Thêm nỗi đau của cô bé bị bố tra tấn dã man
Tìm về nhà Thúy, chúng tôi chắc mẩm, có lẽ cô bé từng bị bố đẻ tra tấn dã man đã có được những tháng ngày sống yên bình, vui vẻ bên mẹ và cậu em trai. Nhưng, nỗi đau về thể xác còn chưa kịp lành thì giờ đây cô bé 13 tuổi này lại đang phải gánh chịu một nỗi đau quá lớn về tinh thần.
Nguyễn Thị Thúy lặng lẽ bên bàn thờ em trai
Túi quà không người nhận
Chúng tôi tìm về thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, Sóc Sơn, Hà Nội vào giữa cái nắng hè oi bức. Đứng trên Quốc lộ 18 nhìn vào, thôn Đức Hậu chẳng khác nào một bức tranh tươi sáng, bởi nó được bao quanh toàn là đồng ruộng. Đi sâu vào bên trong, những con đường quanh co giờ đã được bê tông hóa gần hết, những ngôi nhà cao tầng cũng thi nhau mọc lên lừng lững. Vậy nhưng lọt thỏm trong cái không gian ngày một “thay da đổi thịt” ấy, vẫn còn có một ngôi nhà cấp 4 trống hoác về tài sản, nhưng lại có thừa sự thương đau.
Bóng mặt trời mấp mé đỉnh trưa cũng là lúc ngôi nhà tuềnh toàng của gia đình em Nguyễn Thị Thúy, nằm cuối thôn Đức Hậu bị xé toang bởi tiếng xe máy ầm ầm. Dựng chân chống xe đánh quẹt ở sân, anh Nguyễn Văn Dư – Phó Trưởng CAX Đức Hòa nói nhỏ với chúng tôi: “Nhân vật chính các anh cần gặp đấy”!
Video đang HOT
Từ trong nhà chạy ra, Thúy bất ngờ khựng lại ở hè vì thấy khách lạ. Con chó còi cọc nằm tránh nắng dưới giàn mướp cũng xồ ra cắn inh ỏi. Có lẽ chẳng mấy khi nhà Thúy có người lạ đến. Cô bé không ở nhà một mình vì phía trong còn có 3 người đàn bà nữa. Bà nội và dì ruột Thúy đang thay nhau quạt phành phạch cho một người phụ nữ nằm bẹp trên giường. Không có bàn uống nước, bà Hoàng Thị Xuyên (bà nội Thúy) luống cuống kéo chiếc ghế băng vênh váo từ xó nhà ra mời khách ngồi. Chỉ đến khi nghe anh Dư giới thiệu mục đích của chúng tôi, bà Xuyên mới thở phào nhẹ nhõm. Hướng ánh mắt buồn bã ra sân, bà Xuyên cám cảnh: “Từ hôm thằng em con Thúy mất đến nay, mẹ nó cứ nằm bê bết trên giường, chỉ ăn được vài thìa cháo”.
Tìm về đây để xem cuộc sống của Thúy có gì đổi thay, kể từ ngày Nguyễn Hữu Thuyên (bố đẻ cô bé) phải chấp hành 54 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích và hành hạ con, nhưng câu chuyện của chúng tôi bất ngờ chuyển sang hướng khác. Vẫn cái giọng não nề ấy, bà Xuyên kể, trưa 19-5, thằng Thanh (em trai Thúy, 11 tuổi – PV) cùng bạn ra sông Cà Lồ tắm. Nó hí hửng vì trước đó mẹ nó lượm về một chiếc áo phao. Khi tắm, thằng Thanh cho bạn mặc chiếc áo phao của mình. Con sóng đẩy bạn ra xa, thằng bé hốt hoảng kêu gào. Thằng Thanh đang ở rìa sông thấy thế liền nhào ra kéo bạn vào bờ. Ai ngờ… nó chìm nghỉm luôn. Phải đến tận khuya, may nhờ mấy bác thuyền chài thì xác của nó mới được vớt lên bờ. Lúc người ta lặn xuống quờ quạng, thằng Thanh vẫn lửng lơ trong một hõm cát. Nhá nhem hôm ấy, mẹ con Thúy về đến đầu làng mới biết tin dữ, ngất lịm luôn.
Về xã Đức Hòa, chúng tôi không quên mua vài gói bánh, túi thạch làm quà cho chị em Thúy. Vậy mà về đến đây, túi quà của chúng tôi bỗng trở nên vô nghĩa. Không biết làm gì hơn, anh bạn tôi buộc phải đưa lên bàn thờ thắp nén nhang.
Cái nghèo xen lẫn đau thương
Ở thôn Đức Hậu, bây giờ, người ta không chỉ lo lắng cho tương lai của Thúy mà ngay cả mẹ cô bé – chị Nguyễn Thị Miến cũng được liệt vào danh sách những người đàn bà bất hạnh nhất. Ngay từ ngày mới lấy chồng, chị đã lờ mờ nhận ra Thuyên có “vấn đề” về tâm lý. Thế nên ngay sau khi sinh hai đứa con tròn trĩnh, chị buộc phải dằn lòng để con ở nhà cho chồng để xuống Hà Nội thu mua đồng nát. Tuy cuộc sống chẳng thể khấm khá lên, nhưng nhờ sự chắt chiu, tần tảo nên chị Miến cũng lo đủ cho chồng con ngày 3 bữa no.
Cứ tưởng cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua, song chị Miến không thể ngờ ở nhà Thuyên lại nảy nòi ở đâu ra cái “thú” – hành hạ con đẻ. Trong ký ức của Thúy đến giờ vẫn chưa thể nào nguôi ngoai những trận đòn roi nhừ tử của bố. Lần đầu tiên là đầu năm 2006, Thúy tè dầm khi ngủ nên Thuyên bắt con gái phải ngủ dưới nền nhà suốt một tuần liền. Chỉ đến khi chị Miến van xin thì Thuyên mới chịu cho con lên giường ngủ lại. Không lâu sau, Thuyên dùng kim khâu quần áo xỏ lỗ tai cho con, rồi dùng chỉ buộc lại. Vết thương nhiễm trùng, song Thuyên nhất quyết không để vợ bôi thuốc cho con gái. Có lần Thuyên đè con gái ra cắt trọc đầu, bị Thúy phản ứng, anh ta liền giật đứt tai cô bé. Bất kỳ việc làm nào của con gái thấy “ngứa mắt”, Thuyên đều dùng những biện pháp trừng phạt vô cùng tàn ác.
Chuyện Thúy bị treo lơ lửng lên cành cây cạnh đống phân bò cũng diễn ra thường xuyên. Đỉnh điểm về việc tra tấn con của Thuyên là vào những ngày giữa năm 2007. Thuyên lấy kìm bẻ gãy 2 cái răng cửa của Thúy. Chưa dừng lại, Thuyên còn cắt hai miếng dép tông nhét vào tai con gái làm thủng màng nhĩ. Ngay trước khi bị khởi tố, (từ cuối tháng 5 đến 6-2011), Thuyên còn liên tục xích chân con gái mỗi khi vắng nhà… Với chuỗi hành vi táng tận lương tâm đó, giữa tháng 3 vừa qua, Nguyễn Hữu Thuyên bị TAND TP Hà Nội tuyên y án sơ thẩm và hiện đang phải chấp hành án tại một trại cải tạo ở Thanh Hóa.
Kể từ sau khi thoát khỏi sự tra tấn của bố, Thúy đã dần lấy lại được sức khỏe. Cô bé không còn quắt queo, lay lắt như hơn 1 năm trước. Thế nhưng những dấu tích sót lại trên người cô bé thì vẫn còn nguyên, đôi tai “nghễnh ngãng”, 2 chiếc răng cửa không thể mọc lại, còn cái miệng cứ vều ra. Mỗi câu nói của cô bé, người nghe phải hết sức chú tâm thì mới có thể hiểu rõ.
Mặc dù vậy, nhưng khi được hỏi “còn giận bố không”, cô bé khe khẽ lắc đầu. Một câu hỏi tương tự khác “sau này trở về, bố lại đánh đập nữa thì sao?”, giọng thều thào như bà lão, Thúy bảo: “Con tin là bố con sẽ không làm như thế nữa!”. Trong lúc câu chuyện đau buồn về hai đứa con của chị Miến đang được nhắc đến, bất giác người đàn bà này gượng dậy, tựa lưng vào tường để mặc cho những giọt nước mắt lã chã rơi. Giọng yếu ớt, chị Miến bảo: “Chung quy cũng chỉ tại cái nghèo!”. “Mà có ai muốn nghèo, muốn muối mặt cơ chứ. Ở cái xã này có biết bao gia đình được chính quyền cho đủ thứ. Nhưng chẳng hiểu sao có mỗi cái giếng khoan thôi mà nhà tôi làm đơn xin mãi cũng không được” – mẹ Thúy chua chát.
Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định “xen vào” chính sách hỗ trợ hộ nghèo ở địa phương, nhưng nếu điều mẹ bé Thúy nói là sự thật thì những người có trách nhiệm cần phải nghiêm túc xem xét… Rời nhà cô bé khi cái nắng nóng trong ngày của mùa hè đã lên đỉnh điểm, chúng tôi không khỏi quặn lòng. Với bản năng tự nhiên, phóng viên chỉ kịp dúi vào tay Thúy đôi đồng và động viên cô bé chăm ngoan, học giỏi.
Theo ANTD
Đắng lòng chuyện mẹ già gửi đơn tố cáo con trai
Nhiều ngày nay, huyện Thường Tín (Hà Nội) chấn động bởi câu chuyện bà Nguyễn Thị Hởi bị chính con trai mình ngược đãi, dọa giết.
Vừa qua, qua đường dây nóng 01255.911.911, Báo điện tử VTC News nhận được thư phản ánh của bà Nguyễn Thị Hởi (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) về việc bà bị con, cháu "ngược đãi tàn nhẫn, dựng giường chiếu đuổi ra khỏi nhà từ nhiều tháng nay".
Theo thư phản ánh, từ nhiều năm nay, do mâu thuẫn gia đình, ông Nguyễn Ngọc Thảo - cậu quý tử của bà Hởi cùng cô con dâu là Nguyễn Thị Tuân đã không tiếc lời chửi bới, mạt hạ bà Hởi. Thậm chí, người con trai mà bà hết mực yêu thương này còn từng gọi bà là "con đĩ'.
Bà Nguyễn Thị Hởi
Trao đổi với phóng viên VTC News khi đang nằm điều trị sức khỏe tại bệnh viện huyện Thường Tín, bà Hởi cho biết: "Mới đây, vì quá căm ghét tôi nên khi tôi đang bế cháu ngoại, anh Thảo đã đẩy bà cháu tôi ngã. Không chỉ thế, anh Tuấn - con trai anh Thảo, cháu nội tôi còn vào hùa với bố, mắng chửi tôi thậm tệ.Lúc đó, có sự chứng kiến của hai người hàng xóm là ông Ý và bà San. Họ đi ăn cỗ về qua nhà tôi thấy vậy họ bảo với cháu Tuấn: Sao cháu lại hỗn thế, nhưng Tuấn không nghe, và thậm chí còn chửi cả họ".
Trong đơn tố cáo gửi Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín, bà Hởi viết: "Con trai tôi từng nói với tôi: Giờ mày không được về nhà bố, mày về nhà bố, bố giết mày chết".
Để hiểu rõ sự tình hơn, PV VTC News đã tìm tới tận nhà bà Hởi. Được biết, mâu thuẫn trong gia đình họ đã xảy ra từ lâu do tranh chấp đất đai giữa anh Thảo và các cô con gái còn lại của bà Hởi.
Một người hàng xóm của bà Hởi cho biết: "Sự việc này đã gây chấn động cả huyện Thường Tín từ nhiều năm nay. Chưa ai nhìn thấy anh Thảo đánh mẹ cả, nhưng chuyện anh ta mắng chửi mẹ thậm tệ trước đông người thì không ai là không biết cả. Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, nhưng tôi chưa từng chứng kiến cảnh con cái đối xử với mẹ đẻ của mình như vậy. Anh Thảo coi thường đạo lý, bất hiếu với mẹ già của mình quá".
Để đảm bảo an toàn cho bà Hởi cho tới tận khi người ta xây xong một căn nhà cho bà ra ở riêng, xã đã cử một đội an ninh xuống trực ở khu vực đang thi công từ gần một tháng nay
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi - ông Dương Thanh Tĩnh cho biết: "Chúng tôi không bao giờ ủng hộ việc anh Thảo chửi mắng mẹ của mình như vậy. Đó là sự bất hiếu, phi đạo đức. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần đứng ra làm trung gian hòa giải, nhưng chỉ được một thời gian, mọi việc lại đâu vào đấy.Về việc anh Thảo dọa giết mẹ, đánh đập mẹ, chúng tôi chưa có đủ bằng chứng pháp lý để có thể đưa ra những biện pháp xử lý. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn cho bà Hởi cho tới tận khi người ta xây xong một căn nhà cho bà ra ở riêng, xã đã cử một đội an ninh xuống trực ở khu vực đang thi công từ gần một tháng nay theo như yêu cầu từ phía gia đình họ".
Nhiều ngày nay, bà Hởi vẫn sống trong nỗi lo sợ bị chính người con đẻ của mình dọa giết. Bà Hởi than thở: "Khi các chú công an có ở đó, thì nó (anh Thảo - con của bà, pv) hoàn toàn bình thường. Nhưng khi họ về rồi, nó lại mắng chửi tôi, cản trở thi công".
Quá uất ức trước sự bất hiếu của con, bà Hởi nghẹn ngào nói: "Giờ tôi bất lực với chính đứa con trai duy nhất của mình rồi. Tôi khẩn thiết cầu xin xã hội, pháp luật hãy răn dạy cháu, giáo dục cháu dùm tôi".
Theo VTC
Báo động tình trạng đánh đập, ngược đãi công nhân Một thực trạng đáng buồn đang xảy ra ở nhiều KCN, trong các DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đó là nhiều CN bị chủ DN ngược đãi, dùng "chiêu trò" để đuổi việc, thậm chí đánh đập không thương tiếc. Công nhân bị người quản lý đánh bầm giập, thâm tím người (ảnh do LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cung cấp). Bắt...