Thế hệ Z thổi làn gió mới cho báo chí hiện đại
Với những phóng viên, biên tập viên sinh ra trong thời đại công nghệ, báo chí thế giới sẽ chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ từ phương pháp làm báo truyền thống sang phi truyền thống.
Đội ngũ trẻ trung
Những cảnh quay vui nhộn tại đài truyền hình hay hiện trường được các phóng viên đăng lên tài khoản TikTok thu hút người xem. Ảnh: Đại học Báo chí và Truyền thông Oregon
Tại một văn phòng nằm góc tầng 1 tòa nhà công ty sản xuất truyền hình ITN ở thủ đô London (Anh), Will Lewis – nhà xuất bản từng làm cho Tạp chí Phố Wall và Kamal Ahmed – cựu tổng biên tập của đài truyền hình BBC, đang cố gắng tìm hiểu xem các thế hệ tương lai sẽ đón nhận tin tức như thế nào.
Hai nhà báo kỳ cựu đặt niềm tin vào một nhóm nhân viên trong độ tuổi 20 của phòng Phong trào Tin tức (TNM), có lẽ là phòng thời sự trẻ nhất tại Anh. Những phóng viên trẻ này không sản xuất tin bài cho báo giấy, cho nền tảng truyền hình hay tin tức trên phiên bản báo điện tử. Mục đích của phòng TNM là sản xuất tin tức cho TikTok, Instagram và các nền tảng mạng xã hội khác – nơi mà thế hệ Z (Gen Z – những người dưới 25 tuổi) dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để lướt điện thoại.
Nhiệm vụ của TNM thành công hay thất bại phụ thuộc vào những phóng viên này. Họ cần nắm bắt được xu hướng đặc trưng của từng trang mạng xã hội và giới thiệu thương hiệu tin tức đáng tin cậy đến các nền tảng giải trí.
TNM không đơn độc trong nỗ lực khó khăn này. Các hãng tin tức truyền thống khác cũng đang trăn trở để giành được chỗ đứng trên các mạng xã hội trẻ. Ông Justin B Smith – cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Truyền thông Bloomberg – đang khởi động một công ty khởi nghiệp toàn cầu để sản xuất tin tức chất lượng trên mạng xã hội.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo ra một bước ngoặt cho phòng TNM. Với một đoạn video ngắn có tiêu đề “Liệu Nga sẽ tấn công Ukraine”, nữ phóng viên Jemima Walker đã thu hút được 1,1 triệu lượt xem trên TikTok và hơn 500.000 lượt xem khác trên YouTube. Một đoạn video khác 50 giây giới thiệu về Tổng thống Ukraine cũng nhận được 130.000 lượt xem.
Mặc dù những con số này không được coi là quá lớn trên một nền tảng tỷ người dùng song nó cũng là một thành quả khích lệ cho phòng TNM để được đưa vào diện chính thức thành lập. Trong một vài tuần tới, sau khi hoàn thành kêu gọi tài trợ, TNM sẽ nghiêm túc triển khai nhiệm vụ kéo dài 18 tháng để khẳng định thương hiệu đối với khán giả Mỹ và Anh. Tham vọng của TNM là muốn mở rộng số lượng nhân viên từ 20 lên 100 trong năm tới. Hai nhà báo Lewis và Ahmed sẽ bay đến Mỹ để phỏng vấn những phóng viên trẻ có nghiệp vụ, bổ sung nhân lực cho phòng thời sự mới thành lập, mang theo hy vọng rằng họ sẽ phá vỡ truyền thống đưa tin và đem đến những câu chuyện tạo được sức hút đối với lứa độc giả trẻ.
Sức mạnh của nền tảng số
57% người thuộc thế hệ Z nói rằng tương tác đầu tiên trong ngày của họ với tin tức là từ trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin. Ảnh: Đại học Báo chí và Truyền thông Oregon.
Kết quả từ một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters năm 2019 cho thấy có đến 57% người thuộc thế hệ Z nói rằng tương tác đầu tiên trong ngày của họ với tin tức là từ trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin.
Video đang HOT
Trong khi đó, một báo cáo khác vào năm 2021 của viện trên chỉ ra rằng một trong những phát hiện nổi bật nhất năm nay là thế hệ Z ít truy cập vào các trang web tin tức hơn thế hệ trước đó – thế hệ Y.
Việc thu hút những độc giả này đang trở thành thách thức đối với các tòa soạn, đài truyền hình bởi mạng xã hội đang trở thành phương tiện nhanh chóng và thuận tiện để theo dõi tin tức.
Phòng TNM sẽ không đưa tin tất cả các lĩnh vực tin tức chung mà chủ yếu chuyên về các chủ đề chính thế hệ Z quan tâm, bao gồm nhà ở, chi phí sinh hoạt, tiền điện tử và sức khỏe của phụ nữ.
Natasha Williams, một nhà sản xuất nội dung kỹ thuật số tại đài KIVI ở thành phố Boise, bang Idaho (Mỹ), chịu trách nhiệm vận hành tài khoản chương trình “6 On Your Side” trên TikTok. Năm ngoái, sau khi được tổng biên tập “bật đèn xanh”, cô đã phát sóng bản tin đầu tiên trên TikTok. Tài khoản “6 On Your Side” đã trở thành một kênh đối thoại trực tiếp gắn kết nhà đài với người xem thế hệ trẻ.
“Với TikTok, chúng tôi muốn làm một điều gì khác biệt so với các nền tảng khác. Chúng tôi hỏi khán giả trẻ muốn xem gì? Các bạn ấy quan tâm đến điều gì? Các bạn ấy đang nói về điều gì? Và họ sẽ cho chúng tôi biết trong phần bình luận. Thế hệ trẻ chỉ muốn xem những câu chuyện thời sự về chính họ và những tin tức đó phải được xem trên nền tảng mà họ đang truy cập”, nữ phóng viên chưa đến 30 tuổi giải thích.
Hiện tài khoản TikTok của đài đang có 22.000 người theo dõi. Williams nhận định TikTok thực sự là một nền tảng mạnh để truyền tải tin tức và những người trong ngành báo chí không nên coi nhẹ ứng dụng chỉ biết đến với những trào lưu mang đậm tính chất giải trí này.
Sinh viên khoa báo chí Đại học Oregon (Mỹ) thực hiện các dự án đa phương tiện. Ảnh: Đại học Báo chí và Truyền thông Oregon.
Một phóng viên trẻ khác đạt được thành tựu tương đối trên TikTok là Connor Matteson, phụ trách thông tin đa phương tiện của kênh tin tức địa phương KEVN ở bang Nam Dakota.
Chỉ với một đoạn video 14 giây, Matteson cùng các đồng nghiệp đã tạo ra cú đột phá đầu tiên trên TikTok vào mùa Thu năm ngoái. Sức hút của đoạn video là hơn 450.000 lượt xem. Matteson cho biết TikTok đang trở thành một công cụ hữu hiệu để mở rộng thương hiệu của đài. “Mọi người đều thích những cảnh hậu trường trong trường quay. Tôi nghĩ đó là một cách hay để tiếp cận, vì nó khiến những người phóng viên, biên tập viên gần gũi hơn với người xem. Những đoạn video như muốn nói với người xem: Này, hãy nhìn cảnh hậu trường tại phòng thời sự, hãy nhìn xem chuyện gì đang diễn ra trước giờ phát sóng, hãy thấy nó thú vị như thế nào. Đây có thể là kênh kết nối tôi với khán giả tương lai”, nam phóng viên Matteson chia sẻ.
'Thế hệ Z' của Afghanistan lo lắng về quyền tự do trong tương lai bất định
Tuần trước, Salgy, 20 tuổi, đã rất phấn khởi khi nhận được thông báo cô đã đứng đầu khoảng 200.000 sinh viên trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay tại Afghanistan.
Salgy, 20 tuổi, đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), trong suốt nhiều tháng, Salgy chỉ nhốt mình trong phòng ở thủ đô Kabul để miệt mài ôn luyện, đôi khi quên cả ăn. Lúc cả gia đình quây quần bên chiếc TV khi nhận được kết quả, cô cho biết việc chăm chỉ học hành của mình đã được đền đáp.
"Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy như được ai đó ban tặng cho mình cả thế giới. Mẹ tôi đã khóc vì hạnh phúc và tôi cũng khóc cùng bà ấy", Salgy chia sẻ.
Nhưng niềm hạnh phúc chưa kéo dài được bao lâu thì đã Salgy đã chuyển dần sang trạng thái lo lắng, khi cô nhớ lại những sự kiện đã xảy ra vào những tuần trước. Sau khi phần lớn lực lượng Mỹ còn lại rút khỏi Afghanistan, Taliban đã bắt đầu một cuộc tiến công chớp nhoáng trên khắp đất nước, với đỉnh điểm là sự thất thủ của Kabul vào ngày 15/8.
Salgy chia sẻ với Reuters: "Chúng tôi đang đối mặt với một tương lai bất định. Tôi không biết rằng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi nghĩ mình là người may mắn nhất nhưng thực tế lại là không may mắn nhất".
Các chứng chỉ học tập của Salgy, 20 tuổi, người đã đứng đầu kỳ thi tuyển sinh đại học của Afghanistan. Ảnh: Reuters
Gần 2/3 người Afghanistan dưới 25 tuổi và cả một thế hệ thậm chí không thể nhớ được những gì về Taliban, lực lượng đã cai trị Afghanistan từ năm 1996 cho đến khi bị lực lượng dân quân do phương Tây hậu thuẫn lật đổ vào năm 2001. Trong thời gian đó, Taliban đã thực thi nghiêm ngặt luật Hồi giáo, cấm trẻ em gái đến trường, phụ nữ đi làm và thực hiện các vụ hành quyết đẫm máu nơi công cộng. Kể từ năm 2001, các chiến binh đã chiến đấu với một cuộc nổi dậy, trong đó hàng ngàn người Afghanistan đã chết.
Kể từ khi nắm lại quyền lực, Taliban đã nhanh chóng trấn an sinh viên rằng việc học của họ sẽ không bị gián đoạn, lực lượng này cũng nói rằng sẽ tôn trọng quyền phụ nữ và kêu gọi các chuyên gia tài năng không rời khỏi đất nước.
Nhưng đã quen cuộc sống với điện thoại di động, nhạc pop, "thế hệ Z" - thế hệ sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012 ở Afghanistan - giờ đang lo sợ một số quyền tự do sẽ bị tước mất, theo cuộc phỏng vấn một số người Afghanistan, sinh viên và các chuyên gia trẻ.
Sosan Nabi, 21 tuổi, một sinh viên mới tốt nghiệp, cho biết: "Tôi đã lập những kế hoạch lớn và tất cả những mục tiêu phát triển bản thân trong 10 năm tới. Chúng tôi đã hy vọng về cuộc sống tươi đẹp, hy vọng về sự thay đổi. Nhưng chỉ trong một tuần, Taliban đã tiếp quản đất nước và trong 24 giờ họ đã lấy đi mọi niềm hy vọng của chúng tôi. Những giấc mơ vụt tắt trước mắt chúng tôi. Tất cả chỉ là hư vô".
Tự do có thể bị tước đoạt
Vào sáng ngày 15/8, khi Taliban tiến gần đến Kabul, Javid, 26 tuổi, vội vã từ trường đại học nơi anh làm việc sau khi tốt nghiệp trở về nhà. Anh từ chối cung cấp tên đầy đủ của mình vì sợ bị trả thù.
Javid lập tức xóa tất cả các email và tin nhắn trên mạng xã hội mà anh đã chia sẻ với các tổ chức và chính phủ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Anh đã đốt tất cả chứng chỉ do chương trình phát triển do Mỹ tài trợ và đập vỡ chiếc cúp thủy tinh mà anh đã nhận được.
Khi Taliban kiểm soát Afghanistan vào những năm 1990, phụ nữ và trẻ em gái hầu hết không được đi học và đi làm. Ảnh: AFP
Nhiều người Afghanistan làm việc cho các tổ chức ở nước ngoài đã cố gắng chạy trốn khỏi đất nước trong 2 tuần qua. Với những câu chuyện về Taliban từ cha mẹ kể lại, một số người trẻ tuổi cho biết họ rất hoảng sợ, bất kể tình hình thực tế đang như thế nào. Nhiều người trong số họ, lần đầu tiên được chứng kiến cảnh các tay súng Taliban đi tuần tra trên đường phố Kabul. Bên cạnh sự an toàn của bản thân, những người trẻ tuổi cho biết họ lo lắng các quyền tự do khác sẽ bị tước đoạt.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nhập học trung học cơ sở tại Afghanistan tăng từ 12% năm 2001 lên 55% năm 2018. Từ thời điểm mà một đài phát thanh chủ yếu phát đi các lời kêu gọi cầu nguyện và giáo lý tôn giáo, đến nay, đất nước này hiện có khoảng 170 đài phát thanh, hơn 100 tờ báo và hàng chục đài truyền hình. Đó là chưa kể đến điện thoại thông minh và Internet - không tồn tại dưới sự cai trị của Taliban - đã trở nên phổ biến hơn, cho phép những người trẻ tuổi tiếp cận với các thông tin bên ngoài biên giới Afghanistan.
Elaha Tamim, một cô gái 18 tuổi vừa thi đỗ đại học cho biết những điều này trước kia chưa bao giờ tồn tại dưới thời cai trị của Taliban.
"Internet là thứ mà chúng tôi sử dụng mọi lúc mọi nơi. Chúng tôi dùng để giải trí và khám phá những gì đang xảy ra ở phần còn lại của thế giới. Tôi không muốn mất đi điều đó", Tamim chia sẻ.
Quyền phụ nữ mong manh
Một số phụ nữ trẻ cũng đang vô cùng lo lắng về số phận của họ trước sự cai trị của Taliban. Theo WB, số trẻ em gái học tiểu học đã tăng từ con số 0 dưới thời Taliban lên hơn 80%.
Dù Taliban đã tuyên bố sẽ tôn trọng quyền được đến trường của trẻ em gái trong khoảng thời gian này, nhưng Javid cho biết nhiều sinh viên nữ tại trường đại học của anh ta đã ngừng đến lớp vì sợ hãi.
"Tôi lớn lên trong một môi trường mà chúng tôi được tự do đi học, tự do vui chơi. Mẹ tôi đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về quãng thời gian cay đắng của bà khi Taliban cai trị. Những câu chuyện đó thật đáng sợ", Tamim chia sẻ.
Taliban yêu cầu sinh viên nữ và nam học riêng lớp. Ảnh: AFP
Trên mạng xã hội Twitter, Ammar Yasir, thành viên văn phòng chính trị của Taliban tại Doha, đã đích thân chúc mừng Salgy - học sinh đứng đầu trong kỳ thi tuyển sinh đại và được tuyển thẳng vào trường Y.
Giờ đây, Sagly hy vọng cô sẽ thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ của mình, bất chấp điều gì có thể xảy ra trong tương lai bất định. "Nếu Taliban cho phép các cô gái được học đại học và không cản trở điều đó thì là điều tốt. Còn nếu không thì mọi cố gắng, đấu tranh cả đời của tôi sẽ gặp nhiều rủi ro", Sagly nói.
Mặc dù đã được đảm bảo tính mạng, một số người Afghanistan được Reuters phỏng vấn cho biết họ rất muốn rời đi, nhưng không biết làm thế nào.
"Nếu tôi nghĩ rằng việc ở lại sẽ mang lại bất kỳ hy vọng thay đổi tích cực nào, thì tôi cũng như hàng nghìn người trẻ khác, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của mình vì điều đó. Nhưng tất cả chúng tôi đều biết điều đó không bao giờ trở thành hiện thực", Naby nói.
AI, robot - Nhân tố mới của báo chí hiện đại Khi công nghệ đang chiếm lĩnh thế giới, thật dễ hiểu tại sao nhiều người lại lo lắng về sự trỗi dậy của robot cùng việc chúng có thể thay thế con người. Trong thời đại dữ liệu lớn (big data), báo chí không thể bỏ lỡ các thuật toán máy học để tăng hiệu quả thông tin. Ảnh minh họa: New York...