Thế giới sẽ tràn ngập smartphone Trung Quốc
Giống nhiều mặt hàng khác, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đang lên kế hoạch với tham vọng thống trị thị trường thế giới.
Trung Quốc từ lâu đã trở thành thị trường smartphone lớn nhất thế giới, chiếm 30% tổng lượng thiết bị tiêu thụ toàn cầu. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế và “miếng bánh” ngày càng thu hẹp lại, các công ty nội địa đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường nước ngoài.
Bất lợi đầu tiên khi thâm nhập quốc tế là các nhà sản xuất Trung Quốc còn non trẻ, khó chiếm được cảm tình của người dùng tại châu Âu và Mỹ, nơi thương hiệu vẫn đóng vai trò quan trọng khi chọn mua smartphone.
Các công ty smartphone Trung Quốc đang mở rộng ra thị trường thế giới.
“Khách hàng tại Anh nói riêng có xu hướng chọn những tên tuổi mà họ biết, những thương hiệu quen thuộc sẽ dễ gây chú ý hơn”, nhà phân tích Ben Wood của CCS Insight nói. “Các công ty như Apple và Samsung đã đổ hàng trăm triệu bảng Anh để tiếp thị. Cho đến nay, những công ty Trung Quốc cũng mở những chiến dịch tương tự, song thương hiệu của họ xếp ở “chiếu dưới” trong mắt người dùng”.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc có những kế hoạch khôn ngoan hơn để tiếp cận khách hàng thế giới. Lenovo đã mua lại Motorola Mobility của Google với giá 2,91 tỷ USD vào năm 2014, vậy là họ có chỗ đứng khá vững tại cả Mỹ và châu Âu. Về tay công ty Trung Quốc, Motorola tiếp tục phát triển thương hiệu này độc lập. Mới nhất, họ tung ra mẫu Moto G mới với giá rẻ, Moto X Play cho người dùng năng động và Moto X Style với khách hàng ưa hình thức.
Xiaomi, công ty được ví như “Apple của Trung Quốc”, lại chọn châu Phi làm thị trường nước ngoài tiềm năng, sau khi khá thành công tại Ấn Độ. Thương hiệu này phát triển bởi chiến lược khá đơn giản mà không tốn nhiều công quảng bá. Họ bán thiết bị qua kênh trực tuyến nhằm giảm chi phí marketing, đồng thời sử dụng mạng xã hội làm cách truyền bá bằng kế hoạch “flash sale”.
Xiaomi thường bán máy với số lượng hạn chế theo đợt để người dùng có cảm giác rằng nếu không mua ngay thì sẽ hết cơ hội. Bạn từng đọc thông tin nói, smartphone Xiaomi Mi4 đã bán hết sạch chỉ trong 37 giây sau khi cho đặt hàng, đó chính là nghệ thuật “đòn tâm lý” mà công ty Trung Quốc áp dụng.
Video đang HOT
Trong khi đó, Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới (bao gồm giải pháp và thiết bị mạng, không riêng smartphone), đã tách Honor thành thương hiệu độc lập. Sở dĩ vậy bởi tên gọi này dễ phát âm với người phương Tây, thu hút khách hàng trẻ, những người chuộng thời trang đang tìm kiếm những smartphone đẹp, thông số kỹ thuật cao mà giá phải chăng.
Thiết bị mới nhất của hãng, chiếc Honor 7, nổi bật với màn hình Full HD 5,2 inch, cảm biến vân tay, camera chính 20 megapixel, máy ảnh trước 8 “chấm” nhưng giá khoảng 380 USD, bằng một nửa so với các sản phẩm đến từ thương hiệu tên tuổi.
“Trước đây, các nhà sản xuất Trung Quốc thường tung ra điện thoại giá rẻ, cấu hình cũng “bèo bọt”, song điều này dần thay đổi. Gần đây, một số công ty như Huawei hay Xiaomi “đánh” vào phân khúc tầm trung bằng các smartphone cấu hình cao, thiết kế đẹp”, nhà phân tích của CCS Insight chia sẻ.”Khi người dùng bắt đầu hiểu về các sản phẩm của những công ty này là “đủ tốt” mà giá lại rẻ, cấu hình tốt hơn so với thương hiệu lớn, khách hàng sẽ có cái nhìn tích cực”.
Smartphone Trung Quốc dần khẳng định bằng các sản phẩm tốt mà giá cạnh tranh.
Chủ tịch Honor, ông George Zhao nhận xét, nhiều người châu Âu vẫn mua smartphone với hợp đồng nhà mạng, nhưng trong tương lai những thiết bị không ràng buộc và bán qua kênh trực tuyến sẽ phổ biến. “Cách đây bốn, năm năm, ở Trung Quốc bán điện thoại qua thương mại điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. Nhưng con số vào năm 2015 đã lên đến 27, 28%”.
“Tại châu Âu, thương mại điện tử sẽ rất tiền năng bởi nó làm giảm nhiều chi phí trung gian. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất sẽ dồn tất cả vào trải nghiệm người dùng”, ông Zhao nhấn mạnh. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Honor vẫn cần hợp tác chặt chẽ để bán smartphone qua các nhà mạng.
Samsung và Apple với 22% và 16% thị phần smartphone toàn cầu, đang giữ khoảng cách khá lớn với các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên nhà phân tích của CCS Insight chỉ ra rằng, thương hiệu không phải là tất cả, những thiết bị có thiết kế đẹp, hiệu suất tốt so với giá thành sẽ được khách hàng để ý đến.
“Ví dụ rõ ràng là cách đây 15 – 20 năm, những công ty như LG và Samsung đã bán lò vi sóng giá rẻ tại các cửa hàng giảm giá”, ông Wood nói. “Qua thời gian, các công ty này đã trở thành những thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới. Sẽ là chủ quan nếu bỏ qua các nhà sản xuất Trung Quốc, bởi họ có thể tạo ra những bước đột phá trong những năm tới”.
Đình Nam
Theo VNE
Smartphone Trung Quốc giá rẻ ồ ạt về Việt Nam
Từ thương hiệu lớn, phổ biến như Huawei, Xiaomi, Lenovo cho tới những cái tên lạ như Coolpad, LeTV hay Elephone... đều có smartphone tầm giá thấp.
Thị trường điện thoại xách tay trong nước đang chứng kiến màn đổ bộ rầm rộ của smartphone Trung Quốc. Không ít cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM lúc trước chuyên kinh doanh smartphone Nhật hay Hàn Quốc, nay chuyển sang tập trung vào các thương hiệu Trung Quốc. Ngoài những nhãn hiệu quen thuộc như Huawei, Lenovo, Xiaomi hay Meizu, gần đây nhiều cái tên lạ như Elephone, LeTV... cũng được bày bán.
Trong số đó, Mi4, Redmi Note 2 của Xiaomi hay K3 Note của Lenovo, M2 của Meizu đang là những mẫu bán rất chạy. Lúc mới về, chúng còn tạo ra những cơn sốt nhẹ, hàng không đủ bán. So với điện thoại xách tay Nhật, Hàn cùng tầm, smartphone Trung Quốc giá rẻ giờ được chuộng hơn cả.
Trên hội, nhóm người dùng yêu thích đồ công nghệ và smartphone, sản phẩm mới ra của các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Meizu cũng nhận được nhiều quan tâm. Thông tin sản phẩm vừa có mặt ở Việt Nam đã nhận được các bình luận rôm rả, thậm chí còn được săn lùng để trải nghiệm thử. Chưa có mặt chính thức, Xiaomi vẫn có diễn đàn cho người dùng và fan của họ tại Việt Nam với khoảng trên 5.000 thành viên.
Sức hút của những smartphone Trung Quốc là cấu hình mạnh nhưng giá rẻ, Đức Quang, một thành viên của diễn đàn MIUI Việt Nam chia sẻ. Sản phẩm của Xiaomi, Meizu hay Lenovo có tính năng, thông số kỹ thuật và hiệu năng tương đương smartphone cao cấp của Samsung, Sony, HTC, Apple nhưng giá rẻ một nửa, thậm chí có khi bằng một phần ba.
Ví dụ, chiếc Redmi Note 2 của Xiaomi có giá hơn 3 triệu đồng nhưng được trang bị tới màn hình Full HD IPS, chip 8 nhân đời mới, RAM 2GB. Trong khi đó, nếu tìm sản phẩm tương tự của các thương hiệu như Samsung, Sony hay HTC, một là phải trả tiền cao gấp đôi cho hàng mới hoặc chỉ chọn được hàng đã qua sử dụng và dễ dính phải hàng dựng, anh Quang chia sẻ.
Trên nhiều mẫu smartphone giá rẻ chỉ vài triệu đồng của thương hiệu Trung Quốc, người dùng đã có thể trải nghiệm được những công nghệ mới như cảm biến vân tay, màn hình 4K hay camera chỉnh tay, hỗ trợ phơi sáng...
Tuy nhiên, dù thương hiệu và mẫu mã đa dạng, smartphone Trung Quốc ở Việt Nam mới chỉ phổ biến và gây ảnh hưởng ở tầm trung và giá rẻ, dưới 5 triệu đồng, anh Hà Mạnh Tuấn, quản lý một cửa hàng ở phố Huế (Hà Nội) nhận xét. Nếu đắt tiền hơn, người dùng vẫn thích các thương hiệu tên tuổi.
Vì thế, ở thị trường xách tay, các cửa hàng kinh doanh smartphone Trung Quốc chủ yếu tập trung vào sản phẩm tầm trung, giá dưới 5 triệu đồng. Còn với hàng chính hãng, các thương hiệu Trung Quốc khi đưa sản phẩm về Việt Nam vẫn hạn chế sản phẩm cao cấp giá trên 10 triệu đồng, thay vào đó là các mẫu tầm trung giá khoảng 6 đến 8 triệu đồng.
Anh Đinh Quang Lộc, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại Trung Quốc lâu năm cho rằng, khách mua smartphone Trung Quốc đang tăng dần lên. Tuy nhiên, người dùng chủ yếu hiện giờ vẫn là dân công nghệ hoặc học sinh, sinh viên vốn có thu nhập chưa cao để đầu tư vào điện thoại.
Chất lượng, tính năng của chúng ngày càng tốt, tuy nhiên, tâm lý của hầu hết mọi người là không thích hàng công nghệ Trung Quốc. Các vụ phát hiện ra hàng nghìn máy tính bảng, điện thoại Trung Quốc có cài sẵn mã độc, đánh cắp dữ liệu, trộm cước... khiến nhiều người không tin tưởng chọn mua. Bên cạnh đó, phần lớn điện thoại Trung Quốc xách tay đều không hỗ trợ tiếng Việt, gặp lỗi danh bạ và phải chạy lại phần mềm để cài đặt thêm dịch vụ của Google dù chạy Android.
Nhưng anh Lộc cũng dự đoán, nếu các hãng Trung Quốc đầu tư nghiêm túc vào thị trường Việt Nam và thêm nhiều thương hiệu nữa gia nhập chính thức, như Xiaomi, smartphone Trung Quốc có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn tới những thương hiệu kỳ cựu.
Tuấn Anh
Theo VNE
Cách Trung Quốc làm ra những chiếc smartphone siêu rẻ Nhiều công ty Trung Quốc có thể nhảy vào sản xuất điện thoại thông minh do hệ điều hành Android mở miễn phí, chip xử lý và thiết kế mẫu đều sẵn có. Hơn một năm trước, Liang Liwan, doanh nhân 38 tuổi chưa từng biết đến việc sản xuất smartphone. Tuy nhiên năm nay, ông hi vọng cho ra thị trường 10...