Thế giới theo dõi sát sao biến thể phụ của Delta
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết, đến ngày tính đến ngày 23/10, hơn 16.000 trường hợp nhiễm biến thể AY.4.2 đã được phát hiện.
(Ảnh minh họa: Getty).
Theo thống kê của Outbreak.Info của Mỹ, cho đến nay, AY.4.2 – biến thể phụ của chủng Delta đã lan sang 28 quốc gia với 17.000 người mắc. Trước việc biến thế phụ này khiến virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao hơn, thậm chí có khả năng lẩn tránh vắc xin đã khiến nhiều nước theo dõi sát sao.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết, đến ngày tính đến ngày 23/10, hơn 16.000 trường hợp nhiễm biến thể AY.4.2 đã được phát hiện. Theo Viện Di truyền tại Đại học London (College London), biến thể phụ AY.4.2 có khả năng lây lan cao hơn 10% đến 15% so với biến chủng Delta và lây truyền dễ dàng hơn so với Ebola, SARS, MERS và bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Tuy nhiên theo giới chức y tế Anh, hiện vẫn còn quá sớm để nói rằng đột biến mới của chủng Delta có dấy lên mối đe dọa lớn hơn so với biến thể Delta gốc hay không nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ bởi đột biến này chiếm 6% số ca mắc Covid-19 ở nước này. Anh là quốc gia đầu tiên phát hiện biến thể AY.4.2 hay còn gọi là Delta Plus và cũng chiếm đa số ca mắc. Sau Anh, các nước khác như Israel, Mỹ và một số nước khác như Canada, Australia, Nhật Bản, Đan Mạch cũng đã phát hiện các ca nhiễm biến chủng mới. Những nước này cho biết đang theo dõi sát sao biến thể Delta Plus.
Video đang HOT
Bà Marina Granovskaya, nhà sinh vật học người Nga nói: “Chủng Delta và các biến thể phụ của nó tự sao chép nhanh hơn nhiều so với chủng gốc ban đầu. Vì vậy, các virus cư trú trong cơ thể bạn có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều. Do vậy, chúng ta cần phải cảnh giác cao trước biến thể phụ này”.
Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn, nhất là khi mùa đông đến gần. Bộ Y tế Israel đang tiến hành điều tra dịch tễ học và theo dõi tất cả các biến thể của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại nước này. Thủ tướng Bennett yêu cầu tăng cường điều tra dịch tễ đối với biến thể phụ, yêu cầu liên lạc chặt chẽ với các nước đã phát hiện biến thể phụ này. Theo ông Bennett , Israel sẽ cân nhắc thay đổi các yêu cầu nhập cảnh đối với du khách.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa chấp thuận đề xuất của chính phủ cho phép nghỉ làm việc 1 tuần vào đầu tháng 11 tới. Tại Singapore, một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 trong khu vực và thế giới cao, với hơn 80% dân số đã tiêm chủng, chính phủ đã thông báo kéo dài lệnh giãn cách xã hội thêm 1 tháng để ngăn chặn dịch lây lan và giảm áp lực đối với hệ thống y tế.
Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi các nước châu Âu cẩn trọng vì số ca nhiễm ở châu lục này đã tăng lên trong 3 tuần liên tiếp. Với việc nhiệt độ thấp dần và người dân tăng cường đi lại trong mùa lễ hội, châu Âu có thể sẽ phải tiếp tục trải qua một “mùa đông Covid-19″ khi các biến chủng mới xuất hiện, áp lực đối với các mũi tiêm nhắc lại ở các quốc gia đã có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể sẽ tăng lên. Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi các nước cần theo dõi sát sự tiến triển của biến thể phụ của Delta để hiểu đầy đủ về cơ chế hoạt động của các đột biến mới của biến chủng gốc.
Người phụ nữ bị COVID-19 trong thời gian dài kỷ lục 335 ngày
Sau khi chiến thắng bệnh ung thư, người phụ nữ này lại phải chiến đấu với COVID-19 trong ròng rã 335 ngày, lâu nhất trong các ca bệnh được ghi nhận trên thế giới.
Nhiễm virus kéo dài có thể dẫn đến các biến thể mới, vì virus có nhiều thời gian và không gian hơn để tiến hóa trong cơ thể có hệ miễn dịch suy yếu. Ảnh minh họa
Theo tạp chí Science, bệnh nhân 47 tuổi nói trên lần đầu tiên nhập viện vì COVID-19 vào mùa xuân năm 2020 tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) tại bang Maryland (Mỹ). Tình trạng bệnh của cô kéo dài suốt gần một năm và liên tục được theo dõi thông qua các xét nghiệm dương tính lặp đi lặp lại cộng với những triệu chứng kéo dài, đòi hỏi phải được hỗ trợ thở oxy tại nhà.
Mặc dù các xét nghiệm của bệnh nhân cho kết quả dương tính, nhưng mức độ virus SARS-CoV-2 trong cơ thể vẫn rất thấp trong vài tháng sau khi mắc bệnh. Sau đó, vào tháng 3/2021, nồng độ virus trong cơ thể bệnh nhân bắt đầu tăng đột biến.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh bộ gien từ các mẫu thu thập được trong lần lây nhiễm ban đầu của bệnh nhân với bộ gien gần đây hơn và nhận thấy rằng loại virus này giống nhau. Hay nói cách khác, bệnh nhân không bị tái nhiễm, mà là liên tục chứa lượng virus tương tự trong gần một năm.
Tạp chí Science cho biết virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể nữ bệnh nhân trên vì hệ miễn dịch của cô đã bị tổn hại do điều trị ung thư hạch trước đó, một bệnh ung thư liên quan đến một phần của hệ miễn dịch.
Bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng liệu pháp tế bào Cart-T cách đây khoảng 3 năm. Liệu pháp CAR-T sử dụng tế bào T - tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân - được lập trình lại để nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư trên khắp cơ thể. Quá trình này bao gồm việc lấy một số tế bào T ra khỏi cơ thể bệnh nhân và thông qua các quy trình trong phòng thí nghiệm, các tế bào T này được lập trình lại để có thể "nhận diện" các tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân.
Khi các tế bào T đã được lập trình để xác định các tế bào ung thư của bệnh nhân, chúng sẽ được nhân lên trong phòng thí nghiệm và truyền trở lại bệnh nhân. Các tế bào T được lập trình lại này lưu thông khắp cơ thể, xác định các tế bào ung thư và tiến hành một cuộc tấn công miễn dịch chống lại chúng.
Tuy nhiên, liệu pháp Cart-T cuối cùng đã làm suy yếu hệ miễn dịch của nữ bệnh nhân, khi làm cơ thể cạn kiệt dần tế bào B, vốn là các tế bào của hệ miễn dịch có nhiệm vụ tạo ra kháng thể.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Italy. Ảnh: Life Science News
Trước đây, đã có những báo cáo lẻ tẻ về những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch trải qua thời gian chiến đấu và loại bỏ virus COVID-19 lâu hơn dự kiến, chẳng hạn như một bệnh nhân ung thư máu ở Washington đã loại bỏ virus trong 70 ngày. Nhưng trường hợp của nữ bệnh nhân ung thư hạch nói trên là lâu nhất được ghi nhận cho tới nay.
Tác giả nghiên cứu cấp cao Elodie Ghedin - nhà virus học phân tử tại NIH, nói với tạp chí Science, các trường hợp lây nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu "cho chúng ta một cửa sổ để xem xét cách virus khám phá không gian di truyền". Bằng cách phân tích các mẫu từ bệnh nhân này và những người bị nhiễm virus kéo dài khác, các nhà nghiên cứu có thể thấy được rõ sự tiến triển của virus.
Trong mẫu virus SARS-CoV-2 được lấy từ bệnh nhân ung thư hạch bạch huyết, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai loại gien bị xóa (đột biến xóa các phần của bộ gien), một trong số các gien mã hóa protein gai của virus (là "cánh tay" mà virus sử dụng để xâm nhập tế bào trong cơ thể người) và một phần khác. Đó là một sự xóa bỏ rất lớn bên ngoài protein gai - một khu vực mà phần lớn vẫn chưa được giới khoa học biết đến do thiếu nghiên cứu.
Các nhà khoa học khác cũng đã phát hiện ra hiện tượng xóa bỏ tương tự ở khu vực đó bên ngoài protein gai ở những bệnh nhân bị nhiễm virus mãn tính.
Nhiễm virus mãn tính rất hiếm gặp, nhưng tình trạng này có thể dẫn đến các biến thể mới, vì virus có nhiều thời gian và không gian hơn để tiến hóa trong cơ thể có hệ miễn dịch suy yếu.
Nữ bệnh nhân bị ung thư hạch trong nghiên cứu nói trên cùng đã loại bỏ được virus và có nhiều xét nghiệm âm tính kể từ tháng 4 năm nay.
Những điều đáng lo ngại về AY.4.2 - biến thể phụ của chủng Delta AY.4.2 được cho là có khả năng lây lan cao hơn 10-15% so với biến thể Delta gốc, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn liệu đây có phải là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 ở Anh tăng mạnh hay không. Nhân viên y tế đang vận chuyển người bệnh tại Bệnh viện Hoàng gia London (Ảnh: Reuters)....