Thi học sinh giỏi giáo dục công dân
Có một kỳ thi học sinh giỏi đã được tổ chức tám năm liền ở huyện Bình Chánh, TP.HCM: kỳ thi dành cho những học sinh giỏi môn giáo dục công dân (GDCD) lớp 9. Chỉ vì các bạn yêu thích môn GDCD.
Ở đó, HS được bày tỏ nhận thức, thái độ, tình cảm, quan điểm sống cũng như ý thức trách nhiệm cá nhân đối với người thân, xã hội.
HS Trường THCS Phong Phú tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp sáng 23-10 – Ảnh: P.Đ.
Trong suy nghĩ số đông, giáo dục công dân vẫn bị xem là môn phụ trong trường phổ thông. Có lẽ vì thế, trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) lớp 9 và lớp 12 cấp tỉnh, thành và cấp quốc gia không có môn này. Những HSG môn GDCD của huyện Bình Chánh vì thế chỉ được dự kỳ thi cấp huyện và… hết. Các bạn không có cơ hội thể hiện mình ở kỳ thi cấp cao hơn. Cũng không có cơ hội được cộng điểm khuyến khích, ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như HSG các bộ môn khác. Cũng không vì thành tích của trường hay của ngành giáo dục địa phương. Chỉ đơn giản vì các bạn yêu thích môn GDCD.
Chuyện từ những bài thi
Về đề thi, vì không nhằm mục đích chọn “gà chiến” đi thi cấp cao hơn, không đánh đố kiến thức cao siêu hay lý thuyết khô cứng, đề thi HSG môn GDCD có phần nêu nhận thức, hiểu biết của HS về một vấn đề nào đó, có phần nêu quan điểm, suy nghĩ, phần liên hệ bản thân, liên hệ với cộng đồng, môi trường… Không chỉ có kiến thức sách giáo khoa, đề thi mở cơ hội cho HS trình bày vốn kiến thức xã hội, từ thực tế xã hội quanh mình nêu trách nhiệm cũng như ý thức rèn luyện bản thân… Những năm đầu đề thi có 50% điểm lý thuyết sách giáo khoa, nhưng càng về sau phần điểm dành cho các câu hỏi liên quan đến bài học trong sách giáo khoa chiếm 1/3. Còn lại là phần vận dụng và liên hệ thực tế.
Đề thi năm 2012 dẫn câu nói của Bác Hồ: “Dân tộc ta có lòng nồng nàn yêu nước… để yêu cầu HS nói về lòng yêu nước”. Phạm Thị Thùy Trang và Nguyễn Thị Ngọc Thảo, HS Trường THCS Phong Phú, hai thí sinh đạt điểm cao nhất, cho biết rất thích phần câu hỏi yêu cầu nêu nhận thức bản thân về lòng yêu nước của dân tộc ta và phần câu hỏi rất “thời sự”: kể các hoạt động xã hội liên quan đến biển đảo gần đây. Và điều bất ngờ từ chia sẻ của hai thí sinh này không phải chuyện điểm số. Ngay sau kỳ thi, chính các bạn tự nhận thức được sự thiếu sót của bản thân. Thùy Trang cho rằng: “Bài thi của em chưa đạt điểm tốt nhất có lẽ vì em còn bám lý thuyết quá, chưa chú ý đọc báo, xem tin tức hằng ngày nên kiến thức xã hội chưa sâu. Khi xem tivi, cũng như nhiều bạn, em xem hoạt hình quá nhiều hoặc mất thời gian vào những kênh giải trí mình yêu thích. Từ đó, em nghĩ mình phải thay đổi thói quen, phải biết chọn xem những thông tin hoặc kênh tivi mang đến cho mình nhiều kiến thức hơn”.
Còn Ngọc Thảo tiếc nuối vì tự thấy bài thi của mình chưa sâu sắc. Phần nêu các hoạt động xã hội về biển đảo, có những hoạt động chính mình hăng hái tham gia ở trường như việc Góp đá xây Trường Sa hoặc Vì một ngôi trường cho HS Trường Sa… nhưng khi đi thi viết không đủ ý, không hay. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, Thảo nhận thức do nhiều khi chính mình còn hời hợt, thờ ơ với những hoạt động hằng ngày, chưa suy nghĩ sâu những vấn đề xung quanh dù nhiều khi rất gần gũi với mình. Và đó là điều mỗi người cần hoàn thiện thêm.
Trước đó, đề thi năm 2011 dẫn một câu chuyện sống đẹp của một HS 9 tuổi biết nhường khẩu phần của mình cho người khác… Nhiều HS đã rất cảm xúc khi bày tỏ: “Em đã 14 tuổi nhưng chưa biết nghĩ, biết hành động như em nhỏ này”. Và có đề thi về chủ đề an toàn giao thông, trách nhiệm thanh niên với đất nước…
Nâng vị thế môn GDCD
Video đang HOT
Cô Phạm Thị Hồng Thủy, giáo viên Trường THCS Tân Nhựt, nói: Có những HS giỏi môn toán nhưng vẫn quyết đi thi HSG GDCD cấp huyện. Dù biết trước kỳ thi chỉ được tổ chức ở huyện nhà, nhưng nhiều HS vẫn rất buồn khi không có cơ hội thể hiện mình ở kỳ thi cấp cao hơn. Nhiều giáo viên không khỏi tâm tư khi những HSG GDCD chất vấn: Vì sao môn GDCD không được thi lên cao hơn? Rồi các em kết luận: như vậy là môn GDCD chưa được đối xử công bằng như những môn khác. Thầy cô chỉ biết động viên HS thôi…
Và có lẽ vì thế nên nhiều em rất giỏi, rất thích môn GDCD nhưng nếu đồng thời em giỏi môn khác, môn GDCD phải “nhường người”. Những năm đầu tổ chức thi HSG GDCD, chính những lãnh đạo phòng giáo dục cũng bị ban giám hiệu các trường đặt câu hỏi: môn này không thi thành phố, không thi quốc gia, vậy tổ chức thi cấp huyện để làm gì? Nhưng nói như cô Trương Thị Kim Chọn, phó trưởng Phòng giáo dục và đào tạo Bình Chánh: “GDCD là môn chủ lực giáo dục đạo đức HS. Không chỉ dạy kiến thức giáo khoa, thầy cô còn giáo dục hành vi, giúp HS tự nhận thức trách nhiệm đối với cộng đồng, với mọi người xung quanh. Chúng tôi duy trì kỳ thi HSG GDCD với mong muốn thay đổi cái nhìn của HS và của chính thầy cô về môn này”.
Những đổi mới tích cực trong dạy và học môn GDCD đã được chú trọng hơn qua từng năm. Những biến chuyển đó đang khơi gợi cho từng HS sự yêu thích hứng thú hơn với môn học này. HS lớp 6, lớp 7 nhiều trường ở huyện này hăng hái kể về các buổi học GDCD được nghe cô kể chuyện hay, được sắm vai, các bạn cùng cô sưu tầm tranh ảnh cho bài học. Trong khi HS lớp 8, lớp 9 lại ấn tượng mạnh những giờ học thảo luận nhóm, được trình bày quan điểm của mình, say sưa trống đánh hết giờ không hay. Ở đó, nhiều HSG được đảm nhận vai trò dẫn chuyện, cô giáo chỉ là người tóm lại bài học.
Theo tuổi trẻ
Nhiều học sinh ưa chuộng môn học thực tế
Phần lớn học sinh muốn thay đổi "thực đơn" môn học, có xu hướng ưa chuộng những môn học có tính ứng dụng thực tế cao và giáo viên tâm lý.
Học sinh thích môn học hay không, phụ thuộc một nửa vào giáo viên
Nguyễn Tùng Anh, học sinh lớp 12, THPT Việt Đức, Hà Nội chia sẻ: "Em thích tiếng Anh và Văn nhất nhưng cũng là hai môn em thấy khó nhất cùng với Toán. Em thích nó vì bản chất hai môn này hay và có thể ứng dụng nhiều vào cuộc sống sau này nhưng cũng vì nó khó nên em cần phải cố gắng".
Nguyễn Tùng Anh, học sinh lớp 12, THPT Việt Đức
Việc học sinh thích môn học hay không phụ thuộc 50% vào giáo viên. Học sinh có tiếp thu tốt hay ko đều là sự giảng dạy của giáo viên. Giáo viên dạy hợp với nhiều học sinh thì khả năng tiếp thu sẽ cao hơn và cả tình cảm của học sinh với giáo viên cũng gắn bó hơn. Nếu mình yêu môn học nào đấy mà giáo viên trù dập hay ghét học sinh thì em cũng không có hứng thú với môn đó nữa, thậm chí còn bị ám ảnh.
Trong số thầy cô em được học, em quý nhất là cô Huyền - cô giáo dạy môn Sinh. Cô dạy dễ hiểu và đặc biệt rất hiểu tâm lý học sinh, không bắt ép học sinh vào những quy định gò bó".
Giản Ngọc Linh, lớp 11D2 THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
Giản Ngọc Linh, lớp 11D2 THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Em thích môn Văn vì cô giáo Hà Thủy dạy hay. Cô giảng dễ hiểu, giọng cô cũng hay. Do vậy, đa số các bạn đều thích nên tiết văn lớp em khá sôi nổi. Em ghét nhất môn tiếng Anh, một phần do em không chủ tâm học. Các môn phụ em cũng không trú trọng lắm vì bận học nhưng môn thi đại học. Nhưng theo em, Giáo dục công dân là môn học rèn luyện về đạo đức nên cũng rất quan trọng".
Thích những môn học gắn với thực tiễn cuộc sống
Hà Trung Dũng, học sinh lớp 11 chuyên Anh THPT Hà Nội - Amsterdam
Hà Trung Dũng, học sinh lớp 11 chuyên Anh THPT Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: "Em sợ môn Sử và Lý. Sử khó nhớ, Lý khó học, vì em học ban D. Theo em, cách nhớ dễ nhất đó là học theo dòng thời gian mà các sự kiện chính diễn ra (timeline), liệt kê các ngày tháng năm và bên cạnh đó là các sự kiện nổi bật. Dù vậy, em học Sử theo kiểu nhớ diễn biến, câu cú không trau chuốt như sách nên điểm không cao.
Em thích môn tiếng Anh, vì cô giáo em dạy hay, vui tính. Cô Hương Lan lớp em nổi tiếng ở trường Ams. Hơn nữa, tiếng Anh nó có nhiều bài đọc thực tế, gần gũi với cuộc sống, nên học sẽ tiếp thu nhanh hơn là các môn khác.
Môn Giáo dục công dân, cô giáo em dạy hay lắm. Chưa bao giờ em thích môn Giáo dục công dân như năm nay. Vì cô thường lấy ví dụ thực tế ngoài đời sống, lại kể thêm truyện cười nên học rất vui".
Nguyễn Tùng Anh, THPT Việt Đức: "Môn Giáo dục công dân là một trong những môn em có cảm hứng học không kém gì các môn chính vì nó hữu ích. Môn này giúp cho mình cực nhiều ứng dụng vào cuộc sống. Có khi môyj bài học áp dụng và có ý nghĩa thực tế hơn nhiều một bài toán. Một bài toán khó đến mấy mà giải được thì cũng không thể nào cảm thấy vui được như khi mình ứng dụng thành công 1 bài Giáo dục công dân vào cuộc sống".
Phạm Huyền My, học sinh 11D1 THPT Lương Thế Vinh
Phạm Huyền My, học sinh 11D1 THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: "Em thích học Giáo dục công dân vì được học về lẽ sống, thấm đượm nhẹ nhàng. Cô Hoa dạy môn Giáo dục công dân có giọng nói truyền cảm và thường đưa ra những ví dụ gần gũi nên môn học này trở nên rất sinh động.
Cùng là môn học bổ trợ nhưng KTCN không gắn liền với thực tế, trong khi đó lại học khá kỹ càng. Năm nay, lớp 11 phải học những bản vẽ kỹ thuật rát khó. Bọn em học ban D, sau này học lên đại học hay làm việc đều không có điều kiện ứng dụng. Em nghĩ nếu học để nắm kiến thức cơ bản thì nên giảm tải chương trình".
Muốn thay đổi "thực đơn" môn học
Đỗ Phương Linh, lớp 11D0, THPT Lương Thế Vinh
Đỗ Phương Linh, lớp 11D0, THPT Lương Thế Vinh: "13 môn thì hơi nhiều, mà năm nào "thực đơn" cũng là 13 môn này. Sao không thay đổi? Em nghe bạn em là du học sinh kể rằng học bên nước ngoài được tự chọn môn học. Chẳng hạn, một kỳ có 6 môn bắt buộc, còn những môn học bổ trợ mình có thể tự chọn môn mình thích, cảm thấy có ích cho mình".
Trần Sơn Tùng, lớp 12 A4, THPT Lương Thế Vinh: "Chương trình học của lớp 12 quá nặng nhưng em vẫn phải cố gắng vì mục tiêu thi đại học.
Em dự định thi khối A và A1 nên sẽ phải ôn luyện cả Toán, Lý, Hoá và tiếng Anh. Những môn chính để thi bọn em phải học tăng cường vao buổi chiều (trừ những bạn học rất giỏi, điểm cao). Ngoài ra, thầy cô cũng chú trọng ôn luyện các môn có thể thi tốt nghiệp vào năm nay như Sinh, Sử khiến cho chương trình học càng nặng. Em nghĩ lớp 12 nên tập trung vào các môn thi hơn và bớt những môn học khô cứng, nhàm chán".
Nguyễn Tùng Anh, THPT Việt Đức: "Em muốn trường phổ thông có thêm môn Tâm lý vì theo em thấy hầu hết học sinh đều muốn được học môn này".
Hà Trung Dũng, THPT Hà Nội - Amsterdam: "Đối với em, môn kỹ thuật công nghiệp (KTCN) năm nay học hơi nhiều và nặng. Bọn em phải học các bản vẽ máy móc chi tiết, mà em nghĩ chẳng vận dụng đến trong thực tế đến nên không cần thiết lắm, tốt hơn là nên giảm tải kiến thức trong môn KTCN".
MAI CHÂM
Theo Infonet
TPHCM: Trường NCL: Số lượng tăng, cơ sở vật chất còn kém Ngày 26/4, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị các trường phổ thông ngoài công lập (NCL) nhằm đánh giá lại hoạt động các cơ sở giáo dục NCL và chuẩn bị năm học mới. Dù số lượng trường tăng nhanh nhưng đa phần cơ sở vật chất còn kém, thiếu sân chơi, thiếu phòng chức năng... Tại hội nghị, ông Thái Quốc...