Thế hệ trẻ ngày nay đang sống quá yếu ớt, mỏng manh
Chuyện cậu bé Ksor Sôn tìm đến cái chết vì không có manh áo mới cho ngày khai giảng ám ảnh tôi mấy ngày nay.
Câu hỏi là ngoài sự đói nghèo, có còn vấn đề gì nữa để điều đó không lập lại với em bé khác, kể cả khi nghèo hay không?
Câu hỏi khác, em bé giàu có cảm thấy ổn trong cuộc sống bình thường của mình không?
Tự tử vì nghèo đói hay cô đơn?
Mấy hôm nay, báo chí và mạng xã hội nói nhiều đến vụ tự tử của cậu bé 11 tuổi ở Gia Lai chỉ vì không có manh áo mới đến trường học.
Gia cảnh nghèo nàn, bố mẹ mót cà phê thuê nên không có tiền mua quần áo mới cho con. Trước đó, anh trai của cậu cũng tự tử vì lý do tương tự.
Cha mẹ Sôn đã khóc cạn nước mắt trước sự ra đi của con. Ảnh: Công an TP HCM.
Cái tít báo khiến nhiều người đọc bàng hoàng. Nghèo đói cùng quẫn dẫn, những đứa trẻ chọn cách kết thúc cuộc đời một cách oan nghiệt vậy sao?
Video đang HOT
Mọi người bắt đầu phân tích, đặt vấn đề về sự giàu nghèo, bất công xã hội, tham nhũng của quan chức và thậm chí so sánh với việc bỏ tiền tỷ để mời anh ca sĩ xứ Hàn hát không ra sao trong show chung kết hoa hậu và việc phung phí hàng chục tỷ cho các tượng đài, lễ lạt khác…
Mình nghĩ những cách đặt vấn đề, góc nhìn đó không có gì sai. Đôi lúc cần những cái chết đau đớn như thế này để gióng lên, hét lên cho cả xã hội biết về những sự đối lập và cách biệt giàu nghèo ngày càng phân rã dữ dội trong xã hội ngày nay.
Trao đổi với các chuyên gia tâm lý, bác sĩ, thầy cô và phụ huynh khắp nơi, tôi e rằng không và thấy tình hình còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Có điều gì đó mỏng manh, yếu ớt đến kỳ lạ bên trong vỏ bọc tăng động, hiện đại của các em.
Cuộc sống luôn đặt vấn đề với mọi người, đặt biệt là khi đói nghèo. Một vấn đề nhỏ cũng sẽ trở nên nghiệt ngã, vấn đề là kỹ năng đối phó tình huống như vậy.
Giá như bé Sôn sinh ra trong gia đình ở thành thị, phụ huynh, anh em có kinh nghiệm xã hội thì kết quả có thể khác đi. Em bế tắc, tìm đến cái chết, không chỉ vì đói nghèo mà vì thiếu hiểu biết, khát khao manh áo mới cho bằng chị bằng em trong trường lớp. Em cô đơn trong chính ước mơ đơn sơ của mình.
Nhưng nếu vì vậy mà chết thì chắc đất nước này nhiều lắm và sẽ có em vì mơ một cái iPad cũng chết. Chính vì vậy, tôi tha thiết muốn cộng đồng đi tìm câu trả lời cho một thế hệ trẻ quá yếu ớt, mong manh.
Việt Nam không có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này nên tôi tạm mượn bối cảnh tương tự là Hong Kong để chúng ta cùng tham chiếu.
Nhiều người dân Hong Kong hiện nay nói rằng, phương pháp giáo dục quá chú trọng vào điểm thành tích đã gây áp lực lớn đối với học sinh lẫn sinh viên đại học. Nhưng giáo sư Lý Thừa thuộc Đại học Hong Kong cho hay, nguyên nhân phức tạp hơn nhiều.
Ông và các đồng nghiệp cảnh báo giới học sinh Hong Kong đang dành quá nhiều thời gian vào thế giới ảo. Việc thiếu sự hỗ trợ của gia đình đang sản sinh ra một thế hệ với sức chịu đựng rất kém trước những tình huống căng thẳng của cuộc sống.
Thế hệ “những đứa trẻ yếu ớt”
Apple Daily cho biết, một học sinh 15 tuổi họ Hồ ở khu Thuyên Loan đã tự tử với mảnh giấy để lại ghi vỏn vẹn “Cuộc sống không vui vẻ, muốn đi về thế giới khác”.
Cha của Hồ cho biết, con trai ông thường sống khép kín, không tham gia bất kỳ hoạt động ngoài trời nào cùng bạn bè. Ông cũng tiết lộ, mẹ cậu bé thường cấm con tham gia mọi trò chơi như đá bóng trên đường phố vì sợ con mình nhiễm những thói hư tật xấu ngoài đường.
Nhà tâm thần học thuộc Đại học Hong Kong – bà Thẩm Huệ Linh – cảnh báo, việc cha mẹ bảo bọc con quá mức trong thời đại ngày nay đang góp phần hình thành những đứa trẻ yếu ớt, không có khả năng vượt qua những cú sốc tâm lý.
Nếu có dịp ghé qua diễn đàn của những người trẻ, sẽ thấy không ít tâm sự tương tự. Nghèo thì buồn phiền vì học phí, giàu thì than trách cha mẹ ít quan tâm đến mình. Thậm chí, một dòng trạng thái ít like cũng đủ làm “nổi điên” buồn bực suốt mấy ngày.
Tôi vừa đọc trên diễn đàn của các thầy cô, tâm sự của một cô giáo trẻ mới ra trường đi cắm bản ở vùng cao, đấy khát vọng, lý tưởng để rồi suy sụp muốn tìm đến cái chết.
Một cô khác tương tự nhưng là ở trường danh giá TP HCM. Cô chán nản vì học sinh coi thường môn cô dạy (môn Sinh) như là môn phụ. Cô thường xuyên dùng thuốc trầm cảm, có lúc muốn lái ôtô lao xuống đèo – “Không biết gia đình mình sẽ nghĩ gì, mấy em học sinh có khóc thương mình không?”.
Tôi không ủng hộ cách giải quyết vấn đề cùa em Sôn, không khóc thương đến mức đổ lỗi hoàn toàn cho xã hội hay Chính phủ. Nhưng rõ ràng đói nghèo trên diện rộng đặt ra những vấn đề kinh khủng về xã hội mà cái chết này là hồi chuông đầu tiên.
Bên cạnh đó, chúng ta giáo dục thế nào mà cả một thế hệ trẻ giàu hay nghèo đều yếu ớt, mong manh đến kỳ lạ như vậy?
Khi chúng tôi chia sẻ vấn đề này, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, ưu tư về một lớp trẻ dễ vỡ, mong manh:
- Đây cũng là tâm tư của rất nhiều phụ huynh hiện nay. Hệ lụy của sự phân hóa giàu – nghèo xã hội nào cũng có, nhưng ở nước ta càng lúc càng rõ nét và tồi tệ hơn. Tất nhiên trường hợp em Sôn chỉ là một cụ thể, nhưng tính chất sự việc lại là cao trào.
Một xã hội tồn tại và phát triển tốt đẹp luôn dựa vào hai ngành: giáo dục và y tế. Nhưng xem ra ở nước ta, năng lực (nhất là năng lực chất lượng tâm hồn) của hai ngành này còn buồn và các mối liên đới cũng buồn vô cùng tận.
- Không có cách giáo dục nào khác, cả gia đình và trường học cả cách sống của nhiều người chung quanh. Nói chung mọi thứ chung quanh ta không tốt, trẻ em mất phương hướng không còn có thể chịu đựng được gì, việc nhỏ nhoi cũng thành to tát… thật buồn!
Tôi thấy khó khăn để vực lên với ngành giáo dục… trong gia đình và môi trường sống cũng vậy.
Vâng, có cả trách nhiệm của người lớn…
Cái chết đột ngột của cậu bé 11 tuổi tại làng Beng 3, xã Ia Der (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) để lại nhiều xót xa.
Cha mẹ Ksor Sôn cố gắng đi vay mượn 130.000 đồng để may cho con bộ quần áo mới cho bằng bạn bằng bè. Thế nhưng, khi bộ quần áo mới chưa kịp đến tay con trai thì cậu bé đã tự tử vì mặc cảm.
Theo Zing