Thí sinh chưa hào hứng nộp hồ sơ ĐKDT
Theo thông tin từ nhiều địa điểm thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh CĐ, ĐH 2011 của Hà Nội, sau 2 tuần thu nhận, số lượng hồ sơ nhận được chỉ bằng nửa năm trước. Đã có thí sinh nộp đến 5 bộ hồ sơ với nhiều khối thi.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời gian thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH,CĐ 2011 từ ngày 14/3 – 14/4. Tuy nhiên, sau 2 tuần nhiều địa điểm thu nhận hồ sơ ở Hà Nội mới chỉ nhận được vài chục bộ, thậm chí nơi cao nhất được khoảng 100 bộ là Phòng Giáo dục quận Hà Đông.
Thí sinh vẫn còn cân nhắc kỹ chưa nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
Theo cán bộ nhận hồ sơ của Phòng Giáo dục quận Hà Đông cho biết: “Mỗi thí sinh trung bình nộp từ 2-3 bộ hồ sơ, có nhiều thí sinh nộp 5 bộ hồ sơ bao gồm 2 khối thi và hồ sơ dự thi cao đẳng”.
Đến chiều hôm nay 1/4, Phòng Giáo dục quận Đống Đa mới nhận được 50 bộ hồ sơ, so với năm trước chỉ bằng 1 nửa, thí sinh nộp nhiều nhất 3 bộ. Cán bộ thu nhận hồ sơ của phòng cho hay: “Đa số thí sinh nộp 2 bộ, thi đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, nhiều thí sinh không thi cao đẳng mà nộp hồ sơ dự thi 2 khối A và D1″.
Video đang HOT
“Vắng vẻ” hơn nữa là Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân, hiện mới nhận được 20 bộ hồ sơ…
Được biết, để có thêm cơ hội vào đại học ngay năm đầu thi, hiện tại không ít thí sinh đã ôn cả 2 khối để thi cả 2 đợt đại học. Thông thường các thí sinh ôn thi theo 2 khối A- B và A – D1.
Thí sinh lựa chọn thi 2 khối A – B, nên cân nhắc kỹ. Đối với khối A có rất nhiều cơ hội, nhiều trường để dự thi và xét tuyển nhưng đối với khối B lại rất ít trường và ngành học, theo đó có ít cơ hội cho nguyện vọng 2. Vậy nên cần tập trung ngay cho thi khối A, đợt thi đầu tiên để yên tâm hơn.
Bên cạnh đó, nếu thí sinh thi thêm khối B thì hãy đăng ký vào các trường có điểm chuẩn hàng năm thấp như ĐH Nông nghiệp, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Thái Nguyên…, tránh vào các trường có khối B điểm chuẩn cao như ĐH Y, Dược… vì điểm chuẩn hàng năm vào các trường này thường khá cao, phải 20 điểm trở lên mới có cơ hội đỗ.
Ngoài ra, thí sinh thi thêm khối D cũng nên chú ý tránh đăng ký vào những ngành mà điểm chuẩn hàng năm cao như ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính…
Nếu thi vào ĐH Ngoại ngữ, thí sinh có thể lựa chọn vào các khoa tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Đức, Nga… vì đây là ngành học có ít thí sinh đăng ký và điểm chuẩn hàng năm thấp hơn các khoa tiếng khác trong trường. Tuy nhiên, khi vào học các trường ngoại ngữ này, thí sinh có nhiều cơ hội học thêm ngoại ngữ 2 như tiếng Anh.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học công lập cũng có nhiều ngành thi khối D mà điểm chuẩn không cao như ĐH Công đoàn với điểm chuẩn năm 2010 của khối D1 là 17 điểm, ĐH Thái Nguyên trừ điểm chuẩn Sư phạm tiếng Anh 20 điểm, còn lại các ngành khác từ 13 – 15 điểm; ĐH Công nghiệp Hà Nội, điểm chuẩn vào khoa Tiếng Anh (đã nhân hệ số 2 môn Tiếng Anh) là 19 điểm, còn các ngành Quản trị kinh doanh 15,5 điểm, Kế toán, Tài chính ngân hàng 16 điểm; Quản trị kinh doanh Du lịch Khách sạn, Việt Nam học (hướng dẫn du lịch) là 13 điểm…
Các thí sinh nếu còn băn khoăn về chuyện chọn trường thi thì hãy thật nhanh đánh giá lại trình độ của mình và có quyết định cuối cùng dự thi trường nào, khối nào, để có thể tập trung vào ôn tập cho tốt.
Thí sinh lưu ý, mỗi hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), thí sinh chỉ được đăng ký duy nhất một nguyện vọng (NV) ban đầu (còn gọi là NV1). Trong hồ sơ ĐKDT không có mục ghi đăng kí NV2 và NV3. Nếu khi thí sinh trượt NV1 nhưng có điểm thi bằng từ mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT đưa ra trở lên thì lúc đó mới xuất hiện khái niệm về NV2 và NV3. Thí sinh nếu không trúng tuyển đợt 1, có kết quả thi đại học bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2). Thí sinh dùng Giấy số 1 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng Giấy số 2 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 3. Thí sinh có kết quả thi đại học thấp hơn điểm sàn cao đẳng được cấp Phiếu báo điểm, nhưng không được dùng để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.
Theo Dân Trí
Linh hoạt hình thức xét tuyển, tăng cơ hội trúng tuyển
Kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường đã đưa ra những hình thức xét tuyển linh hoạt nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho những thí sinh đạt điểm cao và có nguyện vọng học tập tại trường.
Hình thức phổ biến nhiều trường áp dụng là cho phép thí sinh không đủ điểm vào ngành đăng kí dự thi thì được chuyển sang ngành khác cùng nhóm còn chỉ tiêu và có điểm xét tuyển thấp hơn nếu còn chỉ tiêu. Những trường áp dụng hình thức xét tuyển này có thể kể đến ĐH Ngoại thương, ĐH Mỹ thuật công nghiệp; ĐH Lâm Nghiệp; ĐH Kinh tế quốc dân; ĐHQG TP.HCM, ĐH Công đoàn, ĐH hàng hải, ĐH Kinh tế quốc dân...). Đối với Học viện tài chính, cách xét tuyển này chỉ áp dụng đối với thí sinh thi khối A.
ĐH Kinh tế quốc dân cho biết có hai phương thức xét tuyển, đó là xét tuyển theo chuyên ngành; xét tuyển theo điểm sàn vào trường và theo từng khối thi. Nếu thí sinh đủ điểm vào chuyên ngành đã đăng kí ban đầu thì không phải đăng kí xếp chuyên ngành sau khi nhập trường. Nếu thí sinh đủ điểm sàn vào trường theo từng khối thi nhưng không đủ điểm tuyển vào ngành/chuyên ngành đã đăng kí ban đầu thì được đăng kí vào chuyên ngành còn chỉ tiêu, cùng khối thi, khi trường tổ chức xếp chuyên ngành (sau khi nhập trường).
ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng xét trúng tuyển vào ngành đào tạo căn cứ vào điểm thi và nguyện vọng đăng kí dự thi của thí sinh cho đến hết chỉ tiêu từng ngành. Số trúng tuyển còn lại sẽ được nhà trường bố trí ngành đào tạo căn cứ vào điểm thi và nguyện vọng mới của thí sinh khi đến nhập học.
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội xét điểm chuẩn trúng tuyển theo khối thi và nhóm ngành. Bên cạnh điểm chuẩn cho từng nhóm ngành, trường sẽ đưa ra điểm sàn cho mỗi khối thi. Thí sinh không đạt điểm chuẩn vào nhóm ngành đăng kí nhưng đạt điểm sàn của khối thi sẽ được xét tuyển vào một nhóm ngành hoặc vào chương trình có điểm chuẩn thấp hơn nếu thí sinh có nguyện vọng. Đối với các nhóm ngành 01 - 06, sau năm thứ nhất sinh viên sẽ đăng kí ngành học thuộc nhóm ngành trúng tuyển. Sinh viên trúng tuyển vào các nhóm ngành 01 - 03 sẽ được xếp ngành dựa trên nguyện vọng đăng kí và kết quả học tập năm thứ nhất (có xét ưu tiên đối tượng chính sách). Sinh viên trúng tuyển vào các nhóm ngành 04 - 06 sẽ được xếp ngành hoàn toàn theo nguyện vọng đăng kí. Các làm này nhằm đảm bảo tính công bằng đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Sau năm thứ nhất, sinh viên sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ và lựa chọn đăng ký ngành học thuộc nhóm ngành trúng tuyển.
Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) thì cho phép thí sinh dự thi khối V vào được đăng ký dự thi thêm môn hóa (khối A) để xét tuyển NV1B vào các ngành tuyển khối A của trường này. Trong trường hợp thí sinh không trúng tuyển khối V sẽ được trường xét tuyển vào ngành mà thí sinh đăng ký NV1B khối A.
ĐHQG Hà Nội thông báo những ưu đãi hấp dẫn cho những sinh viên được lựa chọn vào chương trình đào tạo tài năng, chương trình đào tạo chất lượng cao vào trường. Cụ thể, năm nay trường ĐH KHTN (ĐHQGHN) tuyển sinh viên đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản cho chương trình đào tạo tài năng các ngành Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học. Sau khi trúng tuyển nhập học, sinh viên được đăng kí xét tuyển vào học chương trình đào tạo tài năng theo quy định riêng. Ngoài các chế độ dành cho sinh viên chính quy đại trà, sinh viên học chương trình đào tạo tài năng được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở miễn phí trong KTX của ĐHQGHN. SV tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân tài năng. Chương trình đào tạo chất lượng cao gồm các ngành Công nghệ Thông tin của trường ĐH Công nghệ; Địa lí, Khí tượng học, Thủy văn học, Hải dương học, Khoa học Môi trường của trường ĐH KHTN; Triết học, Khoa học Quản lí, Văn học, Lịch sử của trường ĐH KHXH-NV; Tiếng Anh (phiên dịch), Sp tiếng Anh, SP tiếng Nga, SP tiếng Pháp, SP tiếng Trung của trường ĐHNN; Kinh tế quốc tế của trường ĐH Kinh tế; Luật học của khoa Luật đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau khi trúng tuyển nhập học, sinh viên được đăng kí xét tuyển vào học chương trình đào tạo chất lượng cao theo quy định riêng của đơn vị đào tạo; được hỗ trợ kinh phí đào tạo 7,5 triệu đồng/năm, được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ B2 tương đương 5.0 IELTS. sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân chất lượng cao.
VGT(Theo Giáo dục)
Tuyển sinh ĐH - CĐ 2011: "Sốt vó" vì đổi tên ngành Gần một tuần nữa, các sĩ tử đến hạn đặt bút chọn ngành thích hợp cho kỳ tuyển sinh ĐH- CĐ năm nay. Thế nhưng trước đó, nhiều ngành truyền thống bỗng dưng đổi tên ngành học theo danh mục ngành nghề đã ban hành, khiến nhiều thí sinh (TS) và cả nhà trường lo lắng. Nhiều ngành... "biến mất" Bạn Thanh Hiền...