Thêm nhiều ngành mới tuyển sinh trong năm 2020
Nhiều ngành học mới dự kiến được mở ra trong đợt tuyển sinh năm 2020. Cùng với việc mở mới, một số ngành học sẽ được điều chỉnh về cách thức tuyển sinh hoặc dừng tuyển do nhiều năm không đủ sinh viên.
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TP.HCM năm 2019 – Ảnh: Ngọc Dương
Theo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2020, một số trường ĐH sẽ mở thêm các ngành học mới đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động tương lai.
Nhiều ngành liên quan đến công nghệ
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết dự kiến trường sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành mới gồm: IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, khoa học dữ liệu. Trong đó, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng là ngành được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động. Ngoài ra, trường cũng dự kiến mở thêm chuyên ngành năng lượng tái tạo thuộc ngành kỹ thuật điện – điện tử.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng dự kiến mở thêm một số ngành mới. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để mở một số ngành mới. Tại phân hiệu của trường ở Ninh Thuận, địa phương đang đặt hàng một số ngành về du lịch, kỹ thuật năng lượng tái tạo, kinh tế biển, logistics, nông nghiệp công nghệ cao…
Video đang HOT
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng thông tin trường sẽ chính thức tuyển sinh ngành du lịch (từ một chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh trước đó). Chương trình đại trà còn có thêm ngành quản trị chuỗi cung ứng và logistics. Ngoài ra, trường còn tuyển sinh nhiều ngành thuộc chương trình chất lượng cao (như khoa học máy tính, kinh tế, Đông Nam Á); chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh (quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán).
Ở các trường ngoài công lập, nhiều ngành mới cũng dự kiến được tuyển sinh trong năm tới. Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở thêm ngành tiếp thị kỹ thuật số, quản lý công nghiệp, kỹ thuật y sinh… Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến sẽ có 5 ngành mới gồm: kinh doanh thương mại, thương mại điện tử, luật, kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng.
Trong số 22 ngành với tổng chỉ tiêu dự kiến 2.400 chỉ tiêu năm 2020, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM dự kiến có thêm 2 ngành mới gồm: kinh doanh thương mại (xét tổ hợp A00, A01, D01, C00) và ngôn ngữ Trung Quốc (xét tổ hợp A01, D01, D14, D15).
Đổi tên hàng loạt ngành
Ngoài ra, các trường cũng có những điều chỉnh về ngành nghề trong năm tới.
Trường ĐH Khoa học xã hội – nhân văn TP.HCM vừa có quyết định đổi tên 7 ngành học thuộc khối ngành ngoại ngữ. Cụ thể, tên ngành ngữ văn Anh đổi thành ngôn ngữ Anh. Tương tự là ngành ngôn ngữ Đức, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Tây Ban Nha, ngôn ngữ Ý.
“Điều chỉnh này chỉ thay đổi tên ngành, chương trình đào tạo các ngành vẫn giữ nguyên, đảm bảo chất lượng đào tạo và sự phù hợp với thực tế. Việc thay đổi tên các ngành đào tạo ngoại ngữ từ “ngữ văn” sang “ngôn ngữ” sẽ không thay đổi thế mạnh chuẩn đầu ra của người học về ngôn ngữ và văn chương nước ngoài”, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng dự kiến mở thêm ngành mới cho chương trình chất lượng cao tiếng Anh. Với chương trình đại trà, theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, dự kiến sẽ thực hiện tuyển sinh chung một số ngành như: hóa – sinh – công nghệ thực phẩm, điện – điện tử, xây dựng… Các ngành tuyển sinh chung này sinh viên sẽ được học chung một năm đầu trước khi tách ra các ngành cụ thể. Cũng tại trường này, năm tới có thể có xu hướng ngược lại là tách cơ khí thành 1 – 2 ngành để tuyển sinh riêng, tăng thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho thí sinh.
Song song với việc mở ngành mới, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng dự kiến dừng tuyển sinh một vài ngành do khó tuyển sinh các năm trước như: ngôn ngữ Pháp, xây dựng cầu đường…
Trong khi đó, một số trường ĐH tại địa phương thực hiện ghép các khoa chuyên môn trong năm tới. Chẳng hạn, Trường ĐH Đà Lạt có chủ trương ghép 2 khoa vật lý và kỹ thuật hạt nhân, khoa hóa và khoa môi trường, khoa văn và khoa sử. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết việc sắp xếp các khoa chuyên môn nhằm tinh gọn bộ máy, tận dụng nguồn lực để phát triển chuyên môn. Tuy nhiên việc này chỉ ghép khoa, các ngành tuyển sinh vẫn được giữ ổn định.
Theo thanhnien
Học sinh có vấn đề trong học tập do cách thức thi
Ở những trường sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh, tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét điểm kỳ thi quốc gia vẫn chiếm chủ yếu.
Cần thay đổi cách thức thi THPT quốc gia để 'học thật' - Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch
Ngay cả những đơn vị đã tự đứng ra tổ chức được kỳ thi riêng bằng kỳ thi đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia TP.HCM thì đơn vị này vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho kỳ thi chung quốc gia. Trong thời gian tới, kỳ tuyển sinh năm 2020, việc các trường không sử dụng kết quả kỳ thi này cũng chưa thể xảy ra.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), kỳ thi THPT quốc gia dù có các năm bộc lộ những điểm hạn chế nhưng vẫn có giá trị nhất định.
"Nếu cơ quan nhà nước tổ chức tốt được kỳ thi chung thì có lợi cho xã hội vì vẫn cần thước đo chung cho VN. Quan trọng là cách thức tổ chức như thế nào để khoa học, đảm bảo độ tin cậy", ông Chính nói. Theo ông Chính, không chỉ VN mà nhiều quốc gia vẫn đang thực hiện một kỳ thi chung quốc gia để làm căn cứ xét vào ĐH như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan...
Mặt khác, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng không phải trường ĐH nào cũng đủ sức tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Trong bối cảnh có trường đủ năng lực, trường chưa đủ năng lực để tổ chức kỳ thi riêng thì vẫn cần một thang đo để đánh giá người học.
Ông Chính nhấn mạnh: "Như kỳ thi đánh giá năng lực là cần thiết cho ĐH Quốc gia TP.HCM và một số trường nhằm chọn lựa người học theo hướng năng lực. Kỳ thi này được xem như thang đo riêng của ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng vẫn sử dụng đồng thời nhiều phương thức khác nhau, trong đó có kỳ thi quốc gia. Bởi lẽ, khi kỳ thi quốc gia vẫn là lựa chọn chính của người học thì kết quả kỳ thi vẫn là phương thức quan trọng".
Theo ông Chính, trong tương lai, tùy điều kiện cụ thể và đặc thù tuyển sinh từng ngành, tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức chung hoặc riêng sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn. Việc thay đổi kỳ thi THPT quốc gia thời gian tới cần hướng tới giúp học sinh "học thật". Ông Chính nói: "Gần đây, việc học của học sinh để phục vụ cho kỳ thi này đang có nhiều vấn đề. Các vấn đề này bị tác động từ cách thức thi. Do vậy, cần điều chỉnh cách thi, đề thi để học sinh học thật, học để nhớ bài - điều mà kỳ thi hiện nay chưa được yêu cầu".
Còn tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Nếu yêu cầu tất cả các trường đều phải có kỳ thi riêng sẽ không ổn. Việc này cần có thời gian và lộ trình hợp lý. Vì vậy, trước mắt vẫn cần một kỳ thi có chuẩn chung".
Theo thanhnien
Xây dựng thương hiệu đại học: Chất lượng dịch vụ giáo dục là yếu tố cốt lõi Muốn nâng cao vị thế, nâng tầm hệ thống GDĐH hướng đến hội nhập, ngoài việc khẳng định hướng đi, các trường buộc phải xây dựng thương hiệu cho chính mình. Chỉ khi có thương hiệu, định hình được thương hiệu nhà trường thì mong mỏi hội nhập quốc tế, vươn tầm của một trường đại học mới có tính thực tế. Thư...