Thi khối ngành y, dược, sức khỏe và nông lâm: Thí sinh cân nhắc thật kỹ
14 giờ 30 phút ngày 27/2, phụ huynh và học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) đã có mặt tại tòa soạn Báo Thanh Niên để tham gia buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến thứ 4 trong chuỗi chương trình tư vấn chủ đề “Chọn ngành phù hợp” trên Thanh Niên Online.
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh Niên – Giáo dục Báo Thanh Niên, cho biết nếu như sinh viên khối ngành xã hội nhân văn có thể tìm công việc đa dạng sau khi ra trường thì khối ngành y tế hầu như chỉ làm công việc đúng chuyên môn, lại còn thi khó, mất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức.
Do vậy, ngay từ bây giờ, học sinh quan tâm đến khối ngành này phải tìm hiểu cho kỹ. Và những tâm tư, thắc mắc của các em sẽ được giải đáp phần nào với sự tư vấn nhiệt tình, cặn kẽ của đại diện của 6 trường đại học có đào tạo khối ngành liên quan.
Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường, gồm:
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng Ông Lý Trung Vinh, Trưởng ban Tuyển sinh Trường trung cấp Đại Việt TP.HCM.
Ban tổ chức tặng hoa cho các thầy cô giáo tham gia chương trình – Ảnh: Đ.N.T
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), nhà báo Thùy Ngân đại diện cho ban tổ chức chương trình tư vấn và toàn thể học sinh tại hội trường gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các thầy cô cũng là các y, bác sĩ, hoạt động trong ngành y.
Một bạn đọc từ Thanh Hóa gửi đến câu hỏi đầu tiên: “Điểm khác biệt giữa ngành bác sỹ thú y của ĐH Nông lâm TP.HCM so với ngành dược thú y là như thế nào? Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có ngành đào tạo Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử và ngành y học thể dục thể thao. Nội dung chương trình các ngành học này là gì?”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – Ảnh: Đ.N.T
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM giải đáp: Các em nên tìm hiểu chi tiết các ngành này ở địa chỉ website của trường. Các ngành này thi khối thi A và B. Điểm chuẩn năm 2013 đối với khối A là 15 -17 điểm, khối B là 19 – 21 điểm, tùy theo ngành.
Một bạn đọc ở Cà Mau hỏi: Sự khác nhau giữa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y dược TP.HCM về cách thức đào tạo, cơ hội việc làm ra sao?
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: Có nhiều sự khác biệt. Thứ nhất, Đại học Y dược TP.HCM trực thuộc Bộ Y tế còn đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiền thân là trung tâm bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM trực thuộc trực tiếp UBND TP.HCM.
Trường đại học Y dược TP.HCM đào tạo cả bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, nhân viên y tế cộng đồng. Ngoài ra, trường đào tạo bậc sau đại học về thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – Ảnh: Đ.N.T
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch bổ sung thêm: Trường trực thuộc UBND TP.HCM, tuyển sinh hệ chính quy đối với sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM.
Bắt đầu từ năm 2014, trường tăng lên 1.000 chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tại TP.HCM. Chỉ tiêu nhiều hơn, đối tượng tuyển sinh khó hơn (có hộ khẩu ở TP.HCM) nên có thể điểm chuẩn so với ĐH Y dược sẽ thoáng hơn.
Video đang HOT
Hai trường đều giống nhau về chương trình đào tạo, chất lượng và bằng cấp đào tạo. Việc đào tạo sau đại học thì trường không khống chế hộ khẩu. Trường có hỗ trợ học phí và khi sinh viên ra trường thì 100% có việc làm do phải nhận nhiệm Sở từ Sở Y tế.
“Em dự định thi ngành Điều dưỡng nhưng em không biết những trường nào đào tạo, và cơ hội việc làm của ngành Điều dưỡng như thế nào?”, một học sinh ở An Giang đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – Ảnh: Đ.N.T
Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Trường đào tạo ngành điều dưỡng bậc ĐH, CĐ và TCCN, tuyển sinh khối B vào năm 2014 với 2.000 chỉ tiêu cho các bậc đào tạo. Bạn nào thích chăm sóc người khác, đặc biệt là bệnh nhân thì có thể đăng ký học ngành này. Ngành này hiện nhu cầu rất cao. Vị trí việc làm có thể làm là ở các bệnh viện, trạm y tế,…
Thầy Lý Trung Vinh, Trưởng ban Tuyển sinh Trường Trung cấp Đại Việt TP.HCM thông tin thêm: Trường đào tạo ngành y sĩ, dược sĩ và điều dưỡng. Nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành điều dưỡng rất nhiều không những trong nước mà trên thế giới. Người Việt có một khiếm khuyết khi học ngành này là hạn chế về ngoại ngữ nên muốn lao động ngành y ở nước ngoài thì phải trau dồi thật tốt ngôn ngữ của đất nước mà bạn muốn tham gia lao động.
Thầy Lý Trung Vinh, Trưởng ban Tuyển sinh Trường Trung cấp Đại Việt TP.HCM – Ảnh: Đ.N.T
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM đưa ra lời khuyên: Trường đào tạo điều dưỡng từ cấp thấp nhất là trung cấp cho đến tiến sĩ. Hiện nay tiến sĩ điều dưỡng rất ít tại Việt Nam. Hiện nay điều dưỡng cấp trung cấp có vẻ bão hòa, khó xin việc nhưng trình độ đại học lại rất thiếu. Ngành điều dưỡng thiếu trình độ cao, đặc biệt là thạc sĩ điều dưỡng. Mức lương điều dưỡng các nước rất cao, ví dụ Mỹ cũng khoảng 8.000 USD/tháng, ở Philippines là 80.000 – 100.000 USD/năm.
Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến truyền hình khối ngành Y, dược, sức khỏe và nông lâm – Ảnh: Đ.N.T
Một bạn thí sinh tại hội trường đặt câu hỏi: “Muốn thi vào đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hoặc Đại học Y dược TP.HCM nhưng lực học của em chỉ được khoảng 21, 22 điểm, em nên thi trường nào và ngành học nào?”.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Do chỉ tiêu nhiều hơn và chỉ tuyển sinh thí sinh có hộ khẩu TP.HCM nên điểm chuẩn trường thường thấp hơn Đại học Y dược TP.HCM khoảng 1 – 2 điểm. Năm 2013, điểm chuẩn của trường là 23 điểm. Ngành xét nghiệm và ngành y học năm ngoái lấy bằng điểm sàn, cũng là hai ngành em có thể tham khảo.
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết thêm: Em phải xác định học ngành nào để lượng sức, nếu điểm chuẩn chỉ khoảng 22 điểm thì em không nên đăng ký thi Đại học Y dược. Tuy nhiên, trường vẫn còn các khoa đào tạo bác sĩ như: bác sĩ y học cổ truyền và y học dự phòng là hai ngành em có thể thi được.
Trong năm vừa rồi các ngành cử nhân của trường như điều dưỡng, vật lý trị liệu, hộ sinh, gây mê hồi sức… cũng là các ngành em có thể tham khảo và đăng ký thi được để có thể vào học trường Đại học Y dược TP.HCM.
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – Ảnh: Đ.N.T
“Ở trường ĐH Nông lâm TP.HCM có những ngành nghề nào hợp với nữ, chỉ tiêu các năm trước như thế nào? Em thích ngành thủy sản”, một học sinh đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM giải đáp: Trường có đào tạo 4 nhóm ngành: công nghệ, khoa học-công nghệ, kinh tế-quản trị-kế toán, nông-lâm-ngư. Trong đó, nhóm ngành đặc thù của trường là nông – lâm – ngư.
Trường đào tạo 53 ngành và chuyên ngành với chỉ tiêu tuyển sinh của năm nay là 5.300. Ngành ngư, thủy sản, chỉ tiêu bình quân từ 80 – 100, thi khối A và B. Ngành này có 3 chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, ngư y (bệnh học thủy sản) và kinh tế -quản lý nuôi trồng thủy sản.
Một học sinh khác ở Gia Lai hỏi: “Em muốn nộp hồ sơ Trung cấp học chuyên ngành y sĩ. Em muốn hỏi thời gian nộp hồ sơ và thủ tục đăng ký như thế nào?”.
Thầy Lý Trung Vinh, Trưởng ban Tuyển sinh Trường Trung cấp Đại Việt TP.HCM thông tin: Hệ trung cấp chỉ xét tuyển chứ không tổ chức thi. Hồ sơ xét tuyển gồm lý lịch học sinh (có bán tại nhà sách và điểm tuyển sinh của trường) và hồ sơ cá nhân gồm bản sao công chứng khai sinh, hộ khẩu, học bạ, 2 tấm hình thẻ…
Bạn đọc tiếp tục hỏi về việc đào tạo liên thông, văn bằng 2 của các trường có đạo tạo ngành y dược, sức khỏe.
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng – Ảnh: Đ.N.T
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng cho hay: Năm nay trường mở liên thông ngành dược, tuyển sinh từ trung cấp đến bậc đại học. Nếu chưa công tác đủ 36 tháng sau khi thi tốt nghiệp thì thi theo đề chung, chương trình học bám sát chương trình đại học để sinh viên ra trường có năng lực tương đương hệ chính quy, làm việc tại các trung tâm y tế, bệnh viện, các công ty cung ứng thuốc.
Nhiều thắc mắc khối ngành y, dược sức, khỏe và nông lâm được thí sinh gửi đến buổi tư vấn – Ảnh: Đ.N.T
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói thêm: Trường có đào tạo cử nhân ngành điều dưỡng, học 4 năm với hộ khẩu TP.HCM, chỉ tiêu 200 ngành điều dưỡng đại học, trong đó có 20 chỉ tiêu trích ra đào tạo gây mê hồi sức. Sau đại học, có đào tạo điều dưỡng chuyên khoa 1, còn thạc sĩ điều dưỡng đến năm 2016 sẽ bắt đầu đào tạo.
Liên thông điều dưỡng đào tạo 4 năm theo hệ vừa làm vừa học. Đối tượng liên thông phải có 12 tháng cuối công tác liên tục trước khi nộp hồ sơ dự thi, chỉ tuyển điều dưỡng ở những cơ sở y tế đóng trên địa bàn TP.HCM trực thuộc UBND TP.HCM.
“Phân biệt việc học văn bằng 2 và học cùng lúc 2 chương trình thế nào cho đúng?”, một học sinh thắc mắc.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM phân tích: Học văn bằng 2 tức là có một bằng rồi và muốn học thêm một bằng nữa sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó, học cùng lúc 2 chương trình là khi đậu ĐH, thí sinh có mong muốn học bằng thứ 2 cùng lúc. Điều kiện học cùng lúc 2 chương trình là ngành học và nguyện vọng thứ 2 khác ngành học thứ nhất và hoàn tất chương trình học kỳ đầu tiên với số điểm không dưới 2,0 (theo thang điểm 4,0 đào tạo tín chỉ).
Cùng học 2 chương trình mà kết quả không được tốt thì sinh viên phải tạm dừng chương trình thứ 2 nên các bạn hết sức lưu ý. Điều này tạo điều kiện để các bạn sau 4 – 5 năm tốt nghiệp ra trường sẽ có 2 bằng ĐH khác nhau.
Về chương trình liên thông, liên kết, văn bằng 2, tiến sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Trường cũng đào tạo khối ngành sức khỏe theo hình thức liên thông. Khối ngành sức khỏe đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học. Có 2 đối tượng thi liên thông là tốt nghiệp đủ 36 tháng và chưa tốt nghiệp đủ 36 tháng.
Năm 2014 trường cũng tổ chức thi, nếu công tác chưa đủ 36 tháng thì thi vào tháng 7, nếu đã đủ thời gian thì thi vào tháng 10.
Thầy Lý Trung Vinh, Trưởng ban Tuyển sinh Trường Trung cấp Đại Việt TP.HCM lưu ý: trường tạo điều kiện cho các em học 2 ngành cùng lúc, đào tạo hệ chính quy cả ngày và đêm. Các em có thể chọn học một ngành ban ngày và một ngành học ban đêm.
“Cùng một ngành của một trường thi cả khối A và B, vậy thì vào khối thi nào cơ hội cao hơn?”, một học sinh đặt câu hỏi.
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng giải thích: chỉ có ngành dược thi tuyển hai khối A: 16 điểm, B: 17 điểm (năm 2013), cơ hội bằng nhau. Còn những ngành thi hai khối như công nghệ thực phẩm; hóa học; môi trường của trường xét theo điểm sàn của bộ. Đa phần thì thí sinh thi khối A nhiều hơn, vì cơ hội xét tuyển nguyên vọng 2 nhiều hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lý giải: các em thích ngành nào thì thi đúng vào ngành đó cơ hội đậu sẽ nhiều hơn. Bởi theo kinh nghiệm hầu như các ngành đều tuyển đủ nên không xét tuyển bổ sung. Do đó cho dù thí sinh dù điểm cao nhưng lại đăng ký thi ngành khác cũng khó đậu nguyện vọng 2 vì trường đã tuyển sinh đủ rồi.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ: trường có 53 chuyên ngành và điểm thi các khối cũng khác nhau. Khối B có điểm cao hơn khối A một chút. Tuy nhiên các em nên chọn những khối nào các em thấy có năng lực nổi trội.
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM: Trường chỉ có thi khối B, không có khối A. Một số trường y dược ngoài công lập thi khối A và B. Các em cần coi kỹ cuốn tuyển sinh để phát huy năng lực. Bác sỹ dự phòng điểm thấp nhất, từ 19-22 điểm tùy năm. Ngành cử nhân vật lý trị liệu, hộ sinh… cũng dễ vào. Thi vào ngành này của ĐH Y dược phải có học lực khá trở lên, trung bình mỗi môn 7 điểm trở lên. Còn ngành bác sỹ đa khoa, răng hàm mặt… điểm thi rất cao.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Trường đào tạo đa ngành đa nghề. Trong nhóm ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe thì điểm ngành dược cao nhất, còn ngành khác trường lấy theo điểm sàn. Tỷ lệ điểm của khối A và B là ngang nhau.
Thầy Lý Trung Vinh, Trưởng ban Tuyển sinh Trường Trung cấp Đại Việt TP.HCM: số chỉ tiêu của trường luôn có giới hạn nên đăng ký hồ sơ càng sớm là một lợi thế. Nhóm ngành chăm sóc sức khỏe được quan tâm nhiều nhất.
Một bạn đọc tiếp tục đặt câu hỏi qua điện thoại: Tôi có cháu đạt giải 3 học sinh giỏi quốc gia môn Hóa năm 2013, có được tuyển thẳng vào khoa Dược trường Đại học Y dược TP.HCM không?
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM trả lời: Năm ngoái, trường có chế độ tuyển thẳng học sinh giỏi cấp quốc gia giải 3 trở lên. Vì vậy, nếu em đạt giải 3 quốc gia môn hóa thì sẽ được tuyển thẳng vào khoa Dược của trường.
“Em thích học dược nhưng điểm cao quá nên tính chọn những ngành khác. Em muốn chọn ngành nào mà mình thật sự thích, điểm không quá cao mà vẫn thuộc khối ngành y dược”, một học sinh hỏi tại buổi tư vấn.
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ: ĐH Y Dược điểm rất cao nên em có thể chọn trường điểm thấp hơn. Nếu điểm tương đối thì có thể thi ở y dược Huế, y dược Cần Thơ điểm sẽ thấp hơn. Hoặc như ĐH Lạc Hồng hoặc ĐH Nguyễn Tất Thành. Nếu điểm thấp hơn nữa thì có thể học cao đẳng dược để liên thông hoặc học ngành sinh học, hóa học rồi học tiếp văn bằng 2.
Chia sẻ thêm về quyết định lựa chọn ngành nghề phù hợp với đam mê, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tư vấn: Các em định hướng xem mình phù hợp với nhóm ngành nào rồi tìm hiểu tiếp từng ngành cụ thể. Cần phân biệt được giữa thích và phù hợp vì có những ngành các bạn thích nhưng lại không phù hợp. Chẳng hạn có bạn thích ngành điều dưỡng nhưng xỉu khi thấy máu…
Theo TNO
Người khuyết tật được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ
Theo thông tin mới nhất, trong kì thi tuyển sinh năm nay học sinh khuyết tật sẽ được xét tuyển thẳng vào ĐH - CĐ.
Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi; được hưởng chế độ tuyển thẳng vào THPT như đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc rất ít người.
Những người khuyết tật sẽ có thêm cơ hội để học ĐH -CĐ
Người khuyết tật được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) theo Quy chế tuyển sinh TCCN tùy tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo. Cũng theo đó, người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ và hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
Người khuyết tật nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo quy định tại Quy chế tuyển sinh.
Theo TNO
Tiếp tuc cân nhắc đổi mới thi Hôm qua 13.2, tại hội nghị quán triệt Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến góp ý về đổi mới thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa đồng thuận với dự thảo mà Bộ GD-ĐT công bố. Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp...