Thí sinh được lợi vì chỉ thi 4 môn
Ngày 2-1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hình thức thi, cách thức tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm qua đã gây áp lực cho học sinh, tốn kém cho xã hội, và chưa thực sự kích thích học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện một cách toàn diện. Đây là lý do Bộ đang đề xuất phương án thi mới mà nếu được thông qua sẽ áp dụng ngay trong năm 2014.
Bộ GD-ĐT mong muốn áp dụng phương án thi mới ngay trong năm 2014
- PV: Thứ trưởng cho biết vì sao phương án thi mới chọn 4 môn thi trong khi học sinh đang học rất nhiều môn. Điều này có khiến học sinh càng học lệch?
- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Thực tế hiện nay học sinh vẫn học lệch theo khối thi đại học. Quan điểm của Bộ là nếu học lệch chính đáng thì vẫn tốt bởi chương trình mới sẽ nhắm tới phân hóa học sinh, hướng tới khuyến khích phát triển kỹ năng riêng của từng học sinh. Chương trình cũ hiện chưa đạt được điều này. Tuy nhiên, điều chúng ta vẫn chú ý là mặt bằng chung phải được đảm bảo, vì vậy, điểm tốt nghiệp có phần trung bình các môn ở lớp 12, tức là các môn đều được tham gia vào quá trình xét tốt nghiệp. Bộ muốn khuyến khích định hướng nghề nghiệp cho các em, nên các em được phép chọn môn thi tốt nghiệp theo năng lực của bản thân.
- Hiện học sinh lớp 12 đã hoàn thành xong học kỳ I, vậy Bộ có ý định triển khai ngay phương án thi mới trong năm 2014 nếu được duyệt?
- Nếu được chấp thuận, chúng tôi sẽ áp dụng ngay trong năm 2014. Từ nay đến khi kỳ thi bắt đầu còn 5 tháng nữa để chuẩn bị. Sẽ có ý kiến cho rằng như vậy sẽ thay đổi đột ngột nhưng theo tôi là không vì nội dung thi vẫn nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng lớp 12, chỉ có phương án lựa chọn môn thi là khác.
- Bộ đưa ra tỷ lệ 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp dựa trên cơ sở nào? Cùng với việc xét tốt nghiệp THPT bằng kết quả điểm trung bình lớp 12 có làm nảy sinh tiêu cực từ các trường hay không
Video đang HOT
- Thực tế thi tốt nghiệp THPT các năm trước tỷ lệ học sinh đỗ khá giỏi lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 20%. Theo chúng tôi, những em này thi tốt nghiệp thì kiểu gì cũng đỗ bởi vậy không nhất thiết phải bắt các em dự thi. Cắt đi 20% thí sinh dự thi là số lượng không nhỏ. Như vậy số lượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ bớt cồng kềnh, sẽ tiết kiệm được cho xã hội, giảm áp lực cho thí sinh. Việc phát sinh tiêu cực hay không, theo tôi, để lựa chọn ra 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp các địa phương cần phải nghiêm túc hơn trong đánh giá bởi có sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía học sinh, xã hội. Hiện Bộ đưa ra chỉ tiêu thì sẽ không có chuyện ồ ạt chạy điểm để được miễn thi, cộng điểm như trước.
- Vậy còn sự công bằng giữa các địa phương khi chất lượng giáo dục không đồng đều cộng với khả năng có địa phương dễ dãi trong đánh giá kết quả học lực lớp 12 để tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp?
- Hiện đã có ý kiến là chất lượng giáo dục phụ thuộc vào điều kiện mỗi địa phương. Bởi vậy, nơi có ít điều kiện đầu tư giáo dục thì cũng phải được hưởng ưu tiên. Còn với việc dễ dãi trong đánh giá học lực lớp 12 để đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao thì phải quản lý bằng các biện pháp khác chứ không phải bằng quy chế thi tốt nghiệp THPT.
- Bỏ môn ngoại ngữ khỏi 6 môn thi tốt nghiệp bắt buộc liệu có làm cho học sinh bỏ qua môn này trong khi chúng ta đang khuyến khích học sinh học ngoại ngữ?
- Việc học ngoại ngữ theo cách cũ không còn thích hợp. Đề án ngoại ngữ mới yêu cầu học sinh phải được dạy và học theo hướng sử dụng thông thạo ngay, vì vậy việc thi như hiện nay không đáp ứng được yêu cầu này, do đó nên bỏ. Tuy nhiên, bù vào đó là việc học sinh được cộng điểm khuyến khích với môn ngoại ngữ. Ngoài ra, với việc không bắt buộc thi tốt nghiệp ngoại ngữ sẽ tạo điều kiện cho Bộ và các trường tập trung đầu tư cho việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ chất lượng hơn.
Dự thảo về phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014 quy định 2 môn thi bắt buộc là Toán và Văn. Hai môn thi còn lại thí sinh sẽ lựa chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Môn Ngoại ngữ sẽ do học sinh đăng ký thi để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển tốt nghiệp (dự kiến bài thi Ngoại ngữ được 9 điểm trở lên được cộng 2 điểm; 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm, đạt 5 điểm trở lên được cộng 1 điểm).
Theo ANTD
Công bố dự thảo mới nhất về thi tốt nghiệp THPT
Cuối giờ chiều nay 2.1, Bộ Giáo dục - Đào tạo họp báo công bố dự thảo mới nhất về những thay đổi lớn trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) dự kiến sẽ áp dụng ngay từ năm tới.
Dự thảo của Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu rõ: Ngoài các đối tượng được miễn thi theo quy chế thi hiện hành (người học khiếm thị; người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hoá và được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ), các thí sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt cũng sẽ được miễn thi.
Ảnh minh họa
Việc miễn thi dựa theo các tiêu chí cơ bản sau: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế.
Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng lưu ý: Thí sinh miễn thi được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Thí sinh thuộc diện được miễn thi vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp theo quy định.
Đặc biệt, theo dự thảo: Trong kỳ thi đầu tiên, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau.
Hai phương án về số môn thi
Dự thảo đưa ra hai phương án về việc thay đổi số môn thi tốt nghiệp.
Cụ thể, phương án 1: Thí sinh thi 4 môn, gồm: 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lí, hóa học, sinh học, địa lí và lịch sử.
Với phương án này, ngoại ngữ là môn khuyến khích. Học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến: bài thi môn ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Phương án 2: thí sinh thi 5 môn, gồm: 3 môn thi bắt buộc: toán, ngữ văn và ngoại ngữ; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lí, hóa học, sinh học, địa lí và lịch sử.
Với môn ngoại ngữ: thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: vật lí, hóa học, sinh học, địa lí và lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên.
Việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT cũng có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, điểm trung bình các bài thi và điểm trung bình cả năm học sẽ có giá trị tương đương nhau (50 - 50); đồng thời cộng thêm điểm khuyến khích (nếu có).
Tuy nhiên, xếp loại tốt nghiệp (giỏi, khá, trung bình) thì sẽ không tính điểm khuyến khích.
Theo VNE
Dự thi Olympic được miễn thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/1/2014. Theo đó, đáng chú ý ở khoản 3 điều 36 được sửa đổi, bổ sung: "Học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được miễn...