Thi đánh giá năng lực vào ĐHQG HN: Tiện lợi nhưng băn khoăn về kết quả
TP – Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG HN tổ chức thu hút 96% thí sinh dự thi. Thí sinh chỉ đóng 100.000 đồng, thi 1 buổi, biết kết quả rồi về ngay, không tốn kém ăn ở suốt 3 ngày như trước đây. Kỳ thi có tới 72,8% thí sinh dự thi đạt từ 70/140 điểm trở lên. Dư luận đặt câu hỏi: phải chăng đã đến lúc làm một cuộc cách mạng về thi cử theo mô hình này?
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG HN. Ảnh: Trần Quốc Toản.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 45.350. Số thí sinh đến dự thi luôn đạt ở mức cao với 95,63%. Sau 6 buổi thi có 119 thí sinh (chiếm 0,27%) phải lùi sang buổi thi sau, nhưng số phải lùi chuyển ca sau có xu hướng giảm dần trong suốt thời gian thi. Thí sinh bị lùi buổi thi chủ yếu do lỗi máy tính hoặc thao tác. Đánh giá về kỳ thi, ông nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh nói: Kỳ thi đã thành công tốt đẹp, bước tiếp theo ĐHQG HN sẽ điều chỉnh để hoàn thiện hơn từ phần mềm đến cấu trúc đề thi, ma trận đề, thao tác.
Video đang HOT
Nên áp dụng mô hình này cho kỳ thi quốc gia?
Câu hỏi được đặt ra là, nếu kỳ thi quốc gia được tổ chức theo mô hình này thì 1 triệu thí sinh với 1 triệu máy tính 10% máy dự phòng, có phải là điều dễ thực hiện không? Theo ông nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh của ĐHQG HN, về các điều kiện về phần mềm, bộ đề, quy trình tổ chức như của kỳ thi này có thể áp dụng cho số lượng lớn hơn nhiều số lượng thí sinh dự thi vào ĐHQG HN.
Tuy nhiên kỳ thi có thể tổ chức cho bao nhiêu thí sinh còn lệ thuộc vào lượng máy tính, máy chủ cho phép, cũng như đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cán bộ coi thi. Cụ thể hơn, các phòng máy tính đủ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, máy chủ, đường truyền dẫn và đủ lượng cán bộ coi thi. Theo thông lệ thế giới, nhiều nước đang áp dụng, việc thi và tuyển cần tách ra làm hai khâu, việc thi có thể tổ chức thường xuyên nhiều đợt trong năm, không nên dồn lại thành một kỳ thi, dễ gây áp lực và khó tổ chức thực hiện.
Ông Sơn cũng cho biết, Trung Tâm khảo thí của ĐHQG HN sẽ có nhiệm vụ tổ chức thường xuyên nhiều đợt thi trong năm theo kế hoạch để cấp chứng nhận kết quả đánh giá năng lực. Thí sinh dùng các chứng nhận kết quả đó ứng tuyển vào các ngành đào tạo. Còn việc tuyển sinh thì vẫn có thể tiến hành từ 1 đến 2 đợt trong năm.
Nhận xét về kỳ thi này, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa HN nói, nếu kỳ thi quốc gia làm được theo mô hình đánh giá này và làm tốt thì đây thực sự là một cuộc cách mạng về dạy học ở trường phổ thông. Ông Điền nhấn mạnh: Thi theo hướng tích hợp là hình thức thi cử của tương lai. Ngoài ra, theo ông Phong Điền, hình thức thi này đảm bảo sự khách quan tuyệt đối vì tất cả các khâu đều thực hiện trên máy tính, không theo chủ quan của con người!
Tuy nhiên, dư luận các nhà tuyển sinh ở Hà Nội cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với kỳ thi này. Có chuyên gia cho rằng nếu đánh giá chỉ để tuyển sinh thì sẽ vẫn cần một kỳ thi thứ 2 để tốt nghiệp. Có ý kiến đặt vấn đề cần thêm phần thi tự luận để đánh giá toàn diện hơn, và như vậy lại phải ngồi chấm, lại đi ngược hướng cải cách thi cử mà kỳ thi của ĐHQG đặt ra là đơn giản, thuận tiện…
Thi theo hình thức này sẽ làm thay đổi cách dạy và học ở trường phổ thông. Vì vậy những đổi mới về thi cử phải khởi xướng từ trường phổ thông để ít nhất trong 3 năm học, học sinh được học theo hình thức thi cử mới này, ông Nguyễn Phong Điền nhận định.
Liệu có chọn được thí sinh giỏi thực sự?
Với con số 45.000 thí sinh dự thi và 75% (30.000) thí sinh đạt điểm trung bình trở lên thì ĐHQG HN sẽ chật vật trong việc giải bài toán ảo, một nhà tuyển sinh nhận xét. Hơn thế nữa, trong số những thí sinh đã vượt qua kỳ thi này, có bao nhiêu thí sinh sẽ thực sự vào học tại ĐHQG HN là câu hỏi mà không chỉ người ngoài cuộc đặt ra. Chưa kể, ở đợt thi thứ 2 của trường này, vào 15/8/2015, sẽ có rất nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ vào học trường khác rồi cũng sẽ ung dung nộp hồ sơ dự thi kỳ thi này và bao nhiêu trong số họ sẽ học thực sự, một nhà tuyển sinh đặt câu hỏi.
Năm nay chưa chắc ĐHQG HN đã chọn được thí sinh giỏi thực sự, ông Lê Hữu Lập, Phó Hiệu trưởng Học viện Bưu chính viễn thông nhận xét. Ông Lập phân tích: tâm lý của học sinh VN là nếu có cơ hội thì nộp 20 giấy hoặc thi bao nhiêu lần cũng thi vì họ đang tìm kiếm cơ hội và đang muốn thi “nháp”, thi thử… Hơn thế nữa, ông Lập nói, các thí sinh của ngày hôm nay đã rèn rũa theo khối thi truyền thống trong 3 năm qua, nay làm bài thi tổng hợp của kỳ thi này, sẽ khó phản ánh thực chất năng lực… Nhà tuyển sinh của một trường ĐH top 5 ở Hà Nội đặt câu hỏi: một kỳ thi có tới hơn 70% thí sinh đạt từ 70/140 điểm trở lên liệu có dễ quá không, có thực sự đánh giá được năng lực thí sinh hay không?
Theo TPO