Thi đại học rớt có được xét tuyển bằng học bạ?
Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 diễn ra sáng 6/3 tại Bình Định thu hút hơn 3.000 học sinh đến từ các trường THPT trong tỉnh.
Thời điểm thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia đang cận kề cũng là lúc nỗi lo của học sinh cuối cấp trở nên căng thẳng hơn.
Quy chế thay đổi chủ yếu ở khâu xét tuyển
Mở đầu phần tư vấn chung TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐHQG TP HCM – cho biết, cuối tháng 2/2016, Bộ GD&ĐT đã công bố các dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2016.
“Dự kiến kỳ thi sẽ không thay đổi nhiều so với kỳ thi năm 2015, những thay đổi sẽ chủ yếu ở phần xét tuyển”, thầy Nghĩa nói.
Theo đó, thí sinh sẽ thi theo cụm. Thí sinh của tỉnh nào sẽ thi ngay tại địa phương đó. Đối với cụm thi do trường ĐH chủ trì ở tỉnh Bình Định thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Những thí sinh thi tại cụm thi này sẽ được cấp một giấy báo điểm để sau này làm thủ tục nhập học nếu trúng tuyển.
Đối với học sinh thi tại cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì sẽ không có phiếu báo điểm. Các em dự thi chỉ đề xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thí sinh dự thi cụm thi này có thể sử dụng kết quả học THPT (học bạ) để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có dùng kết quả THPT để xét tuyển.
Các thầy tư vấn cho học sinh tại Bình Định. Ảnh: Tuổi Trẻ.
“Về môn thi, đối với học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ phải thi bốn môn. Nhưng đối với các học sinh vừa muốn dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển ĐH, CĐ thì việc cân nhắc thi mấy môn và thi môn nào là điều hết sức quan trọng. Thống kê cho thấy năm 2015 ở cụm thi do trường ĐH chủ trì số thí sinh thi 5 môn trở lên chiếm khoảng 55%. Số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp có 100% thi bốn môn”, thầy Nghĩa cho biết thêm.
Trả lời thắc mắc của nhiều học sinh về thời gian đăng ký dự thi, TS Nguyễn Đức Nghĩa thông tin hiện nay do vẫn chưa có quy chế thi THPT quốc gia chưa có nên vẫn chưa biết chính xác ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi (năm 2015 thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 15/3).
Đầu tháng 7/2016 sẽ diễn ra kỳ thi, theo dự thảo quy chế kết quả thi và kết quả xét tốt nghiệp THPT sẽ được công bố trước ngày 1/8. Thí sinh thi ở cụm thi nào thì điểm thi sẽ do điểm thi đó công bố. Kinh nghiệm của năm ngoái cho thấy thực tế khoảng 20/7 đã công bố kết quả rồi. Sau khi có kết quả, những em thi tại cụm do các trường ĐH chủ trì sẽ được cấp giấy báo điểm (mỗi thí sinh một giấy báo điểm có đóng dấu đỏ).
Video đang HOT
Đợt xét tuyển đầu tiên là quan trọng nhất dự kiến kéo dài 12 ngày (từ ngày 1 đến 12/8). Dự kiến các em sẽ tham gia đăng ký xét theo hai cách: Đăng ký online hoặc nộp hồ sơ qua đường bưu điện chuyển phát nhanh.
Năm nay dự kiến không cho phép thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ. Trong đợt 1 mỗi thí sinh được đăng ký tối đa hai trường, mỗi trường hai ngành. Kết quả xét trúng tuyển của đợt 1 sẽ được công bố ngày 1/8.
Sau ngày này nếu thí sinh nào chưa trúng tuyển có thể tiếp tục tham gia đăng ký xét tuyển các đợt tiếp theo bắt đầu từ ngày 20/8. Các thí sinh này sẽ được đăng ký tối đa ba trường, mỗi trường hai ngành. Những đợt xét tuyển bổ sung kéo dài 10 ngày/đợt.
Nên nộp hồ sơ xét tuyển theo cách nào?
Sau khi được nghe thông tin về cách thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, nhiều học sinh vẫn còn nhiều băn khoăn về việc này. Hàng chục học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn: “Theo các thầy cô chúng em nên nộp hồ sơ đăng ký theo cách nào thuận tiện và hiệu quả nhất?”.
TS Trần Thế Hoàng – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM cho biết, năm nay, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện hoặc đăng ký online.
Rất đông học sinh đến tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2016 tại Bình Định. Ảnh: Tuổi Trẻ.
“Cả hai hình thức trên đều tốt. Nếu các em ở xa có thể gửi qua đường bưu điện. Nếu ở gần trường có thể đến trường để được tư vấn cụ thể và nhà trường bố trí để máy để thí sinh online. Các trường sẽ không phân biệt đối xử với hình thức đăng ký nào. Đối với bưu điện nhà trường căn cứ dấu bưu điện, hồ sơ nộp trong thời hạn xét tuyển đều hợp lệ”, thầy Hoàng tư vấn.
Thông tin thêm về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – cán bộ Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT phải bố trí máy tính, mở mạng cho các em đăng ký xét tuyển online.
Một học sinh hỏi: “Nếu em thi ĐH rớt có được đăng ký xét tuyển theo hình thức xét học bạ THPT?”. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP HCM giải đáp rằng, từ năm 2015 đã không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Một số trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển ĐH, CĐ nhưng cũng có một số chỉ xét tuyển căn cứ vào học bạ.
“Tuy nhiên, dù xét tuyển theo phương thức nào điều kiện bắt buộc là thí sinh phải tốt nghiệp THPT. Vì vậy tất cả thí sinh muốn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đều phải dự thi kỳ thi THPT quốc gia và phải tốt nghiệp THPT. Còn việc các trường xét tuyển theo phương thức nào, đề án tuyển sinh ra sao các em phải tìm hiểu kỹ phương thức xét tuyển của trường mình có nguyện vọng xét tuyển”, thầy Hùng tư vấn.
Theo Trần Huỳnh/Tuổi Trẻ
Nhiều địa phương chọn 2 cụm thi THPT quốc gia
Bộ GD&ĐT yêu cầu, đến hết ngày 5/3, các địa phương chốt phương án tổ chức cụm thi. Thời điểm này, đa số các tỉnh đã lên phương án duy trì 2 cụm thi, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã hoàn tất việc khảo sát và lên phương án thi THPT quốc gia. Dựa vào đặc thù địa phương có địa hình khá rộng lớn với hơn 50% thí sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp nên năm nay, Hòa Bình quyết định chọn phương án tổ chức 2 cụm thi.
Tuy nhiên, Hòa Bình đến nay chưa có trường ĐH nên địa phương sẽ huy động cơ sở vật chất ở các trường nghề, trường CĐ phục vụ thi.
2 cụm thi có lợi cho thí sinh
Tương tự, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, dựa trên kết quả khảo sát đơn vị dự kiến sẽ tổ chức 2 cụm thi.
Ông Trác Văn Đây, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho hay, đơn vị cũng định hướng lựa chọn phương án tổ chức 2 cụm thi. Theo ông Đây, nếu chỉ tổ chức một cụm thi ĐH ở thành phố thì thí sinh vùng giáp ranh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp sẽ đi lại vất vả, tốn kém.
Ông Đây nói, là địa phương có tổ chức dạy học môn ngoại ngữ nhưng chất lượng chưa cao nên Bộ GD&ĐT cho phép học sinh chỉ thi hai môn bắt buộc là Văn - Toán, hai môn còn lại tự chọn. Được biết, Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu yêu cầu học sinh đăng ký môn thi đến hết tháng 3/2016.
Bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trước mắt đơn vị đăng ký tổ chức 2 cụm thi. Tuy nhiên, đơn vị khuyến khích các trường THPT tuyên truyền để thí sinh hiểu việc tham gia cụm thi ĐH nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ sẽ có lợi hơn.
Bà Lệ phân tích: "Một số học sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp, tuy nhiên khi có kết quả điểm số cao lại nộp hồ sơ đi xét tuyển ĐH, CĐ. Trong trường hợp này, học sinh không có nhiều trường để nộp hồ sơ xét tuyển trong khi nếu thí sinh đăng ký thi với hai mục đích nếu điểm không đạt thì chỉ xét tốt nghiệp thôi vẫn không sao", bà Lệ nói.
Riêng tại Hà Nội, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) thông tin, sở vừa gửi công văn yêu cầu các trường THPT thăm dò nguyện vọng đăng ký dự thi, đăng ký môn thi của học sinh lớp 12, từ đó mới lên kế hoạch đảm bảo sự chính xác.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 Hà Nội có 8 cụm thi do ĐH chủ trì và 1 cụm thi địa phương với 19 điểm thi. Tuy nhiên, việc bố trí các điểm thi chưa hợp lý khi có thí sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp nhưng phải đi xa 50km. Nhiều thí sinh vẫn phải thuê trọ để dự thi.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong.
Tỉnh có quyền lựa chọn 1 hoặc 2 cụm thi
Nếu như kỳ thi THPT quốc gia 2015 quy định ngoài các cụm thi địa phương chỉ có 38 cụm thi do trường ĐH chủ trì thì năm nay với quy chế mới, các tỉnh có quyền lựa chọn phương án tổ chức cụm thi.
Theo đó, các địa phương có thể tổ chức 1 hoặc 2 cụm thi phục vụ thí sinh thi xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Đây bước đầu được coi là phương án tối ưu, tạo thuận lợi cho thí sinh không phải đi xa hàng trăm kilômét, tốn kém nhiều tiền ăn, ở.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các địa phương vẫn chờ hướng dẫn cụ thể của bộ. Các địa phương hiện vẫn làm công tác khảo sát, quyết định cụm thi và lên kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Theo một lãnh đạo Bộ GD&ĐT, năm nay trên cơ sở phương án trình của các Sở GD&ĐT, tỉnh có quyền duyệt, quyết định phương án tổ chức một hay hai cụm thi. Về cơ bản, Bộ GD&ĐT không can thiệp vào quyết định tổ chức cụm thi của các địa phương. Tuy nhiên, theo vị này, có những địa phương địa bàn rộng, nếu chỉ tổ chức 1 cụm thi sẽ không thuận lợi cho thí sinh nhưng những địa phương nhỏ nếu tổ chức 2 cụm thi là không cần thiết.
Bà Mai Thị Lệ cho rằng, việc tổ chức 2 cụm thi thuận tiện hơn cho thí sinh nhưng điều khó khăn nhất là kinh phí và công tác tổ chức thi. Còn ông Trác Văn Đây lại cho hay: "Địa phương đang lên kế hoạch tổ chức thi thử để học sinh có trải nghiệm, qua đó các trường cũng biết học sinh đang yếu ở đâu để lên kế hoạch ôn tập".
Tuy nhiên, cũng theo ông Đây, việc tổ chức một cuộc thi thử cho hơn 4.000 học sinh chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng, đơn vị phải chờ Ủy ban tỉnh phê duyệt. "Nếu không được thi thử, đơn vị cũng sẽ chỉ đạo các trường tổ chức các đợt thi, khảo sát để học sinh tự tin tham dự kỳ thi", ông Đây nói.
PGS Văn Như Cương cho rằng: "Việc cho phép mỗi tỉnh tự quyết định phương án tổ chức cụm thi có thể dẫn đến chuyện không đảm bảo công bằng, khách quan giữa thí sinh các địa phương".
Ông Cương ví dụ: "Một địa phương có trường ĐH về phối hợp chủ trì thi, ngay từ đầu được tỉnh đối đãi tốt có thể... nương tay với thí sinh".
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
Chọn trường để không thất nghiệp Học sinh chọn trường có điểm chuẩn cao để thử sức hay theo đám đông bạn bè... là thực tế được nhiều trường phản ánh. Một số thầy, cô cho rằng, điều này sẽ gây bất lợi cho thí sinh. Chỉ còn 4 tháng chuẩn bị để học sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Theo lãnh đạo nhiều trường...