Thi học kỳ trên máy tính: Còn nhầm lẫn, sai sót
Học sinh 2 trường THPT tại TP HCM vừa kết thúc đợt thi giữa học kỳ I theo hình thức trực tuyến. Ngoài những lợi ích tích cực, còn nhiều băn khoăn xoay quanh vấn đề quản lý và kết quả thi khi các thiết bị điện tử được kết nối internet
Đón đầu xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục, kỳ thi giữa học kỳ I vừa qua, các trường THPT tại TP HCM đã mạnh dạn tổ chức thi bằng hình thức trực tuyến trên máy tính và điện thoại thông minh, giúp giáo viên (GV), học sinh (HS) làm quen, tập luyện thao tác trên máy tính để không bị bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 theo dự kiến là thi trên máy tính. Đồng thời, đánh giá, khắc phục những hạn chế, lỗ hỏng trong quá trình thử nghiệm thi trực tuyến.
Cải tiến cách thi, chấm điểm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TP HCM), cho biết thông qua phổ điểm đợt kiểm tra giữa học kỳ I lần này cho thấy việc thay đổi về hình thức kiểm tra đánh giá không làm thay đổi kết quả thi. Thực tế, thi theo hình thức trực tuyến chỉ thay đổi về mặt kỹ thuật, cải tiến công tác kiểm tra, chấm điểm của GV. Thay vì GV phải chấm điểm trên giấy từng bài một, mất thời gian thì với hình thức mới này, GV chỉ cần bằng một cú nhấp chuột là có kết quả ngay lập tức.
Kiến thức thi y như kiểm tra giấy, thi trắc nghiệm nên các câu sẽ có thời gian làm bài ngắn. Về công tác quản lý thi, cơ chế, trình tự, quy trình thi, hình thức kỷ luật khi phát hiện gian lận vẫn như kiểm tra truyền thống bằng giấy.
Dựa trên nền tảng công nghệ, ứng dụng Trường học thông minh 789.vn đã đưa ứng dụng hỗ trợ GV tự động chấm điểm, giúp HS biết được ngay kết quả thi của mình, GV cũng không còn cảnh mang bài thi về nhà thức đêm chấm điểm. Ma trận đề sẽ sắp xếp các câu hỏi không bị trùng nhau, khi thi, mỗi HS được tự động nhận mỗi mã nên cuộc thi diễn ra công bằng, minh bạch. HS có thể dễ dàng thực hiện bài kiểm tra trên hệ thống máy tính, điện thoại thông minh. Đồng thời, ứng dụng này sẽ đặt hệ thống máy chủ tại trường, trường sẽ có không gian mạng riêng, bảo mật riêng, chống sao chép câu hỏi, thông tin bị lộ. Mỗi trường sẽ tự quản lý đề thi, điểm số, hay thông tin cá nhân của GV, HS.
“GV sẽ tiết kiệm được 60% sức lao động so với hình thức thi truyền thống. GV không phải chấm từng bài, tiết kiệm thời gian, áp dụng công nghệ vào quá trình soạn đề và ra bài tập về nhà, vào sổ điểm tự động, thông báo kết quả kiểm tra tự động cho phụ huynh qua email, sẽ giảm tải bớt phần nào công việc cho GV” – cô Trần Thị Ngọc Huyền, GV vật lý Trường THPT Trần Hữu Trang, chia sẻ.
Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), khẳng định đây là dịp để tập huấn cho HS khối 12 năm nay làm quen với hình thức thi trên máy tính, tới đây có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM. Lớp 11 được triển khai tập huấn bước đầu nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021. Sau khi tiến hành thử nghiệm thi trên máy tính 3 môn, toán, lý, hóa, phần lớn các em HS cảm thấy phấn khích, phản ánh trung thực kết quả học tập của từng em.
Video đang HOT
Giáo viên Trường THPT Trần Hữu Trang rút ngẫu nhiên 5% bài thi giữa học kỳ I vừa qua để đối chiếu lại điểm trên ứng dụng 789.vn
Lỗi máy móc có thể gây thiệt thòi cho học sinh
Tuy nhiên hình thức thi mới này vẫn còn tạo áp lực, lo lắng cho HS. Một HS Trường THPT Trần Hữu Trang kể lại: “Việc thi trên máy tính, điện thoại thông minh vừa qua cũng đã có ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả thực tế của em so với khi em thi trên giấy. Khi bắt đầu thi trên ứng dụng 789.vn, môn địa lý trong câu đầu tiên em chọn đáp án A sau đó quay lại chọn đáp án B nhưng khi chấm bài hệ thống vẫn tính chọn đáp án A, có rất nhiều bạn gặp phải trường hợp như vậy, kết quả bị chấm sai, em phải báo cáo lên thầy phụ trách để được xem xét lại đáp án và điều chỉnh điểm”.
“Có những bạn chụp hình đề cương ôn tập trong đó có đáp án, khi thi, các bạn mở ảnh lên để xem lại, như vậy điểm đó thực sự không công bằng. Nếu tiếp tục hình thức thi trên điện thoại, máy tính thì nên cải tiến ứng dụng, khi mở sang các cửa sổ trình duyệt khác, bài thi sẽ tự động bị hủy” – HS này đề nghị.
Thầy Nguyễn Anh Quân, GV môn tiếng Anh Trường THPT Trần Hữu Trang, đề cập đến vấn đề nghẽn mạng khi các em cùng một lúc đăng nhập vào hệ thống, có những em đã phải tự mua 3G, 4G để sử dụng trong lúc thi vì chất lượng wifi không thể đáp ứng được, vào thì bị văng ra. “Do ứng dụng nặng, tốn bộ nhớ, nên có thể khi các em đang làm bài thì bị đứng máy, phải thoát ra làm lại, mặc dù thời gian sẽ được tính lại, kết quả sẽ được lưu liên tục nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các em” – thầy Quân băn khoăn.
Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng cần nâng cấp ứng dụng, bảo đảm chất lượng mạng ổn định… Mỗi lần thi chỉ được 150 em trên 3 phòng máy nên bắt buộc phải thi nhiều đợt.
Khó khăn để tập huấn giáo viên
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM cho rằng việc triển khai đồng bộ hình thức thi trên máy tính cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 là một thách thức lớn. GV quá đông và không phải ai cũng có khả năng sử dụng công nghệ, giáo trình hướng dẫn cụ thể chưa được thống nhất, rất khó để tập huấn. Với cơ sở vật chất như hiện nay, để tiến hành thi đồng loạt trên cả nước là điều bất khả thi, phải chia ra thành nhiều đợt thi nhưng chưa có chế tài chặt chẽ để chống gian lận công nghệ cao.
Bài và ảnh: NGUYỄN THUẬN
Theo nguoilaodong
Kiểm tra trực tuyến - làm sao nhân rộng?
Mới đây, trong đợt kiểm tra giữa kỳ khối 12 tại TPHCM, Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5, đã tổ chức cho học sinh kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Ảnh minh họa/ INT
Học sinh làm bài kiểm tra trên điện thoại cá nhân. Mỗi em được cấp một tài khoản, đến giờ làm bài, nhà trường gửi đề kiểm tra vào tài khoản của học sinh. Các em sẽ tính toán trên giấy nháp và điền kết quả bằng điện thoại/máy tính.
Sau khi thí sinh bấm nút nộp bài, bài thi được chấm ngay lập tức trên hệ thống, tự động vào sổ điểm, và báo điểm ngay cho thí sinh. Hình thức kiểm tra này, năm học trước, cũng được Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM tổ chức với đợt kiểm tra giữa học kỳ II khối 12 môn Toán trên máy vi tính kết nối mạng.
Thi hay kiểm tra trực tuyến là một hình thức kiểm tra, đánh giá được các trung tâm dạy học, khảo thí ngoại ngữ, các trường học trực tuyến, trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng... áp dụng khá phổ biến hiện nay. Lợi ích rõ nhất với kiểm tra/thi trực tuyến là khá minh bạch, đánh giá đúng năng lực học sinh, khó gian lận. Về phía giáo viên thì tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc soạn đề, tạo các tổ hợp đề và chấm điểm bài làm. Học sinh hứng thú vì kết quả làm bài sẽ hiển thị ngay sau khi trả lời tất cả câu hỏi.
Tuy vậy, trong nhà trường phổ thông, nhất là hệ thống công lập, cách thức kiểm tra đánh giá này vẫn là khá mới mẻ và... còn khó nhân rộng. Bởi để tổ chức kiểu thi này trong trường phổ thông đòi hỏi nhà trường cần phối hợp với một đơn vị triển khai phần mềm khảo thí trực tuyến - phần mềm có các chức năng như giao bài tập về nhà cho học sinh, chấm điểm tự động ngay khi các em hoàn thành bài tập, quản lý ngân hàng đề thi riêng, tạo ma trận đề thi, trộn đề thi trắc nghiệm thành nhiều nhóm mã đề thi khác nhau...
Việc xây dựng ngân hàng đề thi của phần mềm trực tuyến cũng rất kỳ công, với hàng trăm nghìn câu hỏi, dù đơn vị phần mềm có sẵn kho tham khảo nhưng tổ chuyên môn của trường vẫn phải chịu trách nhiệm chính.
Hạ tầng kỹ thuật cho tổ chức thi/kiểm tra trực tuyến đòi hỏi phải đồng bộ: Học sinh có đủ smartphone hay phòng máy của trường phải sẵn sàng, năng lực mạng/phần mềm kiểm tra trực tuyến phải đủ tải hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đề cho học sinh/đợt thi/kiểm tra, nếu không sẽ có nguy cơ... sập.
Chi phí cho phần mềm, nhân sự, hạ tầng mạng... không phải nhỏ, vì thế, việc tổ chức thi/kiểm tra trực tuyến thuận tiện hơn với các trường tư thục, tự chủ tài chính, trường tiên tiến. Còn ở trường công lập thuần túy, muốn làm phải "xã hội hóa", nghĩa là phụ huynh phải đóng góp trên tinh thần tự nguyện (không dưới 300 nghìn/năm/học sinh). Thêm một gánh nặng chi phí mà được phụ huynh đồng thuận, không phải là chuyện dễ dàng đối với các trường, nhất là vùng khó khăn.
Ngoài ra, một rào cản khác cho việc triển khai kiểm tra/thi trực tuyến trong trường phổ thông là sự thiếu đồng bộ về chính sách kiểm tra/thi cử. Hình thức kiểm tra trực tuyến cơ bản chỉ áp dụng với loại hình trắc nghiệm nhưng trong nhà trường phổ thông, không phải môn học nào, kỳ thi nào cũng áp dụng thi trắc nghiệm. Ở nhiều địa phương, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá của Sở vẫn quy định một tỷ lệ không nhỏ cho hình thức tự luận, có nơi 30%, có nơi 50% cho kiểm tra giữa/cuối kỳ, tùy theo cấp lớp, môn học...
Đổi mới phương thức thi, kiểm tra đánh giá với sự ứng dụng CNTT là chủ trương lớn của ngành. Từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã dự kiến từ năm 2021 - 2023 có thể tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính một số lần/năm ở những vùng miền thuận lợi trước, hình thành dần các test site (vệ tinh của trung tâm khảo thí quốc gia) để tiến tới thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính.
Việc các trường phổ thông tổ chức thi trực tuyến trên máy tính, smartphone là một trong những chuyển động tích cực nhằm đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, phát huy tính năng động, sáng tạo, giúp học sinh sớm thích nghi với đổi mới thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH về sau, tiết kiệm thời gian cho giáo viên. Song, để mô hình này nhân rộng, phát huy hiệu quả, về lâu dài, không nên chỉ trông đợi hoàn toàn vào sự nỗ lực của từng đơn vị.
Tâm An
Theo GDTĐ
Chuyển động với yêu cầu đổi mới thi THPT quốc gia Thi trên máy tính là bước tiến bộ của ngành Giáo dục khi đưa công nghệ vào học tập. Để làm được bài thi THPT quốc gia trên máy tính, học sinh không chỉ có kiến thức các môn học, mà còn phải có điều kiện học tập và biết sử dụng máy tính. Nhiều trường học đã được trang bị hệ thống...