Thi đua mừng Tết thầy cô
Thông qua các phong trào vui chơi, giao lưu văn hóa – thể thao kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các trường học trên địa bàn quận Bình Thủy khơi dậy tinh thần thi đua dạy tốt, học tốt trong đội ngũ giáo viên và học sinh…
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, học sinh Trường THCS Bình Thủy lần đầu tiên được thể hiện tình cảm với thầy cô qua tấm thiệp chúc mừng bằng ngôn ngữ thứ hai. Ngắm nhìn sản phẩm được trưng bày tại trường, hai em Võ Phương Thảo – Phạm Phú Phát (học sinh lớp 6P) giải nghĩa dòng chữ tiếng Pháp trên tấm thiệp vàng nhạt: Bonne fête des enseignants vietnamiens! (Chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam!).
Phú Phát kể: “Chúng em dùng giấy cứng màu, dán hình trái tim, tô màu nước. Em muốn gửi lời chúc tốt đẹp tới thầy cô”. Cạnh bên, đôi bạn Nguyễn Ngọc Uyên Nhi – Đỗ Thái Hiệp (học sinh lớp 8A1) hài lòng với tấm thiệp nhiều màu sắc, được kết dính thành quyển sổ nho nhỏ, tỏ lòng tri ân đến thầy cô cả khối 6, 7 và 8. Uyên Nhi cho biết: “Từ ý tưởng, chúng em tìm thêm trên internet, nguyên liệu và vốn từ tiếng Anh để gửi đến thầy cô thông điệp: Như ánh sao dạy chúng em cách tỏa sáng”.
Học sinh Trường THCS Bình Thủy xem lại thiệp chúc mừng được trưng bày ở khuôn viên trường.
Trường THCS Bình Thủy có 1.264 học sinh, với 70 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 62 giáo viên đều đạt chuẩn). Bên cạnh phong trào văn nghệ, thể thao, dịp 20-11 này, Ban Giám hiệu Trường THCS Bình Thủy phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn trường. Tổ Ngoại ngữ, một trong những tổ bộ môn của trường phát động làm thiệp, có 64 học sinh/32 lớp khối 6 đến 9 tham gia. Tổ Ngoại ngữ đảm nhiệm phần chấm điểm nội dung, Tổ Âm nhạc – Mỹ thuật chấm điểm mỹ thuật.
Cô Trần Huỳnh Minh Thư, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, cho biết: “Phong trào này vừa giúp học sinh chơi, vừa rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ. Đây là tiền đề để tới đây, chúng tôi tổ chức Ngày hội tiếng Anh cấp trường, hội giao lưu múa hát thời trang, làm báo tường… bằng ngôn ngữ thứ hai”. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thủy, cho biết: “Trường còn tổ chức nhiều hoạt động khác như Tiết học tốt, Hoa điểm 10… Giờ chào cờ ngày 18-11, trường sinh hoạt ôn lại truyền thống Ngày Nhà giáo Việt Nam, lồng ghép cho học sinh chơi đố vui, tạo sinh khí vui tươi phấn khởi dịp này”.
Video đang HOT
Hiện tại, trường có 8 câu lạc bộ học thuật ở các bộ môn; mỗi tháng có ít nhất 2 câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt với một chủ đề cụ thể. Tháng 11 này, các câu lạc bộ đều hướng về Ngày Tết thầy cô.
Trong khi đó, 1.290 học sinh và 56 cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Bình Thủy hưởng ứng Ngày Nhà giáo Việt Nam thông qua hoạt động dạy tốt, học tốt. Ví dụ vào giờ học trải nghiệm môn Mỹ thuật lớp 2 và 3, cô giáo cho các em tô vẽ, trang trí những chiếc giỏ. Em Nguyễn Ngọc Hằng Sang, học sinh lớp 3.3, nói: “Em phải tô thiệt đẹp để làm quà tặng cô”. Cô Nguyễn Thị Hoàng Yến, giáo viên Mỹ thuật của trường, cho biết: “Buổi sáng các em học trên lớp, chiều học trải nghiệm. Hoạt động này giúp học sinh tư duy sáng tạo, phát huy năng khiếu. Chủ đề tháng này là Ngày 20-11 nên các em làm thiệp chúc mừng”.
Theo thầy Lâm Thành Lợi, giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Bình Thủy, năm nay trường đón thêm tin vui: nhận cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học này, trường có 6 học sinh gửi bài dự thi wecode quốc tế, trong đó có em Nguyễn phạm Khánh Lam giành giải nhất, 5 em còn lại vào top 100. Sắp tới, trường có 5 em dự thi robotics và 3 em dự thi wecode quốc tế tại Quảng Châu, Trung Quốc từ ngày 22-11 đến 24-11. Đây là nỗ lực và là món quà tinh thần dành cho thầy và trò Trường Tiểu học Bình Thủy trong dịp lễ 20-11 năm nay.
* * *
Quận Bình Thủy hiện có 29 trường, trong đó có 13 trường tiểu học, 6 trường THCS, với hơn 24.000 học sinh các cấp học. Với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, lễ Kỷ niệm Ngày 20-11 năm nay được các trường thể hiện ý nghĩa qua việc thăm hỏi các thầy cô giáo về hưu, làm thiệp mừng, trang trí khuôn viên trường xanh – sạch – đẹp. Hơn hết, thầy và trò đã nỗ lực để thực hiện việc dạy tốt và học tốt, góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục quận Bình Thủy.
Cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thủy, cho biết: “Tùy mỗi đơn vị, mỗi trường sẽ có cách tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế, nhằm thể hiện tấm lòng tri ân với thầy, cô. Qua các phong trào đó có thể tạo không khí vui tươi phấn khởi trong đội ngũ thầy cô giáo, học sinh, để dạy tốt và học tốt”.
Bài, ảnh: B.Kiên
Theo baocantho
Bám bản vận động học sinh đến trường
Chúng tôi về thăm Trường Tiểu học & THCS Zà Hung, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Tại ngôi trường mới khang trang này, các thầy, cô giáo vẫn đang bận bịu, uốn nắn từng con chữ, bài toán cho các em học sinh là con em các đồng bào dân tộc thiểu số. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Phan Thị Thiện chia sẻ rằng, quê cô ở huyện Đại Lộc. Cô học nghề sư phạm tốt nghiệp ra trường và lên dạy cho các em ở miền núi Đông Giang này đã được 10 năm rồi.
"Dạy học trên này dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn hơn so với dưới đồng bằng. Song đổi lại, các em học sinh trên này rất ngoan, hiền và yêu quý thầy cô lắm. Ở đây, vào mỗi dịp lễ, Tết hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy cô giáo thường nhận quà từ các em và phụ huynh chỉ là nhánh hoa rừng, một ít sản vật địa phương như rau dớn, chuối rừng... nhưng ai cũng thấy hạnh phúc và ấm cúng với tình cảm mà học sinh và phụ huynh dành tặng cho mình", cô Thiện bày tỏ.
Theo cô Thiện, để đảm bảo học sinh đi học đều đặn, cô và các đồng nghiệp thường đến từng nhà các em để thăm hỏi, động viên phụ huynh cho con mình đến lớp. Nhiều hôm có em không đi học, ở nhà lên rẫy với cha mẹ thì giáo viên phải lên tận rẫy để đưa các em về đến trường học...
Cô giáo Phan Thị Thiện luôn tận tình với học sinh.
Thầy giáo Hồ Văn Khẩn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Zà Hung, cho biết, năm học 2019-2020, toàn trường có 7 lớp, với 144 học sinh bậc Tiểu học; 4 lớp, 135 học sinh bậc THCS hầu hết là người đồng bào Cơ Tu.
Để đảm bảo các em đến trường đều đặn, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đến từng nhà động viên gia đình đưa con, em đi học hằng ngày. Với những gia đình nào khó khăn trong việc đưa con đến trường, các thầy cô giáo sẽ phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tiếp cận để tuyên truyền, vận động, nhờ đó mang lại hiệu quả rất thiết thực.
"Với đặc điểm các em học sinh người đồng bào Cơ Tu trên này khá nhút nhát nên các thầy cô phải vừa dạy, vừa dỗ các em, chứ không thì các em dễ giận dỗi rồi bỏ học lắm. Toàn trường hiện có 20 cán bộ giáo viên, trong đó có 14 người là đồng bào Cơ Tu, nhờ đó mà việc tiếp cận gia đình học sinh và tận dụng các già làng uy tín để động viên phụ huynh đưa học sinh đến trường gặp nhiều thuận lợi hơn. Vì các giáo viên người địa phương am hiểu phong tục của người Cơ Tu hơn", thầy Khẩn giải thích thêm.
Ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Giang, nhận xét, nhờ làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp mà năm học 2019-2020, trên địa bàn huyện có 100% học sinh 5 tuổi được đến trường học Mẫu giáo; 100% học sinh 6 tuổi vào lớp 1.
Toàn huyện Đông Giang năm học này có 68 lớp, với 1.609 học sinh mẫu giáo; bậc Tiểu học có 129 lớp, 2.685 học sinh; bậc THCS có 58 lớp, 1.866 học sinh. Đây thực sự là kết quả đáng mừng trong công tác giáo dục đối với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như huyện Đông Giang.
Ngọc Thi
Theo CAND
Cô và trò trao nhau những tình cảm đặc biệt trong ngày 20/11 Hình ảnh các em học sinh tặng hoa cô giáo Ánh Tuyết và cô giáo đáp trả các em bằng những cái nắm tay, xoa đầu và cái ôm đã làm rung động hàng triệu trái tim. Ngày 20/11, nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, các em học sinh lớp 2A Trường tiểu học Liên Hoa (huyện Phù...