Thí sinh diện ưu tiên không mặn mà tuyển thẳng
Những năm gần đây, thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng giảm dần, thậm chí trúng tuyển vào học rồi bỏ ngang.
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Công nghiệp thực phẩm TPHCM
Quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT cho ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh thuộc các huyện nghèo, huyện biên giới, hải đảo vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) suốt 8 năm qua. Chính sách này đã tạo sự phấn khởi không chỉ cho thí sinh mà cho cả các địa phương về bài toán đào tạo nguồn nhân lực. Thế nhưng, những năm gần đây, thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng giảm dần, thậm chí trúng tuyển vào học rồi bỏ ngang.
Bỏ học nhiều
Tổng kết năm đầu tiên thực hiện chính sách này (2012), Bộ GD-ĐT thống kê cả nước đã xét tuyển được 2.435 thí sinh vào ĐH và 203 thí sinh vào CĐ. Số thí sinh trúng tuyển trong các năm 2013, 2014 và 2015 vào các trường tăng lên rất nhiều do bổ sung thêm đối tượng thuộc 22 huyện diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam bộ và thí sinh là người đồng bào dân tộc rất ít người. Vậy nhưng, thực tế tỷ lệ thực học so với số thí sinh trúng tuyển là khá thấp.
Đáng nói hơn, từ năm 2017 đến nay, số thí sinh đăng ký thuộc diện này gần như không có. Tìm hiểu tại các trường ĐH-CĐ tại TPHCM, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, số thí sinh các huyện nghèo được tuyển thẳng là 1.312 nhưng vỏn vẹn chỉ có 77 thí sinh theo học. Riêng các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM xét 193 thí sinh trúng tuyển, chỉ có 27 thí sinh theo học. Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM có 188 thí sinh trúng tuyển, chỉ có 13 thí sinh theo học.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có 3/179 thí sinh trúng tuyển theo học (đặc biệt năm 2015, toàn bộ 103 thí sinh trúng tuyển đều bỏ học). Trường Đại học Sài Gòn có 3/125 thí sinh trúng tuyển theo học. Trong khi đó, tại Trường ĐH Cần Thơ, số lượng thí sinh đăng ký và trúng tuyển thẳng cao nhất nhưng số thí sinh theo học cũng ít ỏi. Trong năm 2014, trường có hơn 2.000 thí sinh trúng tuyển nhưng cuối cùng chỉ có 700 em theo học.
Theo quy định, trước khi vào học ĐH chính thức, thí sinh trúng tuyển thẳng theo diện ưu tiên xét tuyển phải học bổ sung kiến thức chương trình phổ thông một năm. Trước thực tế này, nhà trường đưa ra 2 gợi ý để thí sinh lựa chọn: nếu học ĐH thì các em phải đóng học phí cao hơn 1,5 lần; nếu dự thi tuyển sinh vào ngành mà các em chọn thì học phí sẽ bằng hệ đại trà (riêng học ngành Sư phạm sẽ được miễn học phí).
Video đang HOT
Do đó, đây cũng là yếu tố khiến nhiều thí sinh không muốn học hoặc học rồi bỏ ngang giữa chừng. Trong năm 2015, tại rất nhiều cơ sở đào tạo như Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TPHCM, Trường CĐ Y tế Bình Dương…, thí sinh trúng tuyển đều bỏ học. Riêng các năm 2018 và 2019, toàn bộ các trường tại TPHCM chỉ có duy nhất một thí sinh trúng tuyển theo diện thí sinh vùng đặc biệt khó khăn và được gửi đến Trường Dự bị ĐH TPHCM (quận 5) để đào tạo.
Chính sách chưa đồng bộ
Theo Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, chính sách tuyển thẳng thí sinh vùng đặc biệt khó khăn vào ĐH-CĐ là rất nhân văn. Song, khi thực hiện có rất nhiều bất cập mà Bộ GD-ĐT chưa tính toán cho phù hợp. Chính vì vậy mà từ năm 2018 đến nay hầu như không có thí sinh nào đăng ký theo học. Cái khó của thí sinh diện này là vấn đề tài chính, mà học phí là trở ngại lớn nhất.
Trở ngại tiếp theo là các em đều ở những vùng khó khăn, dù có học bổ sung kiến thức một năm nhưng khi vào chương trình ĐH-CĐ chính thức các em vẫn theo không kịp, bởi đa phần các em có học lực rất yếu. Lãnh đạo nhiều trường ĐH-CĐ cũng cho rằng, việc tạo điều kiện cho thí sinh vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận ĐH là chính sách đúng đắn của Nhà nước. Nhưng cùng với đó, không chỉ Bộ GD-ĐT mà các bộ ngành cùng địa phương phải ngồi lại để cùng nghiên cứu các lời giải như: nhu cầu từng ngành nghề phù hợp với địa phương, đầu ra như thế nào cho người học, bài toán học phí…
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Hiệu trưởng Trường Dự bị ĐH TPHCM, trước đây, trường tiếp nhận toàn bộ thí sinh do các trường gửi đến. Chương trình học bổ sung kiến thức giống như chương trình dự bị ĐH, đó là những kiến thức chương trình THPT. Tuy nhiên, trong đó có miễn giảm một số môn không cần thiết theo yêu cầu của từng trường. Sau một năm, sẽ kiểm tra và kết quả đánh giá sẽ gửi về cho các trường ĐH-CĐ quyết định. Về học phí, do không có quy định nên các em phải đóng học phí theo hướng dẫn của Nghị định 49 (hiện nay là Nghị định 86).
Năm 2020, quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì chính sách tuyển thẳng cho đối tượng thí sinh thuộc các huyện nghèo, huyện biên giới, hải đảo. Đã 8 năm thực hiện, Bộ GD-ĐT cần phải có tổng kết, đánh giá để đề xuất với Chính phủ những giải pháp phù hợp hơn, nhằm phát huy hiệu quả từ chính sách nhân văn của Nhà nước.
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020, Bộ GD-ĐT quy định có 10 đối tượng được xét tuyển thẳng vào trường. Trong đó, đối tượng thứ 8 là thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Bên cạnh đó, thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ cũng thuộc đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng.
Tăng chỉ tiêu xét tuyển thẳng vào ĐH Hà Nội
Trường Đại học Hà Nội tăng 30% chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp.
Tại chương trình On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh 2020 mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, đề án tuyển sinh chính thức của trường Đại học Hà Nội đã công bố từ đầu tháng 6 với một số thay đổi có lợi cho sinh viên.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhất là sau khi Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập, Đại học Hà Nội đã tăng chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp từ 10% năm 2019 lên 30% năm 2020. Ngoài ra, trường cũng mở thêm ba chương trình mới, đồng nghĩa với việc tăng thêm 150 chỉ tiêu tuyển sinh.
Chương trình On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh Đại học Hà Nội do VTV cab phối hợp với Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức.
Theo đó, năm nay, trường dành 5% chỉ tiêu cho việc xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các thí sinh đạt giải quốc gia, các kỳ thi Olympic. 25% chỉ tiêu dành cho hình thức xét tuyển kết hợp theo quy định của nhà trường. Cụ thể đối tượng tham gia xét tuyển kết hợp gồm:
- Học sinh các lớp chuyên, trường chuyên đạt học lực giỏi trong các năm học cấp ba, điểm thi THPT 3 môn Toán - Văn - Ngoại ngữ hoặc Toán - Lý - Ngoại ngữ đạt 21 điểm trở lên và điểm trung bình môn Tiếng Anh mỗi năm 7,0 trở lên;
- Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của 10 ngôn ngữ trong đó có tiếng Anh (IELTS, TOEFL, CAE); thí sinh có kết quả các bài thi chuẩn quốc tế như SAT, ACT, A-LEVEL..
70% chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho hình thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT. Trong trường hợp xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp còn thừa chỉ tiêu, các chỉ tiêu thừa này sẽ được chuyển sang cho hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đối với thí sinh sử dụng hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, việc sở hữu những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có thể giúp các em học vượt từ nửa năm đến một năm, từ đó rút ngắn lại thời gian học tập.
Chia sẻ về điều kiện đăng ký xét tuyển chung của trường, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho biết, học sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT ba môn Toán - Văn - Ngoại ngữ và Toán - Lý - Ngoại ngữ đạt 16 điểm trở lên sẽ đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường. Tuy nhiên, trên thực tế, do tỷ lệ cạnh tranh cao nên thông thường, điểm trúng tuyển vào các ngành sẽ cao hơn. Những ngành đang có nhu cầu việc làm cao và có thu nhập tốt như Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản, điểm trúng tuyển có thể lên tới 8 đến 8,5 điểm mỗi môn.
Bên cạnh đó, trừ ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông đa phương tiện, các ngành còn lại của trường Đại học Hà Nội đều nhân đôi điểm ngoại ngữ. Đây là một lợi thế lớn cho những học sinh có nền tảng và năng lực ngoại ngữ tốt từ THPT.
Chương trình đào tạo quốc tế lấy bằng chính quy
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trường có 4 chương trình liên kết với các đại học nước ngoài bao gồm cử nhân Quản trị Kinh doanh, chuyên ngành kép Marketing và Tài chính liên kết với Đại học La Trobe của Australia, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành liên kết với Đại học IMC KREMS - Áo, ngành Kế toán Ứng dụng liên kết với Đại học Oxford Brookes - Anh và Cử nhân Kinh doanh liên kết với Đại học Waikato - New Zealand.
Tất cả chương trình này đều được giảng dạy tại Việt Nam, bằng tiếng Anh với giáo trình và tài liệu quốc tế. Sinh viên sẽ được cấp bằng chính quy nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình học, nếu có nguyện vọng, sinh viên có thể đăng ký chuyển tiếp để tiếp tục học tập tại các trường liên kết tại nước ngoài. Các chương trình này tuyển sinh bằng học bạ và trình độ tiếng Anh. Nếu sinh viên chưa đủ trình độ tiếng Anh có thể học thêm tại Trường Đại học Hà Nội trong 6 tháng.
Mặt khác, chương trình chính quy của nhà trường gồm hệ đại trà và chất lượng cao. Với chương trình chất lượng cao, sinh viên sẽ có nhiều điều kiện thực tập, kiến tập tại các cơ sở kinh doanh, đơn vị đối tác với nhà trường để kiểm nghiệm những kiến thức đã học trong môi trường thực tế. Sinh viên tốt nghiệp chương trình này được trường hỗ trợ tìm việc làm. Với các ngành ngôn ngữ chất lượng cao, sinh viên ra trường sẽ thành thạo hai ngoại ngữ trong đó có tiếng Anh.
Trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên đi học tại nước ngoài qua các chương trình trao đổi. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương, một năm trường có 250 đến 300 sinh viên đi học tại những trường đối tác, trong đó nhiều em đạt học bổng 100% hoặc học bổng bán phần chi trả tiền ở và tiền ăn trong quá trình học.
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội dù thuộc khối ngành ngôn ngữ hay các chuyên ngành đào tạo bằng ngoại ngữ đều có nhiều cơ hội việc làm. Thực tế, sinh viên của trường hiện công tác trên tất cả lĩnh vực và có sức cạnh tranh cao nhờ vốn ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn tốt.
Cùng với đó, trường có phòng Công tác sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp với mục tiêu tổ chức các chương trình hướng nghiệp, trò chuyện để tạo cơ hội giới thiệu sinh viên với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Trường Đại học Hà Nội cũng đang xây dựng phần mềm hội chợ việc làm nhằm tạo ra một nền tảng trực tuyến kết nối hiệu quả hơn giữa sinh viên và nhà tuyển dụng.
Thông tin chi tiết về chương trình đào tạo cũng như tuyển sinh của Trường Đại học Hà Nội được Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương và Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng giải đáp trong chương trình On EduTalk - Tư vấn tuyển sinh 2020 do Đài truyền hình VTVcab phối hợp với Hệ thống Giáo dục HOCMAI thực hiện. Theo dõi đầy đủ chương trình tại https://www.facebook.com/watch/live/?v=670585353519350&ref=watch_permalink
Những đối tượng được tuyển thẳng vào đại học năm 2020 Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2020, có 11 đối tượng sẽ được tuyển thẳng vào các trường đại học trên toàn quốc. Các trường sẽ công bố chỉ tiêu, tiêu chí, phạm vi ngành, nghề cũng như nội dung định hướng đào tạo cho việc xét tuyển thẳng trong đề án tuyển sinh.