Thêm cơ hội sống cho người bệnh hiểm nghèo
Lâu nay ung thư được xem là “cái chết được báo trước” đối với nhiều người. Tuy nhiên, việc áp dụng nhiều phương pháp điều trị tiên tiến đã giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công, bệnh nhân ung thư có thể kéo dài sự sống.
Tại Trung tâm Ung bướu ( Bệnh viện Bãi Cháy), các y, bác sĩ đã và đang nỗ lực điều trị cho những ca bệnh ung thư, mang lại sự sống, niềm vui cho nhiều người bệnh và gia đình họ.
Ca phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân ung thư trực tràng tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy.
Mang cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư
8h sáng, Bệnh viện Bãi Cháy tấp nập người vào ra. Đằng sau cánh cửa sắt ngăn khu vực phòng mổ và các phòng bệnh, đèn điện sáng choang, tiếng thiết bị tít tít liên hồi, tiếng va chạm của băng ca, tiếng bước chân bác sĩ vội vã… Sau khi được sự đồng ý của Bệnh viện và thay đồng phục, tôi đã vào phòng mổ.
Lúc này, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Ung bướu 1, Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy) bắt đầu thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân Nguyễn Kim B. (82 tuổi, đến từ huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Bệnh nhân bị ung thư trực tràng, được chẩn đoán giai đoạn 3.
Bác sĩ Dũng là phẫu thuật viên chính thực hiện mở ổ bụng bệnh nhân, cắt, lọc, khâu nối… Sau 1h30′ ca phẫu thuật thành công. Bệnh nhân được cắt đoạn trực tràng nối ngay một thì, không phải đeo hậu môn nhân tạo, nên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân chắc chắn sẽ tốt hơn.
Đây là ca phẫu thuật đầu tiên trong 4 ca mổ trong ngày mổ phiên được sắp xếp lịch mà bác sĩ Dũng thực hiện. Hằng tuần, ngoài những ngày mổ phiên (2-3 ca mỗi ngày), bác sĩ Dũng còn trực cấp cứu, trực nội trú. Mỗi ca mổ nhanh khoảng 30′, nhưng có những ca tới 10-12 tiếng đồng hồ. Những ngày kết thúc công việc quá muộn, bác sĩ Dũng không về nhà, mà ở lại viện ngủ một chút để sáng hôm sau làm việc luôn.
“Bác sĩ phẫu thuật không có khái niệm hết giờ hành chính, mà chỉ có hết bệnh nhân, hết ca mổ thì được về. Còn ca mổ kết thúc lúc nào thì không ai biết trước được. Vì vậy, việc ăn quá bữa hay phải đứng mổ xuyên đêm cũng là chuyện hết sức bình thường đối với bác sĩ phẫu thuật” – Bác sĩ Dũng chia sẻ.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng ( bên phải ) phẫu thuật viên chính ca mổ ung thư trực tràng.
Khoa Ung bướu 1 là một trong 4 khoa thuộc Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy), chức năng chính là điều trị, chăm sóc người bệnh ung thư đường tiêu hoá, phụ khoa, tiết niệu. Với 28 năm công tác trong ngành y, đã trải qua nhiều đơn vị công tác, từ tuyến y tế cơ sở, nên bác sĩ Dũng càng thấu hiểu niềm mong mỏi được điều trị khỏi của bệnh nhân.
Nhất là khi lựa chọn điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân ung thư thì hành trình mang lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho người bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Gần 20 năm làm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ Dũng nói chưa bao giờ thấy hết yêu công việc.
“Trong ung thư, phẫu thuật là một trong các phương pháp điều trị lâu đời nhất và có vai trò quan trọng hàng đầu. Nhất là bệnh nhân ở giai đoạn sớm, phẫu thuật cùng với phối hợp với phương pháp hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích… có thể mang lại cơ hội điều trị khỏi bệnh. Bởi vậy, tôi hy vọng có thể mang đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh” – Bác sĩ Dũng cho biết.
Bác sĩ Dũng kể, 4 tháng trước, bệnh nhân Nguyễn Kim B. sút cân, ăn kém, đi ngoài phân nhày máu…, được đưa ra Quảng Ninh khám bệnh.
Sau khi được chẩn đoán ung thư và tư vấn điều trị, gia đình đã quyết định ở lại Trung tâm Ung bướu điều trị. Sự tin tưởng của người bệnh và gia đình người bệnh là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa trong hành trình mang đến cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư.
Video đang HOT
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cùng các đồng nghiệp trao đổi trước ca mổ.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân khi được chỉ định mổ cắt khối u thường chần chừ vì sợ “đụng dao kéo” sẽ làm khối u ung thư bùng phát và di căn nhanh hơn, nhất là ở người lớn tuổi. Trên thực tế, có một số ít bệnh nhân sau mổ được bác sĩ cho biết bệnh nặng hơn dự đoán, do các phương tiện chẩn đoán không phải lúc nào cũng phát hiện được hết các tổn thương, nhất là các tổn thương nhỏ, rải rác.
Vì vậy, khi mổ bác sĩ có thể phát hiện khối u đã lan tràn hơn dự kiến, điều này không phải do mổ làm bệnh nặng hơn, mà là các khối u đã có từ trước mà không phát hiện được. Ngoài ra, một vài bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau đớn nhiều hơn sau phẫu thuật, nhất là các ca mổ lớn, và cho rằng “tại mổ mà bệnh nhiều hơn”. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do thời gian ca mổ lớn kéo dài làm cơ thể họ chậm hồi phục.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo: Nếu người dân chẳng may mắc bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa, không nên vì vài trường hợp cá biệt hoặc vài lời đồn thổi mà mất đi cơ hội chiến thắng bệnh ung thư. Đối với từng người bệnh, chúng tôi sẽ có chỉ định riêng phù hợp với sức khỏe và hiệu quả sau phẫu thuật.
Bởi trong công tác phòng bệnh ung thư, phẫu thuật giữ vai trò hết sức quan trọng và cần thiết. Cùng với việc phòng tránh các yếu tố gây ung thư, phẫu thuật cắt bỏ những tổn thương tiền ung thư sẽ góp phần tích cực làm hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh.
Các bác sĩ thăm khám cho người bệnh đang điều trị tại Khoa Ung bướu 1, Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy).
Chẩn đoán bệnh ung thư chỉ đầy đủ, chính xác và có giá trị khi có kết quả chẩn đoán mô bệnh học. Vì thế, phẫu thuật là phương tiện duy nhất để lấy mẫu bệnh phẩm.
Từ đó có thể xác định giai đoạn bệnh chính xác để có thể điều trị bệnh hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, phẫu thuật trong chăm sóc giảm nhẹ, phẫu thuật tạo hình, phục hồi các tổn thương có thể giúp giảm triệu chứng và tăng cường chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Địa chỉ tin cậy của người bệnh
Bác sĩ Khoa Ung bướu 1, Trung tâm Ung bướu, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
Bệnh nhân Đinh Thị Vân (phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả) vừa được phẫu thuật cắt khối u GIST ở tá tràng (bệnh lý u mô đệm đường tiêu hóa – loại ung thư của các mô liên kết và xương). Trước đó, bà Vân đã chủ động khám định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, được phát hiện khối u lạ ở tá tràng và được chuyển tuyến điều trị. Sau phẫu thuật, bà Vân được trị liệu đích, nhằm tiêu diệt tế bào ung thư một cách chính xác.
Bà Vân cho biết: Tôi chưa đau hay có biểu hiện gì mà chỉ qua thăm khám định kỳ phát hiện bệnh. Ngay sau khi được chẩn đoán bệnh, tôi và gia đình quyết định lựa chọn điều trị tại Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Bãi Cháy.
Thời gian điều trị ở đây, điều tôi cảm thấy an tâm nhất là được các y, bác sĩ chăm sóc rất nhiệt tình, không có những biểu hiện tiêu cực. Khu điều trị sạch sẽ, thoáng mát, nên người bệnh giảm bớt mệt mỏi trong quá trình điều trị.
Theo bác sĩ Dũng, với những tiến bộ trong lĩnh vực y học hiện nay, ung thư hoàn toàn có thể được phát hiện sớm để chữa lành. Trước kia, phần lớn bệnh nhân ung thư đến bệnh viện trong giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật hoặc hiệu quả sau phẫu thuật không cao. Nhưng trong những năm gần đây, số bệnh nhân được phát hiện sớm đã tăng hơn trước, nhờ việc chủ động thăm khám định kỳ.
Với định hướng phát triển điều trị ung thư toàn diện theo hướng đa mô thức, Trung tâm ung bướu đã giúp nhiều bệnh nhân ung thư cải thiện thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại Quảng Ninh, hầu hết các đơn vị y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh có khả năng khám sàng lọc nhằm phát hiện bệnh sớm, tăng khả năng điều trị bệnh. Mỗi người cần sớm phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ ung thư như sự thay đổi tính chất phân hoặc thói quen đi tiểu; có vết loét không lành; chảy máu bất thường; xuất hiện vùng mô dày lên dưới da, có khối u ở vú hoặc các bộ phận khác của cơ thể; mụn cóc hoặc nốt ruồi bị thay đổi màu sắc hoặc kích thước; khó tiêu hoặc khó nuốt; ho khàn tiếng; giảm cân không rõ lý do… Khi có bất cứ dấu hiệu nào, người dân cần đi khám để được tư vấn kịp thời.
Từ tháng 2/2019, Trung tâm Ung bướu tại Bệnh viện Bãi Cháy đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Tuy thành lập muộn hơn so với các khoa, phòng khác của Bệnh viện Bãi Cháy nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện cũng như sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ nhân viên, Trung tâm Ung bướu đã ngày càng lớn mạnh, trở thành một trong những địa chỉ điều trị ung bướu hiện đại và đồng bộ, được nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn.
Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh tại Trung tâm từ 150 đến 200 người mỗi ngày. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đều có chuyên môn vững, tinh thần trách nhiệm cao, giàu y đức, luôn làm việc vì lợi ích, sự an toàn và sức khỏe của bệnh nhân. Nguồn nhân lực của trung tâm được đào tạo chuyên ngành ung bướu tại các bệnh viện trong nước và quốc tế, hoàn toàn làm chủ trang thiết bị và kỹ thuật.
Xạ hình xương là kỹ thuật khó trong chẩn đoán ung thư đã được triển khai thành công tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy.
Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy được đầu tư, trang bị nhiều máy móc hiện đại chuyên về chẩn đoán và điều trị ung bướu, như: Máy xạ trị gia tốc tuyến tính, hệ thống máy SPECT, hệ thống CT mô phỏng, hệ thống phẫu thuật nội soi, máy đốt lạnh, máy truyền dịch, kính hiển vi, bơm tiêm điện…
Trung tâm hiện đã triển khai, làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị ung thư, như phẫu trị, hóa chất, xạ trị – y học hạt nhân, nút mạch, đốt u bằng công nghệ vi sóng, điều trị giảm nhẹ, điều trị đích…
Trong đó có nhiều kỹ thuật mới được áp dụng sâu rộng trên thế giới, như xạ hình tuyến giáp, xạ hình thận, xạ hình xương thuộc chuyên ngành Y học hạt nhân. Nhờ làm chủ nhiều kỹ thuật, các bác sĩ có thể phối kết hợp các phương pháp này trong điều trị đa mô thức, làm tăng hiệu quả thành công, bảo tồn các cơ quan và chức năng của cơ quan, cải thiện thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư.
Dấu hiệu phổ biến giúp người phụ nữ phát hiện sớm ung thư trực tràng
Bà Bắc ở Thanh Hoá may mắn phát hiện sớm ung thư trực tràng nhờ để ý dấu hiệu thay đổi của cơ thể.
Bà Lê Thị Bắc, 66 tuổi ở Thanh Hoá đến Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh thăm khám do thường xuyên thấy đau bụng từng cơn vùng hố chậu trái và hạ vị, kèm đi ngoài phân lẫn máu nhiều ngày.
Hình ảnh nội soi đường tiêu hóa phát hiện đám tổn thương dạng u ống tuyến lan tỏa tại trực tràng. Tổn thương chiếm 2/3 chu vi trực tràng lan xuống ống hậu môn.
Kết quả giải phẫu mẫu bệnh phẩm cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương tiền ung thư trực tràng. Sau hội chẩn, các bác sĩ chỉ định nội soi can thiệp cắt hớt niêm mạc để loại bỏ các khối polyp lớn trong lòng trực tràng.
Hình ảnh các khối sùi lớn ken đặt lòng trực tràng (ảnh phải) và hình ảnh sau khi được cắt bỏ
BS Lê Thị Kim Liên cho biết, ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Toàn bộ khối tổn thương đã được cắt bỏ, làm sinh thiết để xác định có tế bào ung thư hay không và ở giai đoạn nào.
24 giờ sau can thiệp, bà Bắc đã có thể đi lại, không đau đớn, khó chịu, sinh hoạt bình thường.
BS Liên cho biết, trước khi có kỹ thuật cắt hớt niêm mạc, những trường hợp như bà Bắc sẽ phải cắt bỏ trực tràng - hậu môn, sau đó phải làm hậu môn nhân tạo, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, gây tâm lý ngại ngùng, tự ti cho người bệnh.
BS Nguyễn Quảng Đại, khoa Thăm dò Chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết thêm, kỹ thuật cắt hớt niêm mạc thực hiện qua nội soi có thể cắt trọn vẹn các khối u, tổn thương ung thư sớm ở niêm mạc ống tiêu hóa như ung thư thực quản, dạ dày, ung thư đại trực tràng... giúp người bệnh tránh được cuộc đại phẫu cắt bỏ đoạn ống tiêu hóa tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, bảo tồn đường tiêu hóa, giảm đau đớn.
Người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng, sinh hoạt bình thường sau 1 ngày can thiệp, rút ngắn chi phí, thời gian nằm viện.
Bác sĩ khám lại cho bệnh nhân sau khi nội soi cắt hớt niêm mạc trực tràng
Tại Việt Nam, ung thư đường tiêu hoá là một trong những ung thư phổ biến nhất. Riêng ung thư đại trực tràng, trong năm 2020 ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới.
Ung thư đại trực tràng thực chất là ung thư ruột già, là phần cuối của ống tiêu hóa sau đoạn ruột non.
Đáng tiếc, tỉ lệ bệnh nhân đến BV chẩn đoán, phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm chỉ hơn 20%, số còn lại đều đến viện ở giai đoạn tiến triển 3-4, do đó điều trị gặp nhiều hạn chế.
Trước đây, ung thư đại trực tràng hay gặp ở người trên 50 tuổi nhưng hiện nay có xu hướng trẻ hoá, nhiều trường hợp mới 12-16 tuổi đã phải phẫu thuật.
TS.BS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm khi mắc ung thư đại trực tràng lên tới 85- 90%, khi đó bác sĩ chỉ cần cắt tách dưới niêm mạc như trường hợp bệnh nhân Bắc.
Nếu phát hiện ở giai đoạn 2, tỉ lệ sống sau 5 năm còn khoảng 80%, giai đoạn 3 còn khoảng 40-60% nhưng đến giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 10%.
Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu ung thư đại trực tràng có thể gặp là đầy hơi, chướng bụng, rối loạn thói quen đi ngoài, đôi khi đi ngoài ra máu, táo bón, phân lỏng... khiến nhiều người lầm tưởng là rối loạn tiêu hoá thông thường.
Ở giai đoạn sớm, có khoảng 70-80% trường hợp có dấu hiệu đau bụng, đau không liên quan bữa ăn. Cơn đau có thể dài hay ngắn, từ vài phút đến vài giờ.
Đến giai đoạn muộn, khối u trong lòng ruột to dần khiến khuôn phân nhỏ dẹt thậm chí gây bán tắc ruột, sút cân không rõ nguyên nhân, suy nhược...
Để chẩn đoán, nội soi sinh thiết khối u được coi là tiêu chuẩn vàng để xác định ung thư đại trực tràng.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh trĩ Trĩ là một loại bệnh của mạch máu tĩnh mạch, có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng tuy nhiên nhiều người vẫn chủ quan, e ngại không đi khám bệnh dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân gây bệnh Thói quen ăn uống: Ít ai có thể ngờ rằng việc ăn uống hàng ngày cũng là một trong những nguyên...