Thêm giải pháp hỗ trợ vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việt Nam hiện có 79% doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng 50% lao động và đóng góp 40% GDP. Thế nhưng, khảo sát của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho thấy, chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguồn vốn này khó tiếp cận do ngân hàng luôn yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, phương án sản xuất khả thi… Thực tế này khiến cho quy trình sản xuất của doanh nghiệp luôn bị thiếu nguồn vốn lưu động.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền, cán bộ cao cấp thị trường tài chính IFC, cho biết, IFC đã thiết kế chương trình hỗ trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất thấp hơn lãi suất vay của ngân hàng.
Theo đó, chỉ cần doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà IFC tài trợ, doanh nghiệp cung ứng sẽ được hỗ trợ vốn vay tương ứng 100% tổng chi phí trên hóa đơn cần thanh toán. Điều này giúp cho thanh khoản của doanh nghiệp linh hoạt hơn.
Trên thực tế, việc triển khai chương trình tài trợ chuỗi cung ứng đã và đang phát huy hiệu quả nhất định, giảm thiểu khó khăn về thiếu vốn lưu động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, cho biết, để có thể tiếp cận những chính sách hỗ trợ từ tổ chức tín dụng tài chính nói chung, trước hết bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện nội lực sản xuất của mình để đáp ứng tiêu chuẩn cung cấp của các chuỗi cung ứng toàn cầu như số lượng đơn hàng, chất lượng sản phẩm, giao hàng đúng giờ, giảm tỷ lệ hàng lỗi và giảm giá thành đủ cạnh tranh với các nhà cung ứng toàn cầu khác…
Hỗ trợ kịp thời mới quý
Sau khi tạm khống chế được đại dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng để giúp đỡ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch vượt qua khó khăn. Ý tốt của Chính phủ là vậy, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận gói hỗ trợ đó.
Người dân, nhất là doanh nghiệp luôn mong muốn nhận được kịp thời nguồn vốn hỗ trợ trong cơn khủng hoảng. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", vì thế nguồn hỗ trợ trong lúc khó khăn như thế này dù chỉ là một đồng cũng là hết sức đáng quý, giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực. Song, dù có đến hơn 300.000 tỷ đồng phía các ngân hàng thương mại đã hứa, cam kết hỗ trợ, nhưng rất ít doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói hỗ trợ đó.
Đơn giản là việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp không hề đơn giản, rất rườm rà, nhiều thủ tục nhiêu khê mà nhiều doanh nghiệp khó lòng đáp ứng. Ví dụ như phải có thế chấp, phải có bảo lãnh vay... thì các ngân hàng mới dám "xuất tiền" ra cho doanh nghiệp vay. Vậy thì làm sao những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đáp ứng, nhất là sau cơn khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19?
Tất nhiên ngân hàng cũng có những quy định của ngành mình để đảm bảo không phát sinh quá nhiều nợ xấu, rủi ro dẫn đến mất thanh khoản. Song, nếu cứ nhất nhất áp dụng các quy định, nguyên tắc cứng nhắc thì nhiều doanh nghiệp chỉ còn biết đứng nhìn chiếc bánh mà thèm, chứ không thể có cơ hội được ăn. Nếu doanh nghiệp mà đáp ứng được những điều kiện đó thì đâu còn "khó khăn" nữa?
Hoặc giả doanh nghiệp có thể đáp ứng đủ yêu cầu khắt khe từ phía ngân hàng, nhưng thời gian xét duyệt hồ sơ quá lâu cũng khiến cho họ khó lòng chờ được. Khi mà cơn khát vốn đã ở mức cực điểm như nắng hạn lâu ngày, nếu không có "cơn mưa" vốn tưới xuống thì "cây doanh nghiệp" sẽ chết khô, dù sau đó có trút vốn vào cũng không thể cứu vãn được. Vậy mới nói tình thần hỗ trợ đã là quý, nhưng nếu hỗ trợ kịp thời còn quý hơn. Đừng để ý tốt của Chính phủ đến với doanh nghiệp quá muộn khiến họ không có cơ hội để hưởng.
Vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh - Bài 2: Tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng vẫn khó Việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bước đầu đã tạo điều kiện cho nhiều khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh. Gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bước đầu đã tạo điều kiện cho nhiều khách hàng vượt qua khó khăn....