Thí sinh đánh giá đề Lý và Hóa có tính phân loại cao, đề Sinh dài
Các thí sinh cả nước vừa hoàn thành bài thi Khoa học Tự nhiên gồm 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhìn chung các thí sinh đánh giá đề thi Vật lý và Hóa học có tính phân loại cao; đề Sinh hơi dài…
Ghi nhận tại Quảng Nam:
Sáng nay 26/6, nhiều thí sinh tại Quảng Nam nhận định đề thi Hóa học khó, có tính phân loại cao.
Em Lê Văn Huy (điểm thi trường THPT Nguyễn Duy Hiệu – thị xã Điện Bàn) chia sẻ, em thấy đề thi Hóa năm nay khó hơn năm 2017, vì em đã ôn đề của năm ngoái nên thấy năm nay khó hơn nhiều. Khoảng 20 câu đầu tiên bám sát theo kiến thức lớp 12 em đã học, nhưng bắt đầu từ câu 20 trở đi thì độ khó tăng dần lên.
Đặc biệt ở các câu cuối cùng là những bài tính toán phức tạp. Em dự tính làm được khoảng 80% số lượng câu hỏi, hy vọng sau khi giải đề có thể tăng lên thêm ít câu nữa vì em dự định thi khoa học tự nhiên nên không hài lòng lắm với kết quả của mình.
Các thí sinh ở Quảng Nam cho rằng, đề thi môn Hóa có tính phân loại cao. (Ảnh: Công Bính)
Tương tự, em Nguyễn Thảo Như (điểm thi trường Nguyễn Du – thị xã Điện Bàn) cũng chia sẻ: “Đề Hóa em thấy khá khó, mức độ khó tăng dần. Bài thi có tính phân loại cao, đối với học sinh trung bình thì khoảng 4-5 điểm, còn lại là dành cho học sinh khá giỏi. Theo em, năm nay khó mà có nhiều điểm cao như năm ngoái. Em chỉ làm được 60% bài thi nên khá buồn”.
Ghi nhận tại tỉnh Phú Yên:
Kết thúc 3 môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhiều thí sinh tại tỉnh Phú Yên đánh giá đề thi cả 3 môn là khó hơn năm ngoái và có tính phân loại cao.
Ngoài ra nhiều ý kiến học sinh cũng mong muốn kéo dài thời gian nghỉ giữa các môn thi, để các em lấy lại tinh thần và vệ sinh cá nhân.
Thí sinh tại Phú Yên sau buổi thi sáng nay. (Ảnh: Trung Thi)
Thí sinh Nguyễn Duy Thắng chia sẻ: Đối với đề thi 3 môn KHTN sáng nay, em thấy khoảng 50% là dễ, còn 50% là khó, riêng đề thi môn Sinh học em thấy khoảng 30 câu cuối rất là dài không thể làm kịp được. Đối với bản thân em thì làm được từ 60-65%.
Ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông:
So với hai môn Ngữ văn và Toán của ngày hôm qua, số lượng thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên khá khiêm tốn. Tại một số điểm thi, có phòng chỉ có 7-8 thí sinh dự thi môn này. Theo đánh giá, đề thi năm nay có độ khó cao hơn năm ngoái, kiến thức được phân bổ đồng đều, giúp phân loại thí sinh.
Tại một số phòng thi chỉ có 8 thí sinh dự thi tổ hợp KHTN
Thí sinh Lê Hải Phú Nguyên, điểm thi THPT Chu Văn An (TX. Gia nghĩa) cho biết: ” Đối với môn Vật lý và Hóa học thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp thì khó có thể hoàn thành tốt 100% bài thi, mà chỉ khoảng 40-50% chắc chắn. Các câu hỏi mang tính phân loại, tạo cơ hội cho những thí sinh dự xét tuyển đại học thể hiện. Trong đề Vật lý, thí sinh dễ kiếm điểm nhất là phần lý thuyết trong khi đó những câu hỏi về dao động, sóng, dòng điện thì gây khó, thí sinh mất thời gian tính toán”.
Thí sinh đánh giá, đề thi năm nay có mức độ phân hóa cao, kiến thức phân bổ hợp lý
Rời phòng thi sau khi kết thúc tổ hợp 3 môn KHTN, thí sinh Thị Nia, điểm thi PTDTNT Nơ Trang Lơng (TX. Gia Nghĩa) khá thất vọng vì hoàn thành bài thi không tốt. Theo đánh giá riêng của nữ sinh dân tộc Mạ, đề thi cả ba môn đều khá dài, trong khi thời gian làm bài chỉ có 50 phút. Mỗi môn thi chỉ cách nhau 10 phút nên thí sinh khó xoay sở, đề thi không đánh đố thí sinh song độ khó cao hơn những năm trước.
Video đang HOT
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Đắk Nông, tỉnh này có 2832 lượt thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp môn KHTN (chiếm hơn 1/3 tổng số thí sinh). Trong buổi sáng hôm nay, có 29 thí sinh vắng mặt, không có giám thị và thí sinh vào vi phạm quy chế thi.
Chiều nay, các thí sinh thi môn Ngoại ngữ với thời gian 60 phút từ 14h30 đến 15h30.
Nhóm PV
Theo Dân trí
Tổng kết ngày thi thứ nhất: Hai môn chủ chốt Văn - Toán và những điều lắng đọng
Trong ngày thi đầu tiên, không chỉ là những tranh cãi về độ khó dễ liên quan đến đề thi của hai môn Văn - Toán mà còn là sự xuất hiện của nhiều nhân vật đặc biệt, những khoảnh khắc xúc động cũng chiếm spotlight.
Hôm nay (25/6), hơn 900.000 thi sinh trên ca nươc chính thức bươc vao ngày thi đầu tiên trong ky thi THPT Quôc gia 2018. Hai môn thi chủ chốt đó là Ngữ Văn (buổi sáng) thời lượng làm bài 120 phút và Toán (buổi chiều) thời lượng làm bài 90 phút đều là hai thử thách nặng nề đối với các thí sinh.
Tiin.vn xin được tổng kết những điều nổi bật cũng như các khoảnh khắc ý nghĩa lắng đọng lại sau ngày thi thứ nhất đầy cam go.
Những cái ôm từ cổng trường vào sáng sớm
Theo ghi nhận của PV, từ sáng sớm ngày hôm nay, tại những điểm trường tổ chức thi đã rất đông phụ huynh chở con em mình đến tham dự kỳ thi. Niềm háo hức, hy vọng lẫn sự lo lắng đều là những cung bậc cảm xúc hiện hữu trên khuôn mặt của từng người, cả phụ huynh lẫn thí sinh.
Có mặt tại điểm trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sáng sớm nay, cô Hà Ngọc Thuỷ, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đã gặp gỡ, động viên từng học trò trong lớp của mình. Cô đứng ở cổng trường, ôm từng học sinh trước khi các em bước vào môn thi đầu tiên - Ngữ Văn.
Đúng 7h30 phút, thời gian làm bài môn thi Ngữ Văn chính thức bắt đầu. Các phòng thi im lìm. Trong khi từ ngoài cánh cổng trường, những bậc phụ huynh thấp thỏm chờ con trong trạng thái hồi hộp, lo lắng. Tất cả mọi suy nghĩ lẫn hy vọng của họ cũng đều đang đổ dồn vào bài thi của con em mình.
Với các bậc phụ huynh, kỳ thi THPT Quốc gia rõ ràng cũng là một cuộc đua 'cân não': Các con có bình tĩnh làm bài không? Liệu sẽ đạt điểm số thế nào? Số điểm ấy có thể giúp các con đậu được vào ngôi trường theo đúng như nguyện vọng của con và của gia đình hay không? Và lỡ như kết quả không mỹ mãn, thì tương lai các con sẽ như thế nào?...
Một phụ huynh trông ngóng con phía ngoài cổng trường THPT Trần Văn Giàu (TP.HCM)
Những thí sinh bỏ thi vì kẹt ở vùng lũ
Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay diễn ra đúng vào thời điểm tình trạng mưa lũ nghiêm trọng đang hoành hành tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng - chống thiên tai, tính đến 9h sáng nay đã có ít nhất 7 người thiệt mạng, 12 người mất tích và 5 người bị thương trong đợt mưa lũ.
Mặc dù lực lượng cứu hộ đã phải làm việc suốt đêm qua để có thể đón được các thí sinh đến trường thi, tuy nhiên vào sáng nay, ở Lai Châu vẫn có 47 thí sinh vắng mặt trong buổi thi Ngữ Văn, 15 em trong số đó thuộc địa bàn huyện Tân Uyên - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lần này; ở Hà Giang cũng có 25 thí sinh vắng mặt, trong đó 3 em phải bỏ thi vì bị kẹt ở vùng lũ.
Xe chở thí sinh dự thi THPT Quốc gia ở Hà Giang giữa dòng nước lũ
Điểm trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang bị ngập nặng
Những thí sinh đặc biệt
Xuất hiện tại điểm thi trường THCS Colette (quận 3, TP.HCM) sáng nay (25/6) có một thí sinh đặc biệt tên là Phạm Thị Thu Thủy (SN 1997). Cô gái bị tật cả hai chân, di chuyển khó khăn, đã được bạn đưa đến trường thi.
Thí sinh Phạm Thị Thu Thủy tại trường thi sáng nay
Được biết, Thủy vốn là trẻ mồ côi, hiện đang theo học tại Trung tâm bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Suốt nhiều năm liền, Thủy đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Đi thi cùng Thủy sáng nay còn có thêm 2 người bạn thân bị khiếm thính.
Tại điểm thi trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An), sự xuất hiện của thí sinh Nguyễn Thị Thanh Vân cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Với phong cách ăn mặc lịch sự, chỉn chu và đã đứng tuổi, không ít người nhầm tưởng thí sinh này là giám thị coi thi.
Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Vân
Được biết, chị Thanh Vân hiện đang là y sĩ, công tác tại Khoa Răng hàm mặt, BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Dù công việc ổn định, các thành viên trong gia đình cũng khuyên chị đừng thi nữa vì lo chị vừa làm vừa thi vất vả, hơn nữa nếu trúng tuyển cũng phải mất 6 năm học đại học, đến lúc ra trường cũng đúng lúc nghỉ hưu, song chị Vân vẫn quyết tâm đi thi. 'Tôi vẫn muốn thi, đó là ước mơ mà tôi muốn được thực hiện' - chị cười nói và tiếp lời - 'Tôi đăng ký nguyện vọng vào trường ĐH Y khoa Vinh, những năm gần đây điểm chuẩn tăng cao và nằm mức từ 24 - 26 điểm, cũng không hề dễ dàng'.
Một thí sinh luống tuổi khác cũng gây ấn tượng không kém là chị Nguyễn Thị Minh (45 tuổi, trú xã Đức Dũng, Đức Thọ, Hà Tĩnh) khi xuất hiện tại điểm thi trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vào chiều nay.
Thí sinh 45 tuổi Nguyễn Thị Minh
Được biết, chị Minh từng trải qua nhiều vị trí ở xã, từ cán bộ văn phòng cho đến Chủ tịch Hội phụ nữ. Năm 2015, chị được cấp ủy tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã. Song vì nhiều lý do tế nhị liên quan tới bằng cấp, chị chủ động nộp đơn xin nghỉ, chuyển sang làm cán bộ dân số.
Nhiều sự cố
Một thầy giáo ở Cà Mau đã bị đột quỵ ngay trước khi bước vào phòng coi thi môn Ngữ Văn sáng nay, thông tin từ Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau Lê Hoàng Dự. Được biết, thầy giáo tên Phạm Quốc Tuấn (38 tuổi), hiện công tác tại trường THPT Tắc Vân, TP Cà Mau, được phân công coi thi tại Hội đồng thi huyện Thới Bình.
Thông tin thầy giáo đột quỵ và không qua khỏi khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Hiện thi thể của nam giáo viên đã được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Cũng trong ngày thi đầu tiên đã xảy ra một số trường hợp thí sinh gặp trục trặc về vấn đề sức khỏe. Chẳng hạn như, trong buổi thi Văn sáng nay, ở Lâm Đồng có 2 thí sinh bị ốm phải đưa đi cấp cứu tại trạm y tế địa phương, 1 em bị đau bụng sau khi cấp cứu đã quay trở lại phòng thi, 1 em sau khi làm bài được khoảng 15 phút thì bị suy hô hấp và hạ đường huyết phải đi cấp cứu.
Những địa phương khác cũng ghi nhận nhiều tình trạng thí sinh bị ốm, gặp vấn đề về sức khỏe, tai nạn ngay trước ngày thi.
Thí sinh Phạm Quốc Sơn ở huyện Tịnh Biên (An Giang) bị tai nạn giao thông, đứt động mạch chủ ở cẳng tay phải, 4 ngày trước khi kỳ thi diễn ra. Dù mới xuất viện được 2 hôm trước khi kỳ thi diễn ra nhưng Sơn vẫn quyết tâm không bỏ thi. Sáng nay, cậu được cha đưa đến điểm thi trường THPT Chi Lăng, huyện Tịnh Biên và được các cán bộ coi hỗ trợ chép bài.
Thí sinh Nguyễn Thiện Nhân (21 tuổi, chiến sĩ nghĩa vụ công an, bảo vệ mục tiêu ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cũng không may bị tai nạn giao thông ngay trước kỳ thi, làm đứt gân chân và gãy vai phải. Nhân phải ngồi xe lăn đến phòng thi ở điểm Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều).
Được biết năm nay, TP.HCM cũng có 5 thí sinh đặc biệt, được bố trí phòng thi riêng với giáo viên hỗ trợ. Trong đó, có 3 thí sinh bị tai nạn bất ngờ, bị chấn thương ở tay, không thể tự viết bài thi; 2 thí sinh khác bị khuyết tật đặc biệt.
Đề thi Văn hay, có độ phân hóa cao, phổ điểm dự báo chủ yếu 7-8
Môn thi Ngữ Văn sáng nay kết thúc sau 120 phút làm bài, ghi nhận tại nhiều điểm trường, các thí sinh cho biết làm hết bài thi, tuy nhiên, khi đánh giá về độ khó - dễ của đề thi thì có nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Muôn kiểu cảm xúc của thí sinh sau khi vừa kết thúc kỳ thi môn Ngữ Văn
Về phía giáo viên, thầy Nguyễn Văn Cải, Hiệu phó THPT Quang Trung (TP.HCM), cho rằng đề Văn năm nay khá chuẩn, đúng trọng tâm, cơ bản vừa sức và có tính phân loại thí sinh.
'Đề này cũng sẽ phân loại được thí sinh, nhất là câu 2 phần làm văn. Phần đọc hiểu hỏi từ dễ đến khó, rải đều nội dung kiến thức. Câu 4 phần đọc hiểu khá mở, cần có đáp án mở để bao quát hết các dạng ý kiến của thí sinh.
Câu 1 phần làm văn khá thú vị khi gắn với nội dung đọc hiểu ở trên. Nội dung kiến thức câu 2 làm văn không mới nhưng cách đặt vấn đề và học sinh giải quyết vấn đề đó là mới; kết hợp cả kiến thức lớp 11 và 12 như Bộ GD-ĐT đã định hướng trước'.
Trong khi đó, theo nhận định của thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên trường Lương Thế Vinh (Nam Định) thì với đề Văn năm nay, phổ điểm sẽ khoảng 7-8, ít điểm 9, khó có điểm 10. Học sinh ban A hoặc lực học trung bình không ôn kỹ chỉ làm được khoảng 5-6 điểm. (Xem gợi ý bài giải môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018 TẠI ĐÂY)
Đề thi Toán khó hơn mọi năm, không có tình trạng mưa điểm 10 như năm ngoái
Chiều nay, không ít thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng lo lắng sau bài thi Toán. Tại điểm trường THPT Amsterdam (Hà Nội), nhiều thí sinh cùng chung nhận xét, đề Toán năm nay khó hơn năm trước và mang tính phân loại cao.
Các thí sinh kết thúc bài thi Toán
Bạn Lê Khánh Huyền (THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội) chia sẻ: 'Đề Toán năm nay em thấy hơi khó và có nhiều câu thực sự em không tự tin. Em làm được khoảng 70% đề thi, còn lại thì mong chờ vào may mắn!'.
Thí sinh tên Kim Ngân bước ra khỏi điểm thi trường THPT Marie Curie TP.HCM cũng chung nhận định. Em cho biết từ câu 26 trở đi đòi hỏi thí sinh phải suy luận phân tích sâu, so với đề năm ngoái thì đề năm nay khó hơn nhiều.
'Bài năm nay rất khó, dù ôn luyện rất kỹ nhưng vẫn không chỉn chu toàn diện được. So với những đề năm cũ tụi em ôn luyện thì đề này em làm khoảng 70%' - một thí sinh khác nói.
Ngày mai, các sĩ tử sẽ tiếp tục dự thi tổ hợp 3 môn Lý - Hóa - Sinh với thời lượng 50 phút mỗi môn vào buổi sáng, buổi chiều thi Tiếng Anh.
Theo tiin.vn
Đề Toán khó, thí sinh chỉ làm được khoảng 60% Chiều nay, các thí sinh vừa hoàn thành bài thi môn Toán, kỳ thi THPT quốc gia 2018 trong thời gian 90 phút. Trong khi một số em nhận định đề Toán có tính phân loại cao, vừa sức thì nhiều em cho rằng đề quá khó, thí sinh chỉ làm được khoảng 60%. Ghi nhận tại Đồng Tháp: Theo ghi nhận của...