Thi cử- sao cứ phải “hành nhau”?
Lần đầu tiên sau gần 30 năm, kể từ Cải cách Giáo dục năm 1986, Bộ Gd&Đt đã tổ chức được kỳ thi “2 trong 1″. Nghĩa là bớt hẳn được một kỳ. Xin ghi nhận những thành quả nghiên cứu cải cách thi cử bước đầu đầy trăn trở của Bộ. Nhưng, lại nhưng, có lẽ ít có đất nước nào còn giống như Việt Nam: cho đến giờ này vẫn tổ chức “khoá thi” rầm rộ… hơn cả thời phong kiến! Vẫn còn mệt quá cái sự thi. Thời đại đã phát triển đến đâu rồi mà quý Bộ vẫn quyết tổ chức thi cử nhiêu khê rềnh rang hao tâm tổn sức đến vậy. Và bao giờ cũng đúng vào những ngày ông Giời đổ lửa!
Sáng 4/7 các thí sinh dự thi môn Lịch sử trong đợt thi tốt nghiệp THPT. Ảnh:vietnamnet.
Ngày xưa, các sĩ tử đi thi với lều chõng, mo cơm tuy được coi là việc hệ trọng cả đời, nhưng đa phần họ cũng chỉ đi một mình, bởi lẽ, hành trình đi từ nhà đến trường thi cũng là dịp một lần tích luỹ vốn sống, ứng xử và dạy cho họ cả những bất trắc khó lường. Ai bản lĩnh thì vượt qua, ai còn yếu đuối, chưa “cứng người” tự khắc đã bị loại, kể cả vì những lý do bình thường như say rượu, dậy muộn… mà không kịp làm bài thi.
Vậy mà nay, thay vì để kệ cho lũ trẻ bản lĩnh hơn, cả xã hội lại xúm vào “nâng niu” chúng như bọn trẻ ranh, trong khi 18 tuổi đã đủ tuổi tự chịu trách nhiệm về hành động của mình trước pháp luật. Đúng là cả gia đình đến hệ thống giáo dục nước nhà cứ lo chỉ dạy chăn dắt bú mớm mãi làm cho sỹ tử thời nay cứ bé mãi không lớn được.
Và không chỉ bọn trẻ. Cả các trường công trường tư, trường lớn trường nhỏ vẫn “bị” Quý Bộ chưa “yên tâm” giao hẳn cái gánh nặng đằng đẵng bao năm. Thay vì các kỳ thi tốt nghiệp có thể giao luôn các trường tự tổ chức cho chính học sinh ngay tại trường thì Bộ GD vẫn thích gom “trứng về một rổ” cho dễ đếm, dễ quản. Và tất nhiên, nó vẫn là mối lợi cho một nhóm ít người, đâu có dễ bỏ. Sự “cố chấp” này chưa biết đến bao giờ mới dứt được, kéo theo muôn vàn những mệt nhọc, tốn kém của xã hội lẫn hao tổn Ngân sách hàng năm.
Nào là họp hành liên miên trước thi, nào là hàng vạn thầy cô lại “hy sinh” nghỉ hè để đồng hành cùng thí sinh trong những ngày nắng nóng. Còn gia đình thì sinh thì khỏi nói! Chẳng đếm nổi bao nhiêu “sự nhịn”. Một lực lượng hùng hậu gồm giám thị, cảnh sát, bảo vệ vòng trong, sinh viên tình nguyện vòng ngoài… đôi khi chỉ để phục vụ 1 thí sinh. Lý giải cho chuyện “hoang phí” này, Bộ GD & ĐT cho rằng thà như thế còn hơn là bắt các thí sinh đi xa, vất vả (thương các em lắm – PV)… Thôi thì đủ loại lý do! Tuy nhiên, cái lũ trẻ lớn người này có quá bé như chúng ta tưởng nữa không?! Xin lỗi, chắc là không!
Số thí sinh bị đình chỉ tăng vọt
Video đang HOT
Sau 4 ngày, 8 buổi thi trên cả nước đã có 770 thí sinh bị kỷ luật, trong đó khiển trách 49, cảnh cáo 27 và đình chỉ hơn 690. Toàn bộ thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị huỷ kết quả tất cả các môn thi, kể cả những môn đã hoàn thành trước đó.
Ngoài lý do đi muộn, mang theo điện thoại …thì vẫn có khá nhiều thí sinh bị đình chỉ do đưa tài liệu vào phòng thi để quay cóp. So với số lượng thí sinh bị đình chỉ tại các kỳ thi đại học những năm trước thì con số gần 700 của năm nay được coi là cao kỷ lục. Dường như tâm lý của các thí sinh vẫn nghĩ thi tốt nghiệp “dễ dàng” hơn thi đại học nên so với kỳ thi đại học hàng năm, việc thí sinh mang sử dụng tài liệu có phần nhiều hơn hẳn. Kết thúc các kỳ thi những môn học “thuộc lòng” như văn, sử… hình ảnh phao thi vứt trắng những góc sân, cổng trường, thậm chí được ngâm trong bồn cầu, “cất” trong sọt rác nhà vệ sinh vẫn xảy ra.
Đặc biệt, một vụ gian lận thi cử bằng công nghệ cao cũng đã bị phát giác. Theo khai nhận, thí sinh Phạm Dương Long (Sinh năm 1995, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)đã tuồn đề thi ra ngoài bằng cách gọi điện thoại. Ở bên ngoài, Lê Thị Thùy Linh hiện là sinh viên lớp K58C, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Phạm Dương Cường (anh trai của Long) cùng giải đề thi và đọc cho Long thông qua cách gọi điện thoại. Khi Linh và Cường đang đọc giải đề thì bị công an bắt giữ. Cường khai nhận đã 2 lần vào thứ 5 và thứ 7 (ngày 2 và ngày 4/7/2015) thực hiện hành vi gian lận này.
Xã hội cũng “nhộn nhạo” vì thí sinh đi thi
Đối với các nhà tổ chức, kỳ thi năm nay được coi là thành công tốt đẹp bởi công tác chuẩn bị chu đáo. Nói chung kinh phí tốn kém trong việc tổ chức thi đã được đền đáp. Một kỳ thi được cả xã hội quan tâm bởi ai chả có con cháu đi học. Nhưng kèm theo những hỉ hả về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của một kỳ lều chõng, mấy ai cho rằng nó đã “cồng kềnh” quá mức cần thiết, cần phải thay đổi? Và quá tốn kém cho toàn xã hội!
Nào là phải chuẩn bị bán lợn, bán gà trước đó để đèo bòng chi phí cho thí sinh lẫn người nhà “đưa cháu đi thi”. Nào là công tác hậu cần của sinh viên tình nguyện hướng dẫn tận tình từ bến xe, làm xe ôm thân thiện, một số nhà dân sẵn sàng cho thí sinh và người nhà ở miễn phí, nấu cơm miễn phí, làm hàng rào sống “miễn phí” dưới cái nắng đổ lửa mà vẫn cười tươi… Tất cả những hành động đó đang được ca ngợi vì tấm lòng tốt, tình nguyện vì cộng đồng trong một xã hội đang đầy rẫy sự vô cảm. Hành động của họ xuất phát từ sự nhiệt tâm đáng trân trọng, nhưng điều đáng nói ở đây là… có cần phải khổ sở đến như vậy không? Vẫn chưa có trả lời cho câu hỏi này chứ đừng nói đến lộ trình và thời hạn giải quyết nó. Và sự nhiêu khê của các kỳ thi quốc gia năm nào cũng lặp lại.
Hình ảnh sinh viên tình nguyện làm giải phân cách sống giữa nắng gây tranh cãi. ảnh:otofun.
Chỉ đơn cử vụ làm “rào sống”, nếu Bộ GD & ĐT kết hợp với sở giao thông và các địa điểm thi dự báo trước đoạn nào ùn tắc, dân hay “đi ẩu” thì bố trí từ trước những hệ thống hàng rào sắt, có người đứng bảo vệ thì các sinh viên tình nguyện đã không phải “xả thân” trước cái nóng đỉnh điểm như mấy hôm rồi. Xã hội vẫn “xót” các em vì những “lỗi hệ thống” không đáng có.
Vậy thì sao phải “hành nhau” thi cử tập trung làm chi cho mệt, và đặc biệt lại chọn trúng mùa nóng nhất trong năm? Sao lại cứ coi sự khổ cực như một cái lẽ tất nhiên như thế?!
Nhiều trường hợp bị đình chỉ một cách đáng tiếc
Mang điện thoại vào phòng thi đã khiến nhiều thí sinh dù không sử dụng vẫn bị đình chỉ. Đáng chú ý nhất là trường hợp nam sinh tại Đà Nẵng khóc tức tưởi trong lòng cha vì mang điện thoại đã khiến nhiều người vừa thấy đáng thương, vừa thấy đáng trách. Tại một số điểm thi khác cũng không ít thí sinh òa khóc nức nở khi bị giám thị phát hiện có mang điện thoại di động. Thực tế, quy chế cấm mang điện thoại vào phòng thi đã được giám thị phổ biến khá kỹ trong ngày đầu nhận phòng hay trước khi bước vào mỗi môn thi, vì vậy các thí sinh vẫn vi phạm thì dù đáng tiếc vẫn phải chịu đình chỉ theo quy định.
Thí sinh phải thi lại vì giám thị… ký nhầm Một trường hợp hy hữu đã xảy ra tại điểm thi thuộc Trường ĐH Yersin Đà Lạt thuộc cụm thi Trường ĐH Đà Lạt khi một thí sinh đã phải thi lại môn Toán và lỗi là do cả 2 giám thị đã ký nhầm ô. Điều này không được phát hiện cho tới khi thí sinh làm xong 1/2 thời gian. Giám thị đã xử lý bằng cách thay giấy, yêu cầu thí sinh chép lại bài đã làm gây mất thời gian và ảnh hưởng tới kết quả thi.
Một trường hợp giám thị ký nhầm khác cũng xảy ra tại cụm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giám thị cũng đã ký nhầm vào phần cán bộ chấm thi. Sau khi sai sót này được phát hiện thí sinh vẫn được cho làm bài bình thường và bài thi sau đó được niêm phong và chấm công khai.
Thí sinh phải ngồi cách ly vì quai bị
Tại địa điểm thi Trường THCS Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM) thuộc cụm thi trường ĐH Tôn Đức Thắng có một thí sinh bị quai bị tham gia dự thi. Để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của các thí sinh còn lại hội đồng thi đã chọn phương án cho thí sinh này thi tại một phòng thi riêng.
Thí sinh gãy tay được người khác giúp viết bài Bị gãy tay phải do tai nạn, thí sinh Đỗ Thị Thao được bố trí thi một phòng thi riêng tại cụm thi do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM và có 1 học sinh lớp 11 làm nhiệm vụ ghi bài hộ.
Sáng 1/7, Nguyễn Thị Chung, học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi) đến dự kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi trường THPT Trần Quốc Tuấn thì bị tai nạn giao thông, gãy tay phải. Thí sinh này cũng đã được xét đặc cách tốt nghiệp. Một số thí sinh “làm loạn” tại điểm thi
Sáng 3/7 ở khu B Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có một thí sinh bị khiển trách trừ 25% điểm vì lý do trao đổi với thí sinh ngồi cạnh bị giám thị nhắc hai lần mà vẫn tiếp tục.Cuối buổi thi, thí sinh này đã chặm cửa không cho giám thị lên nộp bài và đòi lấy lại biên bản kỷ luật. Lực lượng công án, giám sát đã phải can thiệp mới có thể đưa giám thị về phòng hội đồng.’
Cũng trong sáng 3/7, tại điểm thi Trường THCS Bình Tân thuộc cụm thi Trường ĐH Y dược TP.HCM một nhóm thí sinh tự do cũng đã làm loạn khu vực thi và đòi vào dự thi.
Ngày 4/7, tại điểm thi Nguyễn Văn Tố (Hội đồng thi Trường ĐH Y dược TPHCM) một thí sinh dù đã bị đình chỉ thi ngày 3/7 nhưng vẫn vào phòng thi đòi thi môn Lịch sử. Dù được cán bộ coi thi yêu cầu rời khỏi khu vực thi nhưng thí sinh này vẫn không chịu và đã bị công an tạm giữ do lúc đó đề thi đã bóc và đã đến giờ làm bài.
Thí sinh và người nhà mệt mỏi vì thời tiết nắng nóng
Thời tiết quá khắc nghiệt ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thí sinh và phụ huynh. Diễn ra vào đúng đợt nắng nóng đỉnh điểm trong hơn 40 năm qua tại miền Bắc, miền Trung. Các thí sinh cùng người nhà cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do thời tiết quá oi bức, ngột ngạt. Ngồi chờ đợi con dự thi dưới cái nắng rát da nhiều phụ huynh cũng đã mệt mỏi, cảm nắng. Thậm chí, còn có những trường hợp đáng tiếc như một phụ huynh (sinh năm 1960) sau khi đưa con đi thi tại điểm thi Đại học Thái Bình (TP.Thái Bình) đã bị đột quỵ và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo Songmoi.vn