‘Thi một khối để xét tuyển được vào 2 trường không?’
Theo công văn của Sở GD-ĐT địa phương, hơn 1.000 học sinh các trường THPT (Phú Mỹ, Trần Hưng Đạo, Hắc Dịch) đã được nghỉ học buổi chiều để tham dự chương trình.
Vượt qua dự kiến, chương trình tư vấn đã kéo dài thêm nửa tiếng vì nhiều câu hỏi được học sinh thắc mắc, cần giải đáp.
Ngay đầu chương trình, Lê Thị Thủy (HS lớp12A Trường THPT Phú Mỹ) băn khoăn: “Thi một khối để xét tuyển được vào 2 trường không”? Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thông tin, theo quy chế thi năm 2015, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào 1 trường, trong 20 ngày xét tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để nộp vào trường khác nếu muốn.
Hơn 1.000 học sinh đến tham dự chương trình tư vấn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bên cạnh đó, hàng loạt câu hỏi liên quan đến ngành nghề được học sinh đặt ra. Một nữ sinh Trường THPT Hắc Dịch tâm tư: “Nếu là nữ có nên theo học ngành kỹ thuật không”? Tiến sĩ Phan Đức Hùng giải đáp: “Nếu là nữ khi theo học các ngành kỹ thuật, sinh viên sẽ có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên theo thống kê từ trường, ngày càng nhiều nữ sinh theo học ngành này tại trường. Và để hỗ trợ sinh viên nữ theo học ngành này, trường có chính sách đặc biệt là giảm 50% học phí cho sinh viên nữ”.
Nói về cơ hội việc làm ngành mầm non, thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho hay ngành này xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia môn toán, văn và kết quả môn năng khiếu do trường tổ chức. Kỳ thi năng khiếu sẽ được tổ chức tại trường vào ngày 10.7, sau thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Nội dung thi năng khiếu, thí sinh phải chuẩn bị trước 1 bài hát, thí sinh có sử dụng nhạc cụ đệm đàn sẽ được cộng thêm điểm. Về diễn cảm, thí sinh sẽ được bắt thăm đề về bài thơ hoặc mẫu chuyện để đọc, kể, giám khảo có thể hỏi thêm thí sinh một vài câu hỏi liên quan.
Theo thanhnien.vn
Video đang HOT
Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Xử lý bất cập đề thi '2 trong 1'
Nhiều ý kiến băn khoăn, đề thi THPT quốc gia 2015 có cấu trúc chưa hợp lý, độ phân hóa không cao nên dẫn đến chưa đảm bảo mục tiêu "2 trong 1".
Năm 2016, Bộ GD&ĐT quyết định tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, đề thi THPT Quốc gia 2015 có cấu trúc chưa hợp lý, độ phân hóa không cao nên dẫn đến chưa đảm bảo mục tiêu "2 trong 1"...
Ngày càng học lệch
Trong một kỳ thi tích hợp với nhiều mục đích, đề thi càng có ý nghĩa quyết định chất lượng của kỳ thi. Thế nhưng, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua lại được nhiều chuyên gia cho rằng không hợp lý, đánh giá thí sinh không chính xác.
Đề thi gồm 2 phần chiếm tỷ trọng 50 - 50, một phần cơ bản dành cho thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT, một phần nhằm phân hóa học sinh để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tỷ trọng này là chưa hợp lý, đặc biệt với môn Ngữ văn thì tỷ trọng này chưa nói được gì nhiều.
Nếu có thể đề thi cần nâng lên tỷ trọng là 40 - 60, trong đó 40% là các câu hỏi dễ, 60% là các câu hỏi khó hơn, thậm chí 30% các câu hỏi dễ, 70% các câu hỏi khó hơn. Do đề thi có tính phân loại thấp nên chất lượng xét tuyển ĐH, CĐ năm nay cũng bị giảm sút.
Đề thi cần có độ phân hóa cao hơn nữa để đạt được mục tiêu "2 trong 1". Ảnh: VOV.
PGS Trần Xuân Nhĩ chỉ ra những hậu quả nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi 2 trong 1 với quy định trên: "Ngay khi bước vào THPT, nhiều học sinh sẽ chỉ học 4 môn để tốt nghiệp, hoặc cùng lắm là 6 môn để thi đại học, những môn như Lịch sử sẽ ngày càng ít người học".
Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta đang dạy 13 môn bắt buộc trong phổ thông nhưng việc cho thí sinh thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, Ngoại ngữ và lựa chọn một môn học sẽ dẫn đến học lệch.
Đề thi kiểm tra năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được giới chuyên môn đánh giá cao chính là đề có thể kiểm tra toàn diện năng lực của người học, chống tình trạng học lệch và có tính phân loại cao. Một dẫn chứng cho thấy, tình trạng học sinh đang học lệch khá nghiêm trọng, đặc biệt ở các thành phố lớn đó là, kỳ thi này đã thu hút sự tham gia của thí sinh thuộc 55 tỉnh thành nhưng trong bảng kết quả thì Hà Nội xếp thứ 14.
Nếu như học sinh Hà Nội bị rơi vào tình trạng học lệch quá trầm trọng thì với những tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng... học sinh học các môn khá đều, nên đạt kết quả tốt hơn.
Một số ý kiến chuyên gia đề xuất, giải pháp buộc học sinh phải học tất cả các môn là, ngoài ba môn bắt buộc, Bộ GD&ĐT sẽ chọn một trong các môn gồm: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Với cách làm trên, đảm bảo học sinh sẽ không "dám" học lệch.
Cần đề thi có độ phân hóa cao
"Nên cho thí sinh thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổng hợp kiến thức tự nhiên, một bài thi tổng hợp kiến thức xã hội. Như vậy sẽ rất phù hợp với việc đổi mới nội dung, phương pháp học tập như hiện nay, học sinh sẽ không học lệch, đảm bảo trình độ, sự hiểu biết của một học sinh tốt nghiệp THPT".
PGS Trần Xuân Nhĩ
Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi THPT quốc gia năm tới cần có độ phân hóa cao hơn nữa mới có thể phục vụ được nhiều mục đích là vừa để công nhận tốt nghiệp, vừa dùng kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Thực tế, cấu trúc đề thi THPT quốc gia vừa qua, tỷ trọng được cho là chưa hợp lý, không có tính phân loại cao. Vì thế, đề thi nên có tỷ trọng là 30% các câu hỏi dễ, 70% các câu hỏi khó hơn.
Để tăng chất lượng của kỳ thi THPT quốc gia, các chuyên gia cho rằng, tất cả các môn thi đều theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Văn và Toán có thêm phần tự luận.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: "Bộ hãy tăng chất lượng của kỳ thi THPT Quốc gia để phục vụ cho mục đích tuyển sinh đại học, thì không thể chọn phương án thi như vừa qua. Phương án thi mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị thực hiện là tất cả các môn đều thi trắc nghiệm, riêng môn Văn và Toán có thêm phần tự luận, nhưng phần này chiếm ít".
Thực tế cho thấy, với thi trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào đề thi, còn thi tự luận, chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào năng lực người chấm. Nếu sử dụng giải pháp thi trắc nghiệm, chúng ta nên xây dựng được ngân hàng câu hỏi thật tốt. Làm được như thế nhất định kỳ thi sẽ có chất lượng và sẽ rút ngắn thời gian thi, giảm áp lực cho thí sinh và cả xã hội.
Lo lắng cho chất lượng đầu vào đại học nếu vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi "2 trong 1" như hiện nay, PGS.TS Văn Như Cương cũng đưa ra kiến nghị, cách tốt nhất là thực hiện theo một bài thi đánh giá năng lực trên máy tính như hình thức của trường Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua. Một bài thi tổng hợp tất cả các môn, học sinh không thể học lệch, không có tiêu cực vì thực hiện trên máy, thi xong biết kết quả luôn.
Có thể thấy rằng, một kỳ thi tích hợp nhiều mục đích nhưng đề vẫn ra theo cấu trúc cũ là điều bất hợp lý, Bộ GD&ĐT cần đề thi có độ phân hóa cao hơn nữa mới có thể phục vụ được kỳ thi sử dụng cho nhiều mục tiêu. Đặc biệt, Bộ cần xây dựng đề thi mang hướng tổng hợp, lồng ghép đa dạng các kiến thức khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội để có thể đánh giá toàn diện năng lực của học sinh.
Theo Thu Hằng/VOV