The Park: Hành trình kinh dị của người mẹ đi tìm con trai
The Park mang lại ấn tượng giống như tựa game kinh dị Five Nights at Freddy’s kết hợp cùng bộ phim Final Destination.
Về mặt số lượng, nữ giới rõ ràng luôn tỏ ra lép vế hơn hẳn so với những nam anh hùng cơ bắp cuồn cuộn trong vai trò nhân vật chính. Và kể cả khi người chơi được điều khiển một nhân vật thuộc phái yếu đi nữa, có bao nhiêu trong số đó không phải những cô nàng “ngực tấn công, mông phòng thủ”? Chắc chắn còn khan hiếm hơn nữa.
Có lẽ vì lý do nói trên mà hãng game Funcom đã quyết định lựa chọn hình tượng rất hiếm hay đúng hơn là chưa xuất hiện trong làng game từ trước đến nay – một bà mẹ đơn thân với nhan sắc khá tầm thường. Quyết định này không chỉ mang tính hình thức mà nó còn liên quan mật thiết tới nội dung của tựa game mà họ đang phát triển mang tên gọi The Park, bởi trong game bạn sẽ vào vai người mẹ đi tìm đứa con trai mất tích của mình.
Được phát triển theo phong cách kinh dị, The Park lấy bối cảnh trong một công viên giải trí đã bỏ hoang nhiều năm, phải đóng cửa vì nhiều tai nạn ghê rợn liên tiếp xảy ra như tàu lượn cao tốc trật đường ray khiến cả gia đình thiệt mạng hay một đứa trẻ bị sát hại bí ẩn ở quầy bán kẹo. Nhân vật chính của game là Loraine – người phụ nữ đang rất lo lắng vì những đầu mối sau vụ mất tích đột ngột của con trai cô đều dẫn tới khu công viên kinh hoàng này.
Funcom, đội ngũ từng tham gia vào tựa game phiêu lưu Dreamfall: The Longest Journey cho biết The Park sẽ nặng về cốt truyện và giải đố nhiều hơn, đồng thời họ chia sẻ đã lấy ý tưởng từ những trò chơi mang màu sắc bí ẩn tương tự như Gone Home, The Vanshing of Ethan Carter cũng như các tác phẩm của tiểu thuyết gia Stephen King để tạo nên The Park. Ở cái nhìn đầu tiên, trò chơi mang lại ấn tượng giống như sự kết hợp giữa tựa game kinh dị Five Nights at Freddy’s cùng bộ phim Final Destination.
Video đang HOT
Qua trailer giới thiệu, có thể thấy gameplay của The Park cũng tương tự như nhiều tựa game kinh dị góc nhìn người thứ nhất hiện nay khi người chơi không có khả năng tự vệ mà thay vào đó cần phải quan sát để nhận biết nguy hiểm kịp thời. Một tính năng khá thú vị mà đội ngũ phát triển đề cập tới đó là Loraine có thể cất tiếng gọi tìm con trai và tùy thuộc vào hoàn cảnh, giọng của bà mẹ sẽ có những sắc thái biểu cảm khác nhau như nóng ruột, căng thẳng, sợ sệt…
The Park dự tính sẽ được phát hành trên hệ máy PC vào tháng 10 năm nay.
Theo Gamek
SOMA: Cơn ác mộng kinh dị mới sau Amnesia
Đến từ hãng phát triển Amnesia, SOMA là tựa game kinh dị rất được trông đợi của 2015 và hãy cùng tìm hiểu về trò chơi trong bài viết ngày hôm nay.
SOMA là sản phẩm mới nhất đến từ studio Thụy Sĩ Frictional Games, những người đã làm nên tên tuổi thông qua tựa game kinh dị rất thành công Amnesia: The Dark Descent. SOMA lấy bối cảnh một trung tâm nghiên cứu dưới đáy biển, nơi vì lý do nào đó không hề tồn tại một bóng người mà thay vào đó là những con robot với hình dạng vô cùng kì dị. Giống như Amnesia, phần lớn thời gian trong SOMA người chơi sẽ dành để khám phá, ẩn nấp, quan sát môi trường xung quanh hòng lẩn trốn khi không hề có bất cứ món vũ khí tự vệ nào trong tay.
Cốt truyện của SOMA được hé lộ dần dần qua những ghi chép để lại của các thành viên trung tâm nghiên cứu, qua những loại máy móc ghê rợn hiện diện ở khắp nơi hay các đoạn hội thoại ghi âm thay vì lời dẫn cụ thể nào đó. Bằng cách này, người chơi buộc phải sử dụng tư duy cùng trí tưởng tượng để hình dung ra chuyện gì đã xảy đến với nơi này. Các fan của thể loại kinh dị chắc hẳn đang thắc mắc câu hỏi: "SOMA có đáng sợ hay không?", và đáp án là có.
Nhưng đừng nghĩ rằng SOMA sẽ sử dụng những thủ pháp hù dọa gây giật mình để khiến bạn cảm thấy sợ hãi. Amnesia được yêu thích bởi cảm giác hồi hộp và căng thẳng tột độ khi bạn biết rằng có thứ gì đó đang tiến đến gần mình trong khi vẫn phải tiếp tục lay hoay tìm cách mở một cánh cửa để tiến về phía trước. Về cơ bản SOMA cũng giống như vậy. Tồn tại nhiều loại quái vật dị dạng trong game, mỗi trong số chúng lại mang một đặc điểm khác nhau mà bạn cần phải hiểu rõ để qua mặt chúng chứ không đơn thuần chỉ có nấp và chạy.
Một lý do khiến nỗi sợ hãi trong SOMA trở nên thuyết phục đó là đồ họa của game rất đẹp và chi tiết. Dù cách chơi hấp dẫn, rõ ràng chúng ta không thể khen ngợi Amnesia ở khía cạnh hình ảnh khi phần lớn các khung cảnh trong game đều giống nhau một cách đơn điệu, texture sơ sài ngay cả khi so sánh với tiêu chuẩn năm 2010. Với SOMA, người chơi có thể dễ dàng nhận thấy nỗ lực của Frictional Games trong việc cải thiện vấn đề này. Thực tế từ trước khi game ra mắt các đoạn trailer cùng gameplay của SOMA cũng đã nhận được nhiều khen ngợi từ phía game thủ.
Nếu phải so sánh, SOMA mang nhiều nét tương đồng với Alien: Isolation, đặc biệt ở lối chơi theo kiểu "mèo vờn chuột". Tất nhiên bạn sẽ vào vai người bị săn đuổi, có điều trung tâm nghiên cứu dưới đáy biển tồn tại nhiều loại quát vật khác nhau thay vì chỉ một con Alien duy nhất. Như đã đề cập ở trên, đặc điểm của mỗi loại sẽ ảnh hưởng tới cách mà bạn lẩn trốn. Ví dụ như một sinh vật chỉ phát hiện ra bạn nếu bạn nhìn thẳng vào nó, vì thế chừng nào camera còn chúc xuống đất, ngửa lên trời hay đi đâu đó miễn sao không để lọt sinh vật kia vào khung hình, nhân vật chính có thể tiến đến sát nó mà vẫn bình an vô sự. Kẻ thù của bạn ở tình huống này chính là sự tò mò của bản thân.
Mặc dù không hề có trong tay công cụ phòng vệ nào, bộ trang phục của nhân vật chính có khả năng phát hiện quái vật dựa theo khoảng cách. Càng tiến đến gần mối nguy hiểm, hình ảnh hiển thị trên màn hình càng bị biến dạng và bạn sẽ dựa vào điều này để lẩn trốn. Không giống như người tiền nhiệm Amnesia, SOMA không thường xuyên đẩy người chơi vào chỗ chết và điều này cũng có nguyên do của nó.
Một tình huống dù có ghê rợn hay bất ngờ tới đâu, việc bạn trải qua nhiều lần sẽ khiến cho tác động của nó dần giảm đi và không còn đáng sợ nữa. SOMA muốn tránh mắc phải nhược điểm này, vì thế nó thường sắp xếp để người chơi vượt qua mối nguy hiểm một cách suýt soát, khiến người chơi phải nghẹt thở mỗi khi cánh cửa ngăn cách nhân vật chính và những sinh vật quái dị không rõ là người hay máy đóng lại phía sau.
Kể cả khi bạn mắc sai lầm và bị tóm bởi quái vật, game sẽ cho bạn cơ hội thứ hai khi nhân vật tỉnh dậy với tốc độ di chuyển chậm chạp hơn trong khi kẻ thù vẫn luẩn quẩn quanh đó. Tất nhiên khả năng "hồi sinh" không lặp đi lặp lại được mãi vì nếu tiếp tục bị tấn công sau đó, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ điểm nhớ gần nhất. Cơ chế này giúp cho người chơi hạn chế được việc phải nhai đi nhai lại mãi một trường đoạn và làm gián đoạn mất bầu không khí của game.
Ngay từ khi xuất phát, SOMA đã đặt ra câu hỏi: "Làm người có ý nghĩa như thế nào?" Sau thời lượng khoảng 10 tiếng đồng hồ, câu hỏi này vẫn chưa thực sự được trả lời. Thay vào đó, người chơi sẽ ngồi lại với những suy ngẫm của riêng mình về những sự kiện đã xảy ra, những lựa chọn mà họ đã quyết định xuyên suốt chiều dài game.
Một ví dụ như ở đầu game, bạn cần phải kích hoạt lại mạng lưới điện cho khu vực. Bước chân vào căn phòng điều khiển, thứ đầu tiên đập vào mắt bạn là một thứ gì đó bằng kim loại nối cùng với những sợi dây giống như xúc tu, hai trong số đó đang nằm chắn trên màn hình kích hoạt hệ thống. Khi bắt đầu nhấc chúng ra để nhấn công tắc, bạn nghe thấy tiếng kêu: "Không! Đừng làm vậy!" nghe rất giống tiếng của một phụ nữ.
Sau khi bạn quyết định rút dây, tiếng nói phát ra từ cỗ máy nhỏ dần, đèn hiệu tắt ngấm báo hiệu rằng nó đã "chết". Nhưng nó là người hay là máy? Chúng ta vừa đẩy ai đó vào chỗ chết? Những câu hỏi như vậy thường xuyên xuất hiện trong quá trình chơi SOMA. Không giống như ví dụ này, trong đa số trường hợp bạn đều được phép lựa chọn hành động của mình, dù vậy cả hai thường đều dẫn đến những kết cục không mấy tốt đẹp và bạn luôn phải băn khoăn suy nghĩ về chuyện gì đã xảy ra. Những lựa chọn đặt tính nhân đạo của người chơi lên cán cân như vậy còn ám ảnh hơn bất kì cuộc chạm trán với quái vật nào.
Nhược điểm duy nhất có thể thấy ở SOMA, đó là khâu lồng tiếng trong game tỏ ra hơi gượng gạo. Những câu chửi thề hay độc thoại về những gì đang xảy ra xung quanh của nhân vật chính không thể hiện đúng cảm xúc sợ hãi hay bực dọc mà người chơi đang phải trải qua.
Một tựa game kinh dị hay sẽ vẫn đồng hành cùng bạn sau khi đoạn phim cắt cảnh cuối cùng kết thúc, khiến bạn phải lăn tăn suy nghĩ về những gì xảy ra trong thế giới đáng sợ ấy trước khi chìm vào giấc ngủ, và SOMAcủa Frictional Games chắc chắn là một sản phẩm như vậy. Nếu yêu thích thể loại game kinh dị "nguyên chất" không súng đạn, không chiến đấu, chỉ có đôi chân khôn khéo đối mặt với những nỗi sợ hãi thường trực ẩn nấp sau từng góc khuất ngã rẽ, bạn chắc chắn không nên bỏ qua SOMA.
Theo Tham khảo: Kotaku/Gamek
Pamela: Game kinh dị sinh tồn đầy tham vọng Pamela là một sản phẩm lấy cảm hứng từ nhiều tựa game nổi tiếng như BioShock, Don't Starve, Halo, Deus Ex. Một nhóm thiết kế chỉ vỏn vẹn 4 thành viên là tất cả những gì cần để khiến những người đến tham dự hội nghị GDC 2015 hồi tháng 3 năm nay cảm thấy choáng ngợp. Chúng ta đang nói đến Pamela...