Thêm nhiều trường ĐH tại TP.HCM cho SV nghỉ học hết tháng 3
Tính đến nay, cả nước đã có 19 trường ĐH và hai học viện cho sinh viên kéo dài thời gian nghỉ đến hết tháng 3-2020 để phòng tránh dịch COVID-19, chủ yếu các trường tại TP.HCM.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tiếp tục cho sinh viên nghỉ học hết tháng 3 (ảnh: PHẠM ANH)
Trưa 12-3, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM đã ra thông báo cho sinh viên toàn trường tiếp tục nghỉ học tập trung tại trường đến hết ngày 29-3. Kế hoạch học tập sau đó sẽ được nhà trường thông báo sau khi dịch bệnh được khắc phục.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng đưa ra thông báo sẽ kéo dài thời gian nghỉ học của học viên, sinh viên toàn trường từ 16-3 đến hết ngày 29-3. Học kỳ 2 năm học sẽ bắt đầu từ ngày 30-3-2020.
Trong thời gian nghỉ, nhà trường cũng lưu ý các sinh viên tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa theo hướng dẫn từ các cơ sở y tế, tiến hành khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, khó thở, giữ gìn sức khỏe và tinh thần trong suốt thời gian không tập trung tại trường. Đồng thời, chủ động nghiên cứu các tài liệu học tập học kỳ 2 mà nhà trường đã gửi đến trang thông tin cá nhân để tự học ở nhà.
Ngoài ra, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng vừa cho biết ban giám hiệu nhà trường đã quyết định cho sinh viên nghỉ đến hết ngày 29-3 do tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp.
Theo Phó Hiệu trưởng Trần Đình Lý, thời gian nghỉ từ sau tết Nguyên đán đến hết ngày 29-3 như hiện nay sẽ được xem là kỳ nghỉ hè sớm của sinh viên trong trường.
Do dịch bệnh đang lan rộng, sinh viên lại đến từ nhiều nơi nên việc đi học lại sẽ rất nguy hiểm. Do đó, năm nay sinh viên sẽ không được nghỉ hè và trường cũng không tổ chức học kỳ hè.
Như vậy, tính đến nay, cả nước đã có 19 trường ĐH và hai học viện cho sinh viên kéo dài thời gian nghỉ đến hết tháng 3-2020 để phòng tránh dịch COVID-19, chủ yếu các trường tại TP.HCM.
Các trường trước đó gồm: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Nhạc viện TP.HCM, bảy đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Tài chính – Marketing, Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa), Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Học viện Cán bộ TP.HCM, Trường ĐH Phú Xuân, Trường ĐH Hùng Vương, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.
Theo PLO
Bạn đã biết chọn ngành học?
Học ngành nào vừa phù hợp với năng lực của bản thân, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội là mục đích để thí sinh lựa chọn ngành nghề. Vậy chọn ngành học thì yếu tố nào quan trọng nhất?
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 11.3, Báo Thanh Niên phối hợp Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình chủ đề 'Chọn ngành đại học: Yếu tố nào quan trọng nhất?'.
Chương trình được phát sóng các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Tham dự chương trình, các khách mời sẽ giúp học sinh giải đáp những băn khoăn đặt ra trong việc chọn ngành học ĐH. Đặc biệt là trước những mâu thuẫn thường thấy giữa mong muốn và năng lực, sở thích và nhu cầu thực tế, quan điểm của cá nhân và kỳ vọng của gia đình.
Chuyên gia tham gia chương trình gồm: Thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo; Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
14:41
Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn trực tuyến Chọn ngành đại học: Yếu tố nào quan trọng nhất?
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Fanpage facebook Báo Thanh Niên và kênh YouTube. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Thưa các bạn, thông tin về dịch bệnh Covid-19 đang là tâm điểm của những sự kiện diễn ra hiện nay, là mối quan tâm của tất cả mọi người. Giáo dục cũng bị ảnh hưởng khi trường học đóng cửa, chương trình học ít nhiều có sự thay đổi. Với các học sinh lớp 12 năm nay việc học, thi, tư vấn ngành nghề... cũng có nhiều tác động.
Cho dù Bộ GD-ĐT có tiếp tục lùi khung thời gian năm học, kỳ thi THPT quốc gia hay không thì học sinh vẫn phải chọn ngành học để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong thời gian tới.
Học ngành nào vừa phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, ra trường tìm được việc làm phù hợp nuôi sống bản thân, gia đình và nuôi dưỡng những hoài bão của mình là mục đích quan trọng nhất để thí sinh lựa chọn ngành nghề học tập. Nhận rõ tầm quan trọng của việc hướng nghiệp nên Báo Thanh Niên phối hợp cùng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM , Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM thực hiện buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề: Chọn ngành đại học: Yếu tố nào quan trọng nhất?
Chương trình có sự tham gia của các khách mời:
- Thạc sĩ Giáo dục học Chế Dạ Thảo
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệTP.HCM
- Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM
Khách mời tham gia chương trình
14:45
Thạc sĩ Giáo dục học Chế Dạ Thảo: Xung đột trong nội tại bản thân các em giữa việc các em yêu thích và khả năng làm được, giữa bản thân và những người xung quanh, giữa các em và những gì diễn ra trong cuộc sống thực tế.
Trong nghề nghiệp mỗi người bị thu hút bởi 3-5 ngành nghề khác nhau nhưng khả năng còn liên quan đến tố chất, khả năng học tập, điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình. Ít bạn nào đặt câu hỏi mình làm được cái gì, năng lực mình ở nhóm ngành nào công việc nào? Phải có điểm giao thoa giữa cái thích và cái làm được. Khi tìm được rồi thì có khi lại xung đột với cha mẹ, ông bà. Thế hệ trên có góc nhìn riêng và luôn muốn cái tốt nhất cho con em, nhưng đó có phải cái mà các em đam mê không lại là câu chuyện khác.
Trong nghề nghiệp mỗi người bị thu hút bởi 3-5 ngành nghề khác nhau nhưng khả năng còn liên quan đến tố chất, khả năng học tập, điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình
Cũng có thể các bạn thích, làm được nhưng trên thực tế nhu cầu nhân lực ngành nghề đó có nhiều hay không...
Tại sao có những xung đột này? Do thiếu thông tin về ngành nghề, thị trường và thiếu sự hiểu biết về chính bản thân: năng lực, đam mê, sở thích. Bản thân các em không biết mình thích gì, có điểm mạnh gì, kể cả học sinh có học lực tốt và học lực thấp đều có thể rơi vào tình huống này. Phải lắng nghe và quan sát cuộc sống để biết đâu là ưu điểm của mình.
Thông tin thì nhiều nhưng thông tin chính xác thì cần có kỹ năng mới chọn lọc được. Việc chọn ngành quá quan trọng nhưng cũng không dễ dàng. Chính vì thế cần phải giải quyết những mâu thuẫn để chọn được ngành phù hợp.
14:47
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung: Việc lựa chọn ngành nghề rất quan trọng. Đầu tiên là quyết định ngành nghề các bạn theo học trong những năm ĐH. Nó cũng liên quan nghề nghiệp sau này bạn sẽ gắn bó và nhiều mối quan hệ trong tương lai.
Vì thế, điều đầu tiên là các bạn đầu tư tìm hiểu năng lực, sở thích bản thân cũng như nền kinh tế - xã hội của ngành nghề, của đất nước...
Các bạn phải có chọn lựa từ rất sớm. Các bạn cần tìm hiểu từ lớp 10, 11 về ngành nghề, sau đó đến lớp 12 chọn lọc và lựa chọn.
Nhiều bạn đăng ký rất nhiều ngành học vì hồ sơ không khống chế số lượng nguyện vọng. Mỗi năm, có nhiều bạn điều chỉnh nguyện vọng, ngoài việc sai sót thì có nhiều bạn thay đổi ngành học đã lựa chọn từ ban đầu. Đôi khi vì đảm bảo khả năng trúng tuyển ĐH mà các bạn chọn ngành không thích, dẫn đến đầu tư công sức, nỗ lực ngành nghề rất khó khăn, ảnh hưởng nhiều hệ lụy sau này.
14:52
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Hiện nay học sinh đang nghỉ vì dịch Covid-19, nhưng chuyện chọn ngành nghề cho tương lai vẫn phải làm và là chuyện cả đời. Nếu có khả năng nhận diện bản thân tốt, các bạn học sinh sẽ lựa chọn ngành phù hợp hơn, đỡ mất thời gian, công sức, tiền bạc.
Ít nhất có 3 điểm quan trọng với người chọn ngành nghề: phẩm chất cá nhân, tính vừa sức, hiểu rõ ngành nghề.
Phẩm chất cá nhân: các bạn có thể phải dùng một số kênh công cụ để tìm ra phẩm chất cá nhân vì ở lứa tuổi 17-18 thì chưa có trải nghiệm nhiều. Cũng cần có quan sát, trải nghiệm, tìm hiểu.
Các bạn cũng nên có sự tham chiếu từ chuyên gia, thầy cô, người làm trong lĩnh vực mình muốn lựa chọn.
Tính vừa sức: bậc học nào, trường nào, vừa sức tài chính (học phí).
Tìm hiểu ngành nghề: chọn mơ hồ thì bỏ sông bỏ biển. Vì mỗi ngành cần tố chất riêng.
15:00
Bạn đọc hỏi: Khi chọn ngành nghề thì nên chọn theo năng lực hay đam mê hay ngành đang là xu hướng của xã hội? Em thích tài chính ngân hàng nhưng không giỏi tính toán thì phải làm sao?
Ba mẹ muốn em học dược để ổn định nhưng em muốn học marketing vì em thấy em phù hợp và xu hướng thị trường lao động cũng cần nhân lực ngành này?
Em rụt rè và ít nói không thích tiếp xúc người lạ vậy học công nghệ ô tô có cần giao tiếp tốt không?
Thạc sĩ Giáo dục học Chế Dạ Thảo: Các em cần lưu ý thông tin về ngành nghề. Học một ngành ra nhưng các em có thể làm nhiều nghề hoặc vị trí công việc khác nhau. Sẽ có sự giao thoa giữa mong muốn của các em với năng lực của bản thân, mong muốn của các em với mong muốn của ba mẹ... Không phải học một ngành thì chỉ làm được một nghề, không nên đóng khung học công nghệ thông tin thì ra chỉ làm về công nghệ thông tin.
Thiếu một trong hai yếu tố sở thích và năng lực thì sẽ rất khó để theo đuổi một nghề nghiệp lâu dài. Khi em đậu ngành em thích nhưng khi học thực tế, em không đủ năng lực thì sẽ không thể tiếp tục. Cho dù nỗ lực để lấy được bằng tốt nghiệp nhưng sau này đi làm khó phát huy, có được thành tựu cao trong nghề nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung: Luôn luôn có sự mâu thuẫn để đi đến quá trình lựa chọn. Quan trọng là thí sinh có sở thích nhiều nhất và năng lực ngành nào tốt hơn. Bạn cần phải tìm hiểu kỹ về 2 ngành này. Ví dụ, học dược cần làm việc với thuốc, làm nhiều trong phòng thí nghiệm, cần chuẩn xác, giỏi các môn hóa, sinh... Ngành marketing cần sự năng động, sáng tạo, giao tiếp, ra quyết định, chăm sóc khách hàng để đưa ra chiến lược marketing...
Luôn luôn có sự mâu thuẫn để đi đến quá trình lựa chọn. Quan trọng là thí sinh có sở thích nhiều nhất và năng lực ngành nào tốt hơn
Sau khi có thông tin ngành nghề, cần xem xét bản thân mình, liệt kê bản thân có khả năng gì. Nếu khả năng bên ngành nào nhiều hơn thì có thể xem xét. Nhưng cũng cần có tìm hiểu, trải nghiệm, hỏi người đi trước để biết ngành nghề như thế nào. Vì ngành nào cũng có thu hút bên ngoài nhưng cũng có khó khăn bên trong.
Chắc chắn khi tìm hiểu kỹ, bạn sẽ quyết định được. Và khi đó, bạn sẽ có lý lẽ để thuyết phục gia đình.
Những ngành khối kỹ thuật công nghệ đòi hỏi khả năng giao tiếp ít hơn các ngành khối kinh tế, dịch vụ. Nhưng khi làm cũng cần có sự tương tác kết nối. Chẳng hạn khi làm dự án cũng cần làm việc cùng người khác.
Khi học, các trường cũng hỗ trợ thêm điều này. Như tại trường có các CLB, từ các hoạt động thì có sự tương tác, giúp các bạn phát triển kỹ năng giao tiếp.
15:13
Bạn đọc hỏi: Học nhóm ngành nhà hàng khách sạn, du lịch cần tố chất nào?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Các bạn hỏi chọn ngành theo năng lực hay đam mê? Nhưng có nhiều bạn có năng lực nhưng chưa có đam mê, hoặc đam mê nhưng chưa xác định rõ năng lực. Ngành nào cũng cần đam mê, nhưng nếu đam mê không có năng lực thì giá trị hành nghề thành công không cao. Khi chưa xác định rõ thì ưu tiên năng lực trước. Sau đó sẽ điều chỉnh, định hướng trong quá trình hành nghề.
Không giỏi tính toán có làm ngân hàng được không? Cơ hội công việc ngành này đòi hỏi giỏi tính toán, đặc biệt cũng cần trí nhớ tốt. Nếu không giỏi tính toán có các phần mềm, công cụ hỗ trợ. Nhưng đó chỉ là một phần.
Với ngành marketing quản trị thương hiệu, nhãn hàng, truyền thông dịch vụ, quảng cáo thì học xong vẫn làm lĩnh vực dược được. Ví dụ làm quản trị marketing cho công ty dược. Hiện nay các ngành có tính liên ngành, có thể làm nhiều nghề, nhiều công việc khác nhau.
Nhóm ngành du lịch, khách sạn, ăn uống cần yếu tố chung là năng động, nhạy bén, xử lý tình huống, thân thiện... thì mỗi ngành cần những tố chất riêng nữa. Như ngành du lịch cần sức khỏe tốt, hiểu về văn hóa lịch sử, có khả năng diễn đạt trình bày, thích di chuyển...
15:26
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung: Học ngành kế toán đòi hỏi cao sự chính xác, tỉ mỉ, chịu áp lực cao. Một sự sai số sẽ kéo theo rất nhiều về tài chính, ngân sách.
Ngành này có cơ hội nghề nghiệp cao. Trong các doanh nghiệp, bộ phận bắt buộc cần có là kế toán. Nhưng để làm lên đến vị trí tốt thì cần đầu tư, tích lũy trong việc học tập.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đào tạo đa ngành, với lĩnh vực kinh tế có các ngành kinh doanh thương mại, kinh doanh quốc tế, quản trị nhà hàng, du lịch, khách sạn... Các ngành nghề luôn có yêu cầu ngành nghề, có bạn ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nhưng có bạn rất thành công, thăng tiến tốt. Khi các bạn có đam mê với nghề, với công việc thì sẽ có đãi ngộ tương xứng.
Nếu bạn không rành về vẽ, có ngành gần nào với ngành kiến trúc không? Với 2 ngành thiết kế đồ họa và thiết kế thời trang bắt buộc phải tham gia thi vẽ. Riêng với kiến trúc và thiết kế nội thất có thể chọn 2 tổ hợp không có môn vẽ là toán - văn - tiếng Anh và toán - văn - lý.
Khi theo học 2 ngành này, khả năng vẽ tay không đòi hỏi nhiều mà học trên máy, sử dụng ứng dụng trên máy tính nhiều. Là sự kết hợp giữa mỹ thuật và kỹ thuật. Bạn không thích kiến trúc lắm thì có thể cân nhắc ngành thiết kế nội thất. Tuy nhiên, 2 ngành này không khác biệt quá nhiều, nên có thể mở rộng ra sự lựa chọn hoặc nâng cao kỹ năng mỹ thuật của mình.
15:27
Bạn đọc Lê Thúy: Em là một cô bé hòa đồng, thích cho lời khuyên và chia sẻ với bạn bè. Các bạn khuyên em sau này nên làm tư vấn viên hoặc chuyên gia tâm lý nhưng em thích học kinh tế. Tính cách hơi hướng về xã hội và con người như vậy em có hợp với kinh tế không. Ví dụ sau một năm học không phù hợp thì em có thể chuyển ngành khác hay không?
Thạc sĩ Giáo dục học Chế Dạ Thảo: Học tâm lý ra các em có thể làm được nhiều việc, hoàn toàn có thể kinh doanh lĩnh vực chuyên môn của mình. Hoạt động kinh doanh đòi sự hiểu biết rộng và chuyên sâu, nhanh nhạy, nắm bắt xử lý...
Một bên liên quan con người, giao tiếp sâu, một bên cần tính toán, chiến lược kinh doanh...
15:29
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Với nhóm ngành kinh tế hay nhóm ngành gần kinh tế đều cần khả năng tư vấn, tham vấn. Em hoàn toàn có thể học và làm tư vấn viên. Quan trọng là chọn ngành nào phù hợp thôi.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM rất mạnh về các chương trình quốc tế
Có bạn hỏi học song ngành thế nào? Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM rất mạnh về các chương trình quốc tế. Có thể chọn chương trình song bằng, nhận 2 bằng của trường và trường đối tác. Ngoài ra, còn chương trình ngành kép, chương trình chuyển tiếp 2 2 hoặc 3 1 (bằng do đối tác cấp).
15:35
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung: Chúng tôi đều mong muốn các bạn chọn đúng ngành, hạn chế chọn sai ngành, mất thời gian công sức. Nhưng có một số bạn rơi vào trường hợp sau năm nhất muốn chuyển ngành. Thường các trường đều xem xét cho các bạn chuyển ngành, nhưng thường cho phép diễn ra trong năm 1, nhất là ở học kỳ 2 khi các bạn học và thấy chưa phù hợp.
Tuy nhiên, các bạn cũng phải đạt điểm trung bình 2.0/học kỳ (theo thang điểm 4.0). Ngành chuyển đến cũng phải có mức điểm trúng tuyển đầu vào bằng hoặc nhỏ hơn ngành đang học. Cũng phải có sự phù hợp, tương xứng về tổ hợp môn xét tuyển...
15:48
Bạn đọc hỏi: Cơ hội việc làm ngành tâm lý học và luật, nếu khả năng diễn đạt hạn chế có thể học 2 ngành này hay không?
Thạc sĩ Giáo dục học Chế Dạ Thảo: Ngành luật tốt nghiệp ra trở thành cử nhân luật chứ chưa thành luật sư. Ngành này có 27 đầu công việc khác nhau. Ngành tâm lý cũng có thể làm ở các môi trường làm việc khác nhau như tại trường học: giáo viên dạy kỹ năng sống cho học sinh, giảng viên môn tâm lý, kỹ năng, tư vấn học đường hỗ trợ tâm lý cho thầy cô và học sinh; tại các viện nghiên cứu: nghiên cứu về tâm lý, khảo sát; tại bệnh viện: tâm lý học trị liệu, tâm lý học lâm sáng, tâm lý học thần kinh, can thiệp hỗ trợ hội chứng tâm lý cho người lớn và trẻ em; tại các công ty, trung tâm có dịch vụ về tư vấn tâm lý; tại các doanh nghiệp: tuyển dụng, phát triển nhân sự...
Công việc của mỗi ngành nghề đều vô cùng đa dạng.
Làm về tâm lý cần rèn luyện kỹ năng, trường có các môn học phát triển kỹ năng cho các em để giúp các em có thể cải thiện khả năng diễn đạt, điểm yếu của mình.
3 yếu tố chọn ngành: hiểu mình, hiểu nghề, hiểu thị trường. Hiểu mình là hiểu được năng lực cốt lõi: trí thông minh, sức khỏe, ngôn ngữ, ngoại hình... hiểu về xu hướng, đam mê: Có thể các em chưa yêu thích công việc ngay từ đầu, mà cần có trải nghiệm ngành nghề. Trải nghiệm mới biết mình có đam mê hay không. Đôi khi phải học cách để thích. Không phải ngay từ đầu thích ngay, nhưng sau khi trải nghiệm các em lại có sự đam mê.
Hiểu nghề là hiểu ngành đó có thể làm công việc gì, hoặc muốn làm nghề đó có thể học nhiều ngành gần với nó rồi học thêm nghiệp vụ...
Hiểu thị trường lao động: Các nơi mình muốn làm việc, địa phương mình muốn làm việc có xu hướng tuyển dụng ngành nghề đó hay không. Chẳng hạn muốn làm việc ở TP.HCM mà học nghề khai thác mỏ thì sẽ khó.
15:49
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên: Thầy cô nào cũng muốn các bạn có giá trị hành nghề cao, liên quan ngành học và chuyên môn. Các bạn cần chuẩn bị ngoại ngữ, kỹ năng, thái độ...
Dù các bạn dựa trên cơ sở nào, cũng cần căn cứ phẩm chất năng lực cá nhân là quan trọng nhất. Nếu chọn ngành, các bạn cần tính toán trước. Đầu tiên là lựa công việc cụ thể, sau đó tính ngành nào học để làm, sau đó chọn bậc học phù hợp, rồi chọn trường nào phù hợp, sau đó chọn phương thức và tổ hợp môn xét tuyển.
15:50
*** Thưa quý độc giả, quý phụ huynh, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin, hiểu biết cần thiết việc lựa chọn ngành nghề. Chương trình sẽ tiếp tục vào thứ năm (12.3) với chủ đề các ngành liên quan đến lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn.
Theo thanhnien
Nhiều trường Đại học tại TP.HCM tổ chức cho sinh viên trở lại trường học tập từ ngày 2/3 Bên cạnh các trường Đại học tiếp tục cho sinh viên nghỉ học đến hết ngày 8/3 để phòng tránh dịch Corona, một số trường đại học vẫn dự kiến bắt đầu học kỳ 2 vào ngày 2/3 tới. Chiều nay 26/2, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có thông báo về thời gian tổ chức giảng dạy, học tập học kỳ...