Thi lớp 10 ở Hà Nội: Áp lực có đến từ dịch COVID-19?
Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nào cũng căng thẳng và nóng bỏng, khi chỉ có hơn 60% thí sinh có thể vào các trường công lập.
Năm nay, đề nghị bỏ môn thi thứ 4 lại được tiếp tục đặt ra khi nhiều phụ huynh cho rằng, dịch bệnh vừa qua đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của các em…
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội được xem “nóng hơn thi đại học”. (Ảnh minh họa)
Tuyển sinh 4 môn thi có phù hợp?
Chỉ còn khoảng ba tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội sẽ diễn ra. Cho rằng học sinh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, hàng loạt phụ huynh đã nêu quan điểm qua các diễn đàn mạng xã hội rằng, nên bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023. Nếu tổ chức môn thi thứ 4 trong điều kiện học kỳ 1 năm học 2021-2022 học sinh hoàn toàn học trực tuyến và học kỳ 2 hoạt động dạy – học tiếp tục bị xáo trộn bởi lịch học “on-off” sẽ gây ra nhiều áp lực cho học sinh.
Chưa kể, chất lượng dạy học trực tuyến cũng tồn tại nhiều vấn đề, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp thu bài học và tích lũy kiến thức. Do vậy, việc tổ chức thi môn thứ 4 khiến học sinh phải căng sức để ôn tập vì kỳ thi này được đánh giá là căng thẳng hơn “kỳ thi đại học”.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT vừa qua, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ giữ nguyên phương thức như năm ngoái.
Cụ thể, năm học này Hà Nội dự kiến có khoảng 110.000 học sinh lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS và gần 100.000 thí sinh dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trong số đó sẽ chỉ có khoảng 62% học sinh đỗ suất học vào các trường công lập, số còn lại sẽ học các trường trung cấp nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; hệ thống trường ngoài công lập…
Video đang HOT
Theo đó, học sinh thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn thứ 4 là một trong 6 môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Vật lí, Hóa học, Sinh học (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3). Thời điểm hiện tại, trong khi nhiều tỉnh, thành lược bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 vì dịch bệnh thì ở Hà Nội, môn thi thứ 4 vẫn còn là ẩn số khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.
Theo lý giải của Sở GD&ĐT Hà Nội, trước đây Hà Nội chỉ thi 2 môn Văn – Toán cho kỳ thi vào lớp 10 thì học sinh chỉ chăm chăm học 2 môn đó để chuẩn bị cho kỳ thi, mà bỏ bê các môn khác. Do đó, phương án thi 4 môn như hiện tại có tác dụng lớn trong việc tránh học lệch, học tủ. Như vậy, đến cuối tháng 3, học sinh mới biết môn thi thứ 4, nhưng các em sẽ luôn phải lo lắng học cả 9 môn.
Trong khi đó, phụ huynh và giáo viên, học sinh đều mong muốn, dẫu thi 3 hay 4 môn thì Sở nên công bố sớm môn thi cuối để cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh khỏi thấp thỏm, lo âu.
Ở góc độ khác, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu áp dụng với lớp 10 ở cấp THPT từ năm học 2022-2023. Theo đó, sẽ tăng cường dạy học tự chọn theo năng lực, sở thích của học sinh, giảm số môn học bắt buộc.
Theo quy định, các em khối 10 năm tới có thể không lựa chọn học 4 trong 6 môn Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Do đó, kỳ thi vào lớp 10 sắp tới có nên chọn các môn này không? Việc dạy học thay đổi theo hướng tự chọn nên việc tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học tới trở đi và tuyển sinh vào đại học sau 3 năm nữa buộc phải thay đổi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt ở THPT. “Với tình hình trên, tuyển sinh vào lớp 10 tới 4 môn thi liệu có phù hợp?” – thầy Khang đặt câu hỏi.
Phụ huynh không nên tạo áp lực
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Trung tâm Học Mãi cho rằng, môn thi thứ 4 không hẳn là môn thi gây áp lực cho học sinh. Áp lực của tuyển sinh vào lớp 10 THPT là tính cạnh tranh và sự kỳ vọng của phụ huynh. Bởi bản chất của áp lực khi học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 nằm ở tính cạnh tranh của kỳ thi khi các em chỉ có một lần thi duy nhất để định đoạt kết quả là mình sẽ được vào ngôi trường nào? Trong khi đó, hầu như phụ huynh nào cũng mong muốn con mình thi vào được ngôi trường tốt nhất cho nên áp lực đối với các em là rất lớn. Bởi ngay cả những năm mà Hà Nội chỉ tổ chức 2 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 thì học sinh lớp 9 cũng đã chịu áp lực rồi. Áp lực của sự cạnh tranh và kỳ vọng của phụ huynh.
Khi mà một ngày nếu con có 5-6 giờ trống thì dù con chỉ phải thi 2 môn phụ huynh cũng sẽ cho con học hết quỹ thời gian 5-6 giờ đó, tương đương như thời gian dành cho 3-4 môn thi. Theo thầy Ngọc, dù năm học 2021-2022 do dịch bệnh COVID-19 khiến cho học sinh phải học trực tuyến kéo dài và điều này khiến cho việc học tập, ôn thi của các em không ổn định. Tuy nhiên, khó thì khó chung mà dễ thì dễ chung. Khi học sinh phải chịu những tác động do dịch bệnh COVID-19 thì Sở GD&ĐT sẽ tổ chức việc ra đề thi sát với tình hình thực tiễn và phù hợp với năng lực các con.
Hơn nữa ở môn thi thứ 4 mà năm nào phụ huynh, học sinh cũng lo lắng, phấp phỏng chờ đợi, thực tế, khi công bố kết quả thì đây lại là môn có kết quả rất cao, thậm chí là môn thi gỡ điểm cho học sinh. Điều quan trọng lúc này, theo thầy Ngọc, bên cạnh 3 môn học quan trọng: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, các em học sinh cần duy trì việc học các môn còn lại ở mức độ cân bằng nhất có thể để làm sao luôn trong tâm thế sẵn sàng, nếu môn thứ 4 rơi vào môn học nào thì học sinh đều không bất ngờ, rơi vào thế bị động. Đặc biệt, với phụ huynh, thay vì tạo áp lực, mỗi bố mẹ phải là những người bạn đồng hành, hiểu rõ năng lực con mình, lựa chọn trường học phù hợp không vượt quá sức của các con.
Thực tế, phụ huynh vì quá lo lắng mà thường ở giai đoạn nước rút, càng tìm nhiều lớp ôn thi cho con. Chẳng hạn, mỗi môn thi, phụ huynh có thể cho con học ở hai lớp, hai thầy cô khác nhau! Chưa kể các lớp cấp tốc với lời hứa hẹn ôn thi sát đề… Thế nhưng, việc quá mất thời gian ở các lớp ôn thi sẽ khiến các em thêm căng thẳng bởi không còn thời gian tự ôn, tự học. Những năm qua, đề thi vẫn khoảng 70-80% ở kiến thức cơ bản, do đó tùy theo sức học của mình, thí sinh có thể vào những trường phù hợp. Điều quan trọng, phụ huynh và học sinh cần biết rõ sức học của mình để có sự lựa chọn chính xác khi đăng ký nguyện vọng.
PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cần thay đổi nhận thức của xã hội nói chung về vấn đề học tập, nhất là từ quan niệm “học để thi” sang “học vì nghề nghiệp” và thành công trong tương lai, học vì hạnh phúc. Mỗi học sinh khi học tập sẽ có những đặc điểm riêng, chúng ta không thể kỳ vọng tất cả các em đi thi đều đạt kết quả như nhau, qua đó đánh giá em này giỏi hơn em kia. Thành công của một cá nhân phụ thuộc vào năng lực của các em phù hợp với công việc tương lai mà các em lựa chọn.
Cần thay đổi cách nhìn từ phụ huynh
“Vài năm trở lại đây, có khoảng 30% học sinh Trung học cơ sở không học lên THPT mà chọn con đường khác như học nghề hoặc giáo dục thường xuyên. Đây là một xu hướng tốt trong phân luồng giáo dục phổ thông. Vì thực tế trong khung đào tạo của các trường nghề đều có phần kiến thức phổ thông bắt buộc, khi tốt nghiệp, nếu đáp ứng đủ điều kiện và kiến thức, học sinh có thể học lên cao… mà không nhất thiết vào học THPT. Vì vậy, phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận để không tạo áp lực quá lớn cho con, dẫn tới việc định hướng sai, vừa mất thời gian, tiền bạc, sức lực của các em vừa ảnh hưởng đến sự lựa chọn hướng đi của học sinh trong tương lai” – ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT)
Thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Thay đổi theo hướng nào?
Theo kế hoạch của Sở GDĐT Hà Nội, môn thi thứ 4 của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 sẽ được công bố trong tháng 3/2022. Nhiều ý kiến băn khoăn về số môn thi cũng như về phương án nào cho kỳ thi rất áp lực này những năm tới.
Ảnh minh họa.
Mong giảm áp lực
Năm học 2020-2021, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội có những thay đổi quan trọng về thời lượng đối với bốn môn thi để phù hợp với việc phòng dịch. Cụ thể, thay vì bài thi 120 phút dành cho môn Toán, Ngữ văn đã chuyển thành 90 phút và đề thi 45 phút của môn Ngoại ngữ, Lịch sử thay vì 60 phút như dự kiến trước đó. Không bỏ môn thi thứ 4 nhưng việc giảm thời lượng từng môn thi và thi dồn từ 4 buổi (1 buổi học quy chế, 3 buổi thi) xuống còn 2 buổi đã khiến các nguy cơ lây nhiễm giảm đi, bớt áp lực hơn so với kéo dài ngày thi.
Tới năm học này, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn tiếp tục căng thẳng nên có những ý kiến khác nhau xung quanh kỳ thi quan trọng này. Phần nhiều trong số đó là các phụ huynh, học sinh (HS) và cả nhà trường mong muốn giảm bớt môn thi thứ 4 do việc học online kéo dài khiến thầy và trò đều "đuối", ngày trở lại trường nhiều nơi cũng quay cuồng "on-off" do cả thầy và trò luân phiên trở thành F0. Rồi quy định chỉ học trực tiếp 1 buổi khiến cho nhiều trường, nhiều lớp mới đảm bảo học đúng theo phân phối chương trình năm học. Đa số các thầy cô đều thừa nhận chưa có nhiều thời gian ôn tập hay bổ túc, phụ đạo cho những HS bị hổng kiến thức khi học online mà chủ yếu vừa dạy bài mới, vừa dành thời gian để ôn tập cho cả lớp các kiến thức trước đó nên khá vất vả.
Với HS lớp 9 năm nay có đến 5 học kỳ bị ảnh hưởng của dịch bệnh, học trực tuyến nhiều hơn trực tiếp. Các em được tới trường từ sau Tết Nguyên đán song thời gian cũng không dư dả nên việc ôn tập, củng cố kiến thức song song với việc dạy bài mới.
Chia sẻ của một hiệu trưởng trường THCS ở quận Đống Đa thì để "chạy" hết chương trình không khó vì HS không đến trường nhưng vẫn học trực tuyến, đảm bảo tiến độ nhưng chất lượng chung không thể bằng dạy học trực tiếp. Trong đó có những nhóm HS gặp khó khăn cần được kèm cặp trực tiếp song thời gian học trên lớp cũng rất hạn chế, chưa kể dịch bệnh nên thầy nghỉ, trò nghỉ... ảnh hưởng không nhỏ đến không khí lớp học, tiến độ học tập và đặc biệt là chất lượng học tập. Vì thế, mong muốn của cả thầy và trò là giảm môn thi thứ 4 hoặc công bố sớm để có sự chuẩn bị tốt nhất bởi nếu chẳng may thầy cô, HS trở thành F0, F1 thì nhà trường cũng có kế hoạch linh hoạt.
Chương trình mới đòi hỏi cách thi cử mới
Về phía các nhà trường, ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho HS lớp 9 là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GDĐT quận Tây Hồ Trần Thị Hương, toàn quận có hơn 2.000 HS lớp 9. Công tác hỗ trợ HS luôn được đặt lên hàng đầu, bảo đảm 100% HS có đủ thiết bị học trực tuyến và khi học trực tiếp, các trường cũng sắp xếp thời khóa biểu ưu tiên với khối lớp này, thầy cô cũng được ưu tiên để không một tiết nào bị trống vì thiếu giáo viên, dù trong hoàn cảnh dịch bệnh các trường rất khó khăn về nhân sự. Ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các trường đều chú trọng dạy học đồng đều các môn học còn lại, giúp các em tự tin với bất kỳ môn thi nào khi có thông báo.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về việc thi 4 môn của Hà Nội trong bối cảnh này có phù hợp? Nhất là từ năm học tới đây, khi chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ bắt đầu triển khai từ lớp 10 với đặc thù là các nhà trường sẽ tăng cường dạy học tự chọn theo năng lực, sở thích của HS, giảm số môn học bắt buộc. Điều này sẽ không còn phù hợp với việc yêu cầu HS học cùng lúc nhiều môn vì lên THPT có những môn các em không chọn.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 22 với những thay đổi rất tiến bộ và nhân văn, hướng tới việc đánh giá HS chính xác hơn so với các quy định xếp loại trước đây. Tuy nhiên, nếu không thay đổi cách thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng đánh giá toàn diện thì sẽ khó có thể đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện mà Thông tư 22 hướng đến.
"Nếu thi tuyển sinh vào lớp 10 vẫn chú trọng Toán, Văn, nhân đôi hệ số các môn này thì các em HS có thể sẽ chỉ học đều ở lớp 6, 7, bắt đầu học lệch dần từ lớp 8 và lớp 9 sẽ tập trung vào các môn thi tuyển" - ông Bình nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm, ông Bình cho rằng hiện nay một số tỉnh không nhân hệ số môn Toán, Văn khi tính điểm xét tuyển vào lớp 10 là phù hợp, hướng đến giáo dục toàn diện. Còn những địa phương hiện nay thi vào 10 vẫn chỉ có các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ hoặc nhân đôi hệ số môn Toán, Văn sẽ phải thay đổi.
Hà Nội nên thay đổi việc tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học tới để phù hợp với chương trình GDPT mới. Bởi chương trình GDPT 2018 với những điểm khác biệt cơ bản so với chương trình hiện hành là chuyển từ dạy học tiếp cận trang bị kiến thức sang định hướng dạy học phát triển năng lực đòi hỏi phải có những thay đổi một cách hệ thống trong việc đánh giá học sinh, thay đổi các kỳ thi... (Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội)
Hà Nội: Nhiều trường chuyển sang học online từ ngày 7/3 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có hướng dẫn về việc học sinh trở lại trường trong tuần tới. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ- giáo viên- học sinh, theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Sở đề nghị các Trưởng Phòng GD-ĐT,...