Thí sinh gian lận điểm thi sẽ phải hủy kết quả trúng tuyển
Trong vụ gian lận điểm thi tại Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018, tổng số có 222 thí sinh bị phát hiện gian lận, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang, 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh ở Sơn La.
Xe của cơ quan an ninh đưa các bị can là cán bộ ngành giáo dục rời khỏi Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Liên quan đến việc xử lý thí sinh vi phạm, Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã bàn giao 53 thí sinh có điểm gian lận về đơn vị sơ tuyển tại Sơn La, Hòa Bình và xử lý theo quy định. Tất cả các thí sinh gian lận trong thi cử đều bị buộc thôi học dù điểm chấm thẩm định lại vẫn đủ điều kiện. Bởi đối với việc đào tạo lực lượng vũ trang cho đất nước, đòi hỏi đầu tiên là phải có phẩm chất đạo đức. Việc gian lận điểm thi thể hiện sự gian dối, thiếu trung thực, cần xử lý nghiêm.
Trong khi đó, với các trường khối dân sự, 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định đủ điểm xét tuyển của năm 2018 vẫn đang được học tiếp. Đại diện nhiều trường cho rằng, do lỗ hổng của quy chế thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 chỉ có chế tài xử lý thí sinh vi phạm trực tiếp chứ chưa có chế tài xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi. Điều này dẫn đến hệ lụy, thí sinh gian lận bị hạ điểm thi nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường đại học đang theo học vẫn được học. Đây là vấn đề khiến dư luận băn khoăn bởi khi thí sinh có hành vi gian lận thi (trực tiếp hay gián tiếp) đều phải xử lý như nhau.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Những vi phạm liên quan đến việc sửa điểm thi là đặc biệt nghiêm trọng. Quan điểm của tôi là mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, ai vi phạm đều phải xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin với các thí sinh khác và với xã hội. Bởi các thí sinh có liên quan đến gian lận điểm thi vừa qua hiện đang theo học tại nhiều trường đại học, nếu không bị phát hiện, sau này họ sẽ trở thành người đại diện cho công lý, giữ gìn pháp luật hoặc trở thành nhà giáo. Đây là những nghề không chỉ đòi hỏi năng lực mà còn đòi hỏi cao về phẩm chất, đạo đức. Trung thực là yếu tố quan trọng cần phải được nhấn mạnh từ khi học phổ thông cho đến khi vào giảng đường đại học”.
Video đang HOT
Đồng quan điểm trên, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: Những thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua không nên cho học tiếp mà phải buộc thôi học. Ngành Giáo dục cần mạnh dạn xử lý những trường hợp này để làm gương. Các em đã hoàn thành bậc học Trung học Phổ thông nghĩa là đã đủ tuổi để nhận trách nhiệm và cần có bản lĩnh để đối diện với vấn đề này.
Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, dư luận đang rất bức xúc nên cách duy nhất là cần xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan. Đây cũng được coi là một mặt trận chống tham nhũng, sai trái, tiêu cực, không thể có vùng cấm trong xử lý. Việc gian lận không chỉ lấy mất cơ hội của nhiều người có tài mà còn gây nguy hại lâu dài cho đất nước.
Trước những băn khoăn của dư luận về việc xử lý các thí sinh này, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Các trường hợp gian lận điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quyết tâm cùng các cơ quan chức năng xử lý sai phạm thật nghiêm túc, khách quan, đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác.
Vừa qua, hầu hết những thí sinh liên quan đến sai phạm điểm thi bị giảm điểm sau chấm thẩm định đã bị hủy kết quả trúng tuyển. Trong đó, có thí sinh dù vẫn đủ điểm trúng tuyển vào trường Công an, Quân đội nhưng cũng bị trường ở các bộ, ngành này quyết định hủy kết quả trúng tuyển. Chúng tôi rất hoan nghênh cách xử lý này.
Với 12 thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi nhưng vẫn đang theo học tại các trường đại học, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, những thí sinh này có thể đã đăng ký xét tuyển bằng phương thức khác như học bạ hoặc bằng các tổ hợp xét tuyển không liên quan đến điểm gian lận hay liên quan đến điểm gian lận nhưng sau khi chấm thẩm định vẫn đủ điểm trúng tuyển. Tạm thời, các trường có thể chưa xử lý những thí sinh này cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Nếu kết luận điều tra xác định các thí sinh đó có liên quan đến vi phạm điểm thi, nhà trường sẽ phải hủy kết quả trúng tuyển.
Việt Hà
Theo TTXVN
53 sinh viên buộc thôi học khối trường công an từng viết cam kết 'điểm xịn'
Hôm qua 17/4, trao đổi với Tiền Phong, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, các trường thuộc Bộ đã buộc thôi học 25 sinh viên đến từ Sơn La, 28 sinh viên đến từ Hòa Bình vì liên quan đến gian lận thi cử.
Ảnh minh họa
Các sinh viên này đang theo học năm thứ nhất tại 3 đơn vị đào tạo của Bộ Công an là Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân và ĐH Phòng cháy chữa chữa cháy. Thiếu tướng Bùi Minh Giám cho biết, tất cả 53 sinh viên đến từ hai tỉnh trên trúng tuyển và đã nhập học, không sinh viên nào bỏ học hay không đến học.
Trước câu hỏi của Tiền Phong với những trường hợp thí sinh được nâng điểm thi, sau khi chấm thẩm định, điểm thi thật của các em vẫn đủ điểm trúng tuyển vào các trường khối Công an Nhân dân, thì các trường có cho phép các em theo học tiếp không?
Thiếu tướng Bùi Minh Giám khẳng định đã gian lận trong thi cử là phải buộc thôi học, nhất là các trường công an, quân đội. Đây là những nơi đào tạo lực lượng vũ trang cho đất nước nên đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức.
"Nếu phát hiện phụ huynh gian lận sẽ xử lý phụ huynh sau theo quy định của pháp luật. Còn với thí sinh, không chỉ quy định riêng của khối trường Công an, Quân đội mà trong quy chế, điều 49 cũng có quy định để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp thì phải hủy bỏ kết quả thi" - Thiếu tướng Bùi Minh Giám khẳng định.
Ông Giám cho biết, năm 2018, các thí sinh trúng tuyển vào các trường Công an trong bối cảnh ngành Công an điều tra các vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong khi các vụ án đang được điều tra. Bộ GD&ĐT vẫn công nhận kết quả thi mà các Sở GD&ĐT liên quan đã công bố, vì thế em nào đủ điều kiện trúng tuyển vào các trường công an và có nguyện vọng theo học thì các trường đều tiếp nhận.
Trước khi tiếp nhận, các trường của Bộ Công an yêu cầu tất cả thí sinh trúng tuyển, nhập học đều phải viết giấy cam đoan điểm trúng tuyển là điểm thực tế bài thi của các em, nếu cơ quan chức năng phát hiện đó là điểm thi gian lận thì các em phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an đã bàn giao 53 thí sinh có điểm gian lận về đơn vị sơ tuyển tại Sơn La, Hòa Bình và xử lý theo quy định.
Theo Tiền phong
Học viện Tài chính xoá tên thí sinh ở Hòa Bình được nâng 6.9 điểm Học viện Tài chính đã ra quyết định xóa tên 1 thí sinh đến từ Hòa Bình được nâng 6.9 điểm khỏi danh sách trúng tuyển hệ đại học chính quy năm 2018. Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Đào Tùng - Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính cho biết, Học viện đã ra quyết định hủy kết...