ sở vật chất tốt và đảm bảo điều kiện học tập tốt sau này. Tất nhiên là không thể bỏ qua việc đối chiếu với mức điểm trước khi "chốt" sự lựa chọn cuối cùng của mình.
Quế Phong
Theo GDTĐ
Cha mẹ ơi, xin đừng chọn trường, chọn ngành thay con: Hãy để những đôi cánh ấy được tự do vươn xa trên bầu trời cao rộng! "Chọn trường, chọn nghề là một quyết định quan trọng và sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời con. Con cảm ơn cha mẹ, nhưng hãy để cho con được thực hiện quyết định của chính mình" chỉ là một trong những tâm sự của hàng triệu sĩ tử đang chuẩn bị bước vào kì thi tuyển sinh đại học ngoài kia... Không phải...