Theo chân thầy giáo trẻ vào bản “bắt trò”
“Nếu không vào tận bản, không đến từng nhà vận động thì nhiều học sinh sẽ chỉ theo bố mẹ đi làm nương và không quay trở lại năm học mới”.
Tâm sự của thầy giáo trẻ Đoàn Văn Hồng cũng chính là nỗi niềm trăn trở của những giáo viên tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên).
Năm học mới gần kề, chuyến đò mới mang theo bao hi vọng, chờ mong nhưng cũng chất chứa đầy nỗi âu lo và những gánh nặng tâm tư của người chèo lái.
Mỗi ngày trôi qua, các thầy cô lại thấp thỏm với câu hỏi: sẽ có bao nhiêu em trở lại trường, bao nhiêu em lại nghỉ học?
Muốn trò đến lớp đầy đủ thì thầy cô phải vào từng bản để “bắt trò”, vận động phụ huynh cho con em trở lại lớp học.
Đây chính là khâu chuẩn bị quan trọng nhất cho ngày khai giảng chào mừng năm học mới ở Hừa Ngài.
Vượt đồi núi, qua nương rẫy tìm kiếm học sinh
Hơn 2 năm gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Hừa Ngài, thầy Đoàn Văn Hồng (sinh năm 1996) đã quá quen thuộc với hành trình “bắt trò” của mình.
“Bắt trò” là một cách nói hóm hỉnh của thầy giáo khi đi vận động học trò đến lớp. Có đôi khi tìm đến nhà thì trò đã trốn đi chơi, đi nương rẫy, thế nên thầy giáo lại phải đi tìm kiếm học sinh như chơi trò đuổi bắt vậy.
Lịch khai giảng là ngày 5/9, vậy mà từ những ngày cuối tháng 8, các thầy cô đã phải bắt đầu vào bản để tìm học sinh, vận động các em trở lại trường.
Nếu cuộc vận động thành công, thầy Hồng chở học sinh về trường luôn để đảm bảo các em sẵn sàng tham dự khai giảng và bắt đầu cho năm học mới.
Năm nay, thầy Hồng làm chủ nhiệm lớp 4A2, lớp của thầy có tổng số 38 học sinh thì có đến 30 em ở các vùng bản làng xa xôi. Chính vì vậy, hành trình tìm học sinh của thầy gian nan vô cùng.
Thầy Đoàn Văn Hồng vượt rừng vào bản tìm học sinh (Ảnh: Phạm Minh)
“Mình đi sâu vào bản nhưng để tìm nhà các em nhưng không dễ chút nào, người dân chỉ đường bằng tiếng H’ Mông, mình không hiểu hết, kết quả là mình đi lạc 5 cây số.
Đường núi rừng hiểm trở, men theo những triền đồi, đến lúc dù biết đã đi lạc nhưng đường nhỏ hẹp tới mức chẳng thể quay đầu xe. Ngày hôm đó tìm được nhà một học sinh mà đến hơn 8 giờ tối mình mới về trường”, thầy Hồng kể lại.
Tìm được nhà học sinh đã khó, thuyết phục và vận động các em trở lại trường còn khó hơn.
Có em ở nhà nhưng bố mẹ đã đi làm nương, dù có muốn đưa các em trở về trường ngay nhưng cũng không được. Lúc đó, thầy Hồng lại nhắn gửi lịch khai giảng, lịch học với hi vọng các em không bỏ lỡ ngày quan trọng này.
Có lúc đến tận nhà, thầy giáo trẻ bị phụ huynh xua đuổi vì họ muốn con tiếp tục đi nương rẫy.
“Họ xua tay đuổi và liên tục nói “Mùng chế, mùng chế” – có nghĩa là về đi, về đi”, thầy Hồng nhớ lại.
Những ngày tan trường, thầy Hồng lại vào bản vận động học sinh đến lớp (Ảnh: Phạm Minh)
Video đang HOT
Hành trình vận động còn gian nan hơn khi học sinh đã bỏ đi làm nương rẫy. Thầy Hồng không ngại lên tận nương để tìm kiếm học sinh với một khát khao duy nhất là mong các em trở lại học tập, tiếp tục hành trình tìm kiếm con chữ.
Với sự kiên trì và cố gắng không ngừng nghỉ, thầy Hồng đã vận động được một nửa học sinh trong lớp về trường. Đó được xem là một thành công nho nhỏ đối với thầy giáo trẻ trong khoảng thời gian “khởi động” cho năm học mới.
Dẫu vậy, nỗi lo chưa bao giờ hết, khi số lượng học sinh đến lớp vẫn là một dấu hỏi chấm. Thêm một điều trăn trở là điều kiện học tập của các em ở đây cũng chưa được đảm bảo.
Thầy Hồng tâm sự: “Ngày khai giảng ở miền xuôi có thể cờ hoa tung bay sặc sỡ nhưng trên này, nhiều em vẫn chân trần tới lớp, quần áo đi nương cũng là quần áo đi học.
Bố mẹ đồng ý cho con tới lớp nhưng phó mặc hoàn toàn cho thầy cô. Thương những đôi chân trần nhỏ bé tội nghiệp, thầy cô lại bỏ tiền túi để mua dép cho các con”.
Thậm chí, nhiều em không có bút, vở, thầy cô lại phải kiểm tra xem ai thiếu những gì để mua, giúp các em có đủ đồ dùng học tập thiết yếu.
Khó khăn, gian nan là thế nhưng thầy cô nơi đây vẫn luôn hi vọng về một năm học mới với nhiều khởi sắc.
Bàn về công tác chuẩn bị năm học mới, thầy Hồng chia sẻ:
“Năm học mới cũng đã sẵn sàng, mấy hôm nay, các thầy cô đã bắt đầu cuốc đất trồng rau. Nhiều học sinh đã cùng thầy cô chở trấu về trường chuẩn bị để gieo trồng rau củ”.
Vậy là trên chặng đường mới, niềm tin lại được thắp lên nơi điểm trường còn nhiều khó khăn của bản Há Là Chủ, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
Tình yêu thương dành cho các em giữ chân thầy giáo trẻ ở lại vùng rẻo cao (Ảnh: Phạm Minh)
Những chuyến đò chở nặng yêu thương
Nhớ lại thời gian đầu về trường nhận công tác, thầy Đoàn Văn Hồng vẫn không thể quên những ngày tháng dài miên man trong nỗi buồn, chứa đầy cảm giác hụt hẫng, chán nản, thậm chí là tức đến bật khóc.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau, thầy Hồng tham gia cuộc thi tuyển viên chức các tỉnh Tây Bắc. Tháng 4 năm 2018, thầy Hồng bắt đầu dạy học ở Hừa Ngài.
Vậy là ước mơ trở thành thầy giáo của chàng trai trẻ cuối cùng cũng thành hiện thực. Trong suy nghĩ của Đoàn Văn Hồng khi ấy, mình sẽ ngày ngày cắp sách đến trường dạy học, tối miệt mài bên trang giáo án và sống với ước mơ cho sự nghiệp trồng người.
Nhưng hiện thực phũ phàng phá tan giấc mơ đẹp của thầy giáo trẻ. Dù ý thức được dạy học vùng cao sẽ khó khăn nhưng anh không nghĩ rằng sẽ gian nan đến vậy.
Những ngày đầu đứng lớp, thầy Hồng phải nhận cú sốc lớn khi sĩ số lớp học vắng đến quá nửa, lớp học lác đác chỉ một vài em.
Đó chính là nguyên nhân buộc thầy giáo phải vào tận bản sâu để “bắt trò” đến lớp.
Thầy Đoàn Văn Hồng trong giờ lên lớp. (Ảnh: Phạm Minh)
“Ngày mới lên đây, mình sợ nhất là đi đường đèo, chỉ sơ suất một chút là có thể ngã rơi xuống. Có những lúc mình phải đi bộ vào từng bản làng, đường đi khó, trời mưa trơn trượt rất gian nan.
Nhưng buồn nhất là đi đến đâu mình cũng bị phụ huynh xua đuổi. Hồi ấy chưa có kinh nghiệm nên mình luôn cảm thấy mệt mỏi, bất lực, chán nản và uất ức đến phát khóc”, thầy Hồng tâm sự.
Có lúc không vận động được phụ huynh, có lúc “bắt” được học sinh đến lớp nhưng cuối tuần các em về nhà rồi lại nghỉ học luôn. Những câu chuyện buồn cứ thế tiếp diễn khiến thầy giáo trẻ không ít lần nghĩ đến việc bỏ cuộc.
“Thời gian đó bố mẹ có khuyên mình về làm công nhân gần nhà vì khổ quá. Cũng có lúc mình muốn chạy trốn khỏi nơi này”, thầy Hồng tâm sự.
Nhưng dần dần, sau những hành trình vào bản “bắt trò”, dường như có sợi dây vô hình trói chặt Hồng với sự nghiệp trồng người nơi rẻo cao.
Làm thầy giáo chủ nhiệm, thầy Hồng càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, anh không nỡ lòng bỏ các em để về quê.
Và trên hết, tình yêu thương dành cho các em cứ lớn dần và níu chân thầy giáo trẻ ở lại.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ sau giờ tan trường, thầy Hồng lại đi vào bản tìm kiếm những học sinh bỏ học để đưa các em về lại trường.
Gần 5 giờ chiều bắt đầu hành trình, có lúc phải 9 giờ tối thầy mới về trường. Có lúc chở được học sinh về trường đã muộn, quá giờ ăn, thầy trò lại pha bát mì tôm ăn tạm.
Nếu là trước đây, chưa bao giờ thầy Hồng nghĩ rằng công việc của một thầy giáo là chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ và cả tắm rửa cho học trò.
Thế nhưng, tại Hừa Ngài, thầy đã có những lần đầu tiên “vụng về”, “lóng ngóng” tắm giặt cho những đứa trẻ vùng cao.
“Mọi thứ cứ đến tự nhiên như thế, tình yêu thương dành cho bọn trẻ càng lớn dần, mình không còn buồn chán, mình lại thấy các em rất tội nghiệp và cũng rất dễ thương, mình lại muốn chăm lo cho các em nhiều hơn”, thầy Hồng chia sẻ.
Và cuộc vận động học sinh đến lớp đối với thầy Hồng giờ đây không còn là câu chuyện khó khăn nữa, bởi lẽ thầy đã hiểu rõ cuộc sống và con người vùng cao, thầy cũng hiểu rõ trách nhiệm và công việc của mình.
“Nếu là trước đây, khi bị bố mẹ các em xua đuổi, mình uất ức bỏ về. Nhưng giờ mình hiểu, khi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, lo ăn từng bữa thì với họ, việc đi nương, đi rẫy là điều quan trọng nhất.
Họ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, mình càng phải kiên trì, mềm mỏng và cố gắng hơn”, thầy Hồng tâm sự.
Một năm học mới lại bắt đầu, ngày mai có thể sẽ vẫn còn những học sinh nghỉ học, bỏ học. Thầy Đoàn Văn Hồng đã sẵn sàng với nhiệm vụ của mình, ngày ngày đi dạy, chiều tối lại vào bản đưa học trò về lớp.
Đến bây giờ, câu nói tiếng H’ Mông quen thuộc với thầy Đoàn Văn Hồng chính là “Can tù mùng cẩn tớ” – có nghĩa là “ngày mai đi học nhé”.
Lời nhắn ấy không đơn thuần là lời động viên, nhắc nhở mà còn chứa đựng cả niềm tin, hi vọng của thầy giáo trẻ với những chuyến đò chở nặng tình yêu thương.
Thầy giáo đi 'bắt' học sinh mỗi ngày
Mỗi ngày, thầy Đoàn Văn Hồng, 23 tuổi, đi 30-40 km vào những bản sâu của xã Hừa Ngài (Mường Chà, Điện Biên) để "bắt" học sinh, đưa các em đến trường.
Chở theo hai học sinh chân đất, mặt mũi lấm lem, thầy Đoàn Văn Hồng, quê Ninh Bình, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài, dựng xe trước cửa khu ký túc xá của giáo viên khi đồng hồ đã chỉ gần 9h tối.
Nếu không được giới thiệu, ít người có thể đoán thanh niên nhỏ nhắn đang đưa hai học sinh lớp 4 đi rửa chân tay, mặt mũi kia lại là thầy giáo chủ nhiệm của các em. "Ở đây không có tục bắt vợ mà chỉ có bắt học sinh", thầy Hồng đùa.
Thầy giáo Đoàn Văn Hồng. Ảnh: Thúy Quỳnh
Sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình, năm 2014 Hồng nộp nguyện vọng thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thái Nguyên nhưng không đỗ. Quyết tâm theo đuổi sự nghiệp "gõ đầu trẻ", Hồng nộp hồ sơ vào Cao đẳng Sư phạm Cà Mau vì còn đợt tuyển và có người thân trong đó.
Xa gia đình đến gần 2.000 km, Hồng nhớ mãi kỷ niệm khi làm mất điện thoại trị giá hơn 3 triệu đồng. "Lúc đó, mình không dám nói với bố mẹ vì dành dụm mãi mới mua được, đành đi làm thêm kiếm tiền mua lại", Hồng kể.
Ngoài thời gian đi học, Hồng xin làm tại các quán nhậu từ 5h chiều đến 1h sáng hôm sau, lương được hơn một triệu một tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Hồng dành dụm được mỗi tháng vài trăm nghìn, sau 5 tháng mới đủ tiền mua chiếc điện thoại cũ giá hơn 2 triệu đồng để gọi điện về gia đình.
Tốt nghiệp, Hồng nộp đơn thi viên chức ở Cà Mau nhưng không đạt nên trở về Ninh Bình. Bố mẹ khuyên xin làm công nhân khu công nghiệp gần nhà, nhưng Hồng không đồng ý, muốn được đứng lớp dạy chữ cho học sinh. Nghe nói "vùng cao thiếu giáo viên, dễ xin việc", Hồng quyết định chọn Điện Biên.
Gia đình Hồng khi đó rất căng thẳng. Dưới Hồng chỉ có em gái đang học lớp 12, bố mẹ không cho Hồng đi vì "xa xôi, lỡ ốm đau không biết gọi ai". "Con lên giúp đỡ người ta, xem TV thấy nhiều người khổ quá. Bố mẹ giờ vẫn còn khỏe, con lên vài năm khi bố mẹ có tuổi thì về", chàng trai động viên người thân.
Đầu năm 2018, Hồng gói ghém mấy bộ quần áo, chuẩn bị cho hành trình lên mảnh đất cực Tây Tổ quốc, bỏ lại đằng sau những câu nói Mày lo thân mày đi, ốc không mang nổi mình ốc thì giúp được ai của người quen.
Thầy Đoàn Văn Hồng trong một giờ lên lớp. Ảnh: Thúy Quỳnh
Nằm sâu trong bản Há Là Chủ, xã Hừa Ngài và lọt thỏm giữa những dãy núi cao hơn mặt nước biển 700 m, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài đón Hồng vào một buổi sớm tháng 4. Không giống với tưởng tượng sáng dạy học, tối soạn giáo án, nhiệm vụ đầu tiên của Hồng là đi tìm học sinh.
6h sáng, một tiếng rưỡi trước giờ vào lớp, thầy giáo Hồng đi bộ đến những bản gần, cách trường 3 km để gọi học sinh. "Phải đi sớm để kịp giờ học và tránh việc các em đi chăn trâu, chăn bò trên nương", thầy Hồng giải thích.
Không "bắt" được học sinh buổi sáng, tan học lúc 5h chiều thầy giáo lại chạy xe máy chừng 15-20 km đường đồi núi tìm đến nhà các em. Nhiều học sinh thấy xe máy là trốn biệt nên thầy giáo phải dựng xe ở đầu bản rồi đi bộ vào từng nhà dù mỗi nhà cách nhau cả quả đồi. Tìm được học sinh nào, thầy giáo xin phép bố mẹ các em đưa lên xe, vượt 15-20 km đường đất về trường lúc 9h tối.
Sau những ngày đầu tiên đi tìm học sinh, thầy giáo trẻ đã muốn bỏ về xuôi vì mệt mỏi, nhất là phụ huynh, học sinh không hợp tác, thậm chí xua đuổi và mắng chửi. Những ngày mưa, con đường đất chỉ rộng 30 cm trơn tuột, nước từ trên đồi chảy xuống như thác, sẵn sàng quật ngã thầy giáo miền xuôi.
Năn nỉ phụ huynh cho con đi học, nhưng thầy Hồng thường xuyên nhận được những cái lắc đầu, xua tay cùng câu nói "chi-pâu, chi-pâu" (về đi, về đi). "Họ đuổi như đuổi tà, có người còn chửi. Có lần mình tủi thân phát khóc nhưng mình không dám để họ biết, kiên quyết đưa học sinh trở lại trường", thầy Hồng kể.
Không biết tiếng H'Mong, câu mà thầy Hồng thuộc và thích nhất là "Can tù mùng cẩn tớ" (ngày mai đi học nhé) vì "nó giúp tương lai của các em tươi sáng hơn". Những ngày thầy Hồng hạnh phúc nhất là lớp học không vắng ai.
Thầy Hồng đi bộ, tìm học sinh đưa về trường. Ảnh: Thúy Quỳnh
Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo qua khu vực học sinh ăn, ngủ để giúp các em ôn bài, nhắc nhở sinh hoạt điều độ. Thời gian đầu, thầy còn ngại khi phải tắm cho trò, nhưng khi đã quen việc, thấy trò lấm lem thầy giáo lại xắn tay vào làm.
Thầy giáo trẻ từng xót xa khi học trò chia nhau ngấu nghiến ăn gói mì tôm chẳng có gì. Thầy cũng từng ức chế và bực bội khi giảng mãi các em không hiểu, nói nhiều lần không nghe, thích gì là làm theo cách sống hoang dã.
Nhưng với thầy, học trò luôn ngây thơ và tình nghĩa. Có quả mận, quả đào các em đều mang tặng thầy. "Càng ở, càng thương tụi nhỏ. Chính tình cảm của học trò khiến mình muốn gắn bó với các em thật lâu", thầy Hồng nói.
Hiện tại, thầy Hồng đã được vào viên chức và chủ nhiệm lớp 4A2 có 29 học sinh. Vì chưa lập gia đình, thầy ở trong ký túc xá dành cho giáo viên nằm trong khuôn viên trường, mỗi năm về thăm nhà ở Ninh Bình 1-2 lần.
Nhiều lúc thấy bạn bè đăng ảnh du lịch, được ở gần bố mẹ, thầy giáo không khỏi tủi thân vì cuộc sống của mình chỉ quanh quẩn với bản trường, núi đồi trải dài và hành trình vận động phụ huynh cho con đi học. "Những lúc như vậy phải tự an ủi mình rằng công sức bỏ ra là xứng đáng vì mang chữ cho trẻ em", thầy giáo nói.
Thầy Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài, bày tỏ sự trân trọng với công sức và sự hy sinh của thầy giáo miền xuôi. "Là người trẻ nhất trường, thầy Hồng rất cầu tiến, yêu nghề, có trách nhiệm với học sinh. Tôi tin tưởng thầy Hồng sẽ tiếp tục gắn bó với trường Tiểu học Hừa Ngài thêm nhiều năm nữa", thầy Điệp nói.
Thanh Hằng
Hành trình trèo đèo, lội suối 'cõng chữ lên non' của thầy cô giáo ở Nghệ An Chân đất lội nước, tay xách giày, trên lưng là túi đồ tư trang, lương thực, sách vở - những hành trang đến trường của các thầy cô vùng cao Nghệ An. Chiều chủ nhật hàng tuần, 18 thầy cô giáo của trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An) lại chuẩn bị tư trang, hẹn nhau...