Thí sinh cao 1,2m và ước mơ vào giảng đường ĐH
Đó là trường hợp thí sinh “tí hon” Cao Anh Duyên. Năm nay 18 tuổi nhưng cậu bạn đặc biệt này trông chỉ như một học trò tiểu học với chiều cao 1,2 mét và cân nặng chỉ 20kg.
Thí sinh “tí hon”, bẽn lẽn không chịu trả lời PV, ông Cao Văn Bốn, ba của thí sinh Anh Duyên trả lời thay con: “Hai ba con từ huyện Hoài Nhơn, Bình Định ra Đà Nẵng dự thi. Đợt 2, Duyên thi khối C vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Trước ngày thi em nó bị cảm nặng nên tôi lo không biết nó có đủ sức làm bài thi không. Trong đợt 1, Duyên cũng có dự thi cả khối A và bảo là làm bài được. Dù nhỏ nhắn, sức khỏe hay ốm vậy nhưng nó ham học lắm. Chuẩn bị thi đại học cứ ôm tập học suốt thôi”.
Cao Anh Duyên được nhiều người quan tâm hỏi han khi cùng bố tan trường thi.
Video đang HOT
Một thí sinh khác khá đặc biệt cũng dự thi tại điểm trường này là bạn Nguyễn Ngọc Hằng, học sinh Trung tâm hướng nghiệp – giáo dục thường xuyên Q. Thanh Khê Đà Nẵng.
Là nạn nhân chất độc da cam, bị khuyết tật vận động, nhưng Hằng vẫn nuôi dưỡng ước mơ đậu đại học, và đăng ký dự thi vào ngành Báo chí, ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Hằng ước mơ thi đỗ vào ngành Báo chí.
Hằng tâm sự: “Với điều kiện như mình học ngành báo chí khó đi lại lấy tin như các anh, chị phóng viên nhưng nếu thi đậu, mình sẽ cố gắng học thật tốt để xin làm công tác biên tập hay làm tại các đài phát thanh của địa phương. Dù chưa hình dung hết nhưng mình rất mê nghề báo.”
TheoBĐVN
Khối C thất thế: Chúng ta đang ngộ độc không khí kiếm tiền
Năm nay, chưa đến 5% số hồ sơ đăng ký dự thi đại học khối C. Điều đó cho thấy sự báo động đỏ về mất cân bằng trong xã hội. GS Phong Lê, nguyên viện trưởng Viện Văn học đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.
Sự xuống cấp của văn hóa
Ông nghĩ gì trước việc khối C bị quay lưng lại như thế?
Trước hết là buồn. Buồn vì sự xuống cấp của giáo dục và văn hóa. Chỉ nói riêng với môn văn thôi, việc dạy và học trong nhà trường từ lâu rồi đã gây nhiều băn khoăn, lo lắng. Học thì căng thẳng mà hiệu quả thì thấp. Tất cả chỉ lo đối phó với thi cử. Sách giáo khoa thì nặng vô cùng và không chọn những cái đích đáng, cập nhật, không hướng vào giáo dục thẩm mỹ và các giá trị văn chương đích thực. Học văn rất ít hứng thú.
Không riêng gì phổ thông mà đại học cũng thế. Và một khi xã hội quay lưng lại với văn chương nghệ thuật thì tức là cái nền móng văn hóa và đạo đức của nó bị rệu rã. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng trong xã hội. Một xã hội lành mạnh (chưa cần phải phát triển cao) là một xã hội cân đối giữa vật chất và tinh thần, giữa kinh tế và văn hóa. Một xã hội như thế sẽ tạo điều kiện cho mỗi người được làm theo nguyện vọng của mình.
Nhưng nếu nguyện vọng của nhiều người hiện nay là kiếm được nhiều tiền?
Sự không bình thường là ở chỗ đó. Chúng ta đang phải sống trong môi trường nhiễm độc bởi không khí kiếm tiền, làm giàu và tiêu tiền... Khi mà một vé xem ca nhạc là 4 triệu đồng, bằng 1 tháng lương hưu của một giáo sư đại học. Đó là sự bất công, là nghịch lý đến khó hiểu. Với một xã hội như thế tất yếu sẽ tạo nên tâm lý phải đi kiếm tiền. Vào tài chính, ngân hàng thì lương 10 - 20 triệu đồng/tháng, còn vào sư phạm với lương 2 - 3 triệu đồng mà xin việc lại khó thì tất nhiên ai muốn vào. Điều đó tạo ra trong xã hội tâm lý không bình thường chút nào và nó hủy hoại tất cả những ước muốn lành mạnh và trong sáng.
Nhưng đó là tất yếu của kinh tế thị trường?
Kinh tế thị trường phải trải qua những cái đó. Tất nhiên, không thể coi nhẹ đồng tiền. Đồng tiền là phương tiện để phát triển xã hội. Không ai lại không khuyến khích kiếm tiền lương thiện. Phải có tiền thì xã hội mới giàu có. Nhưng nếu biến nó thành mục đích cho từng cá thể thì sẽ gây tội ác vì người ta phải kiếm tiền bằng mọi giá.
Nếu là tất yếu thì tức là ta buộc phải chấp nhận?
Kinh tế thị trường sẽ đưa đến như thế nhưng phải có cách kiềm chế chứ nếu buông thả, nó sẽ như con ngựa bất kham. Chính do nền tảng tinh thần và văn hoá không lành mạnh mới tạo ra như thế. Sự quay lưng lại với khối C cũng là cái hỏng của giáo dục, chứ không phải tự nhiên mà thế. Muốn người ta vào những ngành này, anh phải có các chính sách, chế độ, cách khuyến khích về lương, học bổng, điều kiện làm việc... thì mới cân bằng được. Cân bằng rồi con người mới trở lại với cái khả năng của người ta. Về sâu xa là phải có điều tiết vĩ mô. Phải có một chiến lược, có tầm đón xa cho sự phát triển.
Bà mẹ không bị sức ép về kinh tế
Còn trong mỗi gia đình, chúng ta có thể làm được gì?
Trong gia đình tôi, con cháu thích cái gì, chỉ cần nó bộc lộ khuynh hướng thôi là mình cho nó theo cái đó ngay. Đứa trẻ có ao ước là đứa trẻ tốt. Đi học là phải yêu thích chứ không phải bị thúc ép. Vẫn có nhiều gia đình có học và quan niệm không phải sống cho sướng mà là sống cho tốt. Họ luôn tạo điều kiện cho con cái được làm cái mà chúng muốn mà không hề bị áp lực bởi việc kiếm tiền.
Tôi biết một em học sinh giỏi văn, yêu văn, hiện đang học chuyên văn trường Amsterdam. Mẹ em thì muốn em thi sư phạm, nhưng em đó lại quyết định thi kinh tế.
Tôi rất cảm kích về bà mẹ đó. Bà mẹ không bị sức ép về kinh tế, buộc con mình sau này phải làm việc này việc kia để thoát nghèo. Con thích văn, cho học văn, nhưng khi con đổi hướng, thì vẫn tôn trọng quyết định của nó.
Vấn đề là ở chỗ em ấy thích văn, nhưng không theo nghề văn, mà thi kinh tế để có một công việc khác tốt hơn.
GS Phong Lê, nguyên viện trưởng Viện Văn học.
Cô bé này, có thể vì thấy xung quanh người ta chăm lo kiếm tiền nhiều quá nên muốn theo một nghề như thế. Trong hoàn cảnh này thì cũng phải tôn trọng em. Nếu có thể theo một ngành khác mà vẫn nuôi nguyện vọng làm văn chương thì hoàn toàn tốt. Tất nhiên vẫn có những em rất có bản lĩnh, tin vào bản lĩnh thì có khó đến mấy, khổ đến mấy em ấy cũng theo.
Nhưng tôi vẫn thấy tiếc, vì nếu theo nghề văn em ấy có thể phát triển năng lực của mình tốt hơn.
Không có gì phải tiếc. Tư duy về văn chương là tư duy về hình tượng, nhạy cảm, có thể diễn đạt mọi thứ một cách rất nhạy cảm. Được như thế thì làm bất cứ công việc gì cũng vẫn hay hơn những người không có năng lực này. Nhiều người vẫn có thể làm một nghề khác mà vẫn viết văn chương giỏi.
Nhiều cái lạ, nhưng chưa mới
Nhưng dường như chính vì không được đi đến cùng đam mê nên ngày nay ta thiếu vắng những nhà văn giỏi?
Có thể đào tạo một cô giáo dạy văn, một giáo sư về văn chương nhưng không đào tạo được nhà văn, nhà thơ. Cái đó là thiên bẩm và do trường đời dạy.
Thời nào cũng có những nhà văn giỏi. Nhưng nhà văn trẻ bây giờ khác trước vì họ cố đi tìm sự khác nhau. Trước kia các nhà văn lớn tôn trọng nhau, tạo ra một từ trường chung: Nam Cao - Vũ Trọng Phụng tạo ra một từ trường văn học hiện thực, Nhất Linh- Khái Hưng là Tự lực văn đoàn. Bây giờ nhà văn trẻ ai cũng đi tìm cái lạ, vì xã hội khuyến khích cái đó. Năng lực thì cũng có nhưng hăm hở đi tìm cái lạ nhiều quá, ít đi tìm cái đồng cảm chung nên không thể tạo được vang hưởng trong công chúng. Vì thế, không tạo thành phong cách, trường phái, chỉ làm cho cái dòng chảy đã có cồn lên rồi đâu lại trở lại đấy, chứ không tạo nên dòng chảy mới. Tình hình văn học từ năm 1995 đến nay chưa tạo được cái gì mới, mặc dù có nhiều cái lạ.
Ông có thấy mình may mắn vì được làm và thành công trong lĩnh vực mà mình say mê?
Hồi bé tôi đã mê văn, nhất định phải theo ngành này, chứ không vào Bách khoa hay Y dược. Cũng không nghĩ sau khi ra trường thì sẽ làm gì, chỉ biết mình sẽ là người viết văn, như những nhà văn mà mình yêu thích... Chứ không nghĩ phải có chức này, chức kia hoặc tiền lương phải thế này, thế khác. Đúng là mình cũng may mắn thật, vì vừa ra trường là được nhận luôn về Viện Văn học, được làm việc với các nhà văn lớn như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh...
Theo Bee
Xã hội sẽ ra sao nếu khối C ngày càng thưa vắng? Nếu chúng ta vẫn thích tư duy theo kiểu đi tắt đón đầu, các ngành khoa học cơ bản nói chung, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn, sẽ tiếp tục gặp khó. Trong phân nhóm các ngành khoa học, khối ngành khoa học xã hội và nhân văn được xếp vào loại khoa học cơ bản cùng với toán...