Thêm chương trình lớp 10, đề thi môn văn nên thế nào?
Theo lộ trình, đề thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay có thêm nội dung chương trình lớp 10. Cùng với chủ trương của Bộ GD-ĐT thay đổi mục đích kỳ thi từ ‘2 trong 1′ hướng đến chú trọng để xét tốt nghiệp và đang chuẩn bị công bố đề thi minh họa, chúng tôi đề xuất đề thi môn văn nên có những giới hạn và điều chỉnh sau đây.
Độc Lập
Nếu tính thêm cả chương trình lớp 10, đề thi môn văn sẽ có kiến thức rất rộng, gồm toàn bộ văn học trung đại (lớp 10 và một phần lớp 11); văn học hiện đại từ đầu thế kỷ 20 đến 1945 (lớp 11); và từ 1945 đến hết thế kỷ 20 (lớp 12). Trong khi đó, thầy trò phải “vắt chân lên cổ” để chạy may ra mới học hết chương trình lớp 12 và ôn tập được một số tác phẩm tiêu biểu. Vì vậy, việc giáo viên và học sinh lo lắng về việc ôn gì, giới hạn những tác phẩm nào để chủ động hơn, tránh tiêu cực áp lực thi cử… là những câu hỏi cấp thiết hiện nay. Theo chúng tôi, cùng với việc công bố đề minh họa, Bộ nên có văn bản giới hạn cụ thể, rõ ràng về mặt này.
Trước đây, trong bộ đề tuyển sinh môn văn có nhiều tác phẩm thuộc giai đoạn văn học trung đại, như Truyện Kiều của Nguyễn Du (đoạn trích Trao duyên), thơ thu của Nguyễn Khuyến, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu… Cho nên theo chúng tôi, ngoài chương trình chính ở lớp 12, nên tập trung giới hạn những tác phẩm thật sự tiêu biểu.
Nên thay đổi cấu trúc ở câu nghị luận văn học
Video đang HOT
Về cấu trúc đề thi và thang điểm cơ bản giữ nguyên nhưng nên có sự điều chỉnh ở câu nghị luận văn học. Cụ thể, ở câu 2 (5 điểm) của phần II/làm văn nên tách thành 2 phần yêu cầu, gồm 2a và 2b. Ở phần 2a là yêu cầu kiến thức của lớp 12; thang điểm có thể từ 3,5 – 4 điểm. Ở phần 2b là yêu cầu kiến thức lớp 10, 11; thang điểm có thể từ 1 – 1,5 điểm. Không nhất thiết phải có sự tích hợp giữa 2a và 2b như cấu trúc đề cũ, mà có thể là một yêu cầu độc lập.
Tách riêng ra như thế có nhiều cái lợi: Người ra đề không bị quá bó buộc vào cấu trúc đề và xây dựng nhiều đề thi gượng ép, khiên cưỡng (như đề thi năm 2018 vừa rồi). Tránh được hiện tượng đề dự đoán, đề mẫu tràn lan trên mạng xã hội vừa qua, và thực trạng học sinh học tủ, học vẹt. Câu 2b dùng cho mục đích nâng cao nên giúp phân loại thí sinh rõ ràng hơn. Để phát huy tính sáng tạo và tạo được sự hứng thú cho thí sinh khi làm bài, câu hỏi 2b này nên thiên về bình luận, bình giảng, nhận định, cảm thụ văn học… trong một yêu cầu hướng đến việc xây dựng văn bản mở.
Theo thanhnien
Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Đề và đáp án môn Ngữ văn "vênh" nhau, thí sinh sẽ mất điểm "oan"?
Một số giáo viên môn Văn tại TPHCM bày tỏ băn khoăn rằng đáp án - thang điểm chấm môn ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mà Bộ GD-ĐT công bố có độ "vênh" với đề thi. Đề không hỏi nhưng đáp án lại yêu cầu phải trình bày.
Điều này được nhiều người cho rằng gây khó cho cả người chấm bởi nếu căn theo đáp án chấm thì thí sinh làm đủ yêu cầu của đề sẽ bị mất "oan" 0.25 điểm.
Ông B., một giáo viên dạy ngữ văn tại TPHCM chỉ ra điểm khiến giáo viên lúng túng khi chấm ở chỗ: Câu 3 phần đọc hiểu yêu cầu "Nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ trong đoạn trích" nhưng không yêu cầu chỉ ra câu hỏi tu từ (câu này 1 điểm). Tuy nhiên, đáp án lại đưa ra 2 phần trong đó, yêu cầu 1 chỉ ra 2 câu hỏi tu từ (0,25 điểm) rồi sau đó mới đến yêu cầu 2 nêu hiệu quả nghệ thuật (0,75 điểm).
Câu hỏi số 3 phần đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
Với kinh nghiệm giảng dạy học trò, thầy giáo này cho rằng đa số học sinh chỉ thực hiện đúng yêu cầu của đề, tức là chỉ nêu yêu cầu 2 của đáp án. Bên cạnh đó, một số học sinh biết rõ hai câu hỏi tu từ nhưng vì đề không yêu cầu nên không nêu ra sẽ không đạt điểm tối đa câu này.
"Như vậy, đáp án đã yêu cầu vượt so với đề. Điều này không phải lỗi của các em nhưng nếu các em làm đúng, đủ yêu cầu thì lại bị mất điểm. Cẽ có nhiều em thiếu 0,25 điểm mà không đổ tốt nghiệp, nhiều em thiếu 0,25 điểm mà không đậu đại học", thầy giáo này băn khoăn.
Phần đáp án của Bộ GD-ĐT công bố được nhiều giáo viên cho rằng có độ "vênh" với đề
Tương tự, thầy Đỗ Đức Anh, Tổ phó môn ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng cho rằng về nguyên tắc là đề hỏi gì thì đáp nấy nhưng ở đây đề không hỏi mà vẫn yêu cầu người làm trình bày thì không đúng. Ông Đức Anh cho rằng tình huống này từng xảy ra trong đề thi tốt nghiệp THPT 2013, lúc đó đề thi của Bộ hỏi về phong cách ngôn ngữ chỉ yêu cầu thí sinh xác định phong cách ngôn ngữ nhưng trong đáp án yêu cầu thêm thí sinh phải lý giải vì sao văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ đó mới được trọn vẹn điểm.
Ông Đức Anh cũng cho rằng thường những giáo viên luyện thi có kinh nghiệm sẽ dạy thí sinh khi gặp dạng câu hỏi này dù đề không yêu cầu chỉ ra thì vẫn phải chỉ ra, trình bày hoàn chỉnh, không trả lời cộc lốc yêu cầu của đề, để gây thiện cảm với người chấm và thỏa các yêu cầu của đáp án.
Ở đề thi năm nay, câu 3 phần đọc hiểu nếu xét về mặt câu hỏi, thí sinh muốn chỉ ra được có hiệu quả, tác dụng gì thì trước hết phải biết đó là câu hỏi tu từ gì. "Có nhiều em biết nhưng không trình bày ra thì rất thiệt thòi, dễ bị mất điểm. Tuy nhiên, người ra đề cũng có cái lý đó là nếu anh không biết đó là câu hỏi tu từ gì thì làm sao anh biết hiệu quả nghệ thuật của nó", thầy Đức Anh cũng nhìn nhận.
Chính vì thế, ông Đức Anh kiến nghị rằng nên có sự thống nhất ở cách ra đề thi, phải nêu rõ từng yêu cầu, tránh hỏi gì đáp nấy, thực hiện đủ yêu cầu đề nhưng lại mất điểm, gây thiệt thòi cho thí sinh vì câu hỏi không rõ.
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!
Lê Phương
Theo Dân trí
Đề Ngữ văn THPT quốc gia 2018: Người khen hay, người thấy... 'khiếp'! Sát với đề thi minh họa, có khả năng phân loại cao cho một kỳ thi "hai trong một", đề thi mang tính thời sự bền vững... là những yếu tố trong đề Văn của kỳ thi THPT quốc gia được các giáo viên dạy Văn đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng đề khó cho một kỳ thi...