Thêm SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Hội đồng thẩm định can thiệp quá sâu?
Bộ sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại gồm 3 môn: Toán 1, Tiếng Việt 1 và Đạo Đức 1, trong đó, bản thảo 2 môn Toán và Tiếng Việt đã bị hội đồng thẩm định loại từ vòng 1. Bản thảo môn Đạo đức 1 đi tiếp vòng 2 nhưng đến giờ cũng chính thức bị loại.
Năm 2020 đủ SGK lớp 1 cho 9 môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Như Ý
Bộ GD&ĐT cho biết, qua 2 vòng thẩm định, có 38/49 bản thảo SGK đạt yêu cầu và đáp ứng đủ 9 môn học. Như vậy, không lo thiếu SGK lớp 1 vào năm 2020 khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hội đồng thẩm định can thiệp quá sâu?
Theo biên bảo họp hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức lớp 1 (vòng 2) mà phóng viên Tiền Phong có được, 8/9 thành viên có mặt tại buổi họp đánh giá bản thảo Đạo đức lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại không đạt. Theo kết luận của hội đồng, so với vòng 1, bản mẫu SGK vòng 2 đã được chỉnh sửa khá nhiều.
Tuy nhiên, nhiều nội dung chỉnh sửa chưa đảm bảo đúng, chính xác theo các góp ý sửa chữa của Hội đồng thẩm định vòng 1, đặc biệt là các góp ý của Hội đồng về bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK về cấu trúc bài học. Bản mẫu SGK vòng 2 vẫn còn nhiều lỗi cần phải đầu tư nhiều thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện.
“Như vậy ở thời điểm hiện tại, bản mẫu SGK chưa đáp ứng được các quy định của Thông tư 33 chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn Đạo đức lớp 1″ – Hội đồng thẩm định kết luận. Cũng theo Hội đồng, với các ưu điểm đã có của bản mẫu SGK, các tác giả có thể tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để thẩm định trong thời gian tới.
Trả lời báo chí, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho biết, các bản thảo gửi đến đều rất công phu, thể hiện tính trách nhiệm tâm huyết của các tác giả, nghiên cứu kỹ chương trình theo Thông tư 32 về nội dung, kiến thức năng lực cần đạt. Đặc biệt, các tác giả chú ý đến đổi mới phương pháp và tính gợi mở của chương trình để phù hợp với nhiều đối tượng vùng miền khác nhau, thể hiện sự đa dạng và phong phú. Nhiều bản thảo thể hiện tính thực tế, ví dụ với môn Tự nhiên xã hội, các tác giả tiệm cận tốt tiến bộ quốc tế.
Tuy vậy, có một số bản thảo chưa thực sự nghiên cứu kỹ chương trình. Trong quá trình thiết kế, thời lượng kiến thức chưa đảm bảo chương trình. Có 8 bản thảo vòng 1 không đạt không được tham gia vòng 2. Các bản thảo còn lại đều được đánh giá ở mức đạt cần sửa chữa. Vòng 1 không có bản thảo nào đạt. Các tác giả được mời đến đồng ý với ý kiến của Hội đồng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo ý một số tác giả có bản thảo tham gia thẩm định, Hội đồng thẩm định đang can thiệp quá sâu vào cấu trúc từng bài của mỗi cuốn sách. Ví dụ, tại bản thảo cuốn Đạo đức do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, với yêu cầu về nội dung SGK, Hội đồng thẩm định đưa ra những nhận định như: chủ đề quan tâm, chăm sóc ông bà, các bài học thể hiện thừa yêu cầu vì sao phải quan tâm chăm sóc người thân.
Hay về phương pháp giáo dục, Hội đồng thẩm định cũng đưa ra nhận xét như sử dụng nhiều câu hỏi có không (21/32 bài). Hoặc như tên của nhiều hoạt động không phù hợp, không rõ cách tổ chức và yêu cầu thực hiện hoạt động như: tại sao (29/32 bài), cho ai (bài tự giác gấp quần áo), khi nào (bài học cách rửa mặt)…
38 bản thảo SGK đạt yêu cầu
Chiều qua, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết trong lần thẩm định này, Bộ GD&ĐT nhận được 49 bản thảo của 9 môn học. Qua hai vòng thẩm định theo quy định thông tư, có 11 bản thảo không đạt, trong đó vòng 1 có 8 bản thảo, vòng 2 có 3 bản thảo.
Như vậy, còn 38/49 bản thảo đạt yêu cầu (đạt 77,5%). Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, những bản thảo không đạt yêu cầu thường là không tuân thủ theo thời lượng chương trình quy định. Những bản thảo không đạt ở vòng 2 thường là các tác giả có sửa chữa nhưng vẫn chưa đạt theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.
Ông Thái Văn Tài thông tin thêm, 38 bản thảo đạt yêu cầu đủ cho 9 môn học của lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Với những bản thảo bị loại, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, nhiều tác giả mong muốn tiếp tục chỉnh sửa để đưa hội đồng thẩm định lại lần nữa. Ông Độ hy vọng, các tác giả sửa để đưa thẩm định kịp trong tháng 11 vì cần thời gian để xuất bản SGK vào năm tới.
Theo Tiền phong
Bộ GD-ĐT nói gì về sách của GS Hồ Ngọc Đại bị 'loại' ?
Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời thư kiến nghị của PGS Nguyễn Kế Hào về việc sách của GS Hồ Ngọc Đại bị "loại" từ vòng 1 bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Tuy nhiên, tác giả thư kiến nghị này nói trả lời của Bộ là chưa thỏa đáng.
Sách tiếng Việt 1 công nghệ do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên - Ảnh: Ngọc Dương
PGS Nguyễn Kế Hào, người đứng tên đại diện tập thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm công nghệ giáo dục, ký bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc sách tiếng Việt và toán lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại được hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá "không đạt" ngay từ vòng 1. Ông cho biết đã nhận được văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT.
Bộ mong tác giả "xây dựng lại để thẩm định như lần đầu"
"Bộ GD-ĐT rất mong tác giả sách tiếng Việt 1 và toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chỉnh sửa, hoàn thiện bộ sách để tham gia thẩm định lại."
Ông NGUYỄN HỮU ĐỘ (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)
Công văn trả lời của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ngày 25.9.2019 gửi PGS Nguyễn Kế Hào dẫn các nghị quyết, quyết định về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Trong đó nêu: "SGK là tài liệu triển khai chương trình giáo cụ phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; việc biên soạn, xuất bản SGK của các tổ chức, cá nhân thực hiện công bằng, minh bạch và theo quy định của pháp luật"...
Văn bản trả lời của Bộ cũng dẫn Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; quy định về tổ chức, thành lập và hoạt động của hội đồng thẩm định... "Các hội đồng quốc gia được thành lập và hoạt động theo đúng quy định tại Thông tư 33 với tinh thần nghiêm túc, khách quan, khoa học, công bằng", văn bản của Bộ GD-ĐT khẳng định và cho biết trong lần thẩm định này có 5 bộ sách của 9 môn học trong chương trình lớp 1 được nhà xuất bản có chức năng xuất bản SGK đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định. Trong đó các bản mẫu SGK môn tiếng Việt lớp 1, toán lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên là một trong các bộ sách được NXB Giáo dục đề nghị thẩm định. Qua thẩm định vòng 1, có một số bản mẫu sách được xếp loại "đạt nhưng cần sửa chữa" và có một số bản mẫu được xếp loại "không đạt".
Đối với bản mẫu SGK tiếng Việt 1 và toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT ghi rõ: "GS Hồ Ngọc Đại đã được Bộ GD-ĐT mời đến nghe thông báo kết quả, đối thoại với từng hội đồng thẩm định. Tại các buổi làm việc này, GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự đã nghe kết luận của các hội đồng và không có ý kiến gì thêm".
Bộ GD-ĐT cũng dẫn quy định tại Thông tư 33 đối với các bản mẫu SGK được đánh giá "không đạt": "Nếu các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn SGK thì bản mẫu phải được xây dựng lại để tổ chức thẩm định, như thẩm định lần đầu". Vì vậy, tập thể tác giả bản mẫu sách tiếng Việt 1 và toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 và đề nghị thẩm định lại theo quy định tại Thông tư 33 để sách có cơ hội góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: "Bộ GD-ĐT rất mong tác giả sách tiếng Việt 1 và toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chỉnh sửa, hoàn thiện bộ sách để tham gia thẩm định lại. Khi nhận được đề nghị này, Bộ sẽ thành lập hội đồng thẩm định để tiến hành thẩm định từ đầu theo đúng quy định của Thông tư 33".
Trả lời chưa thỏa đáng, sẽ tiếp tục kiến nghị
"Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh"
GS HỒ NGỌC ĐẠI
PGS Nguyễn Kế Hào cho biết ông đã đọc kỹ nội dung trả lời của Bộ và thấy rằng trả lời như vậy là chưa thỏa đáng. "Cá nhân tôi, với tư cách là một công dân, một nhà khoa học, một người từng làm quản lý lĩnh vực giáo dục tiểu học, sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ về vấn đề này", PGS Hào nói.
GS Hồ Ngọc Đại thì khẳng định: "Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán. Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh".
PGS Nguyễn Kế Hào trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên - Tuyết Mai
Theo PGS Hào, dù ông không phải là tác giả của bộ sách nhưng nếu là tác giả thì ông cũng không thể sửa vì như vậy sẽ không khác gì các bộ sách khác. Điều ông thấy không đồng tình nhất là hội đồng thẩm định yêu cầu tác giả sách phải bỏ những nội dung, những cái mà họ cho rằng cao hơn chương trình trong khi chương trình là pháp lệnh, chương trình chỉ là cái tối thiểu cần đạt. "Thực tế học sinh chấp nhận được bao nhiêu năm nay, giờ hội đồng ngồi trong phòng họp nói nó khó và cao hơn chương trình", PGS Hào bức xúc.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi: "Khi Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK... ra đời thì ông có thấy bất cập không?". PGS Hào cho rằng: "Khi ban hành Thông tư 33 chỉ nói chung chung. Nhưng khi xây dựng bao nhiêu chỉ báo để tiến hành thẩm định SGK thì chỉ thành viên hội đồng biết, những người được Bộ GD-ĐT tập huấn để thẩm định SGK biết, còn không được công khai ra ngoài xã hội. Hơn nữa, nếu sửa theo những chỉ báo của Bộ thì tất cả những bộ SGK lại "gọt" theo một khuôn... Thế thì cần gì phải nhiều bộ SGK?".
PGS Nguyễn Kế Hào cho biết điều quan trọng nhất khiến ông buộc phải gửi bản kiến nghị không phải để sách của GS Hồ Ngọc Đại được thẩm định lại như Bộ GD-ĐT đã trả lời, mà vì nhận thấy không thể đánh đồng bộ SGK có hơn 40 năm được thực tiễn thừa nhận với các bộ SGK có tuổi thọ gắn với mỗi lần cải cách giáo dục. "Bộ sách này không cần thay bằng bộ sách mới, như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng. Sách tiếng Việt và toán công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần (năm 1990, năm 2017 và năm 2018) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển. Do đó, không nên chỉ đánh giá SGK công nghệ giáo dục theo thông tư và những chỉ báo mà hội đồng thẩm định đang áp dụng", PGS Hào tiếp tục khẳng định lại quan điểm của mình và cho rằng về bản chất, chương trình công nghệ giáo dục phù hợp với đường lối, quan điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cả về lý thuyết và thực tiễn.
Theo PGS Nguyễn Kế Hào, với hơn 40 năm được "cuộc sống lựa chọn", và ít nhất 2 lần trong lịch sử cải cách giáo dục (năm 1986 và năm 2006), sách tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại là giải pháp để khắc phục tình trạng lưu ban, "ngồi nhầm lớp" ở rất nhiều địa phương trên cả nước. "Do vậy, nhìn từ góc độ quốc gia thì đây phải được coi là một thành tựu, không nên bỏ", GS Hào nêu quan điểm.
Theo Thanh niên
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của GS. Hồ Ngọc Đại không được sử dụng là điều đáng tiếc Dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt tới bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, khi bất ngờ bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa loại ngay từ vòng đầu, dù đây từng là sách được Bộ GD&ĐT dùng để "xóa tái mù chữ" ở nhiều địa phương. Để thông tin...