Thi nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh
Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay Hà Nội sẽ bố trí 1 thanh tra giám sát 7 phòng thi. Công tác thanh tra sẽ được tập huấn kĩ càng, học tập nghiêm túc quy chế và phân định rõ trách nhiệm của từng cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Trao đổi với Dân trí xung quanh về khâu tổ chức cũng như công tác thanh tra trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012, ông Nguyễn Hiệp Thống – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã cho biết như trên.
Thưa ông, năm nay Bộ GD-ĐT giao việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương và cũng không còn thanh tra ủy quyền. Để đảm bảo cho kì thi an toàn, nghiêm túc, năm nay Hà Nội sẽ có kế hoạch tổ chức kì thi như thế nào? Điểm khác biệt so với những năm trước?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Nhiều năm qua, Hà Nội đã được đánh giá là địa phương thực hiện nghiêm túc công tác thi và tuyển sinh. Sau hợp nhất, công tác này vẫn được tổ chức nề nếp, bài bản. Hà Nội đã được tặng Bằng khen của Chính phủ trong cuộc vận động “hai không” và hàng năm nội dung này cũng luôn được nhấn mạnh trong Nhiệm vụ năm học. Năm nay, dù Quy chế có một số điểm mới nhưng công tác tổ chức thi vẫn phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế của Bộ và cũng không được gây căng thẳng cho thí sinh.
Ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội (Ảnh: Hồng Hạnh)
Về tổ chức thì năm nay Hà Nội có 229 đơn vị có học sinh tham gia dự thi tốt nghiệp THPT (gồm các trường THPT, các trung tâm GDTX, các trường BTVH và các đơn vị hiệp quản trên địa bàn, nhiều hơn so với năm 2011 là 10 đơn vị). Đã thành lập 79 cụm trường, 149 hội đồng coi thi, 3.172 phòng thi Có 75.162 thí sinh đăng ký dự thi (kể cả 1.836 thí sinh tự do), trong đó có: 71.106 thí sinh dự thi của khối THPT 4.056 thí sinh dự thi của khối GDTX.
Một trong những lực lượng rất quan trọng góp phần thành công của kì thi đó là đội ngũ thanh tra. Năm nay, về công tác này Sở GD-ĐT có những quy định gì mới không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Năm nay, theo quy chế mới, Bộ sẽ không có lực lượng thanh tra uỷ quyền xuống các địa phương. Và cũng không có thanh tra cắm chốt tại hội đồng sao in đề thi như mọi năm. Sở sẽ cử một cán bộ thanh tra và 1 cán bộ an ninh cùng giám sát công tác sao in đề tại hội đồng sao in đề thi.
Video đang HOT
Sẽ có gần 450 đồng chí cán bộ thanh tra được cử làm nhiệm vụ, tức là cứ 7 phòng thi có 1 Thanh tra (quy chế yêu cầu 7-10 phòng/thanh tra). Đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra sẽ được tập huấn kĩ càng, học tập nghiêm túc quy chế và phân định rõ trách nhiệm của từng cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Sở đã thành lập các Hội đồng sao in đề thi, Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo. Thành lập 18 đoàn kiểm tra cơ sở vật chất tại các Hội đồng coi thi, kiểm tra hồ sơ dự thi của thí sinh tại các trường THPT, các trung tâm GDTX 15 đoàn đưa đề thi đến các Hội đồng coi thi 18 đoàn thanh tra lưu động kiểm tra tại các Hội đồng coi thi, 5 đoàn kiểm tra công tác bảo vệ đề và bài thi.
Thí sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2011.
Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay được nhiều người đánh giá là quay lại thời điểm trước “hai không” nên việc tiềm ẩn nguy cơ tái diễn “điểm thi nóng” có thể diễn ra. Để phòng ngừa chuyện này xảy ra Sở GD-ĐT sẽ có những giải pháp đột biến gì?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Chúng tôi đã tổ chức học tập quán triệt tinh thần chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy chế thi tốt nghiệp THPT và các văn bản hướng dẫn tổ chức thi và thanh tra năm 2012 của Bộ GD-ĐT cho các cán bộ giáo viên làm công tác thi nhằm tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Bên cạnh đó cũng đã chuẩn bị kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ, các văn bản nội quy, quy chế để chủ động trong công tác điều hành, kiểm soát được tình hình, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Cùng với đó, Sở đã tham mưu với UBND Thành phố sớm thành lập Ban chỉ đạo và kiểm tra các kỳ thi của Thành phố năm 2012 Ban hành Kế hoạch triển khai công tác này ngoài ra, đã có các văn bản phối hợp với các Sở, ban, ngành của Thành phố (Công an Thành phố, Sở Tài chính, Sở Giao thông Công chính, Điện lực Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế…), đến nay các đơn vị của Thành phố đều đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cho các kỳ thi và tuyển sinh theo nhiệm vụ được phân công.
Những năm qua Hà Nội vẫn còn tình trạng “phao” thi rơi ở sân trường hay khi kết thúc môn thi, thí sinh ngang nhiên mang “phao” ra để xem lại…Vậy năm nay Sở sẽ có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Tình trạng “ phao thi” vứt ở sân trường sau mỗi buổi thi đã được ngăn chặn từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do đặc điểm kì thi năm nay có một số môn tự luận và cũng có thể do tâm lý học sinh nghĩ rằng công tác coi thi sẽ phần nào lơi lỏng khi không có lực lượng thanh tra Bộ nên chúng tôi càng phải chú ý làm quyết liệt hơn, tăng cường tập huấn nội quy, quy chế thi cho HS và giáo dục các em tuyệt đối không được vi phạm quy chế.
Với những học sinh mang tài liệu đến trường tranh thủ ôn tập trước giờ thi phải thu dọn gọn gàng, không vứt lại ở sân trường, gây hình ảnh phản cảm ở các hội đồng thi.
Ông có chia sẻ gì đối với những thí sinh sắp tham dự kì thi tốt nghiệp THPT?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012 sẽ dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, các em cần chấp hành nghiêm chỉnh quy chế thi, bình tĩnh tự tin khi làm bài và quan tâm giữ gìn sức khỏe trong những ngày tham gia kì thi. Đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Hà Nội tổ chức các HĐCT theo mô hình cụm trường
Mặc dù được giao quyền chủ động trong việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012 nhưng để đảm bảo không có sự xáo trộn, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn tiếp tục tổ chức các Hội đồng coi thi theo mô hình cụm trường.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT đó là ghép các trung tâm giáo dục thường xuyên cùng Hội đồng coi thi (HĐCT) với các trường trung học phổ thông không để HS phải đi thi quá xa. Mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, trừ phòng thi cuối cùng có thể tối đa là 28.
Trong mỗi cụm trường, Sở GD-ĐT sẽ giao nhiệm vụ cho một trường làm "Trường cụm trưởng". Trường cụm trưởng có trách nhiệm về một số công việc chung của cụm như phối hợp với các Phòng GD-ĐT, các trường trong cụm để chọn địa điểm đặt các HĐCT phân công trường trong cụm chịu trách nhiệm về CSVC của HĐCT phân công và lên lịch kiểm tra chéo hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi, chuẩn bị về CSVC các HĐCT.
Năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh đến việc điều động cán bộ (CB), giáo viên (GV), nhân viên (NV) làm nhiệm vụ thi. Theo đó, Cán bộ, công chức, giáo viên và nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi phải đảm bảo các tiêu chuẩn như có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao Nắm vững quy chế thi và nghiệp vụ làm công tác thi Không có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột cha, mẹ, anh, chị, em vợ hoặc chồng người giám hộ hoặc đỡ đầu người được giám hộ hoặc được đỡ đầu tham dự kỳ thi Không đang trong thời gian bị kỷ luật về thi.
Cần chọn những CB, GV có năng lực, tính kỷ luật cao để đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng như: thư kí, tổ trưởng, uỷ viên phách, thanh tra thi, kỹ thuật viên vi tính, giám khảo... Hiệu trưởng cần kiểm tra kỹ danh sách CB, GV, NV làm nhiệm vụ thi. Không cử một người làm nhiều nhiệm vụ tại cùng một thời điểm. Khi thay thế cán bộ làm thi vì lý do đặc biệt, trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng phải cấp giấy giới thiệu cho người được thay người được thay nộp giấy giới thiệu cho Chủ tịch HĐCT, Hội đồng chấm thi.
Không điều động những người không đủ năng lực về chuyên môn, phẩm chất và sức khoẻ không đủ tiêu chuẩn tham gia làm nhiệm vụ coi thi, làm phách, chấm thi, phúc khảo bài thi. Các trường ngoài công lập, các trường hiệp quản có trách nhiệm cử CB, GV cơ hữu có đủ tiêu chuẩn tham gia làm các nhiệm vụ về thi theo sự điều động của Sở. Điều động vừa đủ số NV phục vụ trong các HĐCT theo qui định. Không sử dụng giáo viên dạy môn thi làm công tác phục vụ tại HĐCT.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý, có thể điều động làm giám khảo chấm môn tự luận những giáo viên có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột cha, mẹ, anh, chị, em vợ hoặc chồng người giám hộ hoặc đỡ đầu người được giám hộ hoặc được đỡ đầu dự kỳ thi. Riêng đối với môn Lịch sử và Địa lí, có thể điều động làm giám khảo những giáo viên trong biên chế, giáo viên cơ hữu các trường phổ thông trong thành phố đã dạy các môn này ở cấp THPT.
Trong thời gian tổ chức kì thi, các trường tuyệt đối không bố trí cho CB, GV, NV nghỉ hè sớm hoặc tổ chức nghỉ tập thể. Các đơn vị phải huy động tối đa số CB, GV, NV đủ tiêu chuẩn để làm nhiệm vụ thi.
Về công tác nhận hồ sơ dự thi và đăng ký dự thi của thí sinh Sở GD-ĐT yêu cầu thực hiện đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ. Tăng cường công tác kiểm tra điều kiện dự thi, độ chính xác việc nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm máy vi tính (lỗi chính tả, ngày sinh, giới tính, diện ưu tiên, điểm khuyến khích, xếp loại học lực, xếp loại hạnh kiểm...).
Ở khâu này Sở GD-ĐT Hà Nội đặc biệt lưu ý, UBND cấp xã xác nhận về cư trú, xác nhận không trong thời gian truy cứu trách nhiệm hình sự của thí sinh. Trường phổ thông nơi HS dự thi năm trước xác nhận không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi Hồ sơ đăng ký dự thi không yêu cầu giấy chứng minh nhân dân Bản chứng thực (bản công chứng) của các hồ sơ liên quan là bản photocopy được UBND cấp xã xác nhận.
Các giấy chứng nhận để được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên, cộng điểm khuyến khích nộp sau ngày thi sẽ không có giá trị. Vì vậy các trường cần thông báo cho tất cả HS dự thi được biết để hoàn thành hồ sơ đúng hạn.
N.H
Theo dân trí
Hiệu trưởng xin lỗi vì lùa HS nợ tiền ăn ra khỏi phòng thi Ngày 9/5, nhiều phụ huynh học sinh Trường THCS Tân Phú (phường Tân Phú, thị xã Đông Xoài, tỉnh Bình Phước) cho biết rất bức xúc trước việc con em họ đang thi bị ban giám hiêu trường này đọc tên yêu cầu ra khỏi phòng thi và lùa vào môt phòng khác. Theo các học sinh, ngày 7/5, nhà trường tổ chức...