Thí sinh chỉ được rút hồ sơ nộp sang trường khác trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1
Ngày 1/8, thí sinh (TS) trên cả nước đã chính thức bắt đầu đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ). Để tạo thuận lợi cho TS, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành hướng dẫn về những vấn đề thí sinh (TS) cần lưu ý khi đăng ký, xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2015.
Theo hướng dẫn mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành ngày 1/8, trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) bắt đầu từ 1/8 đến ngày 20/8, TS được xét tuyển tối đa 4 ngành của một trường. Nếu TS có mức điểm trúng tuyển vào nhiều ngành, chỉ được xét vào ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất. TS không trúng tuyển nguyện vọng NV1 sẽ được chuyển sang NV2 và xét bình đẳng với các TS có NV1 vào ngành đó; đối với NV3, NV4 cũng tương tự. Các NV1, 2, 3, 4 trong một trường được xét đồng thời và trong 4 NV, TS có thể đăng ký cả ngành ĐH, CĐ.
Khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, TS có thể đề nghị điều chỉnh chế độ ưu tiên của mình. Trong đó, những TS đề nghị điều chỉnh chế độ ưu tiên cần nộp kèm theo hồ sơ minh chứng về chế độ ưu tiên theo đúng quy định.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường phải tuân thủ nghiêm quy định tối thiểu khoảng 3 ngày/lần phải công bố danh sách TS đăng ký xét tuyển vào trường.
Video đang HOT
Tìm hiểu kỹ thông tin để “lượng” đúng sức mình sẽ giúp TS tăng cơ hội trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường xét tuyển theo hình thức trực tuyến để tạo thuận lợi cho TS. Khi có danh sách trúng tuyển, các trường cập nhật danh sách vào phần mềm quản lý tuyển sinh để khóa danh sách TS đã trúng tuyển không tham gia xét tuyển đợt sau.
Trong trường hợp TS đề nghị rút hồ sơ để chuyển sang trường khác thì các trường cần tạo điều kiện. TS phải đến trường hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ. Các trường phải thông báo thời gian TS có thể bắt đầu đăng ký lại vào trường khác sau khi rút hồ sơ.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý TS chỉ được thay đổi các NV trong trường mà mình đã đăng ký cũng như rút hồ sơ để nộp sang trường khác trong đợt xét tuyển NV1. Khi bước vào giai đoạn xét tuyển NV bổ sung, TS không được thay đổi NV cũng như rút hồ sơ bởi trong đợt xét tuyển này, TS đã được quyền sử dụng đồng thời cả 3 giấy chứng nhận kết quả thi để nộp vào 3 trường ĐH, CĐ khác nhau.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong đợt xét tuyển NV1 do TS chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường nên sẽ không có hiện tượng thí sinh ảo. Còn với các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi thí sinh được nộp 3 phiếu chứng nhận kết quả thi vào 3 trường khác nhau nên sẽ xuất hiện tình trạng TS ảo do 1 TS có thể trúng tuyển nhiều trường. Tuy vậy, tỉ lệ ảo này sẽ ít hơn so với năm 2014 trở về trước.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, để có cơ hội trúng tuyển ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên, TS nên tìm hiểu thông tin trên website của trường dự kiến đăng ký xét tuyển; tìm thông tin chính xác về các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành và chỉ tiêu tuyển sinh 2015 của từng ngành.
Nếu trường sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển cho một ngành thì phải tìm hiểu quy định của trường về độ lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp. TS tìm hiểu các điều kiện bổ sung dùng để xét tuyển trong trường hợp lấy hết chỉ tiêu mà trong danh sách đăng ký xét tuyển vẫn còn nhiều người có điểm bằng điểm dự kiến trúng tuyển.
Đồng thời cũng nên tham khảo điểm trúng tuyển của những năm trước vào ngành dự kiến đăng ký xét tuyển; ghi số điện thoại tư vấn tuyển sinh của trường để liên hệ tư vấn khi có bất cứ vấn đề nào chưa rõ.
Căn cứ phổ điểm mà Bộ GD&ĐT đã công bố, TS so sánh kết quả của mình với điểm thi của những người khác trong cùng tổ hợp để lựa chọn trường phù hợp. Sau khi đã chọn được trường phù hợp, TS nên nộp hồ sơ ngay để có thời gian theo dõi thông tin thống kê của trường, kịp thời điều chỉnh nguyện vọng nếu cần thiết.
Hà Nội: Ít TS nộp hồ sơ xét tuyển trong ngày đăng ký đầu tiên
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, tại Hà Nội trong ngày đầu tiên nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, số lượng TS đến nộp hồ sơ rất ít. Cụ thể, tại các trường ĐH Thương mại Hà Nội, Học viện Ngoại giao, ĐH Kinh tế quốc dân… mỗi trường chỉ có khoảng hơn 100 TS đến đăng ký.
Theo bà Nguyễn Thị Thìn, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngoại giao, các TS đến đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển vào trường chủ yếu là TS ở Hà Nội. “Do hôm nay là ngày cuối tuần, trời mưa to nên các TS ở các tỉnh xa chưa kịp về.
Mặc dù vậy, nhà trường vẫn tổ chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký cả trong ngày chủ nhật.Dự kiến, số lượng TS đến đăng ký sẽ tăng trong đầu tuần tới, đặc biệt là TS các tỉnh xa. Trong chiều thứ 2, nhà trường sẽ cập nhật số liệu về lượng TS đăng ký vào trường trong 3 ngày đầu. Sau đó, cứ 3 ngày một lần, nhà trường sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin, dữ liệu mới để TS theo dõi và tham khảo thông tin”-bà Thìn cho biết.
Theo cand.comvn