Thi lớp 10: Các môn thi vào trường chuyên đều khó!
Đó là nhận xét của các thí sinh dự thi vào trường chuyên sau buổi thi sáng ngày 13/6. Thí sinh thi Hóa cho rằng đề dài phải làm 2 ngày, Vật lý thì “méo mặt”, Sử, Địa làm xong khó đoán điểm.
“Làm 2 ngày mới xong” đề Hóa
Đúng 10h30′ ngày 13/6, các thí sinh dự thi vào trường chuyên Hà Nội Amsterdam, rời khỏi điểm thi của mình ở trường THCS Lê Quý Đôn, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội với nhiều tâm trạng khác nhau, buồn vui lẫn lộn.
Các thí sinh thi môn Hóa xong, phấn khởi xem lại đề thi.
Các thí sinh cho rằng, đề hóa năm nay không khó hơn mọi năm. Tuy nhiên, đề Hóa quá dài, khiến nhiều học sinh làm không xong bài thi.
Em Đoàn Phương Lan (học sinh trường THCS Cầu Giấy thi môn Hóa) nói: “Đề không có gì khó, tuy nhiên quá dài, làm vã mô hôi hột, vẫn chưa xong. Nhìn vào đề thi em cứ tưởng tưởng phải làm 2 ngày mới xong”.
Video đang HOT
Em Nguyễn Quốc Cường cùng đề thi môn Hóa trên tay.
Cùng chung quan điểm với em Lan, học sinh Tràng Giang (trường Phương Mai) nói: “Nhìn chung đề Hóa năm nay khó hơn, dài hơn năm ngoái. Nhưng em rất tự tin bài thi của mình làm được 8 điểm”.
Không giống với em Lan, Chi, học sinh Nguyễn Quốc Cường (trường THCS Cầu Giấy) vui vẻ nói: “Đề Hóa không có gì là khó, nhưng hơi dài, những câu hỏi thi đều có trong sách giáo khoa cả. Em làm khoảng 9 điểm cho môn thi này”.
Học sinh “méo mặt” đề thi môn Vật lý
Trong khi đó, các thí sinh thi môn Vật lý, đa số khi được hỏi đều lắc đầu, mặt buồn rười rượi, không làm được bài thi.
Vừa dự thi môn Vật lý xong, em Nguyễn Thanh Bình (học sinh trường Đoàn Thị Điểm) nói: “Đề khó lắm, em không làm được mấy, cố gắng ngồi suy nghĩ để làm bài, nhưng vẫn không ra đáp án. Chắc bài thi môn Vật lý của em được khoảng 6 điểm”.
Đề thi môn Vật lý.
Không vui hơn em Bình, học sinh Lê Thái An (trường THCS Cầu Giấy) nói: “Em thấy đề Vật lý năm nay khó hơn mọi năm, dù em cố gắng hết sức để làm bài thi của mình, nhưng chắc cũng chỉ đạt 6-7 điểm. Số điểm của em như vậy thì rất khó đỗ vào trường chuyên Hà Nội Amsterdam năm nay”.
Tuy nhiên, em Nguyễn Đức Công Hiếu (trường THCS Lý Thường Kiệt) lạc quan nói: “Em nhận thấy đề Vật Lý khó thì khó với tất cả học sinh, không phải riêng ai. Nhưng với cá nhân em thì đề Vật lý năm nay cũng bình thường, không khó hơn mọi năm, nhưng đề có dài hơn năm ngoái. Bài dự thi môn Vật lý của em làm được từ 7-8 điểm”.
Sử, Địa thi xong khó biết điểm chính xác
Còn các thí sinh thi môn Địa lý, Sử rời khỏi phòng thi vẻ mặt rất phấn khởi, nhưng chẳng có thí sinh nào có thể đự đoán mình làm được là bao nhiêu điểm.
Em Nguyễn Hoàng Nghĩa (học sinh trường THCS Đoàn Thị Điểm) nói: “Đề thi môn Địa lý không quá khó, nhưng cũng không quá dễ với các thi sinh. Dù đã thi xong môn thi của mình, nhưng em vẫn chưa có thể khẳng định mình làm được bao nhiêu điểm cả” .
Địa lý không giống thi môn Toán, Vật lý, Hóa… các môn đó chấm kết quả. Nhưng Địa Lý chấm cách diễn đạt, nếu thí sinh không biết cách diễn đạt coi như bài thi của mình hỏng, chính vì vậy, em không biết mình sẽ được bao nhiêu điểm”.
Các thi sinh thi xong chờ cha mẹ đến đón.
Cũng tương tự như môn Địa lý, với môn Lịch sử, em Nguyễn Ngọc Loan (THCS Phan Chu Trinh) nói: “Em nhận thấy đề thi môn Lịch sử năm nay không khó hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, đề Sử năm nay học sinh phải biết vận dụng kiến thức học trong sách và cả kiến thức ở bên ngoài nữa. Thi môn Lịch sử cũng như thi môn Văn, cách trình bày trong khi làm bài thi là vô cùng quan trọng”.
Đề thi môn Lịch sử.
Theo em Loan, nhiều bạn ra trao đổi với nhau, tớ có ý giống bạn, thậm chí giống ý đáp án, nhưng bạn đó viết liền nhau, không tách ý, phân đoạn rõ ràng. Khi chấm, thầy cô khó tìm ý đúng của mình muốn trình bày lắm.
Theo VTC