Thí sinh được “tặng” 0,2 điểm môn vật lý vì đề sai sót
TTO – Bộ GD-ĐT vừa quyết định sẽ “tặng” cho tất cả thí sinh dự thi môn Vật lý 0,2 điểm (đề vật lý có 50 câu, tổng điểm tối đa 10 điểm/ bài thi được chia đều cho tất cả các câu hỏi này).
Thí sinh ra về sau khi kết thúc môn thi Vật lý tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 2-7 – Ảnh: Quang Định
Lý do vì đề thi có một câu hỏi mà “các dữ kiện của câu hỏi thi này đúng về mặt Toán học mà chưa đủ ý nghĩa Vật lí”.
Video đang HOT
Trước đó, một số thầy cô giáo dạy vật lý tại trường phổ thông cho rằng một số câu hỏi của đề thi vật lý Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 không hợp lý. Một số bạn đọc đã gửi đến Tuổi Trẻ thắc mắc và đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm giải đáp để làm rõ vấn đề, tránh gây hoang mang cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Theo các ý kiến này, ở câu 43 đề 138, theo tính chất vật lý thì f>75Hz, nên việc tính ra đáp án và chọn f=70Hz là hoàn toàn sai. Ngoài ra, câu 47 đề 138 thì nếu tính toán thì đáp án không giống như đáp án công bố của Bộ GD-ĐT.
Trước băn khoăn này, Tuổi Trẻ đã trao đổi với một số thầy cô giáo, chuyên gia vật lý và được chia sẻ việc các thầy cô giáo trong giới vật lý phản ánh hai câu hỏi trong đề thi vật lý bị sai là “hoàn toàn có căn cứ”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Hà Huy Bằng – Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH quốc gia Hà Nội) – khẳng định câu hỏi số 43 mã đề 138 môn thi vật lý Kỳ thi THPT quốc gia là sai vì số liệu không chính xác, dẫn đến không thể xảy ra hiện tượng có trong đề bài. Riêng câu 47, GS Bằng cho rằng đề không sai nhưng đó không phải là một câu hỏi hay để đưa vào đề thi quốc gia.
Vậy hướng xử lý khi đề sai nên thực hiện như thế nào? GS Bằng cho rằng cách tốt nhất là Bộ GD-ĐT nên thừa nhận đó là câu hỏi sai và loại trừ câu hỏi này ra khỏi biểu điểm chấm thi, nghĩa là tổng điểm tối đa của bài thi môn vật lý sẽ chia đều cho các câu hỏi còn lại mà không tính câu hỏi số 43.
Trong khi đó, thầy Lê Tiến Hà- giảng viên Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên- phân tích ở mã đề 138, với câu 43 thì giả thiết cho hoàn toàn có thể lấy kết quả được.
Tuy nhiên khi chủ khảo ra đề thì không lường hết tình huống là giả thiết hoàn toàn không hợp lệ. Do đó, về một mặt nào đó thì đối với các chuyên gia thì đề hoàn toàn không hợp lý. Còn đối với học sinh thì có thể giải và lấy được kết quả nói trên (vì học sinh không dễ gì cũng như không dư thời gian để đi chứng minh đề sai).
Với câu 47 mã đề 138, thầy Lê Tiến Hà cho rằng đề không rõ ràng dẫn đến hiểu lầm trong quá trình xử lý số liệu dẫn đến kết quả 1,95 mF như nhiều em đã đề cập. Chiều 6-7, Bộ GD-ĐT chính thức xác nhận đã chuyển những thắc mắc này đến tổ ra đề thi môn vật lý.
Theo đó, Tổ ra đề môn Vật lí giải trình rằng câu 47 mã đề thi 274 (tương ứng với câu 47 mã 138; câu 46 mã 426; câu 48 mã 841; câu 44 mã 682, câu 41 mã 935): nội dung câu hỏi và phương án trả lời không có gì sai sót.
Còn câu 44 mã đề thi 274 (tương ứng với câu 43 mã 138; câu 50 mã 426; câu 41 mã 841; câu 43 mã 682, câu 43 mã 935) là một dạng bài tập về dòng điện xoay chiều quen thuộc. Khi học sinh và giáo viên giải câu này (trên các báo viết, trên truyền hình, trên một số báo mạng…) đều nhận được kết quả fo = 70,7 Hz.
Theo tổ ra đề, tổ ra đề thi khi chọn câu hỏi này để đưa vào đề thi đã giải theo các cách phổ biến, thường được dùng ở trường THPT và cũng đã nhận được kết quả như đã cho trong đáp án (fo = 70,7 Hz). Tuy nhiên, nếu suy xét toàn diện hơn, thì các dữ kiện của câu hỏi thi này đúng về mặt Toán học mà chưa đủ ý nghĩa Vật lí.
Để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng ra đề thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2015 quyết định giữ nguyên đáp án và hướng dẫn chấm môn Vật lí; riêng đối với câu 44 mã đề thi 274, câu 43 mã đề thi 138, câu 50 mã đề thi 426, câu 41 mã đề thi 841, câu 43 mã đề thi 682, câu 43 mã đề thi 935 tất cả các thí sinh đều được 0,2 điểm; thang điểm các câu còn lại không thay đổi, điểm tối đa toàn bài thi môn Vật lí vẫn là 10 điểm.
Theo TTO