Thêm ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên sát 9%/năm
Chỉ 100 triệu đồng gửi ngân hàng cũng có thể hưởng lãi tới 8,9%/năm.
Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank) vừa thông báo về việc tăng lãi suất tiền gửi cho tất cả khách hàng giao dịch từ ngày 14 đến 18/10.
Theo đó, mức lãi suất tối đa sẽ được ngân hàng điều chỉnh lên 8,9%/năm, tăng 0,3% so với lãi suất tối đa hiện tại. Cụ thể, đợt điều chỉnh lãi suất lần này của Vietcapital Bank tập trung vào 3 kỳ hạn gồm 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng, tương ứng với mỗi kỳ hạn là mức lãi suất 8,5%/năm, 8,7%/năm, và 8,9%/năm.
Để được hưởng lãi suất như trên, người gửi tiền chỉ cần gửi tối thiểu 100 triệu đồng.
Trước đó ngân hàng SHB thông báo lãi suất huy động lên cao nhất là 9%/năm – cao nhất toàn thị trường, nhưng áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng. Với khoản tiền gửi này, các cá nhân được hưởng lãi 9% của SHB có lẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Video đang HOT
Trong khi đó mức lãi suất 8,9% ở Vietcapital Bank áp dụng chỉ yêu cầu khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên, đồng nghĩa với việc hầu như ai có tiền gửi kỳ hạn dài ở nhà băng này cũng được hưởng lãi cao như vậy, và bản chất đây mới là mức lãi suất cao nhất.
Mức lãi trên 8%/năm hiện nay cũng được nhiều ngân hàng áp dụng cho các khoản tiền gửi dài hạn, có thể kể đến như ABBank, Nam A Bank, SCB, Eximbank, Sacombank, NCB, Việt Á…
Ngoài ra, một số ngân hàng duy trì sản phẩm chứng chỉ tiền gửi nhằm hút vốn dài hạn cũng cho lãi suất rất cao, trên dưới 9%/năm, thậm chí là hơn 10%/năm như ở Vietcapital Bank.
Làn sóng nâng lãi suất lên cao của một số ngân hàng đang làm cho mặt bằng lãi suất huy động trở nên cao hẳn so với trước. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc phải chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đua lãi suất trên. Và BVSC ước tính, so với thời điểm đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã tăng khoảng 0,4%
Nhận xét về xu hướng lãi suất cuối quý cuối năm nay, nhóm các nhà phân tích của công ty chứng khoán SSI cho rằng lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng cao và rất có khả năng giảm. “Việc giảm lãi suất điều hành có thể giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn cao điểm cuối năm, giúp lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định nhưng khả năng giảm trong quý 4/2019 là khá thấp” – SSI nhận định
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ
Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động vốn
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều nhằm phục vụ cho kinh doanh cao điểm cuối năm. Để có nguồn vốn đáp ứng cho các doanh nghiệp, các ngân hàng gia tăng huy động vốn với nhiều giải pháp, trong đó, có giải pháp tăng lãi suất huy động tiền gửi nhằm thu hút người gửi tiền.
Người dân gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Đà Nẵng.
Cũng như ở các tỉnh, thành khác trong cả nước, từ đầu tháng 9-2019 đến nay, lãi suất huy động vốn của nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng đã được điều chỉnh tăng lên so với trước. Nếu như trước đây, mức lãi suất huy động tiền gửi trên 8%/năm chỉ được một số ngân hàng áp dụng với kỳ hạn dài, thì trong tháng 9-2019 đã trở nên khá phổ biến. Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank)- Chi nhánh Đà Nẵng hiện có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 10,2% năm. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)- Chi nhánh Đà Nẵng cũng đang áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 8,9%/năm; lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn với mức cao nhất là 8,2%/năm. Một số ngân hàng khác cũng nhảy vào cuộc đua tăng lãi suất huy động tiền gửi, như: Ngân hàng TMCP An Bình (Abbank)- Chi nhánh Đà Nẵng; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)...
Chưa kể một số ngân hàng còn "đi đêm" với người gửi tiền tiết kiệm loại có kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng (có mức lãi suất bị khống chế trần ở mức 5,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) bằng cách cộng thêm lãi suất hoặc tặng tiền để lãi suất cộng thêm và số tiền tặng này ngoài sổ tiết kiệm nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Trước thực trạng này, giám đốc một ngân hàng thương mại ở Đà Nẵng chia sẻ: "Ngân hàng chúng tôi thường xuyên duy trì lãi suất ổn định theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhưng hiện nay, một số ngân hàng đua tăng lãi suất huy động vốn làm cho nhiều khách hàng của chúng tôi so bì, thậm chí có khách hàng còn "dọa" sẽ rút tiền đi gửi ở ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, buộc chúng tôi phải tăng lãi suất theo".
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Việc các ngân hàng thương mại trên địa bàn Đà Nẵng đua tăng lãi suất huy động vốn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, gây bất ổn thị trường tiền tệ. Trước thực trạng đua tăng lãi suất huy động vốn nói trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại các tỉnh, thành nói chung, Đà Nẵng nói riêng phải có biện pháp can thiệp duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và tình hình KT-XH tại địa phương... Đặc biệt, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các ngân hàng thương mại trên địa bàn vi phạm các quy định của Luật các tổ chức tín dụng nói chung, về lĩnh vực huy động vốn nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Võ Minh, việc kiểm tra và xử lý vi phạm về huy động vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP gặp phải khó khăn do quy định trừ tiền gửi cho đến 6 tháng hiện nay bị khống chế trần là 5,5%/năm, còn lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng thỏa thuận lãi suất với người gửi tiền.
Để ổn định mặt bằng lãi suất nói chung, lãi suất huy động vốn nói riêng trên thị trường TP Đà Nẵng, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đang theo dõi sát tình hình huy động vốn, biến động về lãi suất huy động vốn để có biện pháp can thiệp kịp thời nhắc nhở, đề nghị các ngân hàng không chạy đua tăng lãi suất, giữ mặt bằng lãi suất ổn định. Đối với trường hợp ngân hàng "đi đêm", tăng lãi suất huy động vốn trái với quy định của pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng sẽ xử phạt nghiêm minh.
"Người dân, khách hàng gửi tiền nên chọn các ngân hàng thương mại uy tín, có mức lãi suất hợp lý để gửi tiền, đừng vì cuộc đua tăng lãi suất mà rút tiền đi gửi lòng vòng ở các ngân hàng có lãi suất cao hơn. Qua đó, góp phần cùng với Nhà nước ổn định mặt bằng lãi suất, thị trường tài chính, ngân hàng trên địa bàn TP", ông Võ Minh đưa ra lời khuyên.
PHÚ NAM
Theo Cadn.com.vn
Vốn ngoại vào ngân hàng: Cuộc đua không dễ chơi Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, không khó để nhận ra thời gian gần đây vốn ngoại đã và đang có những tín hiệu tích cực khi đổ vào các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vốn ngoại vào ngân hàng có thực sự "dễ thở" và sẽ giúp ngân hàng vươn cao hơn nữa hay không đang còn là dấu...